Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Công Nhân Ba Lan Đã Đòi 21 Yêu Sách Như Thế Nào Vào Năm 1980



Bài gửi by Cây Bút Lạ on Sun Jun 13, 2010 5:42 pm
Tóm Lược Các Diễn Biến Lịch Sử

Vào năm 1975, chính sách kinh tế sai lầm của đảng Cộng sản Ba Lan làm tăng nhanh khủng khiếp các khoản nợ nước ngoài. Tháng 6 năm 1976 đã nổ ra những cuộc đình công đầu tiên tại tỉnh Radom và nhà máy sản xuất máy kéo Ursus, ngoại ô Warsaw. Ngày 16/10/1978, Hồng y Giáo chủ Ba Lan Karol Wojtyla trở thành Giáo Hoàng John Paul II. Một năm sau, chuyến hành hương đầu tiên của Ngài trở về Tổ Quốc Ba Lan đã thức tỉnh cả dân tộc và bẻ gãy tảng băng sợ hãi từ bao năm dưới bạo quyền cộng sản. Trong chuyến thăm Ba Lan này, Giáo Hoàng kêu gọi chế độ tôn trọng các quyền cơ bản của công dân, tạo ra ảnh hưởng to lớn cho phong trào tranh đấu của nhân dân Ba Lan. Năm 1980, tình hình kinh tế càng xấu thêm. Giá cả các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng vọt. Mọi giá cả trên thị trường đều do cơ quan trung ương định đoạt. Sản xuất và buôn bán tư nhân các mặt hàng thực phẩm bị cấm.

Ngày 1 tháng 7, Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Ba Lan lại quyết định tăng giá thực phẩm. Chỉ 8 ngày sau, các cuộc biểu tình, đình công nổ ra tại tỉnh Lublin, kéo dài đến 25 tháng 7 năm 1980. Một loạt cuộc biểu tình, đình công tiếp theo trong ngày 14/08/1980 tại xưởng đóng tàu Lenin, thành phố Gdansk, được tổ chức bởi Công Đoàn Tự Do Vùng Duyên Hải. Lần đầu tiên, bên cạnh các yêu sách xuất hiện các đòi hỏi chính trị. Khoảng 11.00 giờ cùng ngày, Lech Walesa, một trong những công nhân bị đuổi việc gia nhập đoàn biểu tình. Ủy ban đình công đòi nhà cầm quyền trả lại việc làm cho Lech Walesa và một số công nhân khác, đòi xây bia tưởng niệm những công nhân bị giết hại trong cuộc đàn áp năm 1970, đòi tôn trọng các quyền lợi lao động của công nhân. Người ta cũng thành lập MKS, (tạm dịch tương ứng tiếng Việt: Ủy ban Đình công Toàn Quốc) với người đứng đầu là Lech Walesa.

Ngày 17/08/1980. trước cổng xưởng đóng tàu Lênin, linh mục Henryk Jakowski làm lễ cầu nguyện và ngày 24/08/1980, trên cổng xưởng máy, công nhân đã treo bảng yêu sách đòi chính quyền cộng sản thực thi 21 điểm. Các yêu sách của công nhân rất khó được chấp nhận bởi chính quyền cộng sản vì không chỉ liên quan đến quyền lợi kinh tế. Lần đầu tiên, những người công nhân đưa ra đòi hỏi thành lập đại diện chính thức của mình trong một nhà nước. Công nhân muốn tự lập ra công đoàn độc lập để đối thoại với ‘‘nhà nước công nông” của ‘‘những người lao động tại các thành phố và nông thôn”. Với hình thức này những người công nhân đã chỉ ra sự bất khả tín của đảng cộng sản Ba Lan – như đảng Cộng sản vẫn tuyên truyền rằng họ là của ‘‘nhân dân lao động tại thành phố và nông thôn”, lãnh đạo đất nước nhân danh những người vô sản. 21 yêu sách của công nhân được xem là tiếng nói rất mạnh mẽ đối với đảng cộng sản, nhưng những người công nhân đã không thể hiện ý thức lật đổ ‘‘nhà nước nhân dân”. Hoàn cảnh địa lý-chính trị lúc đó không cho họ nhìn thấy hy vọng có thể làm sụp đổ những bức tường ngăn cách Ba Lan với thế giới tự do. ‘‘Đế chế của cái Ác” vẫn còn rất nguy hiểm.

Theo học thuyết của Brezjniev, Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Sô bấy giờ thì không một nước thành viên nào của Hiệp ước Quân sự Vác-sô-vi được phép quay lưng lại với chủ nghĩa cộng sản. Tất cả các nước thành viên đều nhận được sự chi viện chí tình của các nước láng giềng ‘‘anh em”. Ví dụ điển hình là cuộc can thiệp quân sự của Hiệp ước Vác-sô-vi vào Tiệp Khắc, mùa xuân 1968. Mặc dù vậy, 21 yêu sách này là cơ sở chính yếu để Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan đàm phán buộc chính quyền cộng sản phải nhượng bộ từng bước. Trong giai đoạn 1980-1981, Công Đoàn Đoàn Kết trở thành một phong trào quần chúng sâu sộng, có tới 10 triệu thành viên tham gia, gây áp lực càng ngày càng mạnh mẽ, thúc ép chính quyền cộng sản phải ngồi vào bàn thương lượng. Trước tình hình đó, cộng với chỉ đạo từ Moscow, ngày 13/12/1981, nhà nước CS Ba Lan đặt đất nước trong ‘‘tình trạng chiến tranh”, ban hành thiết quân luật trên toàn quốc. Song song, chính quyền cộng sản thẳng tay đàn áp dã man mọi cuộc đình công. Ngày 16/12, hàng chục công nhân mỏ than ‘‘Wujek” bị trúng đạn, 9 người chết tại chỗ. Đến ngày 28/12/1981, các cuộc đình công bị dập tắt hoàn toàn. Công Đoàn Đoàn Kết rút lui vào hoạt động bí mật và vẫn liên tục tranh đấu với nhiều tổn thất lớn lao: hàng trăm ngàn người bị bắt, bị tù tội, bị mất việc hoặc phải di tản qua các nước phương Tây.

Cuộc tranh đấu bền bỉ của Công Đoàn Đoàn Kết đã dẫn đến ‘‘Hội nghị Bàn Tròn” lịch sử năm 1989, chuyển thể chế cộng sản sang thể chế đa đảng, đa nguyên, bằng một quốc hội chuyển tiếp gọi là ‘‘Quốc hội Liên lạc”, với sự tham gia của phe đối lập để đi đến bầu cử tự do vào năm 1990. Hàng năm, từ ngày có thể chế dân chủ, tự do, nhân dân Ba Lan đều kỷ niệm, nhắc lại biến cố 13/12/1981. Năm nay, nhân dịp 25 năm, kỷ niệm ngày lịch sử này (13/12/1981 - 13/12/2006), người dịch xin giới thiệu với bạn đọc một tài liệu quan trọng, đó là bản yêu sách đầu tiên của phong trào công nhân Ba Lan. Nhằm đối phó với sự đàn áp của chế độ, công nhân đã dựa vào chính những điều khoản mà chế độ CS ban hành để đưa ra yêu sách, đồng thời nêu lên những vấn đề cụ thể, hết sức thực tế với đông đảo quần chúng nhằm tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của mọi tầng lớp xã hội. 21 yêu sách của công nhân Ba Lan (dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan, kèm theo diễn giải dưới một số điều cho những người không nhớ hoặc không có điều kiện thông tin nắm rõ các dữ kiện lịch sử thời gian ấy).

Bản dịch này dựa theo tài liệu ‘‘Cuộc cách mạng Đoàn Kết”, giai đoạn 1980-1989, do tuần báo Polityka ấn hành đặc biệt, số 4/2005, ngày 8/08/2005. Trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Công Đoàn Đoàn Kết, ngày 31/08/2005, UNESCO đã công nhận và ghi tấm bảng gỗ lịch sử với 21 yêu sách này vào danh sách các di sản văn hoá thế giới. 21 điểm yêu sách lịch sử này được viết giản dị lên một chiếc bảng gỗ thô sơ, không ‘‘đao to búa lớn” bằng những bản tuyên ngôn khuôn mẫu, thực sự gần gũi với các quyền lợi sát sườn của quần chúng lao động. Trên đó không có một chữ ký bất kỳ cá nhân nào, kể cả những người lãnh đạo cao nhất của phong trào hay người đại diện... Hy vọng đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho những người đang đứng trong phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay, nhằm rút ra những bài học cụ thể về mặt tổ chức cũng như phương pháp vận động quần chúng trong cuộc tranh đấu đòi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thực thi quyền lợi cho người lao động.

Đại Diện Chính Quyền Cộng Sản Ba Lan (Trái) và Ông Lech Walesa Đại Diện Ủy Ban Đình Công (Phải) đang ký Thỏa Ước Thực Thi 21 Yêu Sách Của Công Nhân

21 YÊU SÁCH CỦA CÔNG NHÂN

Điều 1. Thừa nhận hoạt động của các công đoàn độc lập, không bị lệ thuộc vào các đảng phái chính trị cũng như chủ doanh nghiệp, dựa trên công ước số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế về quyền tự do của các công đoàn.

Điều 2. Đảm bảo quyền được đình công và bảo đảm an toàn cho người tham gia đình công và những người hỗ trợ họ.

Diễn giải điều 1 và 2:

Giống như trong nhiều lĩnh vực khác, chính quyền Cộng sản Ba Lan đã ký kết một số công ước quốc tế nhưng không hề thực hiện các cam kết. Tất cả các công đoàn trong chế độ đều là các tổ chức của đảng cộng sản, chịu sự kiểm soát của đảng cộng sản, tuân thủ mọi qyết định của đảng cộng sản thông qua Hội đồng Trung ương các Công đoàn Ba Lan. Tất cả các nhân vật lãnh đạo công đoàn đều do đảng cộng sản chỉ định. Các nhà hoạt động của phong trào đòi thành lập công đoàn tự do trong những năm 70 đều bị đàn áp thô bạo. Điểm 1 của bản yêu sách được xem là quan trọng nhất vì nó là trái bộc phá được ném vào khối bê tông của chủ nghĩa xã hội hiện thực, một thể chế mà trong đó tất cả các sinh hoạt xã hội đều bị đảng cộng sản kiểm soát ngặt nghèo bằng bộ máy quân đội, công an, mật vụ...

Điều 3. Tôn trọng các quyền của công dân ghi trong hiến pháp của Cộng Hoà Nhân Dân Ba Lan, đó là: quyền tự do ngôn luận, in ấn, xuất bản; song song, chấm dứt ngay việc trấn áp các nhà xuất bản độc lập; cho phép đại diện của tất cả các tôn giáo được tiếp cận với những phương tiện truyền thông công cộng.

Diễn giải điều 3:

Các điều nêu trong yêu sách được ghi trong hiến pháp của nhà nước cộng sản, nhưng chỉ là hình thức, sáo rỗng, trong thực tế không được thực thi. Nhà nước cộng sản không tôn trọng ngay cả những điều do chính họ nêu ra.

Điều 4. Trả lại các quyền lợi trước đó đã bị tước đoạt: a) của những người bị cho thôi việc vì đã tham gia đình công trong các năm 1970, 1976; các sinh viên bị đuổi học vì bất đồng chính kiến. b) Trả lại tự do cho các tù nhân chính trị. c) Chấm dứt truy bức, đàn áp các nhà hoạt động đối lập.

Diễn giải điều 4:

Như đã trình bày, trong năm 70 đã nổ ra nhiều cuộc đình công, dẫn đến việc thay đổi thành phần lãnh đạo của đảng CS Ba Lan. E. Gierek lên thay thế W. Gomulka, đứng đầu đảng cộng sản. Gierek cho thực hiện một chính sách dễ thở hơn, mở cửa hơn với châu Âu, ra quyết định ngưng tăng giá thực phẩm; nới tay trong việc đàn áp những người tham gia đình công: trả lại việc làm cho những công nhân bị buộc thôi việc trước đây; trả tự do cho những người hoạt động tranh đấu đang ngồi tù... Tuy nhiên các hình thức đàn áp được chuyển qua hình thức tinh vi, xảo quyệt hơn, mang tính đối phó, như: bức bách lao động tại nơi làm việc và cư ngụ, không tiến cử, tăng lương, không được lãnh thưởng, không cấp hộ chiếu đi nước ngoài, không được phân phối nhà ở... v.v.

Điều 5: Thông báo trên các phương tiện truyền thông công cộng về tình hình đình công của công nhân.

Diễn giải điều 5:

Thông tin đưa ra từ mọi phương tiện truyền thông đều bị kiểm duyệt bởi đảng CS. Họ đưa ra thông tin sai lệch về phong trào tranh đấu của công nhân, cho đây là những cuộc nghỉ việc tập thể vô tổ chức.

Điều 6: Thực thi những hành động cụ thể đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng như: - Công bố với dư luận xã hội đầy đủ về tình hình thực trạng của đất nước. - Cho phép mọi tầng lớp xã hội tham gia vào cuộc thảo luận về chương trình cải cách.

Diễn giải điều 6:

Dân chúng đã hết tin vào các bảng thành tích được tuyên truyền bởi nhà nước CS. Mọi chỉ số mà họ đưa ra dường như đều tuyệt vời với kế hoạch kinh tế được chỉ đạo tài tình của đảng CS. Vì mục đích này, người ta đã xuyên tạc, bóp méo các con số thống kê, không để nhân dân hiểu rõ tình trạng thực tế của đất nước. Thành tích thì to lớn, trong khi cuộc sống hàng ngày đầy thiếu thốn, hàng hoá khan hiếm, phải mua bằng chế độ tem phiếu, xếp hàng nhiều giờ...

Điều 7: Trả lại tiền lương cho người lao động trong thời gian tham gia đình công theo chế độ như nghỉ phép năm từ quỹ phúc lợi xã hội.

Điều 8: Tăng tiền trợ cấp cho người lao động hàng tháng (2.000 đồng Ba Lan - PLN), xem như phụ cấp giá cả sinh hoạt đắt đỏ.

Điều 9: Đảm bảo việc tự động tăng lương theo chỉ số tăng giá cả sinh hoạt và chỉ số mất giá của đồng tiền.

Diễn giải điều 7, 8, 9:

Trong giai đoạn này, đồng tiền Ba Lan mất giá khủng khiếp, hàng hoá trên thị trường khan hiếm. Chính quyền cộng sản Ba Lan dị ứng với từ ‘’lạm phát” nên không sử dụng trong ngôn ngữ chính thức. Nếu nhà nước không có cách tính toán, dựa trên một chỉ số trượt giá thích ứng với chỉ số lạm phát thì đồng tiền ngày hôm nay sẽ trở nên vô nghĩa sau ít ngày kế tiếp.

Điều 10: Thực hiện việc cung cấp ưu tiên trước cho thị trường nội địa mọi sản phẩm sản xuất và chỉ xuất khẩu những sản phẩm dư thừa.

Điều 11: Hủy bỏ giá thương mại và bán ngoại tệ theo cơ chế xuất khẩu tại chỗ.

Diễn giải điều 11:

Ngoài những cửa hàng bán theo giá quy định của nhà nước mà trong thực tế chẳng có hàng gì để bán, tồn tại một loại cửa hàng khác, bán theo giá cao hơn nhiều lần, được gọi là giá thương mại. Chỉ cần có tiền, tất nhiên người có tiền hoặc là các quan chức cộng sản hoặc dân buôn lậu. Ở Ba Lan bấy giờ còn một mạng lưới cửa hàng khác nữa bán thu ngoại tệ (giống như Cửa hàng Giao Tế ở Hà Nội hay Intershop ở Sài Gòn trước đây.) Cũng như ở Việt Nam giai đoạn ấy, ở Ba Lan người dân bị cấm sử dụng ngoại tệ, nên khi có tiền ngoại tệ hợp pháp (ví dụ, mang từ nước ngoài về hay do thân nhân gửi) thì phải chuyển đổi thành một ngân phiếu do ngân hàng nhà nước phát hành, có giá trị tương đương. Việc này đã tạo ra vấn nạn buôn bán ngoại tệ bất hợp pháp.

Điều 12: Áp dụng nguyên tắc tuyển chọn người lãnh đạo trong các cơ quan, xí nghiệp dựa trên khả năng chuyên môn chứ không phải dựa trên mức độ lệ thuộc vào đảng cộng sản, đồng thời huỷ bỏ ưu đãi đối với công an, mật vụ và bộ máy của đảng cộng sản qua các biện pháp như: cân bằng trợ cấp gia đình, huỷ bỏ chế độ mua hàng với ưu tiên đặc biệt.

Điều 13: Thực hiện phân phối mặt hàng thịt và sản phẩm thịt theo chế độ tem phiếu cho đến khi thị trường trở lại ổn định.

Điều 14: Giảm mức tuổi hưởng hưu trí cho phụ nữ xuống đến 55 tuổi, nam giới đến 60 tuổi hoặc tính thời gian đã làm việc được 30 năm với phụ nữ, 35 năm với nam giới không phụ thuộc vào tuổi tác.

Điều 15: Cập nhật, điều chỉnh lương hưu trí theo mức trả lương thực tế.

Điều 16: Cải thiện các điều kiện lao động cho khu vực y tế nhằm bảo đảm chăm sóc sức khoẻ cho người lao động.

Điều 17: Đảm bảo đủ chỗ trong nhà trẻ và trường mẫu giáo cho những người phụ nữ có con đi làm.

Điều 18: Áp dụng chế độ nghỉ có trả lương cho phụ nữ sau khi sinh con và nghỉ chăm sóc con với thời gian 3 năm.

Điều 19: Rút ngắn thời gian chờ được cấp nhà ở.

Điều 20: Tăng tiền ăn của công nhân từ 40 PLN lên 100 PLN và tiền phụ cấp ly hôn.

Diễn giải điều 14-20:

Các điểm yêu sách này liên quan đến những quyền lợi của người công nhân. Người công nhân đóng tiền hàng tháng cho quỹ phúc lợi và bảo hiểm nhưng trên thực tế chỉ mang tính tượng trưng. Tiền hưu trí được trả từ ngân sách nhà nước. Hệ thống bảo hiểm theo phương pháp này đã tạo nên những vấn đề nan giải cho việc vận hành quỹ hưu trí của những người lao động trong rất nhiều năm, kéo dài cho đến tận ngày nay. Trong thời cộng sản, nhà ở là một vấn đề nóng bỏng của mọi tầng lớp xã hội Ba Lan. Người dân phải bỏ tiền hàng tháng theo mức quy định vào một ngân khoản gọi là ‘‘Sổ nhà ở” và chờ được cấp nhà ở sau 20 năm, hoặc lâu hơn. Có nhiều người đến nay vẫn còn cầm quyển sổ này trong tay nhưng chế độ cộng sản thì đã sụp đổ, mà nhà thì chưa được cấp, đồng tiền nằm trong ngân khoản bị mất giá thảm hại. (Nó cũng giống như một thứ công trái nhà nước mà người lao động Việt Nam bị bắt buộc mua trong những năm 80, nay chỉ là một mảnh giấy lộn). Cũng giống như nhà ở, phương thức góp tiền này được áp dụng cho xe hơi và một số sản phẩm khác.

Điều 21: Áp dụng ngày thứ 7 nghỉ làm việc. Những cơ sở sản xuất theo ca, không có điều kiện nghỉ ngày thứ 7 thì người lao động phải được hưởng chế độ nghỉ phép nhiều hơn hoặc trả thêm lương trong những ngày được quy định nghỉ làm việc.

Diễn giải điều 21:

Chế độ Cộng sản Ba Lan thực hiện thời gian làm việc 46 giờ/tuần (8 giờ mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6, và 6 giờ cho ngày thứ 7). Trong những năm 70 người ta thử nghiệm thứ 7 nghỉ việc (trước hết, 2 thứ 7 trong một năm!!!). Các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa luôn luôn khẳng định đại diện cho giai cấp lao động, nhưng tại các nước tư bản số ngày và số giờ làm việc trong tuần từ lâu đã ngắn hơn, cũng như quyền được hưởng phúc lợi xã hội cao hơn.

Bản yêu sách làm ngày 24 tháng 8 năm 1980, trước cổng nhà máy đóng tàu mang tên Lenin, thành phố Gdansk.

Ủy ban Đình công Toàn quốc

Chú thích: Phần ‘‘Tóm lược các diễn biến lịch sử” và diễn giải dưới một số yêu sách là của người dịch dựa trên bình luận của Leszek Bedowski từ tài liệu đã dẫn và www. pl.wikipedia.org.
 
Nguồn: http://ngaothiduong.forum-viet.net/t720-topic

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét