Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012
Làm thêm giờ - một hình thức bóc lột
Không thể để đất nước điêu tàn và cuộc sống của anh chị em ta mãi mãi tăm tối. Anh chị em ta hãy đoàn kết một lòng, rầm rộ xuống đường để phản đối chính sách bóc lột thậm tệ của chế độ tư bản đỏ. Kiên quyết đấu tranh đòi cho bằng được quyền lợi chinh đáng như tiền lương đúng với sức lao động và các tiêu chuẩn an sinh khác…Kiên quyết đòi cho được quyền thành lập công đoàn độc lập để đứng ra bảo vệ mọi người khi quyền lợi của anh chị em bị giới chủ xâm phạm.
Điều cấp bách nhất hiện nay là anh chị em chúng ta xuống đường đòi cải thiện đời sống. Nếu cứ cam chịu thì tương lai của anh chị em ta càng mờ mịt hơn. Ở đâu có áp bức ở đấy có đấu tranh, đó là lẽ đương nhiên. Vì quyển lợi thiết thực của bản thân; vì tương lai tươi sáng của đất nước. Chúng tôi kêu gọi anh chị em công nhân Việt nam hăng hái xuống đường;biểu tình; đình công…Đòi hỏi nhà cầm quyền phải đáp ứng những nguyện vọng chính đáng. Chúng tôi luôn luôn sát cánh bên anh chị em.
Làm thêm giờ ở đây là do bị lừa dối, hoặc người lao động không đồng ý nhưng vì chủ doanh nghiệp thúc ép nên phải làm. Rất nhiều trường hợp như thế đã xẩy ra trong thời gian dài, và cho đến bây giờ vẫn vậy. Hiện tượng Công nhân bị ép buộc làm thêm giờ trái luật vẫn thường xuyên diễn ra, mà không có cơ quan hữu trách nào can thiệp. Công ty nào mà người Công nhân có tinh thần đoàn kết hơn thì tổ chức đình công tự phát, còn những người phản đối đơn lẻ thì bị đuổi việc hoặc chịu hình thức kỷ luật vô cớ. Vì vậy, người lao động không những bị tổn hại về sức khỏe và vật chất vì kiểu bóc lột này, mà còn bị nhiều oan ức do phải chịu những hình thức xử phạt bất công.
Công nhân kiệt sức vì tăng ca, dinh dưỡng kém
Có trăm ngàn lý do để chủ doanh nghiệp ép buộc người lao động làm thêm giờ. Chủ yếu là dựa vào sự thiếu hiểu biết pháp luật của họ, cũng như sự thờ ơ vô trách nhiệm của các cơ quan hữu quan. Lý do “chính đáng” mà doanh nghiệp thường đưa ra để lòe Công nhân là: Phải tăng ca làm thêm giờ để đủ sản phẩm giao nạp cho đối tác theo đúng hợp đồng, để cho kịp tiến độ thi công, do giá thành sản phẩm hạ nên phải làm thêm để bù vào thu nhập, làm thêm vì cuối năm cần phải có nhiều sản phẩm giao cho khách hàng...; sẽ không có gì để nói, nếu hình thức làm thêm giờ đó hợp lý và có sự thỏa thuận giữa chủ sử dụng và người lao động. Những lý do “chính đáng” này do chủ sử dụng lao động nghĩ ra để bóc lột sức lao động của người Công nhân, hòng để tiền chảy về túi của mình.
Theo Luật Lao động quy định, thì việc làm thêm không quá 4 giờ/ngày, không quá 200h/năm. Nhưng tại nhiều doanh nghiệp, người Công nhân phải làm thêm 6 – 8 giờ/ngày mà không có cơ quan nào đứng ra phản đối hay bảo vệ cho họ cả. Ấy là chưa kể lương làm thêm không được tính theo đúng quy định, thậm chí còn bị bớt đi. Người lao động thấy sức khỏe và thời gian của mình bị bóc lột thậm tệ mà không biết kêu ai. Nhiều người trong số họ vì phản đối mà bị đuổi việc, vì thế mà họ vẫn phải âm thầm chịu đựng hình thức bóc lột này kéo dài.
Tại nhiều công trình xây dựng, lấy lý do hoàn thành đúng tiến độ vào dịp cuối năm, người ta đã bắt người lao động làm việc cả ngày. Buổi sáng thì bắt đầu làm việc từ 6h, liên tục đến hơn 1h chiều mới nghỉ. Họ ăn vội vàng cơm canh đã nguội lạnh rồi lại tiếp tục làm đến tối mịt. Ấy vậy nhưng lương tháng mà họ được hưởng thì lại rất rẻ mạt (900.000 – 1.200.000đ/tháng), các khoản bồi dưỡng chỉ được nghe hứa suông mà không bao giờ được nhận cả. Dù rất bức xúc vì bị bóc lột và lừa dối như vậy, nhưng họ vẫn không dám phản đối vì sợ bị đuổi việc, ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của mình và vợ con. Chưa kể, nhiều người bị đau ốm do môi trường làm việc thiếu đảm bảo và quá sức, nhưng không được chữa bệnh, những người Công nhân đành phải tự lo chăm sóc cho nhau. Tại nhiều Công ty may, người Công nhân phải làm thêm giờ tới... 600h/năm. Còn việc phải làm thêm 400h/năm là điều bình thường tại nhiều công ty khác.
Còn một hình thức bóc lột sức lao động tương tự nữa, đó là: Ép Công nhân làm thêm giờ. Mới nghe qua thì có vẻ giống như làm thêm giờ, nhưng bản chất vấn đề lại hoàn toàn khác. Đó là, người lao động phải làm thêm mấy giờ một ngày nhưng không được tính là thời gian làm thêm. Chủ doanh nghiệp mặc nhiên coi việc làm thêm giờ này là trách nhiệm của Công nhân, họ phải làm cho có đủ sản phẩm để giao nạp cho khách hàng (ai biết sản lượng bao nhiều là đủ? Số lượng này do chủ doanh nghiệp nghĩ ra để lừa người lao động). Vậy là người Công nhân bị ép làm thêm giờ mà không được trả thêm lương, hay tính lương theo quy định làm thêm giờ. Quả là một hình thức bóc lột hay của các chủ doanh nghiệp, dưới sự bảo kê của tổ chức Công đoàn nhà nước.
Theo người viết, thì có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bóc lột làm thêm giờ nói trên:
Thứ nhất là từ phía người Lao động: Họ thiếu hiểu biết pháp luật nên bị chủ doanh nghiệp lừa dối. Đồng thời bị ép buộc và sợ bị đuổi việc nên không dám phản đối.
Thứ hai là từ phía chủ doanh nghiệp: Doanh nghiệp chủ trương bóc lột sức lao động của công nhân, coi họ chỉ là công cụ lao động. Họ đã vi phạm pháp luật một cách ngang nhiên và trắng trợn chỉ vì lợi nhuận phi pháp, vì lòng tham vô đáy.
Thứ ba là từ phía Công đoàn nhà nước và các cơ quan hữu trách: Cán bộ Công đoàn nhà nước tự coi họ như những ông quan thời nay, họ không bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Những ông quan này chỉ cần im lặng làm ngơ, ngậm miệng ăn tiền, vậy là chủ doanh nghiệp có thêm tiền mà cán bộ Công đoàn cũng có tiền. Tiền ở đây là lấy từ mồ hôi công sức của Công nhân, từ máu và nước mắt của họ. Đúng là “nhất cử lưỡng tiện”, chỉ có người Công nhân là bị bóc lột mà không còn biết kêu ai. Các cơ quan bảo vệ pháp luật thì có bao giờ bảo vệ người lao động, họ chỉ bảo vệ kẻ có tiền là chủ doanh nghiệp (xương sống của nền kinh tế đất nước) và tổ chức Công Đoàn (nằm trong cơ cấu bộ máy nhà nước, được đảng tin yêu và lãnh đạo).
Hình ảnh người Công Nhân trên các tấm biển quảng cáo của nhà nước thật khác xa với thực tế. Trên hình thì họ béo tốt vui cười, phía sau lưng là các nhà máy nhả khói tưng bừng, mang cả sức sống mùa xuân dân tộc. Còn ngoài đời thì người Công nhân đang thoi thóp vì bị bóc lột, bị ghẻ lạnh bởi cái nhà nước tự nhận là đại diện cho mình. Họ lê những bước chân mệt nhọc và nặng nề bên cạnh những chiếc xe hơi sang trọng của các đại gia Cộng Sản. Quan chức nhà nước (đầy tớ của nhân dân) lại ở nhà cao biệt thự, tay ôm gái đẹp, miệng uống rượu tây, người Công Nhân thì ăn cơm cà mắm thối và uống rượu cuốc lủi qua ngày.
Bởi thế mà họ mới mếu máo mà ca một câu tân cổ giao duyên rằng: “Ầu ơ...Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời Cộng Sản mà thương dân mình...”.
Huỳnh Công Đoàn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Bài viết hay quá, bản thân mình bị bốc lột lao động ngoài giờ hành chính với mức công 20.000 vnđ một giờ. Mình bỏ đi và không thèm thêm gì nửa. Nhưng hành động đó, mọi người xung quanh đã xem mình như một người cỏi trên, cái họ không hiểu là giá trị sức lao động đã bị bóp từng phút từng giây mà vẫn nai lưng ra làm, không dám chống đối, không dám làm gì hết...ức chế toàn tập
Trả lờiXóa