Ðoàn Xuân Lộc
Cư dân vây quanh một chiếc xe máy bị cháy thành than trong tỉnh Nghệ An. Dân làng phẫn nộ vì bị trộm chó đã thu giữ xe máy của các tên trộm chó và nổi lửa đốt xe.
Chuyện con người có lúc dùng đến bạo lực khi hành xử với nhau ở đâu cũng có, thời nào cũng xẩy ra. Nhưng có thể nói ít có quốc gia nào, xã hội nào nạn bạo hành lại phổ biến như ở Việt Nam thời nay.
Một xã hội đầy bạo lực?
Ở Việt Nam – như một số bài viết và dư luận chung nhìn nhận – ‘bạo lực đã lên ngôi’. Tệ nạn này diễn ra gần như mọi lúc, mọi nơi, dưới nhiều hình thức và trong nhiều môi trường khác nhau.
Có nhiều trường hợp, chỉ vì những va chạm, xô xát, xích mích rất nhỏ chuyện ẩu đả, đâm chém, giết hại lẫn nhau đã xẩy ra.
Trong một số hoàn cảnh khác, một phần vì bức xúc, bất lực trước một tệ nạn xã hội, người dân đã dùng bạo lực để hành xử, để tự giải quyết vấn đề. Một ví dụ cụ thể cho trường hợp này – và cũng là một vấn đề gây không ít nhức nhối, thương tâm – là chuyện những người trộm chó bị đánh chết xẩy ra tại nhiều nơi khác nhau ở Việt Nam.
Nhìn những hình ảnh về những người trộm chó bị trói, bị đánh chết nằm tả tơi, nhơ nhuốc trên đường – xuất hiện đầy dẫy trên báo chí và các trang mạng xã hội – chắc có người có cảm giác đâu đó ở Việt Nam vẫn đang có chiến tranh, nội chiến hay thậm chí đang sống thời sơ khai.
Nạn bạo lực và tình trạng tự xử ở Việt Nam đã quá phổ biến và nghiêm trọng. Các quan chức Việt Nam cũng đã lên tiếng báo động về những tệ nạn này.
Chẳng hạn, khi tường thuật về một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9 năm 2013, báo Tuổi Trẻ trích dẫn Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói rằng bà ‘rất đau lòng khi nghe tin những vụ xử nhau vì những lý do lãng xẹt’.
Trong khi đó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề cập đến chuyện giờ ‘mạng người không bằng mạng chó’ và Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc than phiền về chuyện ‘coi thường tính mạng người khác, bất chấp pháp luật’ vì theo ông ‘Ăn trộm chó thì dù sao cũng là một con người, vậy mà bắt giữ, không thả, đánh đến chết. Mà chuyện đâu chỉ xảy ra ở một nơi’.
Vì vậy, bà Doan bình luận rằng ‘đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động’.
Đáng báo động vì nạn bạo hành đã len lõi vào tất cả mọi ‘ngõ ngách’ của đời sống xã hội – từ gia đình đến học đường tới chốn công quyền.
Đáng bạo động nhất là chuyện công an lộng quyền, hành xử thô bạo với dân.
Cũng giống như chuyện người dân tự hành xử với những người trộm chó, chuyện công an coi thường tính mạng người khác, bất chấp pháp luật, bắt giữ và đánh người đến chết ‘đâu chỉ xảy ra ở một nơi’.
Tệ nạn này rất phổ biến và nghiêm trọng. Một ví dụ điển hình là vụ năm công an dùng dùi cui đánh chết anh Trương Thanh Kiều ở Phú Yên.
Vụ án này – một vụ gây bất bình, phẫn nộ trong dư luận trong thời gian qua – chưa được giải quyết xong và không biết sẽ kết thúc như thế nào dù Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã lên tiếng yêu cầu các cơ quan tư pháp nghiêm minh xử lý – thì chuyện dân ‘đánh’ công an ở xã Bắc Sơn, Hà Tĩnh xẩy ra.
Xem ra, ở Việt Nam mọi thứ đang bị đảo lộn và luật pháp hầu như không còn tồn tại.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao nạn bạo hành và tình trạng tự xử nói riêng lại phổ biến như vậy ở Việt Nam.
Mỗi người có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau của nạn bạo hành (gia đình, học đường, công an và xã hội nói chung) và tình trạng dân tự xử các vấn đề, tệ nạn xã hội.
Bài viết này chỉ gợi lên một vài yếu tố có thể được coi là trực tiếp hay gián tiếp gây nên thực trạng, tệ nạn đó.
Ưa bạo lực, không bao dung?
Cũng theo Tuổi Trẻ, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói trên, bà Doan tự hỏi xã hội xuống cấp và tình trạng tự xử trong dân có phải là ‘do các chương trình giảng dạy đạo đức trong nhà trường không được coi trọng hay do tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên xuống cấp nên nó tác động xấu đến xã hội’?
Không biết trong phát biểu và suy nghĩ của mình nói chung bà Doan có coi chuyện ‘các chương trình giảng dạy đạo đức trong nhà trường không được coi trọng’ có ‘tác động xấu đến xã hội’ hay không vì không thấy Tuổi Trẻ trích dẫn.
Tuy vậy, những ai am hiểu về tình hình Việt Nam đều có thể nhận ra không chỉ ở học đường mà hầu như trong toàn bộ mọi sinh hoạt, đời sống chính trị, kinh tế và xã hội ở Việt Nam, vấn đề đạo đức ít được coi trọng.
Và có thể nói một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chủ nghĩa Mác-Lênin mà Đảng Cộng sản Việt Nam chọn làm ‘nền tảng tư tưởng’, làm ‘kim chỉ nam’ cho mọi hoạt động của mình không coi trọng các chuẩn mực, giá trị tinh thần, nhân bản.
Cụ thể học thuyết này hầu như không đề cập gì đến những phạm trù đạo đức xã hội và các giá trị tinh thần, nhân bản – như nhân quyền, nhân phẩm, bác ái, lương tâm hay trách nhiệm.
Tuy vậy, dù được coi là một học thuyết ‘thiếu đạo lý làm người’, chủ nghĩa Mác-Lênin lại được đề cao – thậm chí được tôn thờ – và được áp dụng trong tất cả mọi sinh hoạt, lĩnh vực, môi trường – từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục.
Khi tuyệt đối hóa và áp đặt một học thuyết như vậy lên toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội chuyện con người bị bạo lực và những đòi hỏi vật chất chi phối, lấn lướt và – vì vậy – có những hành xử thiếu tình người hay thô bạo với nhau không có gì là khó hiểu.
Hơn nữa, chuyện tuyệt đối hóa chủ nghĩa Mác-Lênin cũng dẫn đến việc loại bỏ những giá trị của các học thuyết, triết lý khác hay những giá trị truyền thống của Việt Nam – trong đó có những giá trị rất nhân bản, tốt đẹp.
Nếu thay vì cứ mãi được dạy hay được nhắc nhở về đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản và bạo lực cách mạng, học sinh, sinh viên, những người nắm giữ công quyền và người dân nói chung được học hay được khuyến khích sống huynh đệ, từ bi, tương thân tương ái, chắc nạn bạo hành (gia đình, học đường hay công an) ở Việt Nam không phổ biến như vậy.
Đặc biệt khi tuyệt đối hóa chính mình, khi coi mình là người độc quyền chân lý, người ta không còn muốn lắng nghe hay đối thoại với người khác. Thậm chí họ sẵn sàng dùng bạo lực để dập tắt những tiếng nói khác biệt, đối lập.
Cũng giống như những chế độ cộng sản khác trước và nay, chính quyền Việt Nam vẫn chưa chấp nhận đa nguyên, đa đảng và vẫn thường bắt giữ, tù giam những ai có chính kiến, lập trường, đường hướng đối lập với mình.
Khi cả chế độ và hệ thống thiếu sự bao dung như vậy làm sao có thể đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi cá thế sống trong hay dưới chế độ đó bao dung với nhau?
Bạo hành (gia đình, học đường hay công an) xẩy ra có thể một phần vì người ta coi thường đối thoại, không còn biết lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau hay không chấp nhận khác biệt.
Phi luật pháp, thiếu gương mẫu?
Khi tự trả lời cho câu hỏi của mình nói trên, bà Nguyễn Thị Doan cho rằng ‘chuyện niềm tin của nhân dân giảm sút vì một bộ phận cán bộ, đảng viên kém phẩm chất’ là nguyên nhân gây nên tội phạm trong xã hội, tự xử trong dân.
Tại phiên họp ấy, ông Ksor Phước cũng được báo Tuổi Trẻ trích dẫn nói rằng có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng tự xử trong dân. Trong đó có ‘việc [những người nắm giữ công quyền] xử lý thiếu nghiêm minh, bao che vi phạm, làm mất lòng tin của nhân dân’.
Những nhận xét như vậy rất đúng nhưng xem ra chưa đủ.
Những vụ công an đánh chết người trong những năm qua – đặc biệt vụ ở Phú Yên – cho thấy ‘cán bộ’, ‘đảng viên’ không chỉ ‘kém phẩm chất’ hành xử thô bạo làm mất lòng tin của dân mà còn rất tàn nhẫn làm người dân bất bình, phẫn nộ.
Trong một bài phỏng vấn đăng trên báo Người Lao Động hôm 07/04, ông Lương Quang, Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, cho biết trên người anh Kiều có tới 70 vết thương, trong đó có 11 vết thương trên đầu. Và chính ông Lương cũng ‘thấy kinh’ ngạc về chuyện đó.
Hơn nữa, như nhiều bài viết, nhiều người – trong đó có những người (từng) làm trong ngành tư pháp hay am hiểu luật pháp Việt Nam – chỉ ra rằng việc bắt giam anh Kiều hoàn toàn phi pháp và tiến trình điều tra, xét xử có nhiều sai phạm.
Tuy bắt giữ người trái phép lại dã man đánh chết người như vậy năm công an đó chỉ nhận mức án từ 5 năm tù đến 1 năm án treo về tội ‘Dùng nhục hình’. Một số người liên quan khác – trong đó có ông Lê Đức Hoàn, Phó công an Thành phố Tuy Hòa, người trực tiếp chỉ đạo, phân công người tiến hành bắt giữ anh Kiều – không bị truy tố hay chịu bất cứ trách nhiệm hình sự nào.
Khi chính những người có nhiệm vụ bảo vệ an toàn, tính mạng, cuộc sống của dân, và giữ gìn trật tự, àn toàn xã hội lại đi đánh chết dân và hành xử như giang hồ chuyện xã hội đạo đức xã hội xuống cấp, bạo hành lên ngôi là việc dễ hiểu.
Trong một xã hội mà những người nắm giữ công quyền, cầm cân nảy mực và cán cân công lý vi phạm và chà đạp lẽ phải, luật pháp chuyện người dân mất niềm tin vào hệ thống và tự xử cũng không có gì là quá lạ.
Chắc chắn sẽ không có những vụ dân ‘tự xử’ hay ‘đánh’ công an như vụ Bắc Sơn, Hà Tĩnh nếu như người dân tin vào giới công quyền, tin vào sự nghiêm minh, công bằng của luật pháp hay tin rằng quyền lợi của họ được tôn trọng và tiếng nói của họ được lắng nghe.
Hơn nữa, xem ra ở Việt Nam, không chỉ ‘một bộ phận cán bộ kém phẩm chất’ như bà Doan và ông Phước thừa nhận mà xem ra cả thể chế, chế độ cũng đang đánh mất niềm tin nơi dân.
Chẳng hạn, trong thời gian gần đây mỗi lần có một ‘đại gia’ hay lãnh đạo một tập đoàn nhà nước nào đó bị bắt giam, xét xử thay vì bàn về việc người đó có tội hay không, có tội gì dư luận lại đề cập đến chuyện tranh chấp, đấu đá trong giới lãnh đạo chóp bu hoặc các phe nhóm trong Đảng Cộng sản và coi chuyện đấu đá nội bộ ấy là lý do đằng sau các vụ bắt giữ, xét xử đó.
Thực hư chuyện này như thế nào chỉ những người trong cuộc biết rõ. Nhưng chính những suy đoán như vậy ít hay nhiều cho thấy những người ngoài cuộc và dư luận nói chung không hoàn toàn tin tưởng vào giới lãnh đạo và chế độ.
Vì vậy, để xây dựng một xã hội thực sự văn minh, công bằng, thượng tôn pháp luật như các quan chức Việt Nam thường hay nhấn mạnh và kêu gọi, Việt Nam cần có những thay đổi căn bản, triệt để về tư tưởng, thể chế từ chế độ.
Vẫn biết rằng xã hội yên bình, văn minh hay không ít còn tùy thuộc nhiều vào ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân, mỗi gia đình và các tổ chức trong xã hội.
Nhưng thiết nghĩ rất khó – nếu không muốn nói là không thể – xây dựng được một xã hội như thế khi đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng vẫn được khuyến khích, khi các giá trị nhân bản, tinh thần tiếp tục bị coi thường, khi chế độ thiếu bao dung (với những tiếng nói khác biệt, đối lập), khi giới công quyền lộng hành, hành xử thô bạo với dân hay khi các quan chức, lãnh đạo không gương mẫu trong việc tôn trọng, thực thi luật pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét