Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Hiến pháp Việt Nam: Tu chính từ đâu?

Đoàn Nam Sinh

                       
                       
 Đảng – Nhà nước đã đổi tên nước thành Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (chữ nước thừa và ngô nghê) theo trật tự Hán Việt, và đánh rơi luôn mục tiêu Dân chủ của cả chế độ.

 DIỄN ĐÀN CÔNG NHÂN - Ai cũng muốn dùng từ thuần Việt, nhất là trong những công cuộc trọng đại của nước nhà, như việc sửa đổi Hiến pháp. Nhưng theo quan điểm của tôi thì phải dùng lại từ tu chính – sửa cho ngay thẳng, đúng đắn, cho hợp với tình thế – chứ sửa đổi thì vẫn chưa chắc ngon lành hơn, bằng chứng là mấy cuộc sửa đổi Hiến pháp từ 1959, 1980, 1992 đến 2001 (bổ sung cho bản sửa đổi), còn có nhiều chỗ không mới hơn, không đúng hơn, chưa nói là đã thụt lùi, làm méo vênh cái “cũ” – Hiến pháp 1946.


Nhiều nhà làm luật ngày nay thống nhất rằng: Đây là bản Hiến pháp được soạn thảo theo tinh thần phân chia quyền lực (thường được biết đến với thuật ngữ “tam quyền phân lập”): lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (Tòa án) giống như Hiến pháp Hoa Kỳ và hiến pháp của các nước cộng hòa khác. Điều 1 của Hiến pháp 1946 ghi rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa”.Điểm đáng chú ý là Điều 10 bản Hiến pháp 1946 qui định rõ ràng các quyền tự do cá nhân: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Đây là những quyền tự do bị hạn chế trong các bản hiến pháp sau này.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một nhà lập pháp, đánh giá: “Hiến pháp 1946 là một bản hiến văn hết sức ngắn gọn, súc tích. Toàn bộ bản hiến văn chỉ gồm 70 điều… Hiến pháp 1946 đã được thiết kế theo tư tưởng pháp quyền”. Còn PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa, Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì cho rằng “Hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị, bởi mỗi câu chữ trong đó đều “vang vọng tiếng dân””.

Theo thiển ý, việc tu chính lần này phải khởi sự từ tên nước. Tên nước Việt Nam vốn là một tên gọi đọc thẳng hiểu ngay, êm thuận chứ không đảo ngữ/ nghĩa như một tên gọi theo phong cách Hán.
Khi gắn thêm các từ ngữ biểu thị cho thể chế, từ thời chính quyền còn non trẻ, 1945, các bậc tiền bối do cụ Hồ tập hợp đã tiếp tục viết thuận: Dân chủ Cộng hòa.

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại rằng, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi lúc bấy giờ là một trong số 11 người thuộc Ban dự thảo Hiến Pháp, đã viết lời ca trong tác phẩm lừng danh khắp đất nước, bài Diệt Phát xít, có đoạn: “Tiến lên nền dân chủ cộng hòa, giành lại áo cơm tự do, dưới ánh cờ đỏ ánh vàng sao”. Với chỉ 3 đoạn ngắn, ông đã nêu rõ điều 1 và điều 10, cùng quy định quốc kỳ.

Chắc chắn rằng sự xuất hiện lần đầu tiên một nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với Hiến pháp tiên tiến nhất trong khu vực, đã làm nức lòng bao thế hệ người Việt tiến lên giành và giữ đất nước. Nhưng tiếc thay, sau đó không bao lâu, Đảng – Nhà nước đã đổi tên nước thành Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (chữ nước thừa và ngô nghê) theo trật tự Hán Việt, và đánh rơi luôn mục tiêu Dân chủ của cả chế độ.

Nói đến chủ nghĩa xã hội, tôi nhớ lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định về thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội rằng: “Ta chỉ mới đi một bước trên đường vạn dặm”. Như thế khi thực tiễn xã hội nêu lên câu hỏi chủ nghĩa xã hội ra sao, ở đâu, chắc chắn rằng không một ai chỉ ra được, ngoài hàng núi sách vở đặt trên một mô hình lý thuyết mà chưa nơi nào có kinh nghiệm thành công. Ngược lại, chỉ có thất bại và sụp đổ hàng loạt từ cuối thế kỷ trước.
Đến những người Mao-ít nhất ngay bên cạnh ta cũng nêu mục tiêu “xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” nữa kìa. Thì nước ta không thể nào đeo bám lấy một mục tiêu ảo, suốt mấy thập kỷ qua tốn kém vô cùng vẫn cứ khủng hoảng lý luận về lộ trình của con đường chưa biết đi lên hay đi tới, vì tất cả mù mịt.
Càng không thể cho phép chúng ta dối gạt nhau, nếu Đảng thử làm một cuộc thăm dò khách quan, hỏi thật tất cả đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu biết như thế nào về chủ nghĩa xã hội và có thật tin rằng nước ta sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hay không. Thì kết quả chắc chắn sẽ trái ngược hoàn toàn với các bản kiểm điểm đảng viên, vẫn tổ chức hàng năm theo lịch xuân thu nhị kỳ.

Những câu văn tuyệt đối tin tưởng, tuyệt đối trung thành đầy rẫy đều thể hiện sự dối lòng và tưởng rằng sẽ khiến cấp trên mát dạ. Song, những nhà lãnh đạo Đảng cầm quyền còn biết rõ hơn ai hết những sự thật, do vẫn tồn tại cách tổ chức nói dối lẫn nhau nhưng “cố kết với nhau” (từ của ông Lê Duẩn) chỉ vì quyền lợi cục bộ, bè nhóm hơn là chấp nhận sự thật để toàn dân thực sự đoàn kết tiến lên hội nhập vì quyền lợi dân tộc.

Giả sử có một cuộc thăm dò rộng rãi khác không phân biệt trong hay ngoài Đảng, chỉ với tư cách công dân, rằng có muốn khôi phục lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không. Thì kết quả chắc chắn đến hơn 95%! Tôi đã thử dò hỏi bà con qua mọi cơ hội tiếp xúc để có thể tin chắc như vậy.

Một khi đã chính danh thì tự khắc mọi sự sẽ diễn tiến theo chiều hướng mà hiện nay Đảng cũng vừa sửa đổi sau kỳ đại hội, là xây dựng nước ta thành một nước dân chủ, công bằng và văn minh. Điều này cũng phù hợp với ước nguyện sau cùng của Hồ Chủ tịch theo các bước: thống nhất – hòa bình – độc lập rồì đến dân chủ và giàu mạnh… Hiển nhiên, để có được nền dân chủ thực sự thì phải trao ngay cho người dân quyền tự do lập hội, những hội nghề nghiệp chính đáng có đông người cùng nhu cầu sinh hoạt, học tập lẫn nhau, gắn bó với nhau vì quyền lợi thiết thân và quyền lợi của đất nước. Họ phải được quyền cử những đại biểu xứng đáng vào các tổ chức lập pháp để xây dựng nhà nước dân chủ pháp quyền.
Nhìn sang Trung Quốc, chỉ khi Lý Xương Bình tạo nên sự kiện Tam nông qua bức “điều trần” Tôi nói thật với Thủ tướng, mới lộ rõ ra rằng nông dân Trung Quốc chưa từng có một tổ chức như Hội Nông dân, mà nước ta thì đã có từ thời Phản đế. Tuy vậy, họ có nhiều đảng, dĩ nhiên là hình thức để “chứng minh” cho chế độ Cộng hòa Nhân dân (nước ta thì sau khi hai đảng Xã hội và Dân chủ “tự rút lui”, mọi sự vốn vô thực tuy hữu danh, nay đến cái danh cũng biến mất). Hơn nữa, họ đang theo đuổi nhất thể tam chế, một nước có cả ba thể chế kinh tế chính trị, đó là những điểm rất đáng suy ngẫm. Nếu không nhanh chân củng cố nội lực thì làm sao giữ vững được nền độc lập, làm sao có thể mạnh giàu, làm sao có thể đưa dân tộc Việt Nam thành một dân tộc lớn và sẵn sàng để thu hồi lãnh thổ Hoàng Sa và một phần Trường Sa đã bị Trung Cộng đánh cướp?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét