Lã Khánh Tùng
Tóm tắt: Dân chủ hóa là một tiến trình liên tục không có điểm dừng, không đơn giản là chuyển đổi sang một chế độ dân chủ hơn, nó còn là củng cố các thể chế dân chủ. Trong tiến trình đó, hiến pháp quốc gia với vai trò là nền tảng của dân chủ, luôn phản ánh tương quan lực lượng và mức độ dân chủ của xã hội. Tại Đài Loan, một điển hình thành công trong dân chủ hóa và phát triển kinh tế, những cải cách hiến pháp vào cuối thế kỷ XX chủ yếu là kết quả do áp lực đấu tranh của các lực lượng dân chủ. Bài viết xem xét quá trình dân chủ hóa ở Đài Loan qua lăng kính của luật hiến pháp và chính trị học, qua đó cố gắng làm rõ được những tác động của áp lực chính trị trong nước lên chính quyền dẫn đến những cải cách hiến pháp ở đây trong nửa sau thế kỷ XX.
Mối quan hệ đa chiều giữa dân chủ và hiến pháp đã được bàn luận từ nhiều góc độ. Hiến pháp lý tưởng, nền tảng của dân chủ, là một “khế ước xã hội” giao kết giữa người dân và chính quyền, theo đó quyền lực của chính quyền chịu sự hạn chế trong phạm vi được ủy nhiệm và chính quyền phải tôn trọng tự do cá nhân. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy hiến pháp của các quốc gia thường có khoảng cách xa so với lý tưởng đó. Bên cạnh những hiến pháp ra đời là thành quả của cách mạng dân chủ, có vai trò định ra những nguyên tắc căn bản cho bộ máy mang tính đại diện, vận hành trong sự tôn trọng các quyền tự do của người dân, có những hiến pháp chủ yếu là phương tiện của người cai trị (hiến pháp hình thức), hiến pháp không có vai trò trong việc bảo vệ hay thúc đẩy các quyền tự do cá nhân và dân chủ.
Thông thường, hiến pháp là kết quả của vận động, đấu tranh của các lực lượng xã hội thúc đẩy dân chủ, chứ không phải ngược lại, hiến pháp không tạo ra các lực lượng dân chủ.[1] Nói cách khác, dân chủ hóa - bao hàm cả cải cách dân chủ, đấu tranh dân chủ, củng cố dân chủ - là tiền đề vững chắc của một hiến pháp dân chủ. Ở khu vực Đông Á trong thế kỷ XX, Đài Loan, bên cạnh những phát triển kinh tế được coi là thần kỳ, đã được coi như một điển hình về dân chủ hóa thành công.[2] Quá trình dân chủ hóa đó đã dẫn đến nhiều lần cải cách hiến pháp theo hướng tích cực trong khoảng thời gian 15 năm. Nhìn từ góc độ hiến pháp và chính trị học, những gì diễn ra ở hòn đảo này trong thế kỷ qua sẽ mang lại những bài học nhất định cho các quốc gia đang thời kỳ chuyển đổi như Việt Nam.
1. Sự ra đời và việc ngưng áp dụng hiến pháp 1946 của Đài Loan
Sau cuộc cách mạng Tân Hợi chỉ một năm, “Hiến pháp lâm thời của Cộng hòa Trung Hoa” (1912) được ban bố bởi chính phủ tại Nam Kinh do Tôn Trung Sơn lãnh đạo. Đây là văn bản có tính chất hiến pháp đầu tiên của đất nước với 2000 năm tiếp nối bởi các chế độ phong kiến. Năm 1931, Chính phủ lâm thời Quốc Dân đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu, sau khi đã kiểm soát hầu hết lãnh thổ Trung Quốc, lại ban hành “Hiến pháp lâm thời thời kỳ giám hộ chính trị”. Theo đó, hệ thống chính trị với một đảng mà quyền tối cao thuộc về Đại hội toàn quốc Quốc Dân đảng, quyền lực thực tế thuộc về Ủy ban Hành chính trung ương của đảng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều áp lực lên Tưởng Giới Thạch về việc cần phải có một bản hiến pháp dân chủ, kết thúc sự độc quyền lãnh đạo của Quốc Dân đảng. Những người Cộng sản muốn thành lập một chính quyền liên hiệp gồm nhiều đảng phái để soạn thảo ra hiến pháp. Sợ quyền lực tuột khỏi tay mình, Tưởng Giới Thạch đã bác đề nghị đó và giữ quan điểm Quốc Dân đảng sẽ soạn một hiến pháp mới, sau đó tổ chức cuộc bầu cử toàn quốc mà Đảng Cộng sản có thể tham gia. Theo hướng này, Hiến pháp Quốc Dân đảng, với chủ nghĩa Tam dân làm nền tảng và theo nguyên tắc “ngũ quyền phân lập” của Tôn Trung Sơn, đã được thông qua ở Nam Kinh bởi Quốc hội vào cuối năm 1946.[3]
Sau khi thất bại trước lực lượng của Đảng Cộng sản, Tưởng Giới Thạch và chính quyền Quốc Dân đảng chạy ra Đài Loan. Sự kiện “228”, xung đột giữa người dân với chính quyền và dẫn đến thảm sát vào ngày 28 tháng 2 năm 1947, đánh dấu sự khởi đầu giai đoạn “khủng bố trắng” của chế độ độc tài Quốc dân đảng. Cũng sau sự kiện này, chính quyền lấy lí do bảo vệ an ninh quốc gia áp đặt thiết quân luật từ tháng 3 năm 1947, luật này có hiệu lực cho đến tận 1987. Trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội năm 1948, “Các điều khoản tạm thời trong thời gian nổi dậy của cộng sản” được thông qua. Theo đó, Tổng thống có quyền lực rất lớn và nhiều điều khoản đã vô hiệu hóa hiến pháp. Tưởng Giới Thạch hình thành nên chế độ toàn trị độc đảng, sau khi ông mất năm 1975, con trai là Tưởng Kính Quốc tiếp tục duy trì sự cai trị. Việc ngưng áp dụng hiến pháp, với lý do tình trạng khẩn cấp, chính là ngưng lại sự kiểm soát của nhân dân đối với chính quyền và là sự chối bỏ các quyền chính trị, dân sự cơ bản của công dân.
2. Tiến trình dân chủ hóa và cải cách hiến pháp
Về mặt kinh tế, chính quyền Tưởng Giới Thạch đồng thời hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp và thúc đẩy phát triển công nghiệp theo định hướng xuất khẩu đã làm nên sự phát triển kinh tế một cách thần kỳ, giao lưu quốc tế rộng mở.[4] Sự phát triển đó hình thành nên một tầng lớp trung lưu, họ là những người có tri thức, có tái sản, kỹ năng, kinh nghiệm và quan hệ quốc tế nên có thể tham gia tích cực vào đời sống chính trị. Bên cạnh đó, Đài Loan thiết lập được một hệ thống giáo dục có chất lượng, tuyển chọn thi cử nghiêm túc, lại được đặt trên nền tảng của chủ nghĩa Tam dân (dù chỉ là hình thức), đã tạo ra một thế hệ trẻ có ý thức về dân quyền và về trách nhiệm công dân.[5] Đây là những tiền đề quan trọng của tiến trình dân chủ hóa diễn ra sôi động trong ba thập niên cuối của thế kỷ XX dẫn đến những cải cách cơ bản của Hiến pháp. Trong tiến trình dân chủ hóa, đòi hỏi về tôn trọng hiến pháp luôn là một trong những mục tiêu đấu tranh dân chủ cơ bản của giai đoạn trước 1987, trong giai đoạn sau đó, sửa đổi hiến pháp theo hướng mở rộng dân chủ là mục tiêu của lực lượng đối lập.
a. Giai đoạn trước 1987
Từ thập niên 70, các phong trào văn hóa và xã hội diễn ra đa dạng trên nhiều lĩnh vực, các tổ chức xã hội dân sự được hình thành. Các cuộc đấu tranh dân chủ ngày càng có sự tham gia đa dạng, đi đầu là thành phần trí thức, sinh viên các trường đại học. Tạp chí của một số trường đại học, một số tờ báo độc lập đã cất tiếng nói đòi hỏi các quyền tự do, có nhiều bài viết về tình trạng “khủng hoảng Hiến pháp Đài Loan”, về “quyền phê phán Hiến pháp và quốc sách”.[6] Từ trước đến thời điểm đó, việc bàn luận công khai về hiến pháp và một số lĩnh vực, sự kiện lịch sử (như vụ thảm sát 228) bị chính quyền coi là những “khu cấm”.
Những người đối đầu trực tiếp với chế độ bị đàn áp thẳng tay, cho dù những cuộc bầu cử ở địa phương ngày càng diễn ra sôi động với sự tham gia của những người ngoài Quốc Dân đảng. Trong thời kỳ “Khủng bố trắng”, từ 1947 đến 1987, có khoảng 29.000 vụ án chính trị liên quan đến 140.000 người và khoảng 4.000 người khác bị thi hành tử hình. Hầu hết các vụ án sau năm 1960 liên quan đến việc đàn áp các hoạt động của những người đòi dân chủ và đòi pháp trị.[7] Những con số này phần nào nói lên sự khốc liệt của cuộc đấu tranh giữa các lực lượng dân chủ với chính quyền.
Tháng 11 năm 1978, nhân sỹ ngoài Quốc Dân đảng nhóm họp thành lập nên Đoàn cổ động bầu cử và cùng thỏa thuận về “12 điểm chính kiến chung” để làm cương lĩnh tranh cử ngoài đảng. Bản cương lĩnh đòi hỏi chính quyền triệt để tuân theo quy định trong Hiến pháp, cụ thể là: bầu lại toàn bộ Quốc hội, tư pháp độc lập, hủy bỏ lệnh giới nghiêm… Tổng bộ Đoàn cổ động bầu cử ngoài đảng Đài Loan được hình thành, nhiều người cho rằng đây chính là hạt nhân của một đảng đối lập đầu tiên thực sự ra đời kể từ khi Quốc dân đảng thống trị ở Đài Loan.[8] Các ứng cử viên ngoài đảng ngày càng công kích mạnh mẽ Quốc Dân đảng đã “tùy tiện cắt bỏ Hiến pháp, dân chủ chỉ nói xuông” và đã đặt ra lệnh giới nghiêm vi phạm chủ quyền nhân dân. Một tập sách tuyên truyền “Trả cho tôi dân quyền” được phổ biến rộng rãi, trong đó liệt kê, phân tích tình trạng các quyền cơ bản của nhân dân được Hiến pháp quy định đều đã bị chính quyền tước đoạt bằng luật giới nghiêm. Phe đối lập còn ra tuyên bố nêu lập trường cơ bản là “kiên quyết ủng hộ hiến pháp dân chủ…Vững tin vào hiến pháp dân chủ là con đường duy nhất đối với chuyên chế, cứu vãn đời sống của dân tộc…” [9] Tháng 12 năm 1979, lực lượng đối lập nhân dịp Ngày nhân quyền quốc tế tổ chức các hoạt động vận động dân chủ. Chính quyền huy động cảnh sát, quân đội ngăn chặn người mít tinh ở thành phố Cao Hùng, xung đột đã xảy ra giữa hai bên. Chính quyền lấy cớ vụ xung đột bắt hàng loạt lãnh đạo của phe đối lập và đưa ra tòa xét xử. Sự kiện này được coi là một trong những dấu mốc quan trọng trên đường đến dân chủ của Đài Loan.
Trong thập niên 80, lực lượng chính trị đối lập ngày càng lớn mạnh, các nhóm, mạng lưới ngày càng chặt chẽ và đã có vai trò đáng kể trong việc thúc đẩy dân chủ hóa. Phong trào “Ngoài đảng” (Tangwai) ngày càng thu hút được nhiều người tham gia. Lực lượng đối lập được sự hỗ trợ một cách kín đáo bởi giai cấp trung lưu và nhiều nhà tài phiệt. Nhìn chung, bảo vệ nhân quyền, tôn trọng hiến pháp dân chủ luôn được nêu lên như những đòi hỏi căn bản của phong trào. Lúc này trên đại lục, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày càng được quốc tế thừa nhận rộng rãi, việc Quốc Dân đảng hạn chế dân chủ với lý do chuẩn bị cho việc chiếm lại đại lục trở nên không còn thực tế. Thêm vào đó, một số vụ án tham nhũng lớn bị phát hiện phản ánh sự suy thoái, mục nát trong nội bộ đảng. Nhiều yếu tố tác động khiến Tưởng Kính Quốc ngày càng thể hiện rõ quyết tâm đổi mới. Tháng 12 năm 1985, khi chủ tọa Lễ Kỷ niệm 38 năm ngày Hiến pháp ra đời, ông có bài phát biểu khẳng định người nhà họ Tưởng sẽ không tiếp tục tranh cử chức Tổng thống và sau khi ông mất không cho phép thống trị bằng quân sự. Bài nói là một dấu hiệu tích cực, hứa hẹn xu hướng thuận lợi cho tiến trình dân chủ hóa.[10]
Tháng 8 năm 1986, các thành viên của phong trào “Ngoài đảng” bất ngờ công bố thành lập đảng đối lập lấy tên là “Đảng Dân chủ tiến bộ”. Do bị động, Quốc Dân đảng không kịp phản ứng, trong đảng lại phân hóa, Tưởng Kính Quốc gắng kiềm chế phe đặc vụ và bảo thủ trong đảng. Chỉ ba tháng sau, Đảng Dân chủ tiến bộ (Dân tiến) triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất. Liên quan đến “Các điều khoản tạm thời”, trong khi Quốc dân đảng coi là một phần của Hiến pháp, Đảng Dân tiến lại hoàn toàn phản đối trong Cương lĩnh đảng. Trước tình hình này, phe bảo thủ phản ứng rất gay gắt, muốn có biện pháp khẩn cấp đối phó, tuy nhiên, Tưởng Kính Quốc quyết tâm nhường bước để duy trì đổi mới. Tháng 12 cùng năm, trong kỳ bầu cử Quốc hội, Đảng Dân tiến ra tranh cử và được thêm nhiều ghế. Đây là lần đầu tiên tranh cử có cạnh tranh hai đảng và sau đó hình thành nên chế độ hai đảng trong Quốc hội. Sau khi Luật An ninh quốc gia được công bố năm 1987, Tưởng Kính Quốc ra lệnh chính thức hủy bỏ việc lệnh giới nghiêm. Việc hủy bỏ lệnh giới nghiêm đã kéo theo những thay đổi lớn như mở rộng các quyền dân chủ, các quyền biểu tình, lập hội…đều được hợp pháp hóa.
Nhìn rộng ra khu vực Đông Á, trong cùng khoảng thời gian này, ở Trung Quốc đại lục dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Hiến pháp 1954 được thay thế lần lượt bởi Hiến pháp 1975 và Hiến pháp 1978 (sau khi “lũ bốn tên” bị bắt vào năm 1976). Cho dù các hiến pháp có liệt kê khá nhiều các nhân quyền cơ bản, cuộc đại Cách mạng Văn hóa đã gây nên bao đau thương cho hàng triệu trí thức, người lao động mọi tầng lớp. Đến năm 1982, Trung Quốc ban hành bản hiến pháp mới (cho đến nay đã được sửa đổi bốn lần). Tình hình ở Hàn Quốc, dù cũng chịu ách thống trị của chế độ quân phiệt Park Chung Hee (1961 – 1979) và Chun Doo-Hwan (1979 – 1987), cũng khác với Đài Loan. Cả chín lần sửa đổi bản Hiến pháp Hàn Quốc (1948) đều diễn ra dưới các chế độ độc tài cho đến trước năm 1987. Trong đó, chỉ có lần sửa đổi hiến pháp thứ ba, thứ tư (1960) và thứ chín (1987) là kết quả của các cuộc đấu tranh của sinh viên, công nhân và các lực lượng dân chủ, các lần sửa đổi khác do chính quyền chủ động thực hiện và chủ yếu nhằm củng cố, duy trì quyền lực.[11] Năm 1987 đánh dấu một bước ngoặt đối với Đài Loan, cũng là năm bản lề đối với Hàn Quốc khi bản Hiến pháp lần đầu tiên được sửa đổi như là sự đồng thuận chung của nhiều lực lượng xã hội sau phong trào dân chủ Tháng Sáu. Tuy vậy, cũng giống như ở Đài Loan, việc phục hồi hiến pháp dân chủ luôn là nhiệm vụ trung tâm của dân chủ hóa ở Hàn Quốc, dù những người nêu đòi hỏi này luôn bị chính quyền thẳng tay trừng trị bằng việc bắt bớ, tra tấn, bỏ tù…
b. Giai đoạn sau 1987
Sau khi lệnh giới nghiên được dỡ bỏ, những đòi hỏi về hiến pháp và tính hợp hiến của chính quyền tiếp tục được lực lượng đối lập mạnh mẽ nêu lên trong nhiều diễn đàn, với nhiều hình thức. Tháng 12 năm 1987, chính quyền tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày Hiến pháp, đảng đối lập tổ chức hàng ngàn người mang biểu ngữ, hô khẩu hiệu đòi bầu lại toàn bộ đại biểu Quốc hội (đại biểu dân ý trung ương). Đầu năm 1988, Tưởng Kính Quốc qua đời, phó Tổng thống Lý Đăng Huy lên làm Tổng thống. Họ Lý, người gốc Đài Loan đầu tiên trở thành lãnh đạo của Quốc Dân đảng, đã kế tiếp người tiền nhiệm trong việc đóng góp vào tiến trình cải cách dân chủ. Tháng 3 năm 1990, phong trào Hoa Loa kèn với cuộc biểu tình của 300.000 sinh viên diễn ra trong sáu ngày vào đúng thời điểm Lý Đăng Huy được bầu vào ghế Tổng thống nhiệm kỳ sáu năm. Tuy nhiên cuộc bầu cử này vẫn chỉ do 670 thành viên Quốc hội thực hiện, một đảng được thừa nhận và chỉ có một ứng cử viên. Đây là trình tự bầu Tổng thống theo thông lệ dưới sự lãnh đạo độc quyền của Quốc dân đảng, đến lúc đó bị công chúng coi là đã quá lỗi thời.
Năm 1991, Quốc hội đồng thời quyết định việc chấm dứt áp dụng “Các điều khoản tạm thời” và sửa đổi Hiến pháp 1946 lần đầu với 10 điều sửa đổi. Các sửa đổi quy định việc bầu cử định kỳ Viện Lập pháp và Quốc hội, tổng thống có quyền ban hành sắc lệnh khẩn cấp…Tháng 12 cùng năm, Quốc hội được bầu lại. Sang năm1992, Quốc hội mới ngay trong kỳ họp thứ nhất thông qua 8 điều sửa đổi, bao gồm: từ Quốc hội khóa ba, đại biểu được bầu lại sau mỗi bốn năm, tổng thống và phó tổng thống chỉ giữ tối đa hai nhiệm kỳ bốn năm, mở rộng quyền tự chủ địa phương, chủ tịch tỉnh được dân bầu trực tiếp, các thẩm phán cao cấp trong Viện tư pháp sẽ thành lập một tòa án hiến pháp để phán quyết về việc giải tán các chính đảng vi phạm hiến pháp…Năm 1994, Quốc hội lại thông qua 10 điều sửa đổi thay thế toàn bộ 18 điều sửa đổi trong hai lần trước, đặc biệt quan trọng là: Tổng thống và Phó tổng thống sẽ được dân bầu trực tiếp, tuy nhiên Quốc hội vẫn có quyền đề nghị miễn nhiệm khi được quá nửa thông qua, Quốc hội từ khóa ba sẽ có một chủ tịch và phó chủ tịch…[12] Như vậy, bên cạnh nhiều cải cách quan trọng, bầu cử trực tiếp tổng thống từ một mục tiêu đấu tranh đã được hiện thực hóa trong hiến pháp.
Sau ba lần sửa đổi hiến pháp, lần đầu tiên cuộc bầu cử Tổng thống trực tiếp được tổ chức vào năm 1996. Trong số 4 ứng cử viên dẫn đầu, Lý Đăng Huy giành được số phiếu cao nhất (54%) và trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của Đài Loan, ứng cử viên của Đảng dân tiến về thứ hai (21,1%)…Trong những năm tiếp theo của nhiệm kỳ Lý Đăng Huy, Hiến pháp được sửa đổi thêm hai lần vào các năm 1997 (lần 4) và 1999 (lần 5).[13]
Trong cuộc bầu cử tháng 3 năm 2000, lần đầu tiên ghế tổng thống Đài Loan từ tay Quốc Dân Đảng chuyển sang phía đối lập. Trần Thủy Biển, lãnh đạo Đảng Dân Tiến, vốn là một luật sư nhân quyền từng tham gia vào vụ án Cao Hùng, trong bài diễn văn nhậm chức Tổng thống Đài Loan bày tỏ lòng biết ơn những nỗ lực vượt qua sợ hãi, đàn áp để đem đến “hoa trái của tự do và dân chủ”.[14] Bốn năm sau đó, trong diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, ông lại nêu lên nhu cầu sửa đổi Hiến pháp. Do hầu hết các điều khoản trong hiến pháp, “biểu tượng của hợp đồng vĩ đại giữa chính quyền và người dân”, không còn đáp ứng được các nhu cầu của hiện tại. Nhiều vấn đề trong hiến pháp cần được giải quyết, mà nổi bật là: phân chia quyền lực nên thành ba nhánh hay năm nhánh, liệu nên theo chính thể tổng thống hay đại nghị, liệu tổng thống nên được bầu theo phương thức đa số tương đối hay tuyệt đối, cải cách cơ quan lập pháp …[15] Hiến pháp được sửa đổi lần thứ 7 vào cuối năm 2004, với những nội dung quan trọng là: giảm một nửa số thành viên Viện Lập pháp từ 225 xuống còn 113, tăng nhiệm kỳ lập pháp từ ba lên bốn năm, thiết lập chế độ bầu cử hai vòng, bãi bỏ Quốc hội và chuyển quyền sửa đổi hiến pháp cho cử tri, chuyển quyền luận tội tổng thống và phó tổng thống sang cho tư pháp…Như vậy, một lần nữa, các quyền dân chủ được tiếp tục mở rộng.
3. Một số nhận xét kết luận
Hiến pháp 1946 của Đài Loan, dù có nhiều yếu tố tiến bộ, nhưng ngay từ lúc ra đời trên đất đại lục, không phải là một hiến pháp dân chủ cao.[16] Tuy nhiên, trong suốt thời gian nó bị ngưng áp dụng bởi “Các điều khoản tạm thời” dưới chế độc tài đến năm 1991, các lực lượng dân chủ luôn luôn đòi hỏi về một chế độ hợp hiến, yêu cầu chính quyền phải tuân thủ hiến pháp. Sau khi thiết quân luật được dỡ bỏ, nhiều yêu sách đòi sửa đổi hiến pháp, đặc biệt là về việc bầu cử tổng thống trực tiếp được nêu lên. Việc bãi bỏ thiết quân luật, áp dụng lại hiến pháp và bảy lần sửa đổi chủ yếu là kết quả đấu tranh của các lực lượng chính trị trong xã hội đã tạo áp lực lên chính quyền. Tất nhiên, không thể phủ nhận vai trò đáng kể của Tưởng Kính Quốc và Lý Đăng Huy, các nhà lãnh đạo Quốc dân đảng cũng đã thực hiện cải cách dân chủ với mong muốn dùng dân chủ củng cố tính chính đáng của chính quyền trên trường quốc tế và có thể đối trọng với Trung Quốc đại lục…Sau những nỗ lực không ngừng của các lực lượng tiến bộ, các quyền dân chủ, quyền tham gia điều hành đất nước của người dân được mở rộng từng bước và được phản ánh trong những lần sửa đổi hiến pháp. Theo hướng ngược lại, hiến pháp dân chủ, sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa hợp hiến, pháp trị đang tiếp tục củng cố, thúc đẩy dân chủ, cho dù nền dân chủ còn những hạn chế nhất định.[17] Tuy nhiên, những cải cách hiến pháp song hành với chuyển đổi chính trị của Đài Loan đã là một hiện tượng nghiên cứu lý thú cho các học giả và để lại nhiều bài học cho các nước đang phát triển.
[1] Yash Gai và Guido Galli, Constitution Building Processes and Democratization (Các tiến trình xây dựng hiến pháp và dân chủ hóa), Institute for Democracy and Electoral Assistance, 2006
[2] .. Orbis (Foreign Policy Research Institute), Volume 48, Issue 2, Spring 2004, tr. 285-292
[3] Tôn Trung Sơn cho rằng muốn chính quyền tổ chức hoàn hảo, làm nhiều việc tốt thì phải “dùng hiến pháp năm quyền” để tổ chức chính phủ (bài giảng năm 1924): Tôn Trung Sơn, Chủ nghĩa Tam dân, Viện Thông tin KHXH, Hà Nội, 1995, tr.307
[4] Nguyễn Đình Liêm, Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn Đài Loan, NXB Khoa học xã hội, 2006
[5] Nguyễn Huy Vũ và Nguyễn Huy Thọ, Vài nét về quá trình dân chủ hóa ở Đài Loan, bài viết tham gia Hội thảo Hè 2006 (Berkeley, California, USA, 28 – 29/7/2006)
[6] Hoàng Gia Thụ, Đài Loan tiến trình hóa rồng, NXB Văn hóa Thông tin, 1994, tr.587, tr.593
[7] Randall Peerenboom và Weitseng Chen, “Developing the Rule of Law” (Phát triển Pháp trị) trong Political Change in China: Comparisons with Taiwan (Sự thay đổi chính trị ở Trung Quốc: các so sánh với Đài Loan), do Bruce Gilley, Larry Diamond chủ biên (2008), tr.139
[8] Hoàng Gia Thụ, Sđd, tr. 604
[9] Hoàng Gia Thụ, Sđd, tr. 604
[10] Hoàng Gia Thụ, Sđd, tr. 735
[11] Park Won-Soon, Democratization in Korea and Its Influence on the Constitution (Dân chủ hóa ở Hàn Quốc và ảnh hưởng của nó lên Hiến pháp), The Research School of Pacific and Asian Studies (RSPAS) – Australian National University: rspas.anu.edu.au/pah/human_ rights/papers/2001/Park.rtf, tr.3
[12] Lịch sử Hiến pháp, Hiến pháp Đài Loan và các điều sửa đổi (bản tiếng Anh): Constitution of the Republic of China (Taiwan), www.president.gov.tw/.../ document_content.php?...
[13] Yoshiyuki Ogasawara, Constitutional Reform and Democratization in Taiwan (Cải cách hiến pháp và dân chủ hóa ở Đài Loan), Tokyo University of Foreign Studies: http://www.tufs.ac.jp/ts/ personal/ogasawara/paper/ epaper2.html
[14] Chen Shui-bian, Inauguration speech (Diễn văn nhậm chức), May 20th 2000, Taipei: http://ken_davies.tripod.com/ inaugural.html
[15] Chen Shui-bian, Inaugural Speech "Paving the Way for a Sustainable Taiwan" (Diễn văn nhậm chức: “Lát đường cho một Đài Loan bền vững”), 20 May 2004, www.libg.org.uk/.../040520% 20President%20Chen% 20Inauguration.pdf
[16] Wen-chen Chang khi so sánh 3 bản hiến pháp Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã nêu lên 3 mô hình ra đời của hiến pháp, chỉ có Hiến pháp Nhật Bản thuộc về mô hình “thúc đẩy dân chủ”, Hiến pháp Đài Loan có thể coi là “viết ra bởi Quốc dân đảng, cho Quốc dân đảng”: Wen-chen Chang, East Asian Foundation for Constitutionalism: Three Models Reconstructed (Nền tảng Đông Á cho chủ nghĩa hợp hiến: tái thiết ba mô hình), National Taiwan University Law Review, Vol. 3:2, tr.126
[17] Shelley Rigger, Sđd, tr. 289-292
Nguồn: Nhân Quyền VN
Decalsaigon cung cấp thêm các món phụ kiện
Trả lờiXóadây da đồng hồ đeo tay
nam nữ cá tính thời gian cùng với sản phẩm cho xế thể thao
đồng hồ xe đạp
đo vận tốc quãng đường...