Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Công đoàn đoàn kết và sự sụp đổ của chế cộng sản tại Châu Âu

Nhiều vị nguyên thủ quốc gia và nhiều phái đoàn nước ngoài đã đến thành phố Gdansk, cái nôi của Công Đoàn-Đoàn Kết để vinh danh cuộc cách mạng không đổ máu của Ba Lan cách nay 25 năm. Thông Tín Viên Jaroslaw Anders tường trình về các lễ hội kéo dài trong 3 ngày vừa qua.

Chủ đề chính của ngày cuối cùng, là hậu quả toàn cầu của phong trào Công Đoàn-Đoàn Kết Ba Lan.

Ông Lech Walesa, người hùng của Công Đoàn-Đoàn Kết đã được cử tọa đứng lên vỗ tay chào đón khi ông đến nơi. Ông nói rằng không cần nổ một tiếng súng nào, Công Đoàn-Đoàn Kết đã mở ra kỷ nguyên mới về trí tuệ và thông tin.

Ông nói rằng không một thế hệ nào ở trong vị trí tốt hơn để mang lại hòa bình và phồn vinh cho thế giới. Nhưng ông nêu rõ rằng có nhiều việc cần làm để đạt một sự ổn định lâu dài. Hai nước siêu cường lúc nào cũng canh chừng nhau đã bị thay thế bằng một nước siêu cường duy nhất. Nhưng nước siêu cường duy nhất đó cần phải giữ vai trò gì cho thế giới? Còn Liên Hiệp Quốc, một tổ chức được thành lập vào thời gian trước đây, có còn cần thiết nữa hay không? Liệu thế giới có nên chọn lựa giữa Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ hay không? Đó là những câu hỏi ông Walesa nêu ra trong bài nói chuyện của ông.

Đương kim Tổng Thống Ba Lan, ông Aleksander Kwasniewski, vẫn còn là một giới chức trẻ tuổi trong chính quyền cộng sản khi Công Đoàn-Đoàn Kết trỗi dậy. Ông Kwasniewski tuyên bố toàn thể nhân dân Ba Lan nên biết ơn ông Walensa và các thủ lĩnh Công Đoàn-Đoàn Kết vì họ đã mang lại đổi thay chính trị cho đất nước và cả khu vực. Nhưng ông nhấn mạnh thay đổi đó chẳng thể nào xảy ra nếu không có chính sách “đổi mới” của ông Mikhail Gorbachev tại Liên Sô; và nếu không có những cuộc hội nghị bàn tròn trong năm 1989, qua đó, phe Chính phủ cộng sản Ba Lan và phe đối lập Ba Lan cùng nhau thỏa thuận phương án chuyển đổi sang chế độ dân chủ.

Tổng Thống Ba Lan nói thêm rằng tinh thần của Công Đoàn-Đoàn Kết vẫn còn cần cho Ba Lan, châu Âu và cả thế giới. Mọi người phải hợp tác với nhau và cho nhau, thay vì người này chống lại tất cả những người kia.
Ý tưởng này của Tổng Thống Ba Lan đã được dựa trên những câu nói của đức cố giáo hoàng Gioan Phao-lô đệ nhị.

Một vị khách đến thành phố Gdansk dự kỷ niệm là Chủ Tịch Ủy hội châu Âu , ông Jose Manuel-Barroso. Ông này nói rằng nếu không có Công Đoàn-Đoàn Kết thì cũng chẳng có Liên Hiệp Châu Âu giống như ngày nay; và châu Âu cũng không thể thiếu tự do và đoàn kết.
Tổng Thống Ucraina, ông Victor Jushchenko, là người thứ nhì phát biểu tại lễ kỷ niệm ở thành phố Gdansk. Ông cũng được mọi người đứng lên đón chào. Ông Jushchenko nhắc lại chuyến đi của ông Walensa tại thủ đô nước ông vào thời gian nước ông có cuộc cách mang Cam. Ông nói rằng nhân dân Ucraina hết sức biết ơn sự hậu thuẫn của Ba Lan; và tuyên bố rằng Ucraina xây dựng tương lai trong một châu Âu thống nhất, và ngược lại , châu Âu cùng cần một nước Ucraina tự do và dân chủ.

Đại diện của Hoa Kỳ là cựu Ngoại Trưởng James Baker. Trước khi đoc thông điệp của Tổng Thống Bush, ông Baker nói về sự ủng hộ lâu đời của Hoa Kỳ dành cho Ba Lan và Công Đoàn-Đoàn Kết.

Với tư cách là Bộ Trưởng Ngoại Giao của Hoa Kỳ trong những tháng đầu tiên Ba Lan dành lại tự do, tôi có dịp hân hạnh góp tay xây dựng lại nền móng của liên minh Ba Lan-Hoa Kỳ. Ngày nay, Ba Lan va Hoa Kỳ nắm tay nhau để ủng hộ tự do cho những nước khác trên khắp thế giới, tương tư như nước Mỹ đã từng đứng cạnh Ba Lan trong những năm đấu tranh.
Cựu Tổng Thống Cộng Hòa Czech, ông Vaclav Havel nói rằng nếu ngày 31 tháng 8 được xem là ngày của tự do và đoàn kết, thì các quốc gia dân chủ phải tuyên bố tỏ tình đoàn kết với những quốc gia vẫn chưa có tự do , và ông nêu tên Belarus, Cuba, Miến Điện và Bắc Triều Tiên.

Phát biểu kế tiếp là ông Zbigniew Brzezinski, cựu cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ , dưới thời Tổng Thống Carter. Vì là người gốc Ba Lan nên ông Brzezinski đã nói bằng tiếng mẹ đẻ. Ông nhấn mạnh đến ý nghĩa địa dư lịch sử của Công Đoàn-Đoàn Kết.

Ông nói rằng Công Đoàn-Đoàn Kết đã có chỗ đứng vững chắc trên danh mục những cuộc cách mạng vĩ đại của nhân loại. Cũng giống như  cách mạng tư sản ở Pháp, cách mạng chống lại người Anh ở Mỹ, và cách mạng bất bạo động của ông Gandhi tại Ấn Độ; Công Đoàn-Đoàn Kết là khởi đầu của đợt sóng thần chính trị, đã cuốn trôi đi khối Soviet, rồi đến chính Liên Sô, và cuối cùng là cái hệ tư tưởng kỳ quái của họ. 

Ông Brzezinski nói tiếp: trong thời kỳ còn đấu tranh, Công Đoàn-Đoàn Kết có thể gặp cô đơn tại châu Âu nhưng không hề gặp cô đơn tại Hoa Kỳ. Ông cho hay: chính Tổng Thống Carter đã biết chắc rằng  cái chế độ dựa trên hệ tư tưởng và sức mạnh đã lỗi thời đó, sẽ không tồn tại được lâu, và nghĩa vụ của Hoa Kỳ là ủng hộ khát vọng của Ba Lan.


Nguồn: VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét