Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

" Chúng Tôi Cực Lực Phản Đối...."

Kim Quy. Xứ Nghệ              


              

Chính sách bá quyền của Trung Quốc thực thi suốt hàng ngàn năm đã tích luỹ cho giới cầm quyền nước này những kinh nghiệm về mua chuộc, đe doạ, vỗ về, chia rẽ, phá hoạt, hợp tung, liên hoành.v.v… mà không một quốc gia nào có được.


Việc cái giàn khoan thế hệ sáu lờ đờ ở gần Lý Sơn chỉ là một bước trong kế hoạch nhiều bước đầy quỷ quyệt và ma mãnh của Trung Quốc. Năm 1974, thực hiện kế “Phản khách vi chủ” chiếm lấy Hoàng sa làm bàn đạp. Năm 1988, chiếm lấy đảo Gạc Ma và một số bãi đá ngầm ở Trường sa để tạo thế đứng chân cho một kế hoạch dài hơn. Sau đó, lè cái lưỡi bò liếm trọn Biển Đông tạo ra tình tranh tranh chấp, tức là kế “Vô trung sinh hữu – Biến cái không có thành có (không tranh chấp thành tranh chấp).

Đến đây, Trung Quốc coi như đạt được 1/3 kế hoạch. Giai đoạn 2, thực hiện kế “đả thảo kinh xà” dùng tàu hải giám bắt cóc, tống tiền ngư dân Việt Nam để làm họ sợ và đánh mất ngư trường truyền thống. Hiện nay, là kế “Quan đạo Thiên kiêu -Ném đá dò đường”. Tức là phân lô mời thầu, đưa giàn khoan vào biển Việt Nam để xem phản ứng của ta thế nào. Từ đó tuỳ thời, lựa thế có thể ung dung tính toán được mất ở Biển Đông. Nếu Việt Nam hèn nhát chỉ đánh giặc mồm và ông “cảnh sát” Ờ me ri ca còn bận chuyện ở U thì nhân đó sử dụng “Hỗn thuỷ mạc ngư” ra tay lập thêm nhiều giàn khoan đóng chốt. Lúc đó cho dù VN có dùng loa bắc lên đỉnh Phanxipăng mà hét cũng chẳng làm được gì.

Nếu Việt Nam làm căng, Trung Quốc sẽ sử dụng Liên hoàn kế nhằm đạt được mục đích. Đầu tiên là: “cầm tặc cầm vương” lôi kéo phân hoá những người lãnh đạo trong Đảng, Nhà nước làm sao để những người này thấy TQ là đồng minh chứ không phải là phương Tây.

Thứ hai: dùng “Phủ để trừu tân” tăng đầu tư vào Việt Nam đưa các công nghệ cũ vào bán với giá cao, cho thương nhân thao túng thị trường làm kinh tế Việt Nam khó khăn, kiệt quệ.

 Thứ ba: tiếp tục thực hiện “Giả đồ phạt Quắc và Tiếu lý tàng đao” lấy tấm bảng vàng 16 chữ làm bí kíp làm cho VN mất cảnh giác, xây dựng lực lượng.

 Khi hội đủ các điều kiện thì sử dụng kế cuối cùng “Viễn giao cận công” xa giao thiệp, gần thì dùng vũ lực chiếm lấy Trường sa. Lúc đó, thế nào anh ngoại giao cũng sẽ lên tiếng: chúng tôi cực lực phản đối.

 Ngồi nghĩ chuyện này đã thấy toát mồ hôi, lại nghe điệp khúc núi liền núi sông liền sông, chung thuỷ hữu tình thật không chịu nổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét