Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

Vươn lên nữa








 Ngô Nhân Dụng
 


Không đáng gọi là Xã Hội Ðen
Trên Blog của nhà văn Nguyễn Quang Vinh bàn về biến cố cướp đầm nuôi thủy sản của ông Ðoàn Văn Vươn, đã đăng bản ghi chép một lời tự thuật được thâu âm, do một người dân xã Vinh Quang nói với nhà báo. Người dân kể: “Em biết nhiều chuyện, nhưng bây giờ em nói ra không khéo mà lộ, tối bọn xã hội đen đến nhà đâm chết em ngay. Vì bây giờ cái đầm ấy xã hội đen quản lý. Lấy của dân về giao cho xã hội đen, công an xuống đánh bạc cả đêm... Biên phòng cũng vào đấy đánh bạc cả đêm. Ðấy! anh thấy đấy! Còn gọi gì là chính quyền nữa? Ðấy, nói thẳng là đi ăn cướp! Hỏng hết rồi!”

 

Một độc giả trong nước đọc đoạn trên rồi viết: “Ðúng là xã hội đen trùm xã hội đỏ rồi!” Và than thở: “Ðảng bị chúng nó làm tan vữa rồi.Vì chúng nó đã leo cao chui sâu vào đảng rồi. Hu... hu...” (không biết khóc thật hay rỡn). Hiện tượng Xã Hội Ðen trong Xã Hội Ðỏ được một vị khác nhận xét: “Ðen dựa vào Ðỏ, Ðỏ dựa vào Ðen.” Trên Blog này, một độc giả xác nhận trong vụ cướp đất, cướp đầm nuôi thủy sản, phá nhà anh Vươn cho thấy “Mafia đã hình thành và đang dần dần có vị trí trong xã hội ta.”

Một độc giả thạo tin cho biết chỉ khi nào chính quyền huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng cần “tấn công trấn áp người dân, kiểu ào ào gióng trống gõ mõ” thì họ mới sử dụng đám công an. “Còn những việc hệ trọng, bí mật, thâm hiểm,...” họ dùng “lực lượng khác, mới mẻ hiệu quả hơn,” đó là Xã Hội Ðen.

Nhưng có người khuyên chúng ta không nên bất công nói xấu tất cả các anh chị em trong “Xã Hội Ðen” thành phố Hải Phòng. Bởi vì không phải tất cả những người trong Xã Hội Ðen đều đồng lõa với Ðảng Cộng Sản! Khi nói đến những thành phần Xã Hội Ðen không làm ăn chung với Ðảng Cộng Sản, vị độc giả này gọi họ là những “hảo hán giang hồ.” Người Việt Nam vẫn có lòng kính trọng đối với những tay “giang hồ hảo hớn,” hiểu theo nghĩa những “anh hùng Lương Sơn Bạc.” Họ thường sống ngoài vòng pháp luật; vì xã hội chung quanh không có luật lệ, chính quyền là bọn cường hào ác bá không tôn trọng luật lệ do chính họ đặt ra. Những tay giang hồ này có nghĩa khí, như vị độc giả viết, “hảo hán giang hồ đất Cảng... cũng có luật lệ và nghĩa cử riêng của họ.” Ðiều đặc biệt là những anh hủng hảo hớn “rất hiếm khi đi hà hiếp dân lành, họ trọng nghĩa khinh tài và luôn bất hợp tác với bọn cường quyền, ác bá.” Nếu đã không chịu hợp tác với bọn cường quyền, ác bá thì chắc anh chị em Xã Hội Ðen đất Cảng không nỡ lòng nào đi phá sập nhà anh Ðoàn Văn Vươn, đánh đập vợ con gia đình của anh để làm tay sai cho bọn cường hào ác bá Ðỏ, là chính quyền Hải Phòng, Tiên Lãng.

Trong việc ăn cướp và đàn áp người dân, chính quyền đã sử dụng bọn tay sai khác, thật sự không thuộc xã hội đen đất Cảng. Họ có thể thuê người làm du côn, giống như công an Hà Nội đã thuê người đánh phá gia đình, nhà cửa các nhà tranh đấu cho dân chủ. Trong đám đánh thuê nhiều người có thể được hứa hẹn sẽ được các ông chủ tịch huyện, chủ tịch xã chia chác “thành quả” sau khi cướp được khu đất đầm rộng mấy chục mẫu tây của anh Vươn. Và có cả những thành phần “đánh hôi” với mục đích “hôi của.” Chiến thuật dụng người này thực ra chỉ noi theo tấm gương của các lãnh tụ đời xưa khi phát động “cải cách ruộng đất.” Họ cũng hứa hẹn sẽ chia chác của cải sau khi đấu tố các địa chủ. Trong vụ phá sập nhà anh Vươn, người dân xã Vinh Quang kể, “Họ phá xong rồi họ hôi của. Ông nào nhặt được cái gì thì nhặt! Bây giờ em nói thẳng nói thật luôn, ngay cả tay xã đội phó nó còn bê trộm cả cái ổn áp (sic) của nhà ông Vươn về. Di ảnh của bố và con ông Vươn bị đốt...”
Chính quyền xã, huyện không chỉ sử dụng bọn lưu manh trong việc đàn áp dân, mà còn thuê người làm chỉ điểm, theo dõi và đe dọa nhà báo nữa. Người tự khai được ghi âm, chép lại trên Blog của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tự thuật: “Bọn em được chỉ thị là hàng ngày ngồi uống nước, mỗi ngày trả 100,000, cơm nuôi trưa, cơm nuôi tối, chỉ ngồi để săn các nhà báo thôi.” Với những chỉ thị chi tiết: “Xã chỉ thị cho công an, cho dân quân, nếu mà phóng viên báo chí về, thứ nhất là mời họ đi, nếu họ không đi, đuổi họ đi, nếu đuổi không đi thì cứ tự xử rồi là tội vạ đâu xã chịu. Anh tính, xã chỉ thị như thế đấy!” Nghĩa là cứ việc đánh nhà báo, không lo trách nhiệm! Bọn đi bắt gia đình ông Vươn, cũng hành động đúng lối côn đồ như vậy: “Ðến khi không bắt được Vươn thì quay lại bắt em dâu với vợ Vươn và đánh hai người đàn bà đấy. Xích chị ấy (chị Vươn) giong đi dọc đường, chửi câu nào là dùi cui ghè vào mồm câu ấy. Và như thế là lên gối đánh chị Hiền vợ anh Quý (em ông Vươn).”

Những tên vô lại hôi của, đánh cả đàn bà như vậy là bọn cướp ngày, không hơn không kém. Họ có thể là xã đội, là công an, cán bộ, đảng viên cộng sản tay có dùi cui. Nhưng tư cách như thế thì không xứng đáng gia nhập xã hội đen, nhất là Xã Hội Ðen đất Cảng! Những anh hùng hảo hớn sẽ không ai nỡ đánh đập những người đàn bà chân yếu tay mềm.
Người dân trong vùng này còn giúp đỡ, ủng hộ gia đình ông Vươn: “Khi vợ ông Vươn, vợ ông Quý được (công an) thả, đi xe máy về đến cái đầu đê dốc chỗ Cống Rộc,” hai chị em đã được đồng bào chung quanh đưa tặng tiền làm lộ phí trên đường về nhà. Người đưa 50,000, người tặng 100,000 đồng. Mọi người dân Việt Nam nhìn thấy chính mình có thể cũng bị đẩy vào hoàn cảnh giống như ông Ðoàn Văn Vươn. Họ lên tiếng bênh vực ông Vươn, trước lời tố cáo ông đã sử dụng mìn và súng chống cự công an. Nhưng một người dân đã biện hộ cho ông Vươn: “Anh em anh Vươn sử dụng vũ khí tự tạo không phải chống người thi hành công vụ mà là tự vệ chính đáng để chống lại bọn cướp ngày ở xã Vinh Quang. Mọi cách chống cướp không thể bị coi là phạm tội! - Chỉ có lũ trộm cướp mới coi người chống cướp là có tội!!!”

Một người nêu thêm lý do khác: “Nếu anh Vươn mang đơn đến Hà Nội kêu oan thì đến khi anh chết vẫn không được ai quan tâm đến hoàn cảnh của anh ta!” Một người giả thiết: “Nếu không có tiếng súng của anh Vươn, không khéo huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang sẽ là những xã, huyện tiên tiến điển hình để các nơi khác đến tham quan học tập. Cái xứ mình nó thế!”

Sự thật thì hiện nay trước mắt người dân xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng đã trở thành những trường hợp điển hình rồi. Ở xã nào. ở huyện nào cũng có thể diễn ra cảnh tượng như thế. Cảnh đàn áp hung bạo tại xã Vinh Quang được một người so sánh: “Cái vụ này là ‘nghề của chàng’ mà: hãy xem ở Tam Tòa, Cồn Dầu, Thái Hà, Bát Nhã vân vân, là biết ngay thôi!” Một người viết trên Blog: “Với chính quyền xã chỉ có chút ít quyền lực ở cấp thấp mà bất chấp đạo lý và hung bạo, vô liêm sỉ như vậy thì những nơi quyền lực cấp cao hơn thì sự thật sẽ như thế nào ta? Bao lâu nay, nhiều, rất nhiều vấn đề ta (là một người dân), không lý giải đươc. Nay qua chuyện này ta đã lờ mờ hiểu được: Sự thối nát lấp liếm lâu nay đã bắt đầu bốc mùi không thể che giấu được nữa rồi!” Một vị khác nhận xét: “Hồi này xem tin trên mạng người dân gọi chính quyền là: ‘chúng nó,’ là ‘lũ cướp ngày,’ ‘quan tham’ vân vân.”

Trước nỗi phẫn uất của người dân thế nào rồi chính quyền cộng sản cũng đem xử mấy tên cầm quyền cấp xã, cấp huyện. Một độc giả viết cho nhà văn Nguyễn Quang Vinh: “Anh Vinh ơi, xử nghiêm minh cũng chỉ loại bỏ được vài ba thằng tham lam mà ngu ngốc như Hiền, Liêm (chủ tịch huyện và xã)... thôi. Ðất nước ni, nếu còn tồn tại cái nhóm Thường Vụ ở các cấp thì người dân mãi mãi chịu khổ thôi anh ạ. Tôi chứng kiến hầu hết mấy tên có mác Thường Vụ là sống như Vua rứa anh nợ.” Nhà văn Nguyễn Bình Phương đã cho chúng ta hình ảnh một ông trời con cấp huyện, trong tiểu thuyết Xe Lên, Xe Xuống mới xuất bản ở nước ngoài. Ông tả cảnh chiếc xe chở nhà báo đang đi phải dạt vào lề để nhường đường cho một chiếc xe khác bóp còi xin đường (trang 253). Chiếc xe kia vượt lên, “là loại xe máy địa hình do nước ngoài tài trợ cho vùng sâu, vùng xa, bánh to, cao, gầm xe cũng cao.” Người lái xe đó là một thiếu niên mặt còn tàn nhang, hàng ria lún phún. Con ông chủ tịch huyện, “Một ông giời con thực sự... ăn chơi khét tiếng vùng này... điều hành cả một đội quân chuyên săn lùng động vật quý hiếm” để bán lậu sang Trung Quốc. Lái xe nói thêm: “Bao nhiêu gái đẹp ở vùng này, nó đều tìm cách ăn cả.” Nhà văn Nguyễn Bình Phương chắc cũng mô tả một ông chủ tịch huyện điển hình, không khác gì ông Lê Văn Hiền ở huyện Tiên Lãng.

Không thể gọi bọn người này là người thuộc Xã Hội Ðen được; gọi như vậy là vô lễ với các tay giang hồ hảo hớn. Họ là những người được đào tạo trong lò cộng sản; theo cùng một kỹ thuật pha chế lý thuyết và hánh động, theo một phương pháp “trồng người” kể từ năm 1930 đến nay. Cứ gọi theo đúng tên thật của họ là “Xã Hội Ðỏ” cho chính danh. Một Xã Hội Ðỏ đã quả đầu hóa và lưu manh hóa, theo một quá trình mà nhà xã hội học Robert Michels mô tả từ năm 1911 (xin xem lại bài “Xã hội đen trùm xã hội đỏ,” trong mục này tuần trước). Một đảng phái chủ trương độc quyền cai trị và nội bộ đóng kín với nhau, không bao giờ minh bạch công khai, thì tất nhiên sẽ đưa tới cảnh tượng lưu manh hóa từ trên xuống dưới. Tình trạng lưu manh hóa đã ăn sâu và lên cao quá rồi, người dân Việt ngao ngán thấy là “hết thuốc chữa!”

Một người trong nước đã dùng các câu sau đây trong Bình Ngô Ðại Cáo để kết luận:
“Ðộc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội!
Nhơ bẩn thay, nước Ðông hải không rửa sạch mùi!
Lẽ nào Trời Ðất dung tha?
Ai bảo thần, nhân chịu được?”
 Nguồn:www.nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét