Để giữ gìn lương tri Tổ Quốc...
Tôi là một thanh niên thành phố, lớn lên kịp khi hòa bình đã đến. Những năm tháng chiến tranh với tôi chỉ là những gì tôi được học, được đọc, được nghe kể lại qua Thầy cô, sách báo, phim ảnh và những người lính trong họ hàng. Chỉ vậy thôi, nhưng tôi biết rõ một điều không hề « sách vở » đó là những năm tháng đó sẽ mãi mãi nằm trong ký ức và ghi nhận của cả dân tộc. Đó là sự ghi nhận về cái giá máu xương của nhân dân đã đổ ra để đổi về nền hòa bình cho dân tộc, đổi về sự thống nhất đất nước, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Sự toàn vẹn này không chỉ ở việc xóa bỏ lằn ranh vĩ tuyến 17 trên đất liền. Sự toàn vẹn lãnh thổ còn ở việc cờ Tổ quốc giương cao trên các cột mốc biên cương. Sự toàn vẹn còn phải tính đến những hòn đảo, quần đảo trên mặt Biển Đông thuộc về bản đồ nước ta đã cả ngàn năm nay. Trong đó, Hoàng Sa- Trường Sa đối với lớp thanh niên chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ « chỉ là ký ức ».
Thế nhưng, việc chủ quyền biển đảo của đất nước bị xâm phạm, không hiểu vì lý do gì, những thông tin về sự việc này đến với chúng tôi theo con đường chính thống rất muộn. Muộn, nhưng bằng vào sự quan tâm của mình một cách có trách nhiệm, chúng tôi buộc phải mày mò tìm hiểu và các trang mạng xã hội là nơi chúng tôi nhắm đến. Bước vào thế giới mạng, tuy nó được nhận định đa phần là ảo, nhưng thực ra, thanh niên bây giờ không chỉ có những nhóm người chỉ biết xài tiền chơi ngông, vô công rỗi nghề, thích nổi loạn, gây rối hoặc ẽo ợt như những người thuộc « thế hệ gối ôm », mà vẫn còn một bộ phận đông đảo thanh niên hướng đến Hoàng Sa- Trường Sa, những vấn đề lý tưởng tuổi trẻ bằng tất cả nhiệt tâm của mình. Nếu ta biết bỏ qua một bên những ý đồ đen tối manh nha đâu đó cho việc kích động hòng gây rối, thì sâu xa trong những lời kêu gọi tuần hành, thực sự có những tấm lòng thanh niên hướng về Hoàng Sa- Trường Sa. Với họ, Hoàng Sa – Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời với cơ thể đất nước. Với họ, việc để một mảnh đất Tổ quốc mất đi dù nhỏ nhất cũng là điều không thể chấp nhận. Họ, cũng như chúng tôi, tuy chỉ là những người được thừa hưởng sự hy sinh của các thế hệ đi trước, nhưng điều đó không có nghĩa, chúng tôi cho phép mình thờ ơ với cái giá máu xương mà bao thế hệ cha ông đã phải đổ ra để giành lại Tổ quốc này. Với chúng tôi đó là cái giá của lương tri.
Bằng suy nghĩ riêng của mình, tôi cũng hiểu vấn đề Biển đảo Biển Đông hiện nay rất phức tạp. Rằng việc chúng ta đấu tranh để đòi lại chủ quyền ở Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa là vấn đề cần có thời gian, cần có chiến lược không đơn giản và phải bình tĩnh, sáng suốt. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là ta phó mặc mặt trận đấu tranh cho thương lượng ngọai giao. Trong quá khứ xa xưa, nhà Lý đánh Tống, Trần Hưng Đạo ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông, Nguyễn Trãi và nhà Lê trong cuộc khởi binh chống quân Minh, rồi gần đây, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoặc ở cuộc chiến biên giới phía Bắc, phía Tây Nam năm 1979 chẳng phải, chúng ta – trong thế yếu hơn nhiều lần- đã chiến đấu và chiến thắng những thế lực ngọai xâm hùng mạnh bằng nhiều mũi giáp công? Trước vấn đề tranh chấp Hòang Sa – Trường Sa trên Biển Đông, thanh niên chúng tôi cho rằng, bên cạnh việc thương lượng ngọai giao, bên cạnh việc tranh thủ lẽ phải của luật pháp quốc tế và sự đồng tình của dư luận thế giới, chúng ta vẫn phải dựa vào chính tiếng nói đanh thép, sức mạnh của tinh thần quật cường dân tộc là chính trong việc bày tỏ thái độ trước những hành vi xâm phạm chủ quyền của đất nước mình một cách ngang ngược của một số nước láng giềng.
Ngày 15/08/2011 vừa qua, ngày tựu trường của học sinh tòan thành phố, được sự cho phép của Thầy Hiệu trưởng, tôi đã lên sinh họat với hơn 1800 học sinh của Trường trong chủ đề Biển Đảo Tổ quốc ta. Tôi nói với học sinh của mình không dài lời, chỉ gói gọn trong những ý «Biển đảo đâu phải chuyện của một nhúm người. Nó là chuyện của “trăm họ”, và chính là chuyện nếu hôm nay thế hệ các Thầy Cô chưa làm được cho sự vẹn nguyên của nó, thì trách nhiệm sẽ là của các con trong tương lai…Cho nên để làm tốt trách nhiệm này, các con phải chuẩn bị tư thế “gánh trách nhiệm” đó ngay từ bây giờ” . Tôi kết thúc bài sinh họat chưa đến 10 phút của mình bằng bài thơ Những huyết cầu Tổ quốc của Blogger Đinh Vũ Hòang Nguyên. Trong bài thơ có nhiều từ lạ và học sinh của tôi có thể không hiểu hết, nhưng bằng vào việc các em vỗ tay rân trời và hô vang Hòang Sa – Trường Sa sau khi tôi ngừng ở cuối bài thơ, bằng vào việc sau đó chỉ trong vòng 3 ngày bằng tiền tiết kiệm ăn sáng, các em đã đóng góp cho cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa” của Báo Tuổi Trẻ số tiền 11 triệu đồng, những học trò nhỏ đã gầy dựng trong tôi niềm tin rằng, Hòang Sa – Trường Sa chắc chắn sẽ trở về nguyên vẹn trong lòng Tổ quốc ta. Trở về bằng chính những việc làm nhỏ nhất, nhưng cụ thể nhất của tuổi trẻ hôm nay. Viên đá xây dựng Trường Sa hôm nay không chỉ đơn giản là gìn giữ những gì còn lại, mà nó phải được hiểu như chúng ta đang đắp lũy, xây thành cho một trận chiến “đòi đất” hứa hẹn phải lâu dài. Ngọn đèn thắp sáng trên nhà giàn DK1 không chỉ đơn giản là thắp sáng một vùng biển, mà nó còn là tín hiệu khẳng định vị thế làm chủ của ta nơi biển trời thăm thẳm kia.
Sáng 15/08/2011 hôm ấy là một buổi mai mát lạnh, trong lành sau những cơn mưa đêm trước, sau phần sinh họat của mình, tôi đã chảy nước mắt vì không khí mà học sinh mang đến trong buổi chào cờ. Tôi chảy nước mắt trong niềm vui về những người trẻ của mình với vận nước tương lai, và tôi tin, các em sẽ lớn lên, sẽ biết gìn giữ cẩn trọng và tự hào về lương tri Tổ quốc mà ông cha để lại bằng máu xương hôm qua ...khởi đi từ những động thái ý nghĩa nhất.
Lâm Minh Trang (Gò Vấp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét