Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Luận về Vai trò của thông tin




Minh Văn

Thông tin là một nhu cầu và thuộc tính của loài người. Mọi diễn tiến sự kiện của các vùng lãnh thổ hay tri thức khoa học và xã hội được phổ biến và tiếp nhận bởi thông tin. Vì vậy mà thông tin đáp ứng nhu cầu hiểu biết và tìm hiểu cuộc sống của con người, là động lực để thúc đẩy sự phát triển. Có thể nói, thông tin gắn bó hữu cơ với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người, góp phần quan trọng cho sự tiến hóa nhân loại.

Cách thức mà thông tin được phổ biến và tiếp nhận gắn liền với những phương tiện truyền tải của thời đại đó. Từ xa xưa - khi mà khoa học kỹ thuật chưa phát triển - thì phương tiện giao thông phổ biến và nhanh nhất của con người là xe ngựa. Hành trình đường trường giữa hai lục địa Á – Âu phải dựa vào Lạc Đà, vì chỉ có loài vật này mới có được thuộc tính chịu đựng những điều kiện khắc khổ của địa hình và thời tiết. Con đường tơ lụa của người Trung Hoa hay hoạt động đi lại buôn bán của người Ả rập đều theo bước chân của Lạc Đà. Thông tin giữa các vùng đất cũng bằng con đường này mà đến với mọi người. Vì thế có thể nói: Thông tin thời Trung cổ không nhanh hơn bước chân con Lạc Đà.



Bước đột phá của thông tin bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, khi mà động cơ hơi nước được phát minh và mở màn cho cuộc cách mạng Công nghiệp. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật này bắt đầu từ nước Anh, sau đó lan tỏa ra toàn Châu Âu và khắp thế giới. Động cơ máy hơi nước được áp dụng cho lĩnh vực giao thông, từ đó mà xuất hiện Tàu Hỏa và Tàu Thủy, những phương tiện giao thông quan trọng của xã hội loài người. Động cơ máy đã thay thế sức kéo của ngựa và bước chân Lạc Đà. Con người đã có thể vượt Đại Dương bằng những con tàu chạy bằng sức máy, khoảng cách được thu hẹp dần, nhiều phát kiến địa lý được thực hiện. Vì vậy mà thông tin cũng có một bước phát triển vượt bậc, tỉ lệ thuận với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Lúc này, thông tin có tốc độ của những đoàn tàu hỏa hay tàu thủy vượt đại dương.

Sự kiện quan trọng nhất của công nghệ thông tin là sự ra đời của chiếc máy Điện Thoại. Đó là việc A Lexander Graham Bell phát minh ra Điện thoại vào năm 1875. Nhờ chiếc máy này mà con người dù ở đâu, không còn phụ thuộc vào khoảng cách địa lý đều có thể liên lạc và thông tin với nhau ngay tức thì. Thực là một bước tiến khổng lồ và vĩ đại của lịch sử thông tin nhân loại. Từ nay những tin tức không còn lệ thuộc vào tốc độ của các phương tiện giao thông nữa, vai trò của máy hơi nước hay những bước chân Lạc Đà đã thực sự lùi vào dĩ vãng.

Trong cuộc sống con người, mọi hoạt động đều không thể thiếu vai trò của thông tin, đây là điều kiện quan trọng để thực hiện hay quyết định một công việc. Việc chuyển tải và tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng đã thúc đẩy tiến trình phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Các công ty quốc tế hoạt động, cạnh tranh nhau nhờ nắm bắt và khai thác được khối lượng thông tin nhanh chóng và hữu ích. Nhờ đó mà người lãnh đạo có thể đưa ra những quyết định kinh doanh đúng đắn và mang tính sống còn.

Một đất nước văn minh thì nhất định công nghệ thông tin cũng phát triển hiện đại. Xã hội càng phát triển thì vai trò của thông tin càng trở nên quan trọng, là yếu tố hàng đầu làm nên sức cạnh tranh kinh tế, chính trị và văn hóa của một quốc gia. Thông tin là sức mạnh, là tiền bạc vì nó có một vị thế tiên phong trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay.

Công nghệ phát thanh, truyền hình ngày một phát triển với quy mô và tốc độ rộng lớn là bước tiến vượt bậc của công nghệ thông tin. Đặc biệt là sự xuất hiện của internet, điều này đã thực sự làm nên một cuộc cách mạng thông tin của thời đại chúng ta. Nhờ đó mà con người có thể thông tin và giao tiếp với nhau vào bất cứ thời điểm nào, có thể tiếp nhận được cả âm thanh và hình ảnh trong cùng một thời điểm. Vì vậy mà nhiều người cho rằng, thế giới ngày nay là thế giới phẳng. Mọi diễn tiến sự kiện cuộc sống, mọi tri thức đều được phổ biến ở phạm vi toàn cầu. Rất thuận tiện cho sự tiếp nhận thông tin của con người, xóa nhòa đi mọi khoảng cách về hiểu biết tri thức và trình độ phát triển. Chúng ta có thể nói: Cách mạng thông tin thúc đẩy cách mạng khoa học kỹ thuật.

Các xã hội có thể chế chính trị khác nhau không còn bị giới hạn về khoảng cách và vị trí địa lý làm cho khác biệt nữa. Trước đây, những vùng đất xa xôi với các nền văn minh bị tụt hậu do không tiếp nhận được thông tin. Vì vậy mà trình độ kinh tế, chính trị, xã hội không theo kịp các quốc gia tiến bộ. Một phần là do tầng lớp thống trị lợi dụng điều này, che lấp và bưng bít thông tin để dễ bề cai trị. Ví dụ: Vào thế kỷ 19, khi các quốc gia Châu Âu đã làm cuộc cách mạng Dân chủ Tư sản thì hầu hết các quốc gia ở Châu Á, Châu Phi vẫn trong chế độ Phong kiến, bộ lạc. Và trong thế kỷ 20 thì hầu hết các quốc gia đã có thể chế chính trị Dân Chủ đa Đảng thì một số quốc gia vẫn ở trong chế độ Độc Tài. Với các cuộc cách mạng dân chủ nổ ra thành công gần đây tại Bắc Phi và Trung Đông thì số lượng các quốc gia Độc Tài còn sót lại trên thế giới là rất ít, trong đó có: Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba...; thông tin thông suốt khiến cho các chế độ Độc Tài không thể bưng bít thông tin như trước đây được nữa (yếu tố sống còn của một chế độ độc tài). Vì vậy có thể nói: Cách mạng thông tin thúc đẩy các cuộc cách mạng Xã hội.

Chúng ta thống nhất với nhau một quan điểm rằng: Vai trò của thông tin trong đời sống xã hội là vô cùng quan trọng, nó thúc đẩy tiến trình phát triển của mọi lĩnh vực. Thông tin làm nên những cuộc cách mạng mang tính đột phá của nền văn minh nhân loại. Những lợi ích mà cách mạng thông tin mang lại cho loài người là không thể đong đếm được, nó vô cùng to lớn và hệ trọng. Các quốc gia chậm phát triển hoặc có chế độ chính trị lạc hậu hãy tận dụng điều này để có thể đưa đất nước phát triển bắt kịp với thời đại. Đất nước Việt Nam chúng ta đang ở trong một chế độ chính trị Độc Tài, mọi lĩnh vực kinh tế, khoa học – kỹ thuật lạc hậu so với thế giới, vì thế chúng ta phải nắm bắt lấy lợi thế của công nghệ thông tin để giúp ích cho đất nước. Trước hết là đấu tranh xóa bỏ chế độ độc tài (nguyên nhân của mọi sự lạc hậu và chậm phát triển), sau đó là để thúc đẩy đất nước phát triển, nhằm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia văn minh - tiến bộ.


25/3/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét