Hà Văn Thịnh
Những trang ngắn trong Bên Thắng Cuộc kể lại chi tiết của quan hệ Trung Việt trong những năm 70 của thế kỷ trước mới nguyên giống như vừa xảy ra hôm qua: Trong chỗ riêng tư, vợ Lê Duẩn, bà Nguyễn Thụy Nga kể: “Anh (Lê Duẩn) nói: ‘Lần Việt Nam xin đạn pháo để chuẩn bị giải phóng miền Nam, Trung Quốc nói không có, nhưng Việt Nam đã dự trữ từ lâu đủ đạn để đánh. Khi xin 2.000 chiếc xe vận tải Giải phóng thì Trung Quốc ra điều kiện ‘phải cho 500 lái xe Trung Quốc theo’. Anh nói: ‘Một thằng tôi cũng không cho, nếu không có xe thì chúng tôi vác bộ, thồ bằng xe đạp’. Các anh khác bảo: ‘Anh làm gì mà căng thế?’. Anh nói: ‘Trung Quốc nói làm đường cho Lào sau đó họ lập làng Trung Quốc trên đất Lào. Bây giờ họ muốn thăm dò ta về đường Trường Sơn thì nay mai họ sẽ chiếm Trường Sơn. Về chiến lược, ai đứng chân trên đỉnh Trường Sơn người đó sẽ khống chế cả Đông Dương, cho nên mình phải tính”191…
Bên Thắng Cuộc là một tác phẩm lớn, không đồng nghĩa với việc không sai sót. Chẳng hạn, có một lỗi rất nhỏ lẽ ra không đáng mắc phải ở trang 75: Quần đảo Poulo Vai, khi thì tác giả nói là Hòn Trọc, có khi lại là Hòn Ông, Hòn Bà – mặc dù ai đã ở Hà Tiên, từng quan tâm đến Hà Tiên, đều biết đó không phải là một đảo mà là một quần đảo. Một cách khách quan, do trên nền tảng là một nhà báo nên HĐ không ít lần sa vào những chi tiết “nổi bật” của dòng lịch sử mà “quên” đi cái phần chìm rất lớn, đa chiều và sâu xa hơn. Tất nhiên, nếu không có những cái focus đặc trưng (tạm dùng từ “giật gân” – trong khi lẽ ra là tiêu điểm, cái nóng nhất, đáng chú ý nhất – tuy nó rất không thỏa đáng trong cuốn sách này), thì bài báo đó chẳng ai đọc; ngược lại, nếu sa vào thì “phần chìm” lịch sử sẽ mất đi. Chẳng hạn, khi kể về việc VN quá đáng trong việc ra điều kiện với Mỹ để bình thường hóa nên đánh mất cơ hội, tác giả đã quên mất rằng; TQ, với bản năng “săn mồi” sâu hiểm, đã “vồ” ngay lấy cái cơ may nảy sinh từ ấu trĩ của VN – muốn “giết một người đã chết” (ám chỉ bắt Mỹ chịu nhục thêm một lần nữa) để tìm mọi cách ngăn cản quyết liệt việc bình thường hóa quan hệ Mỹ – Việt. Tác giả cũng “bỏ qua” quan hệ nhiều bất trắc Việt – Xô – khiến cho ông Lê Duẩn “đi chữa bệnh” bao nhiêu lần rồi mà đại hội vẫn cứ hoãn đi hoãn lại dài dài; bỏ qua cả chuyện ăn bo bo, cấm xe máy vô cùng “sinh động” của cái thời ngắc ngoải, quắt quay bằng việc chỉ sơ lược điểm vài nét đen trên bức tranh vẽ bầu trời xám. Tác giả đã “quên” mất rằng bên thắng đã có dấu hiệu thua khi cuộc chiến tranh chưa tan khói súng. Miền Bắc không biết đến son phấn, mỳ ăn liền, “đồ bộ” (may bằng vải hoa mỏng), không biết dùng từ “ý thức” như một động từ, không hề biết hai từ Honda, cái đồng hồ Orient 2 “cửa sổ” sau giải phóng bán ở chợ Vinh tương đương với hai chỉ vàng… Hoặc trong việc HĐ đã không kể về chuyện trước khi rút quân khỏi CPC, báo đài liên tục nói rằng “tình hình CPC là không thể đảo ngược được” – đùng một cái lại “tự mình đảo ngược” làm cho cả thế giới choáng váng(!) Lẽ dĩ nhiên, để có được một cái nền kiến thức sâu và rộng đủ làm “chìa khóa” phân tích những vấn đề phức tạp của thế giới đương đại là điều không dễ dàng; không thể đòi hỏi tác giả làm hơn những gì có thể, nhưng lịch sử VN đương đại từ 1975-1991 mà chỉ có 204 trang (tập 1) là chưa thật thỏa đáng, rất mong trong lần tái bản tới, phần phân tích + bổ sung tư liệu sẽ dày dặn hơn…
Sẽ có nhiều nhà sử học không đồng tình với cách đánh giá của sử lều tôi nhưng, dẫu chỉ mới đọc phần I, tôi vẫn nhấn mạnh rằng, ngoại trừ SGK, sách hàn lâm về lịch sử là nên viết khác, còn một cuốn lịch sử đúng nghĩa luôn cần phải là như vậy (với điều kiện HĐ đúng). Công lao lớn nhất của Huy Đức là anh đã giải mã được rất nhiều mảng che khuất của lịch sử mà có nhiều người chỉ mới “nghe” chứ chưa hề hiểu và biết. Xét theo ý nghĩa này, đây cũng là lần đầu tiên những bí mật cỡ đó được phát hiện và tỏ bày. Tôi đã đọc nhiều cuốn lịch sử của người Mỹ viết (về VN, Nhật Bản, TQ, Nga…) và cảm nhận được ảnh hưởng việc HĐ đã chịu tác động (tốt) từ những cách viết đó. Đặc biệt, năm 1974, khi tôi tự học tiếng Anh, tôi đến Thư viện Quốc gia tập dịch cuốn: The World after Vietnam: The Future of The US Foreign Policy – Thế giới sau VN: Tương lai chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, 1967, của H. Kissinger, tôi đã rất cảm phục (choi dù chỉ hiểu lõm bõm) cách viết của H. Kissinger: Ngay khi chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam VN vừa mới bắt đầu, ông ta đã khẳng định là sẽ thua bởi “chúng ta không thắng tức là đã thua và, Việt Cộng không thua có nghĩa là họ đã thắng”(!) Dường như cách viết của H. Kissinger ảnh hưởng khá đậm trong phong cách của HĐ(?) Vì thế, lịch sử sẽ hấp dẫn hơn theo cách viết của anh, lịch sử sẽ đáng trân trọng theo cách làm tư liệu của anh (nếu tư liệu của anh chính xác) và lịch sử sử học sẽ ghi nhận công lao của anh. Đó là điều chắc chắn.
Những bài học (ngầm định hoặc công khai) mà HĐ đưa ra thật đáng để chiêm ngẫm, nhất là đối với các nhà lãnh đạo nước ta. Rồi sẽ có “chấn chỉnh”, phê phán, thậm chí là những động thái căng thẳng hơn, nhưng nếu thực sự muốn học hỏi từ những sai lầm để làm thế nào đó cho đất nước, dân tộc tốt hơn, rất mong các vị có trách nhiệm đọc cuốn sách này. Có những chi tiết HĐ đưa ra thật đắt: Chuyện nghe báo tin bộ đội ta tiến vào Phnom penh, TBT Lê Duẩn vẫn… ngủ tiếp(?) hay chuyện sau 13 năm làm “thái thú” cho CPC, khi rời khỏi đất nước có mùi ngọt khắt, khó hiểu như mùi vị đường Thốt nốt, ông Ngô Điền chẳng được ai đưa tiễn, cho dù trong 13 năm ấy, hàng vạn người trai Đất Việt đã bỏ xác trên đất… “bạn”… Chỉ riêng những sự thật cay đắng đó, đáng để phân tích nhiều trang và có không ít những bực tức, khó chịu…; nhưng chẳng phải, chính người Mỹ đã xây Đài Kỷ niệm chiến tranh VN – cuộc chiến tranh lần đầu tiên Mỹ thất bại (đến nay vẫn là thất bại duy nhất), ngay giữa thủ đô Washington D.C.(?!) Nhìn thẳng vào sự thật đắng cay là cách thức để thoát khỏi những sai lầm; là điều đáng kể nhất, để cho một dân tộc trở nên lớn hơn… Xin cảm ơn anh, Huy Đức! Nếu lãnh đạo nước mình đọc, rồi lại hạ cố phản hồi về chuyện đúng – sai, thì tốt biết bao nhiêu…?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét