Ngôi sao mới trên bầu trời
Andreas Lorenz
Ba Cơ dịch
Con lắc đang dao động từ phương Tây về phương Đông mà không thể ngăn lại được. Sau khi khối Đông Âu tan rã đã xảy ra một sự việc khủng khiếp. Tổ chức khủng bố al-Qaida tấn công hai chiếc tháp của World Trade Center ở New York và Ngũ Giác Đài ở Washington vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, gần 3000 người chết. Chính phủ Mỹ trả lời bằng những cuộc không kích Afghanistan và cuộc chiến tranh chống Saddam Hussein ở Iraq.
Kể từ lúc đấy, USA, kẻ chiến thắng trong cuộc chạy đua quân sự và ý thức hệ với Liên bang Xô viết, trong mắt của nhiều người ở châu Á và phần còn lại của thế giới, đã đánh mất chức năng gương mẫu như là đất nước của tự do và dân chủ. Trước đó, họ đã thường hành xử không được lịch sự cho lắm. Nhân danh tự do, họ đã tàn phá nhiều phần rộng lớn của Việt Nam hay cùng kích động một cuộc đảo chính ở Chile năm 1973 để lật đổ tổng thống cánh tả lúc đó là Salvador Allende.
Thật ra thì những lỗi lầm của quá khứ không cần phải được lập lại, nhưng sau 9/11 cường quốc thế giới giận quá mất khôn. Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Colin Powell trình ra cho Hội đồng Bảo an LHQ những bằng chứng cho sự tồn tại của vũ khí hủy diệt hàng loạt trong Iraq – những cái sau này lộ ra là giả. Và mặc dù không có bằng chứng cho việc Iraq là căn cứ của al-Qaida, quân đội Mỹ vẫn tấn công đất nước này.
Washington sau đó đứng trên thế giới như là một kẻ nói dối, giải thích khác đi mục đích của hành động quân sự: nền dân chủ cần phải được thiết lập ở Iraq. Nhưng vì mục tiêu của họ, xuất khẩu những giá trị của “phương Tây”, mà người Mỹ lại triệt tiêu chính những giá trị đó: họ tra tấn tù nhân trong trại giam Abu Ghraib ở Bagdad và ở những nơi khác. Với vùng đất Guantánamo lọt giữa Cuba, họ đã tạo nên một nơi mà trong đó luật pháp không còn có giá trị gì nữa. CIA thiết lập, ngoài những nơi khác là ở Ba Lan, những nhà tù bí mật mà trong đó họ đã ép cung những người bị họ bắt cóc.
Tiếp theo thảm họa chính trị của một cường quốc là thảm họa về kinh tế: ngân hàng Mỹ với chính sách cho vay mang nhiều rủi ro và những sản phẩm đầu tư đáng ngờ đã gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính trên khắp thế giới. Nhiều công ty tài chính Mỹ như Lehman Brothers và hãng bảo hiểm AIG khánh kiệt, gã khổng lồ về ô tô General Motors tuyên bố phá sản. Gần mười hai nghìn tỉ USD đã tan biến vào trong không khí, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Người đóng thuế khắp nơi trên thế giới đã phải vào cuộc để cứu các công ty tài chính đang suy yếu và ngăn chận không cho nền kinh tế thế giới suy sụp hoàn toàn.
Đồng thời, một ngôi sao mới đã mọc lên ở phương Đông: châu Á. Cuộc khủng hoảng đã không gây thiệt hại nhiều cho Trung Quốc, Ấn Độ và những quốc gia châu Á khác – còn ngược lại: sức mạnh kinh tế của họ cứ tăng lên và tăng lên. Năm 2008 và cuộc khủng hoảng tài chính dường như đã xác nhận tất cả các tiên đoán, rằng chẳng bao lâu nữa thế giới sẽ là một thế giới khác.
Thời gian vừa qua, người ta ngày càng nhận thức rằng USA sẽ không còn là cường quốc dẫn đầu đơn độc nữa. “Cuộc khủng hoảng kinh tế là một biểu tượng cho sự dịch chuyển của trung tâm trọng trường thế giới từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, cựu bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger nói. Ông ấy thêm vào đó, nửa đùa cợt: Ấn Độ và Trung Quốc có thể giúp Mỹ đang suy yếu về kinh tế với một kế hoạch Marshall – như USA đã vực châu Âu bị tàn phá dậy sau Đệ nhị Thế chiến.[1]
Nhiều người châu Âu dần dần hiểu ra rằng châu lục cổ xưa của họ sẽ không còn đóng vai trò nào lớn lao trong tương lai nữa. Giấc mơ về “thế kỷ châu Âu” dường như đã kết thúc trước khi nó thật sự bắt đầu. Ngay từ bây giờ đã lan truyền những kịch bản, rằng đến một ngày nào đó châu Âu sẽ biến thành một viện bảo tàng to lớn – với những phong cảnh đẹp và những ngôi nhà thời Trung cổ. Châu Âu, như nhà chính trị học người Bulgaria Ivan Krastev nói, giống như “một thế lực đã về hưu” – thông thái, nhưng thụ động, thịnh vượng, nhưng nhân nhượng. EU tránh né rủi ro, là “một thế lực chẳng ở đây mà cũng không ở kia”, người Bulgaria nói. Phát triển nhân khẩu góp thêm phần của nó vào trong đấy: châu Âu ngày một già đi.[2]
Với những thành công về mặt kinh tế của mình, châu Á cũng phát triển lực thu hút về mặt chính trị. Ví dụ như sau cuộc Cách mạng Hoa lài ở Bắc Phi và Cận Đông năm 2011, người Ai Cập nhìn về Indonesia, nước cũng chịu nhiều ảnh hưởng của Islam và đã thành công trong việc dân chủ hóa sau khi lật đổ nhà độc tài Haji Mohamed Suharto. Viễn Đông có thể là gương mẫu cho Bắc Phi hay không?
Ở châu Âu và USA lại có những nhà chính trị và giám đốc nào đó liếc mắt ưa thích các hệ thống độc tài của những quốc gia châu Á như Trung Quốc hay Singapore. Ở đấy, họ nói, tất cả đều hoạt động tốt hơn và có hiệu quả hơn là trong châu Âu xưa cũ. Nước Cộng hòa Nhân dân có phải là mô hình có hiệu quả hơn không?
Trung Quốc – và Nga – có thể là mô hình đối trọng với những nền dân chủ tự do hay không, những nền dân chủ được nhiều chính phủ cảm nhận là quá gia trưởng? Giáo sư chính trị người Israel Azar Gat cho rằng chiến thắng của nền dân chủ trên thế giới hoàn toàn không phải là một việc chắc chắn: “Ngày nay, Trung Quốc tư bản phi dân chủ đưa ra không những một chính sách không can thiệp mà cả một chính sách của hỗ trợ quyền độc lập quốc gia, của những giá trị của một nhóm và của sự đa nguyên ý thức hệ trong hệ thống quốc tế. Điều đấy là một điều thu hút không những cho các chính phủ mà cả cho người dân nữa, vì nó là một sự lựa chọn khác với USA và sự thống trị của phương Tây, cũng như là một lực đối chọi lại với những thế lực toàn cầu hóa mù quáng, quét sạch đi tất cả.” “Chiến thắng cuối cùng của dân chủ”, Gat lo ngại, “hoàn toàn không phải là điều đã được định trước.”[3]
Đồng thời, đối với nhiều người trong châu Âu và châu Mỹ, Viễn Đông là một cái gì đó đáng sợ. Họ lo sợ những gã khổng lồ châu Á mới với một lực lượng lao động rẻ tiền dường như là vô tận, với những tập đoàn có va li đầy tiền mà họ dùng chúng để tài trợ cho tiêu dùng ở Mỹ. Họ lo sợ về việc làm của họ, về tính ổn định, về sự an toàn của họ.
Hiện giờ Trung Quốc đang cố gắng tự củng cố lấy chính mình với một sự tự tin mới. Trung Quốc tuyên bố muốn cải tổ hệ thống tài chính quốc tế, và ngày càng hay chơi lá bài quyền lực chính trị của mình. Như khách quốc gia được nhắc nhở trước, rằng đừng nên đề cập đến nhân quyền nếu như họ muốn tiếp tục có quan hệ tốt đẹp. Thông qua “Tổ chức Hợp tác Thượng hải” (SCO) ngay từ bây giờ Bắc Kinh đã phổ biến sự thông hiểu riêng của mình về đúng và sai trong số hàng triệu người ở Trung Á.
Nhà chính trị học người Anh Martin Jacques trong quyển sách “When China Rules the World” của ông ấy cho rằng sự vươn lên của Trung Quốc chỉ riêng vì độ lớn của nó thôi là đã không thể nào ngăn cản được. Lực hút của nó “trong tương lai sẽ tăng theo hàm mũ. Khối đồ sộ Trung Quốc sẽ bắt buộc phần còn lại của thế giới thích nghi với cách Trung Quốc để cho mọi việc diễn ra.”[4] Ví dụ như với thặng dư ngoại tệ của mình, đất nước này mua công trái nhà nước và qua đó lấp đầy những lỗ hổng trong ngân sách của các nước châu Âu. Chính phủ nào sẽ chống cự lại với Đảng Cộng sản khi sự sung túc hay thiếu hụt tài chính của họ phụ thuộc vào nó một phần lớn?
Thế giới được tạo ra sau Đệ nhị Thế chiến là thế giới của ngày hôm qua. Nhưng con người cần phải phản ứng trước “phương Đông Mới” như thế nào? Người ta cần phải đối xử với một gã khổng lồ như Trung Quốc ra sao? Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một cuộc trao đổi với nguyên thủ tướng Úc Kevin Rudd đã tóm gọn điều đấy bằng một câu hỏi: “Anh nói không úp mở với ngân hàng của anh như thế nào?”[5] Bà muốn ám chỉ rằng Bắc Kinh là người mua tín phiếu và công trái Mỹ nhiều nhất – và qua đó mà tài trợ cho thâm hụt Mỹ. Và anh không nên chọc giận kẻ đang ngồi trên quỹ tiền của anh. Cộng đồng quốc tế sẽ ra sao khi Trung Quốc hay Ấn Độ quyết định các điều luật? Các chế độ chuyên quyền và giả dân chủ ở châu Á, trước hết là Trung Quốc, có thật sự là mô hình cho những quốc gia khác hay không?
Quyển sách này muốn góp phần mang nét thu hút của châu Á cũng như những mặt tối của nó lại gần hơn. Một phần lớn tập trung vào Trung Quốc, vì Trung Quốc là động cơ của sự thăng tiến châu Á.
Nó không xem xét đến những nước của Cận và Trung Đông như Israel hay Iran, cũng không xem xét đến các quốc gia ở Thái Bình Dương như Úc và New Zealand. Tôi tập trung vào một vài ví dụ và những phát triển mới ở Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á.
Tôi đã sống trên châu lục đầy quyến rũ này từ lâu. Kinh nghiệm và trải nghiệm trong nhiều nước ở đấy được mang vào trong quyển sách này. Cộng thêm vào đó, sách, nhật báo, tạp chí và những nghiên cứu cũng là nguồn. Thêm nữa là các trao đổi với đồng nghiệp, chuyên gia và chính khách – và với người dân châu Á.
_____________
[1] Trong truyền hình Ấn Độ NDTV, 19/11/2008 http://www.youtube.com/watch?v=YBW4BwikJOk
[2] Ivan Krastev: “A retired Power”, The American Interest, July-August 2010
[3] Azar Gat, David Deudney, G. John Ikenberg, Ronald Inglehart, Christian Welzel: “Which Way is History Marching? Debating the Authoritarian Revival”, Foreign Affairs, July-August 2009
[4] Martin Jackes: “When China Rules the World”, Allen Lane, Penguin Group, London 2009
[5] Wikileaks, 28/03/2009, tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, “Secretary of State:(u), Secretary Clinton, March 24, 2009
Nguồn: Ba Cơ thư quán
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét