Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Dân muốn học “kinh nghiệm làm giàu” của quan chức




. Phóng viên: Ông nói tham nhũng không còn tinh vi nữa mà là trắng trợn, ai cũng thấy. Nhưng tại sao chúng ta nói mãi vẫn không giải quyết được tình trạng đó?
 
+ ĐBQH Lê Nam: Đấy là vấn đề chúng ta đang bàn. Ý kiến của tôi cũng chưa phải là phản ánh đúng hết được những đánh giá về tình hình tham nhũng. Nhưng rồi đây các cơ quan có trách nhiệm phải có tổng kết đánh giá để trả lời câu hỏi vì sao. Phải trả lời rõ vì sao thì mới rõ các giải pháp cụ thể.

. Theo ông là vì sao?

+ Có rất nhiều nguyên nhân, về cơ chế, chính sách, về thiết chế. Chẳng hạn như việc quản lý DNNN, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà chúng ta đang nói đến rất nhiều, đấy là do cơ chế, chính sách hay là nguyên nhân về các cơ chế kiểm tra giám sát, luật pháp? Thứ hai là bộ máy cơ quan thực hiện chức năng chống tham nhũng. Vừa qua Trung ương 5 đã đổi rồi và chúng ta cũng đang hy vọng. Nhưng tôi cho rằng nếu không có những giải pháp cụ thể thì dù báo cáo, diễn văn, nghị quyết tràn ra đấy cũng sẽ không giải quyết được gì cả.



Biệt thự nhà vườn trăm tỉ đồng được cho là của con trai bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Ảnh: HUY HOÀNG

Tôi ví dụ như tham nhũng trong giao thông thì phải làm thế nào? Có những con đường vừa mới làm xong đã hỏng, ngay cả đại lộ Đông Tây ở TP. HCM cũng hỏng rồi, bằng mắt thường người dân cũng cảm nhận được. Hoặc như bây giờ có ông bí thư tỉnh ủy có con trai làm cái nhà đến hàng trăm tỉ đồng ngay trước mắt nhân dân. Tôi cho đó là vấn đề quan trọng trong chống tham nhũng. Phải chọn vấn đề cụ thể để làm mạnh mẽ, làm cho ra.

. Bây giờ có hiện tượng người dân thấy rất rõ là quan chức của chúng ta rất giàu, con cái họ cũng rất giàu trong khi nếu chiếu theo tiền lương thu nhập của họ thì không thể lý giải được?

+ Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri cũng đã có cử tri nói đến câu chuyện này. Có cử tri đặt vấn đề thẳng với một số người tại cuộc tiếp xúc: “Xin ông truyền đạt giúp cho dân kinh nghiệm làm giàu. Vì sao chúng tôi cũng học hành đến nơi đến chốn, cũng một nắng hai sương, lao tâm khổ tứ, tận tụy chí thú làm ăn mà mãi như thế. Còn ông cũng học cùng chúng tôi như thế, lương ông tôi biết như vậy mà sao ông giàu nhanh thế, có thể truyền kinh nghiệm làm giàu cho dân hay không”. Tôi cho đấy là vấn đề. Thậm chí bây giờ rất nhiều người cũng không sợ nữa, ví như báo chí nói vụ con trai ông bí thư Hải Dương xây nhà trăm tỉ. Họ chẳng sợ gì, họ vẫn cứ làm thôi, mà như vậy là họ rất coi thường dân.

. Đảng đang phát động chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Trung ương 4. Vậy theo ông, Đảng có nên lấy những chuyện đập vào mắt dân như vậy để chỉnh đốn trước tiên hay không?

+ Đảng đã thấy rồi. Nghị quyết của Đảng chẳng thiếu gì cả. Vấn đề là các cấp ủy đảng có triển khai, có làm thật hay không. Tôi thấy vừa rồi cũng đã tiến hành một số việc đáng hoan nghênh, như tổ chức cho các vị lãnh đạo về hưu góp ý kiểm điểm cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư đương chức. Nhưng đến nay cũng chưa thể kết luận gì cả. Chúng ta vẫn phải chờ và hy vọng thôi.

. Xin cảm ơn ông.

Chính phủ nhận định “tham nhũng ngày càng tinh vi” nhưng tôi cho rằng tham nhũng không còn tinh vi nữa mà là công khai, trắng trợn. Như vụ Vinalines mua ụ nổi No.83M. Cái ụ đó người ta vứt đi hàng chục năm nhưng Vinalines mua về với giá hàng chục triệu USD rồi bỏ xó không hoạt động. Nó lù lù như thế thì làm sao nói là tinh vi được.
 Ông Lê Nam - Phó đoàn ĐBQH Thanh Hóa, phát biểu sáng 24-5 tại buổi thảo luận tổ

“Tài sản có được từ mồ hôi, nước mắt”

Đó là khẳng định của ông Bùi Thanh Tùng (con trai Bí thư Hải Dương Bùi Thanh Quyến) với VNN khi trả lời những câu hỏi liên quan đến khu nhà vườn trăm tỉ tại Ninh Giảng, Hải Dương được cho là của ông. Ông Tùng nói số tiền mà ông có được để bỏ ra xây dựng ngôi nhà tọa lạc trên khu đất hơn 4.000 m2 này là tiền mồ hôi, nước mắt, xuất phát từ trí tuệ, vận động cá nhân chứ không phải là dựa dẫm vào bất kỳ ai, vào mối quan hệ nào. Được biết ông Tùng sinh năm 1980, đang công tác tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương.

Ngày 24-5, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp QH về vụ việc này, ĐBQH Bùi Thanh Quyến - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nói: “Thông tin đăng trên báo, các phóng viên xem, tôi cũng xem. Nhưng vấn đề có khách quan hay không, tôi nghĩ chính là các báo phải xem xét việc đó. Tôi nói ra chưa chắc đã khách quan. Vấn đề này phải xem xét một cách cụ thể và sau này tất cả những điều này sẽ được làm sáng tỏ”.

Về ý kiến cho rằng con trai ông là một công chức nhà nước nhưng lại sở hữu một khối tài sản kếch xù như thế liệu có gây dư luận xấu trong xã hội, ông Quyến nói: “Tôi nghĩ là với trách nhiệm của phóng viên, báo chí tự tìm hiểu”.

THÀNH VĂN

THANH HOA thực hiện

Việt Nam đứng thứ 112/183 nước trên bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2011

Theo kết quả khảo sát Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng CPI năm 2011 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế thực hiện, Việt Nam được 2,9 trên 10 điểm, xếp hạng 112 trên 183 quốc gia, chứng tỏ tình trạng tham nhũng tại Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng, không có thay đổi đáng kể so với bảng xếp hạng năm ngoái xét về mức độ tham nhũng trong lĩnh vực công.

Năm ngoái, Việt Nam xếp thứ 116 trên tổng số 178 nước được khảo sát, với 2,7 điểm.

Trên thang điểm đánh giá từ 0, tức tham nhũng ở mức độ cao, tới 10 điểm, tức mức cực kỳ trong sạch, hai phần ba các nước trong bảng xếp hạng có điểm số dưới 5.

Dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng CPI năm nay là New Zealand, đạt 9,5 điểm. Theo sau là Phần Lan và Đan Mạch. Somalia và Bắc Triều Tiên nằm chót bảng.

Theo Tổ chức Minh Bạch Quốc tế, làn sóng biểu tình khắp nơi trong năm nay chứng tỏ sự căm phẫn của quần chúng trước tình trạng tham nhũng trong chính trị và trong lĩnh vực công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét