Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012
Ôi! Nổi đau của dân tộc nầy còn dài...!
Con công nhân bám víu nhà trẻ "chui"
Công nhân từ khắp các tỉnh thành đổ về các thành phố lớn, trung tâm công nghiệp làm việc và định cư ngày một nhiều khiến tình hình chăm lo về an sinh giáo dục càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với những gia đình công nhân nghèo.
Câu chuyện từ nhà giữ trẻ
Thường xuyên làm việc tại nhà máy và liên tục tăng ca khiến việc chăm sóc con cái của những người công nhân trở nên vô cùng khó khăn, nhất là với gia đình có con nhỏ. Các trường mầm non công lập thiếu trầm trọng, còn trường tư lại quá đắt đỏ, vượt quá khả năng chi trả của công nhân, chính vì thế, các nhà trẻ gia đình, nhà trẻ tự phát, nhà trẻ chui trở thành sự lựa chọn của hầu hết vợ chồng công nhân nghèo.
Căn phòng nhỏ là nơi các cháu vui chơi lẫn ăn, ngủ.
Tìm hiểu một số nhà trẻ tự phát trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi mới cảm nhận được nỗi khó khăn của những người công nhân nghèo khi gửi con tại đây. Luồn lách trên những con đường hẹp chật cứng xe cộ ở Tân Bình, chúng tôi tìm đến một ngôi nhà nằm trong hẻm trên đường Âu Cơ. Đây là nhà của bà Kiều Nga, một người phụ nữ ngoài 60. Bà Nga chuyển từ nghề bán phở sang nhận giữ trẻ từ nhiều năm nay. Thấy người lạ bước vào, lũ trẻ lóc nhóc đang nghịch nước bên chậu chén bát ngơ ngác ngước nhìn với những đôi mắt vô cùng tò mò trong khi bà Nga đang bận nấu ăn dưới bếp.
Theo lời bà Nga, bọn trẻ đều là con các cặp vợ chồng công nhân. Phần lớn các cháu khi được gửi vào đây còn rất nhỏ, có cháu mới 2 tháng tuổi. Như trường hợp 2 anh em Phạm Trần Nhật Huy (2,5 tuổi) và Phạm Trần Anh Tuấn (14 tháng tuổi) được bà giữ từ khi mới 2 tháng tuổi đến tận bây giờ.
Bà Nga cho biết: "Nếu không gửi con sớm như vậy để đi làm thì lấy gì mà ăn? Dù xót con còn nhỏ nhưng tụi nó đành cắn răng gửi". Bà cũng cho biết, phần lớn các công nhân đều xuất thân từ gia đình nghèo, khó khăn bỏ quê lên thành phố kiếm việc làm. "Ai khi vào đây cũng định làm 5, 6 năm có vốn sẽ về quê làm ăn nhưng có về được đâu...?", Bà Nga cười buồn nói.
Xót con vẫn phải gửi
Dù khó khăn vất vả, các đôi vợ chồng công nhân nghèo luôn yêu thương con hết mực. Trước đây cuộc sống công nhân tuy vất vả nhưng 2 vợ chồng chăm chỉ làm việc vẫn có thể chi tiêu thoải mái. Nhưng khi bắt đầu có con, nhiều chi phí phát sinh đành thắt lưng buộc bụng, dè xẻn từng đồng để có tiền lo cho con. Nhiều người mẹ đã phải nuốt nước mắt gửi con về quê nhờ ông bà nội, ngoại nuôi hộ khi con vừa tròn tháng, định rằng chờ con tới tuổi vào lớp 1 sẽ đưa ra thành phố sống với bố mẹ. Nhiều gia đình không muốn xa con đành gửi tại nhiều nhà giữ trẻ gia đình.
Theo những người trông trẻ tại nhà thì công nhân phải chọn gửi con tại đây phần vì nhiều cháu còn quá nhỏ, chưa đủ tuổi vào các lớp mầm non, phần vì các trường mầm non không nhận giữ trẻ quá 5h chiều. Trong khi công nhân thường phải tăng ca đến 8-9h tối, sớm nhất cũng phải sau 6h nên không tìm được chỗ gửi con nào phù hợp hơn nhà giữ trẻ gia đình. Anh Lê Anh Minh (công nhân làm việc tại Q. Tân Bình) chia sẻ: "Cực chẳng đã mới phải gửi con cả ngày ở nhà giữ trẻ như vậy, nếu lo lắng chỉ biết gọi về hỏi thăm chứ chẳng còn cách nào khác. Hai vợ chồng tôi đều là công nhân, nếu gửi con ở nhà trẻ chính quy lúc tăng ca làm sao đón con kịp?".
Dù đã tối nhưng cha mẹ vẫn chưa thể đón con vì bận tăng ca
Các cơ sở giữ trẻ có giấy phép hoạt động với đầy đủ tiện nghi, an toàn, sạch sẽ có giá không dưới 1,5 triệu/tháng. Trẻ càng nhỏ thì giá sẽ cao hơn những trẻ lớn, hay trẻ chưa biết tự ăn giá cũng cao hơn trẻ có thể tự ăn... Trong khi đó, giá giữ trẻ tại các điểm giữ trẻ chui vô cùng thấp, chỉ dao động vài trăm ngàn/tháng là yếu tố "hấp dẫn" lớn đối với nhiều gia đình công nhân nghèo. Cũng chính vì giá rẻ bèo nên điều kiện các điểm giữ trẻ tại nhà cũng không được đảm bảo, ngược lại thường ẩm thấp, thiếu sáng và mất vệ sinh.
Trong căn nhà cũ kỹ được ngăn ra một khu vực dành riêng cho việc giữ trẻ rộng chừng 15m2, đây vừa là nơi trẻ ăn uống, vui chơi đến khi buồn ngủ có thể nằm bất kỳ chỗ nào tùy thích. Tại đây, các cháu được chăm sóc sơ sài, được tự do nghịch ngợm và có thể tắm mưa ngoài sân mà không bị ai quản thúc. Bà Nga cho biết vì đồng cảm với các công nhân khó khăn nên mới nhận lời giữ trẻ và chỉ lấy tiền công tượng trưng để lo ăn uống cho các cháu chứ không hề nhằm mục đích kinh doanh gì. Tuy nhiên nếu nhìn thấy những hình ảnh lấm lem mặt mũi do nghịch đất của các cháu chắc hẳn ai cũng phải e dè.
Có một chỗ an toàn để gửi gắm con khi vào xưởng làm việc vẫn là ước mơ xa xỉ của những công nhân, người lao động nghèo, "nay với tình hình kinh tế khó khăn, đồng lương eo hẹp có lẽ lại càng khó hơn". Đó là lời than van mà chúng ta thường nghe thấy trên vùng đất khốn khổ tên gọi Việt Nam ! Họ quên đi một điều chỉ có dân mới tự cứu dân thôi, người VN quen lối sống thây kệ, chủ nghĩa cá nhân,....họ oán trách Đảng, oán tránh chế độ, nhưng họ chỉ biết oán trách. ngoài oán trách ra thì chẳng ai quan tâm đến cái đất nước này sẽ đi về đâu, chẳng biết nên làm thế nào để cải thiện tình hình. Quan tham ô, họ biết, nhưng họ im, để rồi chỉ biết về tám chuyện với mấy bà hàng xóm dù họ trí thức hay là công nhân. Họ không có chính kiến. Chính quyền vô trách nhiệm với dân, nhưng dân cũng chẳng có trách nhiệm với mình, với đất nước. Ôi! Nổi đau của dân tộc nầy còn dài...!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét