Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Chiêu thức mới của những doang nghiệp lưu manh: Giữ bằng đại học khi nhận việc


Revolution fist.jpg
"Trong bối cảnh xã hội mà những quyền cơ bản của con người bị hạn chế và ngăn cản thì đó là miếng mồi ngon cho những kẻ kinh doanh mồ hôi xương máu của con người. Bản thân người lao động không có thói quen đòi quyền lợi trước một nhà nước độc tài hà khắc, thì nay họ càng ngơ ngác trước các chủ tư bản nước ngoài. Nhà nước độc tài, giới chủ bóc lột và công đoàn nhà nước cùng hướng tới một mục tiêu: Đó là kìm kẹp và bóc lột sức lao động của người Công nhân để thu được lợi nhuận tối đa. " - Huỳnh Công Đoàn

Với lý do “sợ” người lao động (NLĐ) nhảy việc nên thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) đã dùng chiêu yêu cầu nộp bằng ĐH gốc để giữ chân.

                             Giữ bằng đại học -

                     Lao động trẻ không nên nộp bằng gốc khi xin việc - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

“Giữ hộ” nhưng khó đòi lại!

Tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội năm 2011, vì muốn ở lại Hà Nội công tác, Đỗ Thị Hương (quê Thanh Hóa) nộp đơn xin việc vào một công ty thuốc bảo vệ thực vật. Sau vòng loại hồ sơ, phỏng vấn, cô được tuyển dụng. Mặc dù tìm được công việc đúng ngành nghề, song cô gái trẻ vô cùng băn khoăn khi công ty đưa ra đề nghị “giữ hộ” bằng ĐH gốc.

Hương kể: “Mình không đồng ý với yêu cầu đó nên họ đã trả lại hồ sơ. Tiếp tục nộp đơn vào một công ty khác, họ cũng đòi bằng ĐH gốc vì lý do công ty cần ổn định, không muốn có sự xáo trộn nhân sự. Mặc dù có một chút tiếc nuối vì ở công ty này mức lương cao hơn, nhưng sau khi tham khảo ý kiến bạn bè, những người xung quanh, mình quyết định từ chối. Nghĩ lại thấy quyết định của mình là sáng suốt, giờ mình đã có một việc làm ổn định tại một công ty liên doanh của Nhật với mức lương 7 triệu đồng/tháng mà chẳng cần phải có ràng buộc nộp bằng ĐH”.

Nguyễn Minh Tùng, tốt nghiệp ngành cơ khí (ĐH Bách khoa Hà Nội), cũng từng bị DN tuyển dụng lao động yêu cầu hồ sơ kèm theo bằng gốc cho biết: “Họ bảo, nộp bằng gốc để lưu vào hồ sơ công ty, nhưng hoàn toàn không ghi vào hợp đồng đã giữ bằng của mình. 4 năm học hành vất vả mới có được tấm bằng ĐH, thật vô lý khi giao “tài sản” của mình cho người khác cầm hộ. Chưa kể, giữ bằng rất bất tiện, sau này muốn học tiếp, hoặc có cơ hội tìm việc mới đều rất khó khăn”.

Tuy nhiên, với tâm lý muốn đi làm ngay, nhiều bạn trẻ đã vội vã nộp bằng mà không hề suy nghĩ, khi xảy ra chuyện mới hối tiếc. Anh Trần Văn Tuấn (quê Ba Vì, Hà Nội) từng làm việc tại một công ty dược, bộc bạch: “Lúc mới ra trường, nôn nóng kiếm được việc làm ở thành phố nên chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, tôi đã nộp bằng dược sĩ kèm theo cam kết phải làm việc trong vòng 10 năm. Thế nhưng, công ty lại phân công công việc không phù hợp, hơn nữa chẳng có kế hoạch sử dụng người đúng năng lực. Chán nản, tôi xin thôi việc, công ty không những không cho hưởng các khoản trợ cấp thôi việc mà còn “giam” bằng khiến mấy tháng sau tôi mới tìm được việc”.


Trường hợp hơn 13 nhân viên của Công ty CP chứng khoán Worri còn khốn khổ hơn. Mặc dù xin nghỉ việc từ cuối năm 2011, song phải mất nửa năm “kêu cứu” đến Sở LĐTBXH, Liên đoàn Lao động TP, thanh tra Bộ LĐ-TB-XH, gần đây mới được công ty trả lại bằng gốc.

Ông Bùi Tuấn Anh, Giám đốc công ty chuyên về thiết bị y tế, có trụ sở tại Trung Hòa - Nhân Chính, cho rằng, DN làm vậy để “nắm đằng chuôi”, chứ thực ra không muốn giữ bằng của NLĐ. “Do NLĐ có tâm lý đứng núi này trông núi nọ, thấy chỗ khác lương cao hơn là muốn nhảy việc. Họ không hiểu rằng, sau khi tuyển dụng, DN mất công mất sức đào tạo, khi “đủ lông đủ cánh” họ đã vội bay” - ông Tuấn Anh nói.

Trái pháp luật


Tuy nhiên, theo ông Lê Hữu Long - Phó Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB-XH, việc giữ bằng đại học của NLĐ là trái quy định của pháp luật. Khi mối quan hệ giữa chủ DN và NLĐ gặp khúc mắc, thanh tra chức năng vào cuộc mới phát hiện ra.

Còn luật sư Phạm Thanh Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Phạm Hoàng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, Bộ luật Dân sự quy định các giấy tờ nhân thân (như bằng đại học, chứng minh thư...) là tài sản thuộc sở hữu cá nhân, được pháp luật bảo vệ. Hồ sơ tuyển dụng lao động chỉ gồm: đơn xin việc, sơ yếu lý lịch, bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế… Vì vậy, DN không được phép giữ bằng gốc của NLĐ.

Nếu xảy ra hư hỏng, cháy nổ, mất cắp thì sẽ gây thiệt hại lớn cho NLĐ. Mặt khác, việc giữ bằng sẽ ảnh hưởng tới quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của NLĐ vì DN có thể dùng bằng này để gây sức ép. Khi NLĐ chấm dứt hợp đồng vì bất cứ lý do gì, nếu DN không trả lại bằng, NLĐ hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa. “Tuổi trẻ thường có nhiều ước mơ, hoài bão. Nhiều cơ hội việc làm vẫn đang chờ các bạn. Đừng quyết định vội vàng, kẻo sau này hối tiếc” - luật sư Tùng chia sẻ.

Theo Thanh niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét