Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012
(Người Trí thức Hành động và Dẫn đường) -phần kết
1-5 Câu hỏi và trả lời : Thi Vũ Võ Văn Ái | Quê Mẹ
(Người Trí thức Hành động và Dẫn đường)
Đối với ngoại cảnh, do vô minh nên không chân nhận được thực tướng vô ngã, vô thường của sự vật. Đối với nội tâm, vì vô minh nên quay cuồng theo sự phân biệt, vong thức. Giải quyết được vô minh là giải quyết tất cả.
Nói về vô minh của loài người hôm nay đây, vào năm 2009, thì phát kiến khoa học được bao trùm đến chân tơ kẽ tóc, nhưng đứng trước vũ trụ vô biên, khoa học vẫn còn ở vị thế vô minh. Chúng ta, tức khoa học, chỉ mới nắm vững trên phạm vi kiến thức 10% vật chất trong vũ trụ mà thôi. 90% cái gọi là “Vật Đen” (Dark matter / Matière noire) hùng cứ trong vũ trụ mà các nhà khoa học bắt đầu có khái niệm vào những năm 30 thế kỷ XX. Vật Đen vẫn còn là dấu hỏi lớn, vẫn còn trong dạng vô hình, chưa nắm bắt, hiểu biết. Vũ trụ còn che giấu 90% khối lượng nguyên tử của nó, nên chúng ta còn vô minh về 90% khối lượng (vật đen) hiện hữu. Kiến thức nhân loại về vũ trụ chỉ mới đạt ở mức độ 10% mà thôi. Dễ sợ cho những ai dương dương tự đắc về sự hiểu biết hay thông tuệ của mình.
Từ điểm ưu Phật giáo nói trên mà Việt Nam đào luyện ra những con người biết đối ứng với cuộc thế một cách sáng tạo và hùng tráng, như Sư bà Thiều Hoa (một bà Ni, tức nữ tu) năm 36 Tây lịch mộ 500 quân đến ứng chiến với Hai Bà Trưng, rồi tới những Phật tử tham gia 9 cuộc kháng chiến của Khu Liên, Chu Đạt, Lương Long, Khổng Chi và Trụ thiên tướng quân (thế kỷ II TL.) ; anh em bà Triệu Thị Trinh (năm 248 TL.) ; Phật tử Lý Nam Đế dựng lên nhà nước độc lập Vạn Xuân (năm 544 TL.), các đạo sư, thiền sư, cư sĩ Phật tử như Đinh Bộ Lĩnh, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, v.v… qua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê trong việc dựng nước, giữ nước và cứu người.
Một ưu điểm hiếm thấy so với các quốc gia Phật giáo Á châu khác, là vai trò nổi bật của người Cư sĩ Phật giáo trên hai lĩnh vực đạo và đời. Cư sĩ là các nam, nữ Phật tử tu tại gia. Đức Phật Thích Ca xây dựng Cộng đoàn Phật giáo trên bốn tập thể (tứ chúng) : Tăng (nam tu sĩ), Ni (nữ tu sĩ), nam Cư sĩ tu tại gia và nữ Cư sĩ tu tại gia. Nhìn vào các phổ hệ thiền tại Việt Nam sẽ thấy điểm nổi bật ấy. Thường các phổ hệ thiền của các môn phái Phật giáo chỉ thấy tên tuổi đắc pháp của các bậc thiền sư, tức tăng sĩ (các vị xuất gia). Nhưng tại Việt Nam, xuất hiện nhiều Cư sĩ đắc pháp trong các phổ hệ thiền.
Vì pháp lý bình đẳng (chữ Phạn là sama) trong giới người theo đạo Phật bị sa sút, nên ngày nay mới có hiện tượng Tăng sĩ xem Cư sĩ như người sai vặt, kẻ thủ từ, người mang lại két tiền cho chùa. Chứ xưa kia, Cư sĩ không như thế. Vai trò Cư sĩ ở thời đại lập quốc Việt Nam vừa đảm nhiệm vai trò Hộ Pháp (bảo vệ giáo lý giác ngộ), còn hoàn tất cự phách việc Hộ Dân (cứu dân) và Hộ Quốc (bảo vệ nước). Cư sĩ xông vào thế sự - chứ không là thế tục - giải quyết việc thế giới. Chất thế lấn át chất tục trong con người Cư sĩ Phật giáo. Thế ở đây là sinh mệnh nhân loại trong thế giới, mà thế giới cần được hiểu trên hai phạm trù thời gian (thế) và không gian (giới).
Dòng thiền Pháp Vân của ngài Tì Ni Đa Lưu Chi kéo dài từ thế kỷ VI đến thế kỷ XIII gồm toàn các tăng sĩ đắc pháp (kẻ nắm bắt chân lý giác ngộ của đạo Phật). Sang đến dòng thiền Kiến Sơ của ngài Vô Ngôn Thông, từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII, thì 13% thiền sư đắc pháp là Cư sĩ (người tu tại gia). Dòng thiền Thảo Đường từ thế kỷ XI đến một thế kỷ rưởi sau có 50% thiền sư đắc pháp là Cư sĩ. Sau đấy một dòng thiền đặc thù và tổng hợp của Phật giáo Việt Nam là dòng thiền Trúc Lâm Yên tử, đỉnh cao của giới Cư sĩ tham dự trong đời sống giác ngộ đạo cũng như hoàn mãn việc thế sự, được biết dưới chủ trương Cư trần lạc đạo- sống tại thế nhằm thể hiện đạo - đúng theo phong thái của Phật giáo đại thừa “Phật giáo không lìa thế gian để hoàn thành sự giác ngộ”(Phật giáo bất ly thế gian giác). Điều này có nghĩa là tất cả các pháp (sự lý trong đời) đều là Phật Pháp. Một đạo Phật như thế hẳn nhiên là sự chung dự thiết tha và thiết yếu với đời sống con người trên mặt đất. Tôi quan niệm và tin tưởng một đạo Phật như thế.
Vua Trần Nhân Tông hai lần cầm quân chống Nguyên Mông và đại thắng, là một Cư sĩ Phật giáo. Sau trở thành Thiền tổ của dòng Thiền Trúc Lâm. Trần Hưng Đạo là một cư sĩ, Tuệ Trung thượng sĩ là một thiền sư cư sĩ nhưng vẫn cầm quân giữ nước chống Nguyên Mông, xong việc nước mới trở về chùa viện. Sự tham dự của người Cư sĩ Phật giáo vào các lĩnh vực chính trị, văn hóa, ngoại giao, kinh bang tế thế rất phổ biến và đặc thù trong quá trình dựng nước, giữ nước, cứu người, từ cuộc kháng chiến vệ quốc của Hai Bà Trưng tiếp đến các triều đại lâu sau.
Điểm khuyết của Phật giáo Việt Nam ở thời hiện đại, là người học đạo thì nhiều, nhưng người chứng đạo không bao lăm. Người thuyết pháp nhiều, nhưng người thể hiện giáo lý đạo Phật vào cuộc đời hằng nhật quá hiếm hoi. Nói tóm, tu đạo thì có, hóa đạo còn sơ sài.
Đặc biệt là sự vắng bóng của giới Cư sĩ Phật giáo trên chính trường nước Việt. Một thiệt thòi cơ bản cho sự phát triển Việt Nam.
Đương nhiên giới Cư sĩ Phật giáo rất đông. Song họ chuyên tu đạo Phật hơn hành động Phật giáo tức thể hiện Phật trong đời. Đến khi hành động họ tham gia các phong trào phi Phật giáo hoặc phản Phật giáo, thay vì gia công hình thành con đường hành động mới, dựa trên lòng từ bi và trí tuệ. Năm 1963 cuộc tranh đấu cho tự do tín ngưỡng thành công, là cơ hội bằng vàng cho Phật giáo mang lại giải pháp mới để hình thành tự do, bình đẳng, công lý trước ý thức hệ thảm sát của Cộng sản. Nhưng giới lãnh đạo Phật giáo đã đánh mất cơ hội này. Từ năm 1966 trở đi cuộc phân hóa trong cộng đồng Phật giáo trở thành trầm trọng cho tới hôm nay, 2009. Khởi từ sự phân hóa trong giới Tăng lữ lãnh đạo nên mất trí tuệ điều hành cuộc chống trả các thế lực áp đảo bên ngoài nhằm mở ra viễn kiến dân tộc và nhân loại.
Do thiếu kiến thức về thế giới, mắc cạn trong chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nên một số lãnh đạo Phật giáo không có giải pháp thời thế, bị các thế lực đảng phái khuynh loát, là những nguyên nhân phân hóa giới lãnh đạo Phật giáo làm cho khối lượng quần chúng vạm vỡ Phật giáo không phát triển và tê liệt theo.
Tôi có cảm tưởng ngày nay đa số người tu đạo Phật phục vụ cái chết nhiều hơn sự sống. Tiêu đích họ nhắm là xin chiếu khán vào Niết Bàn, chứ không truyền thừa con đường cứu khổ - trừ diệt vô minh - của đạo Phật, đặc biệt là sinh thức “Cư trần lạc đạo” của nền Phật giáo dân tộc.
Mặt khác do quan điểm thời gian vô hạn, sống nhiều kiếp, nên quán tính lần lữa, trì hoãn, bó tay, không cho họ giải quyết việc đời : Kiếp này không thực hiện được thì chờ kiếp sau, kiếp này không lấy nhau được thì hẹn kiếp lai sinh… đại khái như thế. Trong khi người phương Tây chỉ có tối đa 100 năm để sống, nên họ thu xếp thực hiện mọi sự cho kỳ được nơi cõi trăm năm.
Do có thời gian mênh mông của nhiều kiếp nên trong giới Phật tử còn ít người chú tâm gầy dựng cảnh nhân gian tịnh độ trên trái đất và trước hiện tiền. Họ quên bẵng một cõi Nhân gian tịnh độ có thể thiết lập trên mặt đất. Họ khoán trắng cõi Tịnh độ cho đức Phật A Di Đà nơi cõi Tây phương Cực lạc. Khí thế Phật giáo Lý – Trần chỉ được nhắc nhở, đề cao nhằm thoa vuốt mối tự hào hão, nhưng không được hồi sinh, tái tạo trong Ý thức Dung hóa với xu thế toàn cầu và những tiến bộ ngất trời của nhân loại.
Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo khởi từ những năm 20 thế kỷ trước, tôi chỉ thấy một Cư sĩ Phật giáo gương mẫu có ý thức và có hành động thiết lập cõi Nhân gian tịnh độ là Cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Văn Kha ở đất Thăng long. Nhưng ông đã bị Việt Minh bức tử trong phong trào Cải Cách Ruộng đất.
Nhân tổ chức phòng triển lãm tranh tại Paris năm 1967, Henry Miller từ Hoa Kỳ đến thăm tôi, mang một tấm tranh tặng cháu Ái Anh, cháu gái đầu lòng mới sinh. Anh là cha đỡ đầu của cháu. Henry Miller nói một câu làm tôi giật mình và suy gẫm nhiều năm sau : “Ba nghìn năm qua có ai thành Phật sau đức Thích Ca không ?”
4. Lê Thị Huệ: Ông có thể cho biết những đóng góp nổi bật nào của văn hoá Phật Giáo vào trong văn hóa Việt Nam từ trước đến nay ?
Võ Văn Ái : Trong nền văn hóa chủ lưu dân tộc, sắc thái văn hóa Phật giáo rất đậm nét. Nhìn vào kho tàng ca dao, tục ngữ, là mức suy tưởng bộc trực của quần chúng mà ta có thể gọi như nền triết lý đối ứng chưa hệ thống thành triết học, cho đến các tác phẩm bác học đủ minh chứng cho nhận định này. Tâm thức cũng như hành hoạt con người Việt gắn kết với định luật nhân quả (ác giả ác báo) và lòng thương người (lòng từ, thuật ngữ Phật giáo gọi lòng từ bi - kârun?a - mang nghĩa từ là cho vui, bi là cứu khổ). Hiển nhiên nước nào lại không công nhận hay đề cao lòng thương người, lòng bác ái, vậy Việt Nam có gì ngoại lệ ? Thế nhưng, thể hiện lòng thương theo ý thức nhị nguyên (dualism), hay lòng thương là vật tự thân của nguyên lý bất nhị (non-duality), khác nhau lắm trong tiến trình tư tưởng và hành động. Một bên có chủ đích, một bên bất vụ lợi. Câu nói bình dân “thương người như thể thương thân” đại biểu cho ý thức Phật giáo thấm vào lòng ý thức dân tộc. Qua câu này giáo lý Vô ngã, tức giáo lý duyên khởi, duyên sinh cơ bản của Phật giáo được thể hiện một cách tự nhiên và đầm ấm, chứ không là khẩu hiệu hô hoán hay động viên.
Ảnh hưởng cận đại thì căn bản là tâm tư người Phật tử Việt Nam biến thành thái độ chính trị để rộ nở ra văn học nghệ thuật. Đỉnh mốc của ảnh hưởng Phật giáo trong lòng dân tộc rõ nét nhất từ 1963 trở đi. Một sinh-thức-mới phi nhị tướng cũng gọi là bất nhị (non-duality) ra đời đối diện nhằm hóa giải tư tưởng khủng hoảng của Tây phương mà chiến tranh lạnh làm đầu mối cho sự sụp đổ toàn triệt của phương Tây mà chúng ta sẽ chứng kiến vào cuối thế kỷ XXI.
Tuy nhiên cần cảnh giác lý nhân quả để đừng biến nó thành chủ nghĩa định mệnh. Nhân nào quả ấy, ai gây nhân kẻ ấy gặt quả, là đúng. Nhưng hiện nay đa số Phật tử thụ động ngồi chờ sự “ác giả ác báo” ấy như một thứ Phán xét cuối cùng (Jugement dernier), nhưng chẳng ra tay ngăn cản các nhân ác hoành hành.
Trên kia tôi có nhắc biểu tượng cây lúa. Hạt lúa là nhân, cây lúa là quả. Nhưng để cho nhân hình thành ra quả cần có các duyên. Thiếu duyên không thành quả. Duyên đây là đất, nước, gió thuận, mưa hòa, phân bón và sức lao động người nông dân. Thiếu duyên cây lúa bất thành. Cũng thế, nhân tốt là tình yêu, nhưng không có duyên bảo vệ, chia sẻ thì quả hạnh phúc vợ chồng khó hiện hữu. Cho nên có nhân có quả còn phải có duyên lành, mà ta cần hiểu như NHÂN DUYÊN QUẢ để không rơi vào thái độ yếm thế biến NHÂN QUẢ thành chủ nghĩa định mệnh, chờ thời.
Nhân Cộng sản xấu ác đưa tới Quả địa ngục cho Việt Nam. Hẳn phải như thế, khi chưa có sự chung dự của những biệt nghiệp lành (karma individuel, nghiệp của từng cá nhân) của những cá thể nhằm chuyển hóa cộng nghiệp xấu ác (karma collectif, nghiệp của tập thể, cộng đồng).
Vì vậy, Quả tự do cho một nước Việt Nam vẫn có thể hiện thực nếu duyên dấn thân của Người Việt can dự để chuyển Nhân xấu ác Cộng sản thành Quả tự do, dân chủ cho đất nước. Luật Nhân quả cần một khoảng thời gian chuyển biến như một tiến trình. Tiến trình ấy ngắn hay dài tùy thuộc vào duyên can dự. Phật giáo còn quan niệm một Nhân-Quả-đồng-thời, đủ biết khả năng thiên hình vạn trạng mà ý chí con người có thể tham dự để biến khổ đau thành hạnh phúc, nô lệ thành tự do.
Văn hóa Phật giáo là Văn hóa Giác ngộ và Cứu khổ, tiền đề cho Ý thức Sáng tạo trong đời sống và Ý thức Cấp cứu khi nguy biến. Lịch sử dân tộc là một chuỗi dài tham dự cứu nguy của toàn thể quần chúng các giới nhờ thấm nhuần tư tưởng đạo Phật trên ba nguyên lý từ bi (kârun?a), trí tuệ (prajñâ), bình đẳng (sama).
Pháp bình đẳng rất chủ yếu trong đạo Phật. Từ nhận thức chúng sinh đều có tính Phật (Phật tính) nên mọi người đều đồng đẳng, không phân biệt cao thấp, oán thân, giai cấp. Do pháp bình đẳng, lúc sinh thời Đức Phật Thích Ca đã phủ nhận chế độ giai cấp (tứ tính bình đẳng) ở Ấn độ. Trong kinh sách Phật giáo còn phát triển pháp lý bình đẳng từ xã hội lên đến lĩnh vực tư tưởng và tâm linh, như Chân như bình đẳng, Trí bình đẳng, Bình đẳng pháp thân, Bình đẳng đại bi, Bình đẳng đại tuệ, v.v…
Kinh Hoa Nghiêm (Avatam?sakasûtra) nêu ra mười thứ bình đẳng : 1. Hết thảy chúng sinh bình đẳng ; 2. Hết thảy pháp bình đẳng ; 3. Hết thảy cõi nước bình đẳng ; 4. Hết thảy tâm sâu xa bình đẳng ; 5. Hết thảy thiện căn bình đẳng ; 6. Hết thảy Bồ tát bình đẳng ; 7. Hết thảy nguyện bình đẳng ; 8. Hết thảy Ba la mật bình đẳng ; 9. Hết thảy hạnh bình đẳng ; 10. Hết thảy Phật bình đẳng.
5. Lê Thị Huệ : Ông là người có các quan hệ về công việc với các nhà lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam như thiền sư Nhất Hạnh, Hoà thượng Quảng Độ, ông có thể cho biết nhận định của ông về hai vị tu sĩ Phật Giáo này ?
Võ Văn Ái : Hai vị cùng xuất phát từ môi trường tu học Phật giáo. Nhưng động lực xã hội thì lại khác. Động lực của Sư Ông Nhất Hạnh có tính cách cá nhân, Phật pháp chỉ là phương tiện phục vụ danh và lợi cá nhân. Động lực của Hòa thượng Quảng Độ bao trùm tính dân tộc và tính nhân loại, Phật pháp là động cơ thăng hoa nhân sinh. Vô tình tên đạo của Hòa thượng lại thể hiện cuộc sống 80 năm qua của ngài như kinh viết : “Quảng độ chúng sinh mãn bồ đề nguyện”- Độ khắp tất cả chúng sinh để thành tựu viên mãn đại nguyện bồ đề (bồ đề là giác ngộ).
--------------------------------------------------------------------------------
(1) Cuối năm 1945 tôi khởi sự hoạt động khi thành lập Đoàn Thiếu niên Sơn Ca tại trường tiểu học Paul Bert, tham gia Đoàn Tuyên truyền Xung phong, và các cuộc biểu tình thành phố. Muốn theo đoàn quân Nam tiến, nhưng nhỏ quá không ai chấp nhận. Tôi đi quyên góp tiền mua mấy chục ki lô khoai khô gửi lên tặng chiến sĩ ở mặt trận Lào, với bức thư động viên chiến sĩ đầu tiên viết trong đời. Chuyện này được đề cao tên báo Chiến sĩcủa Giải Phóng Quân, Huế, do Thi sĩ Hữu Loan làm Tổng thư ký toà soạn. Vài tuần sau, một Trung uý từ Lào về Huế, đến trường xin ông Đốc học họp học sinh trước sân để nêu cao gương yêu nước của trò Ái. Vài ngày sau bỗng xuất hiện Đoàn Bạch Yến. Đoàn này chờ trước cổng trường khi tan học, đợi khi anh em chúng tôi trong Đoàn Sơn Ca ra là đánh túi bụi trong một tháng ròng. Chúng sử dụng bàn tay sắt (knuckle-duster/poing américain) và bỏ cát vào bóng điện như lựu đạn vất vào chúng tôi.
(2) Tam thiên đại thiên thế giới (chữ Phạn Tri-sâhasra-mahâ-sâhasra-loka-dhâtu) là ba nghìn thế giới đại thiên, vũ trụ quan của người Ấn Độ xưa. Lấy núi Tu Di làm trung tâm, bao quanh có 4 đại châu, 9 dãy núi và 8 lớp biển bao bọc gọi là một Tiểu thế giới. 1000 Tiểu thế giới hình thành một Tiểu thiên thế giới. 1000 Tiểu thiên thế giới thành một Trung thiên thế giới. 1000 Trung thiên thế giới họp thành một Đại thiên thế giới. Vậy Tam thiên đại thiên thế giới (Tiểu thiên thế giới + Trung thiên thế giới + Đại thiên thế giới) gồm nghìn trăm ức thế giới, chứ không phải nói chung chung là vô số vô biên thế giới. Theo kinh điển Phật giáo, Tam thiên thế giới là lĩnh vực hóa độ do một đức Phật giáo hóa.
(3) Đây là phép tu tập quán sát nhân duyên khiến con người phải mang lấy thân phận khổ luỵ, luân hồi, qua một chuỗi liên tục trong một đời hay nhiều đời. Quán sát để thấy mọi sự mọi vật đều giả tạo, vì mọi sự mọi vật do đối đãi, so sánh mà hình thành, chứ không có thật tính, không có tự tính. Tất cả do duyên mà phát hiện, thay đổi, chẳng có chi tồn tại vĩnh viễn. Nhân duyên hội đủ thì sinh, nhân duyên tan rã thì diệt. Nhưng thực tại vốn không có gì gọi là sinh hay gọi là diệt. Mười hai nhân duyên khởi từ vô minh duyên ra hành, hành duyên ra thức, thức duyên ra danh sắc, danh sắc duyên ra lục nhập, lục nhập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, thủ duyên ra hữu, hữu duyên ra sinh, sinh duyên ra lão tử. Vô minh là không sáng suốt, mê muội. Hành là tâm niệm phân biệt cái riêng ta gây thành hành động xấu vì khởi phát từ vô minh. Thức là vọng thức phân biệt gây ra những hiểu biết sai lầm. Danh sắc do vọng thức theo nghiệp báo duyên ra danh sắc; danh gồm những cái không có hình tướng như cái biết; sắc gồm những hình tướng như thân và cảnh. Lục nhập do thân đối với cảnh sinh ra cái biết thông qua năm giác quan và ý thức : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý gọi là 6 căn. Khi 6 căn đối diện với 6 cảnh (gọi là 6 trần) sinh ra 6 cái biết, tức sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi cảm mùi hương, lưỡi biết các chất vị, thân cảm sự sờ chạm, ý lĩnh nạp các sự lý (gọi là pháp). Xúc là sờ chạm đối đãi, quan hệ với trần (tức cảnh bên ngoài) ảnh hưởng đến cái biết. Thọ do những quan hệ tâm và cảnh sinh ra các thọ nhận về khổ, vui, buồn…Ái do sự thọ nhận ở trên mà sinh ra lòng ưa, ghét, buồn vui... Thủ là giành lấy cho mình. Hữu do ái và thủ gây nhân nên phải chịu quả tiếp nối. Sinh tức sinh mệnh của sự sống giả tạo do không hiểu rõ lý duyên khởinên chấp trước mà tưởng có sinh sống. Lão tử là già và chết, sự suy tàn của sinh mệnh.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét