Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012
Câu hỏi 1-5 và trả lời : Thi Vũ Võ Văn Ái | Quê Mẹ- Phần hai
1-5 câu hỏi và trả lời : Thi Vũ Võ Văn Ái | Quê Mẹ- Phần hai
(Người Trí thức Hành động và Dẫn đường)
Tác giả cuối thập niên 40 lúc ra khỏi nhà tù. (xem trả lời câu hỏi số 1)
Tác giả cuối thập niên 40 sang đầu thập niên 50 sinh hoạt trong tổ chức Gia Đình Phật hóa phổ sau này đổi tên là Gia Đình Phật tử
Nghĩa đen vô ngã (anâtman) là không ta, không có cái ta. Nhưng nội hàm mang nghĩa kết dính, tương sinh tương duyên. Trong vũ trụ chẳng có chi tồn tại biệt lập và bất biến, mọi sự mọi vật đều do tổ hợp của nhiều yếu tố duyên ra. Cây lúa kia không thuần túy là một cây lúa biệt lập, tự tại, miên viễn. Cây lúa là một quá trình tương hợp của hạt giống là nhân, cộng với cái duyên của đất, nước, mặt trời, phân bón và sức nông dân lao động để thành quả lúa. Tất cả những yếu tố ấy duyên khởi ra cây lúa. Thiếu bất cứ yếu tố nào, lúa không thành lúa. Đây là hàm nghĩa của vô ngã. Phân tích về con người cũng vậy.
Vô ngã, là lý nhân duyên sinh trong không gian; và Vô thường (anitya) là lý nhân duyên sinh trong thời gian. Từ ý thức nhân duyên sinh, tôi không là cái ta biệt lập mà tương sinh tương dự với người khác. Cho nên sự khổ đau của người khác, người khác bị áp bức cũng là sự khổ đau, áp bức cho bản thân tôi. Tinh hoa của đạo Phật là ở lý duyên khởi hay duyên sinh này, làm cho đạo Phật khác với tất cả mọi hệ thống suy tưởng của các tôn giáo khác. Tự thân của sinh thức này là sự giải phóng và tự do tối hậu cho con người trần lụy và mọi loài trongtam thiên đại thiên thế giới (2) tức vũ trụ.
Một ngày nọ Bồ tát Văn Thù (Mañjurî) đến thăm bệnh Cư sĩ Duy Ma Cật (Vimalakîrti). Hỏi ông bệnh gì ? Cư sĩ Duy Ma Cật đáp : Chúng sinh bệnh nên tôi bệnh. Thuật ngữ Phật giáo của từ chúng sinh bao hàm tất cả các loài hữu tình, chứ không trỏ riêng loài người. Tất cả những chi kết hợp thành sự sống gọi là chúng sinh (chúng duyên nhi sinh). Bệnh của Bồ tát tương lân với bệnh chúng sinh. Nên Bồ tát ra công cứu độ chúng sinh.
Trong bản kinh Phật Việt Nam đầu tiên, Lục độ tập kinh, xuất hiện ở Giao châu vào thế kỷ thứ III Tây lịch, có một câu ứng cho câu hỏi của chị về tác phong Phật giáo : “Bồ tát thấy dân kêu ca liền gạt lệ xông vào nơi chính trường hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than”. Đạo Phật Việt Nam ở thế kỷ thứ III đã là như thế.
2. Lê Thị Huệ : Nếu nói thành tích của Võ Văn Ái là một trong vài nhà tranh đấu nhân quyền có tầm vóc quốc tế, giữ được ngọn lửa đấu tranh cho Việt Nam từ 1975 cho đến nay ? Ông nghĩ thế nào ?
Võ Văn Ái : Tôi bắt đầu sinh hoạt thế giới khi tham dự Đại hội Quốc tế Thanh niên năm 1958 ở Bodensee bên Đức (Die Erste Internationale Jugendtagung der Fraternitas – Für Eine Brüderliche Welt) bao gồm đại biểu các nước Á châu, Phi châu và Châu Âu. Sau này do tôi hoạt động sớm cho Việt Nam ở Tây phương từ năm 1963 với nhiều dự án có tính quốc tế, rồi có mặt trong tư thế phát biểu thường niên cho nhân quyền Việt Nam tại Ủy hội Nhân quyền LHQ từ năm 1985. Đặc biệt qua các cuộc vận động quốc tế, tôi có dịp tiếp cận giới nhà văn, học giả, nhân sĩ có danh trong thế giới, nên được truyền thông báo chí quốc tế nhắc nhở.
Bản đồ địa lý Trại Cải tạo trên toàn quốc Việt Nam (trên 150 trại) với số lượng 500.000 tù nhân chính trị, do Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam công bố tại cuộc họp báo “Bắc hoá chế độ tù ngục tại Miền Nam Việt Nam” (La Nordmalisation des Prisons au Sud Vietnam) tại Paris ngày 29.5.1978. Cuộc họp báo chính trị đầu tiên sau năm 1975 thu hút 60 ký giả truyền hình, truyền thanh và báo chí quốc tế. Kể từ ngày này, công luận thế giới bỏ rơi Cộng sản Hà Nội để ủng hộ cho người Việt dân tộc.
Kỳ thực có hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu người Việt giữ lửa đấu tranh cho Việt Nam suốt thế kỷ XX vừa qua. Nhưng ít được nhắc nên không ai biết. Tôi chỉ là một người Việt trong số trăm, nghìn, triệu người Việt vô danh khác đã đứng lên trong bóng tối chống thực dân, chống độc tài, và đòi hỏi Quyền làm Người Việt Nam.
3. Lê Thị Huệ : Là một phật tử trí thức tích cực dấn thân, theo ông đâu là ưu và khuyết điểm của Phật Giáo Việt Nam ?
Võ Văn Ái : Cái ưu của Phật giáo Việt Nam là con đường tu và hành theo Đại thừa giáo còn gọi Bắc tông (Mahâyâna) được phát triển rất đặc thù và có sáng tạo theo hướng dân tộc bản địa từ trung tâm Luy Lâu trước và sau các thế kỷ bản lề Tây lịch.
Tu thì thực hiện sự giác ngộ cho bản thân, đồng lúc cưu mang giác ngộ cho kẻ khác (tự giác nhi giác tha). Hành động thì không rời việc cứu khổ quần sinh trên mặt đất. Cần thâm nhập chữ khổ (duh??kha) theo giáo lý đạo Phật. Khổ đây không là cái khổ thể xác của con lừa suốt ngày đi quay vòng theo cối xay hay người thợ lao lực nơi công xưởng, mà là không biết đến hệ lụy của vòng tròn miên viễn cột dính mình vào thế phận trầm luân. Cái không biết ấy gọi là vô minh (avidyâ). Vô minh mới chính là mối khổ ách của nhân sinh. Quán sát nhân duyên con người khổ luỵ, đức Phật chỉ cho thấy 12 nhân duyên phát khởi ra luân hồi như một dây chuyền liên tục từ khâu này sang khâu khác (thập nhị nhân duyên : vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử) (3), thì vô minh (mê muội, không sáng suốt) là điểm khởi phát cho mọi trầm luân, hệ lụy.
Đối với ngoại cảnh, do vô minh nên không chân nhận được thực tướng vô ngã, vô thường của sự vật. Đối với nội tâm, vì vô minh nên quay cuồng theo sự phân biệt, vong thức. Giải quyết được vô minh là giải quyết tất cả.
Nói về vô minh của loài người hôm nay đây, vào năm 2009, thì phát kiến khoa học được bao trùm đến chân tơ kẽ tóc, nhưng đứng trước vũ trụ vô biên, khoa học vẫn còn ở vị thế vô minh. Chúng ta, tức khoa học, chỉ mới nắm vững trên phạm vi kiến thức 10% vật chất trong vũ trụ mà thôi. 90% cái gọi là “Vật Đen” (Dark matter / Matière noire) hùng cứ trong vũ trụ mà các nhà khoa học bắt đầu có khái niệm vào những năm 30 thế kỷ XX. Vật Đen vẫn còn là dấu hỏi lớn, vẫn còn trong dạng vô hình, chưa nắm bắt, hiểu biết. Vũ trụ còn che giấu 90% khối lượng nguyên tử của nó, nên chúng ta còn vô minh về 90% khối lượng (vật đen) hiện hữu. Kiến thức nhân loại về vũ trụ chỉ mới đạt ở mức độ 10% mà thôi. Dễ sợ cho những ai dương dương tự đắc về sự hiểu biết hay thông tuệ của mình.
Từ điểm ưu Phật giáo nói trên mà Việt Nam đào luyện ra những con người biết đối ứng với cuộc thế một cách sáng tạo và hùng tráng, như Sư bà Thiều Hoa (một bà Ni, tức nữ tu) năm 36 Tây lịch mộ 500 quân đến ứng chiến với Hai Bà Trưng, rồi tới những Phật tử tham gia 9 cuộc kháng chiến của Khu Liên, Chu Đạt, Lương Long, Khổng Chi và Trụ thiên tướng quân (thế kỷ II TL.) ; anh em bà Triệu Thị Trinh (năm 248 TL.) ; Phật tử Lý Nam Đế dựng lên nhà nước độc lập Vạn Xuân (năm 544 TL.), các đạo sư, thiền sư, cư sĩ Phật tử như Đinh Bộ Lĩnh, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, v.v… qua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê trong việc dựng nước, giữ nước và cứu người.
Còn tiếp
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét