Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Khóc, cười cùng "vận nước": Hàng rong


 Vừa bán, vừa trông, vừa chạy, khi không chạy kịp thì sẵn sàng khóc lóc, cào cấu thậm chí ngất xỉu hay dọa lao đầu vào ô tô tự tử... là những "chiêu" mà bất kỳ người bán hàng rong nào cũng "thủ" sẵn khi theo nghiệp này.

Việc xử lý hàng rong khó vì nhiều lẽ: tâm lý người dân thích mua dọc đường cho tiện; Gánh hàng là sự  mưu sinh của cả gia đình; Quy định pháp luật thiếu thực tế, cụ thể... dẫn đến tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa".

"Bán hàng rong phải có bản lĩnh"

Chị Thu (50 tuổi, quê Thanh Ba, Phú Thọ), người có thâm niên bán hàng rong ở Hà Nội 17 năm, cùng một "đồng nghiệp" khác đến từ Hưng Yên, thuê căn phòng trọ chưa đến 10m2 với giá 800.000đ/tháng chỉ để đặt lưng khoảng 4 - 5 tiếng mỗi đêm. Chị Thu "cõng" cả một gia đình gồm 3 con đang ăn học trên gánh hàng rong của mình. Gánh mãi, chân mỏi, vai oằn, chị bấm bụng sắm chiếc xe đạp từ những người bán sắt vụn với giá 350.000đ, buộc lên yên xe cái mẹt hàng rồi đi bán dạo.

Trở về phòng trọ  lúc 11 - 12h đêm, đặt lưng xuống cái giường ọp ẹp với manh chiếu thủng lỗ chỗ, đến khoảng 4h sáng, chị đạp xe ra khu vực chợ Long Biên, Cao Thắng để cất hàng. "Lượn" từ đầu chợ đến cuối chợ, ngọ ngằn, đắn đo mãi, chị Thu mới quyết định "xuống tiền" mua một bao tải củ mã thầy và táo xanh về bán. Chị rong ruổi đạp đến khu vực chợ Cống Vị, nơi đã bán quen nhiều năm nay. Trước khi chọn chỗ bán này chị đã bỏ công "nghiên cứu" kĩ địa bàn.

Cùng trên trục đường Đội Cấn nhưng chị quyết không sang phía đối diện vì bên này thuộc phường Cống Vị. Nếu lỡ không chạy kịp, bị tịch thu thì còn có thể lên công an phường xin nộp phạt rồi lấy hàng về. Còn ở phía bên kia, thuộc phường Liễu Giai, từ hàng hoá cho đến phương tiện hành nghề như chiếc cân hay xe đạp đều mất trắng, phường này "ác", không cho "chuộc". Chị Thu từng 4 lần bị bắt quang gánh, 2 lần bị bắt xe đạp, mỗi lần như vậy, có buôn bán cả tháng cũng chưa thể cắt lỗ. Rút kinh nghiệm, chị mua một chiếc xe đạp "bẩn" hơn với giá 200.000đ, cái cân cũng mua lại từ hàng đồng nát giá 30.000đ để lỡ bị tịch thu thì đỡ tiếc.

                                    Quản lý bán hàng rong
              Chiếc xe cảnh sát mang hoa quả thu được của hàng rong cho trường mầm non số 9

Tôi đang đứng gọt củ mã thầy cho vào túi giúp chị Thu thì nghe tiếng hô "nó đến, nó đến". Tôi luống cuống chưa kịp buông dao và củ mã thầy  đang gọt dở, chị Thu đã xách xe chạy biến. Táo và  củ mã thầy trên xe chị Thu rơi vãi tung toé. Chiếc cân cũng rơi xuống đường, nằm lăn lóc. Tôi chạy theo, nhặt cân và vơ vội được vài củ mã thầy. Trong chớp mắt đã không thấy chị Thu đâu cả, tôi lững thững quay về chỗ bán hàng lúc trước, bụng bảo dạ, thế nào "nàng" cũng quay lại thôi. Và chỉ trong tích tắc, chị Thu thong thả đạp xe đến, tươi cười: "Hú vía! Run hết cả người. May chị chạy kịp, chứ luống cuống như em, sao được. Bán hàng rong là phải có bản lĩnh...".

Chợt chiếc xe ô tô của công an phường Liễu Giai đi phía bên kia đường, đám hàng rong bên ấy chạy nháo nhác. Bên này, không ai bị đuổi, xì xào bảo nhau: "Nó thu được mấy bao tải hàng rồi kia kìa". Tôi bỏ chị Thu lại, cùng đồng nghiệp đi theo chiếc xe ô tô, hy vọng lý giải được câu hỏi công an "ứng xử" như thế nào với số hàng thu được.

Cảnh sát "trút" hoa quả vào trường mầm non

Chiếc xe ô tô của Công an phường Liễu Giai len lỏi vào trường mầm non số  9 trên con ngõ nhỏ phố Đội Cấn. Tới cổng trường, người đàn ông mặc thường phục nhảy từ  trên cabin xe xuống, cùng anh bảo vệ của trường mầm non khệ nệ khênh mẹt xoài vàng, một bao tải màu xanh và một bao tải màu đỏ vào sảnh trường học. Chiếc xe cảnh sát sau khi "trút" được số hàng hóa nói trên vào trường mầm non liền quay đầu về trụ sở.

                                                    cảnh sát, hàng rong
                                            Người bán hàng rong tụ tập ở trụ sở công an "xin xỏ"

Hai chiếc bao tải loại 50kg bên trong chứa xoài Thái và ổi. Một cô giáo hồ hởi thông báo, số hàng hóa đó là của "công an cho". Số hoa quả được chuyển vào thang máy cuối hành lang để đưa lên gác mà theo nhiều phụ huynh cho biết thì thang máy này là để vận chuyển thức ăn từ nhà bếp xuống tầng 1 và ngược lại. Như vậy, có thể số hoa quả được "công an cho" kia đã được chuyển thẳng vào bộ phận nhà bếp của trường. Trước đó, vài cô giáo nhanh tay cũng kịp "móc" trái cây từ trong bao ra đưa vào lớp. Lũ trẻ reo lên trong ngạc nhiên: "Ơ, quả xoài, quả xoài xanh...".

"Gọi công an vào đây tôi trả lại"

Trớ trêu, vài phút sau khi số hoa quả "công an cho" được "nhập kho", một đám những người "nhà quê" chạy vào trường để "xin" lại số hoa quả  của họ. Gặp cô giáo nào họ cũng trình bày nguyện vọng xin lại số hoa quả nói trên. Rồi họ  được các cô giáo hướng dẫn phải xin bà hiệu trưởng. Nhưng sau khi có một cô giáo vào phòng bà hiệu trưởng "đưa lời" trước giúp họ, thì câu trả lời họ nhận được là "hiệu trưởng đi vắng".

Người đàn ông tên Chiến quê ở Hưng Yên mếu máo với mấy vị phụ huynh: Thế này thì chết thật rồi, riêng bao xoài Thái của em đã 2 triệu rưỡi tiền vốn. Cô gái tên Thu cũng giàn giụa nước mắt: Tổng số hoa quả vừa vào đây của chúng em tới cả 5 triệu bạc, chúng em chỉ còn biết cắn rơm cắn cỏ lạy bà hiệu trưởng cho chúng em xin lại...".

Trong lúc đó, mấy người "nhà quê" lại kéo nhau vào phòng ông bảo vệ để cầu xin. Ông bảo họ không được gặp ai ở đây vì đây không phải cái chợ: "Hoa quả nào, tôi có nhìn thấy chưa?". "Các cô giáo cũng nhìn thấy hoa quả vào đây mà". "Cô giáo nào, gọi ra đây. Cứ gọi công an vào đây thì tôi đảm bảo giải quyết cho các anh các chị. Việc của các anh các chị là phải gọi công an đến". Anh Chiến mếu máo: "Khổ lắm bác ơi, công an người ta bảo hoa quả của chúng cháu người ta cho vào trại mồ côi...". Bác bảo vệ cắt lời: "Trại mồ côi nào ở đây".

Không cho các cháu ăn thì sẽ làm gì?

17h20, chúng tôi gặp được bà hiệu trưởng trường mầm non số 9 ở sân trường. Bà cho biết: "Nếu được cho, thì  tôi cũng không thể cho các cháu ăn được. Vì thực phẩm cho các cháu ăn phải có nguồn gốc rõ ràng".

Trả lời câu hỏi của phóng viên, nếu không cho các cháu ăn, thì sẽ làm gì với số hàng hóa đó, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi bà hiệu trưởng hỏi lại: "Thế em bảo chị làm gì bây giờ?". Bà hiệu trưởng quay gót, từ chối cung cấp quý danh, bỏ lại chúng tôi chơ vơ trong sân trường vắng. Mấy vị phụ huynh quay sang xì xào với nhau: Các cô sẽ làm gì với số hoa quả đắt tiền ấy nhỉ?". Rồi đoán già, đoán non. Người thì bảo chắc bà hiệu trưởng sẽ trả lại thôi, người thì bảo chắc gì. Còn đoàn người bán hàng rong thì hốt hoảng chạy đuổi theo bà hiệu trưởng. Chắc là để "cắn rơm cắn cỏ lạy bà"...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét