Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Muốn có đạo đức, hãy để thị trường được tự do

Hoàng Đức Minh, Hội An 


                 Muốn có đạo đức, hãy để thị trường được tự do

Trích: Khi thị trường trở nên tự do, những dịch vụ tốt nhất, với giá rẻ nhất sẽ được lựa chọn. Tỷ lệ cung cầu sẽ tự động quyết định mức lương hợp lý cho mỗi giáo viên hay bác sĩ.

Ngành y, ngành giáo, hành chính công và nhiều dịch vụ công cộng khác đang phải đối mặt với những khủng hoảng về đạo đức nghề nghiệp. Tham nhũng, nhũng nhiễu, vòi tiền của người dân, chất lượng dịch vụ thấp, gian dối là những hiện tượng phổ biến trong tất cả các lĩnh vực này.

Các nỗ lực của nhà nước nhằm thay đổi điều này dường như không hiệu quả, từ các cuộc thanh tra, các cuộc vận động về đạo đức cho tới các giải pháp mang tính chế tài như cấm giáo viên dạy thêm, cấm bác sĩ nhận phong bì, tăng lương … Trong ngành giáo dục, các giải pháp mang tính kỹ thuật đều đã được thử nghiệm như giảm tải chương trình cũng không mang lại hiểu quả.

Rất rõ ràng, không thể giải quyết vấn đề chỉ bằng việc kêu gọi lương tâm của mỗi công chức nhà nước theo kiểu “xin đừng than thở nữa, đất nước còn nghèo”.

Nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề này không phải do sự suy đồi đạo đức mà nằm ở sự méo mó của thị trường trong các lĩnh vực có sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước. Bệnh viện và trường học là hai ví dụ điển hình.



Khi lương giáo viên không đủ sống, học phí cố định, việc dạy thêm và các tệ nạn khác trở thành lối thoát tất yếu. Kết quả là nguồn thu nhập của giáo viên ngày nay chủ yếu đến từ tiền lương của nhà nước và tiền thu từ học sinh. Về bản chất, cả hai nguồn thu này đều xuất phát từ tiền của người dân.
Điều tương tự diễn ra ở các bệnh viện. Số lượng bệnh nhân thường vượt quá khả năng của mỗi bệnh viện, chi phí khám chữa bệnh và cả lương cho bác sĩ được quy định bởi nhà nước khiến cho các bệnh viện không có khả năng tái đầu tư, các bác sĩ buộc phải nhận chữa cho số bệnh nhân vượt quá khả năng của mỗi bệnh viện, các bác sĩ buộc phải nhận phong bì.

Trong cả hai trường hợp, các dịch vụ tư nhân rất khó để phát triển khi phải cạnh tranh không công bằng về giá với các đơn vị công lập có sự hỗ trợ của nhà nước. Các dịch vụ công do nhà nước cung cấp nhằm đảm bảo việc mọi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ này. Tuy vậy, sự độc quyền này là liều thuốc độc tiêu diệt sự cạnh tranh, yếu tố cực kỳ cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của các dịch vụ này. Cùng một tiêu chuẩn, các trường tư buộc phải đầu tư một số tiền lớn hơn, cố gắng đem lại các dịch vụ tốt hơn để cạnh trạnh với các dịch vụ được trợ giá của nhà nước. Kết quả là các bệnh viên tư hay trường học tư chủ yếu chỉ giành cho người giàu – những người sẵn sàng từ bỏ quyền lợi của mình và bỏ thêm tiền.

Với một thị trường lành mạnh, các phụ huynh hay bệnh nhân đóng vai trò khách hàng có quyền lựa chọn trường mà con họ học. Hiệu trưởng và giám đốc bệnh viện, với tư cách nhà đầu tư, cần có quyền quyết định nhận hay đuổi nhân viên mà họ muốn. Dưới áp lực của cả hai bên, mỗi giáo viên, bác sĩ đều bị buộc phải điều chỉnh lại hành vi của mình. Việc dạy thêm sẽ tự động giảm xuống khi các phụ huynh sẽ bắt đầu quyết định gửi con vào những trường mà chúng không phải học thêm, hay sẽ thường xuyên tới khám một bệnh viện dù đắt hơn nhưng có dịch vụ tốt, và không nhận phong bì.
Thiếu tự do, các cá nhân trong hệ thống sẽ tìm mọi cách luồn lách và thủ thuật nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình, bao gồm cả việc lách luật và tham nhũng. Khi người dân không có quyền lựa chọn, họ buộc phải chấp nhận những bất công xảy đến. Nếu hiệu trưởng không thể quyết định đuổi một giáo viên, thì cho dù có tăng lương tới gấp 3, 4 lần thì giáo viên này vẫn có thể tiếp tục dạy thêm như thường.
Việc người dân tự nguyện gửi phong bì cho bác sĩ, giáo viên, nhân viên hành chính cho thấy người dân sẵn sàng chi trả thêm để được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn. Khi thị trường trở nên tự do, những dịch vụ tốt nhất, với giá rẻ nhất sẽ được lựa chọn. Tỷ lệ cung cầu sẽ tự động quyết định mức lương hợp lý cho mỗi giáo viên hay bác sĩ.

Hành vi của con người bị ảnh hưởng bởi những động cơ lợi ích, tuy vậy khi có sự cạnh tranh công bằng thì những động cơ lợi ích này lại khiến người ta hành động một cách rất nhân văn. Chính sự can thiệp mạnh mẽ, áp đặt những chuẩn mực, độc quyền trong các dịch vụ công lại là nguồn gốc của những bất cập.


Hoàng Đức Minh
Hội An 28.10.2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét