Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Phong trào biểu tình chống Trung Quốc vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền

Thanh Phương
             
               Người biểu tình tập hợp trước sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội 13/05/2014 - REUTERS /Kham

Người biểu tình tập hợp trước sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội 13/05/2014 - REUTERS /Kham

Có đến 15 nhà máy bị đốt cháy và rất nhiều nhà máy khác bị đập pháp, hậu quả cuộc tuần hành của công nhân Bình Dương phản đối Trung Quốc hôm qua cho thấy là chính quyền Hà Nội có vẻ như không kiểm soát được nỗi phẫn uất của người dân trước hành vi của Bắc Kinh xâm lược vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông.



Những vụ biểu tình bạo động với quy mô lớn như vậy rất hiếm khi xảy ra ở Việt Nam, vì Đảng Cộng sản vẫn ngăn chận mọi hành vi phản kháng. Nhưng khi buộc phải cho phép người dân xuống đường ngày 11/05 vừa qua để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam, chính quyền Hà Nội đã mở ngỏ cho các cuộc biểu tình tự phát. 

Không ai ngờ là các công nhân đã tiếp nối phong trào chống Trung Quốc qua cuộc tuần hành dẫn đến đốt phá nhà máy hôm qua ở Bình Dương. Công nhân đã trút nỗi phẫn uất vào các nhà máy Trung Quốc, Đài Loan không chỉ vì hành vi xâm lược của Bắc Kinh trên Biển Đông, nhưng cũng có thể là vì họ vẫn bất bình vì bị chủ bóc lột, khinh rẻ, ngược đãi. Nỗi uất hận này chỉ chờ dịp là bùng phát và vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên Biển Đông là giọt nước làm tràn ly. 

Chính quyền Việt Nam hôm nay 14/05/2014 đã tỏ thái độ kiên quyết ngăn chận tái diễn bạo động như ở Bình Dương, tuyên bố sẽ « xử lý nghiêm » những kẻ « kích động gây rối », cũng như câu lưu hàng trăm người « bị bắt quả tang cướp bóc, đốt phá » các nhà máy của Trung Quốc và Đài Loan. 

Vấn đề là phong trào phản đối Trung Quốc của giới công nhân Việt Nam có vẻ như đang lan rộng. Sau Bình Dương, theo các nguồn tin trên mạng, hôm nay đến lượt công nhân các khu công nghiệp của Trung Quốc ở Thái Bình và Hà Tĩnh đình công, tuần hành phản đối Trung Quốc. 

Tình hình này dĩ nhiên gây lo ngại cho các nhà đầu tư ngoại quốc, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc và Đài Loan. Đại sứ quán Trung quốc hôm qua đã đăng trên trang web của họ lời cảnh giác các công ty Trung Quốc và các nhân viên của những công ty này nên cẩn trọng đề phòng bạo động, tránh đi ra ngoài nếu không cần thiết. 

Về phần Đài Loan thì cảnh báo chính quyền Hà Nội là nếu không có hành động để chặn đứng những vụ bạo lực như ở Bình Dương hôm qua, các doanh nghiệp Đài Loan sẽ không đầu tư vào Việt Nam nữa. Theo Bộ Kinh tế Đài Loan, đã có 1000 nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi vụ bạo loạn hôm qua tại Bình Dương.

Ngoài Bình Dương, một số nhà đầu tư Đài Loan ở tỉnh Đồng Nai kế bên cũng đã buộc phải tạm ngưng hoạt động. Formosa Plastics Group, một trong những tập đoàn lớn nhất của Đài Loan, đã khẩn thiết kêu gọi chính phủ Đài Bắc yêu cầu phía Việt Nam bảo vệ các nhà đầu tư ngoại quốc. 

Hiện giờ, Đài Loan là nhà đầu tư lớn hàng thứ tư ở Việt Nam, chỉ thua Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Trung Quốc cũng đang đầu tư ngày càng nhiều vào Việt Nam. Xuất khẩu hàng hoá vẫn là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, với nhiều công ty Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam. Nhất là hiện nay, khi mà nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là đang khủng hoảng, Việt Nam càng cần đến đầu tư ngoại quốc để duy trì một mức tăng trưởng tương đối.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140514-phong-trao-bieu-tinh-chong-trung-quoc-vuot-khoi-tam-kiem-soat-cua-chinh-quyen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét