Nền kinh tế không tạo đủ việc làm cho cả lao động mới gia nhập thị trường và bộ phận thất nghiệp cũ.
Nếu như năm ngoái, vào những tháng cuối năm, doanh nghiệp thường xuyên phải bố trí lao động tăng ca để kịp trả hàng cho đối tác thì năm nay, lao động tại các khu công nghiệp không có việc làm thêm, đồng nghĩa với thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng.
Tại thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), dễ nhận thấy các xóm trọ không còn cảnh cửa đóng then cài, vắng hoe bởi công nhân phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày, như trước đây. Nay, rất nhiều lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Hà Nội khi được hỏi đã xác nhận nơi họ làm việc đang phải chịu tác động từ tình hình khó khăn của doanh nghiệp.
Cô Nguyễn Thị Hải, đang làm việc tại công ty Nissei, nằm trong khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), nói vào thời điểm này, doanh nghiệp duy trì được việc làm, công nhân chưa bị sa thải và cắt giảm thời gian lao động là tốt lắm rồi. Còn có việc để làm thêm, tăng thêm thu nhập là câu chuyện đã cũ. Vì không ít doanh nghiệp trong khu công nghiệp Thăng Long đã cắt giảm lao động do thiếu việc.
Hải chỉ vào người bạn cùng phòng tên Huyền: “Đến học đại học ra như chị Huyền đây cũng phải đi làm công nhân, đủ thấy kiếm việc làm vào thời điểm này khó khăn đến mức nào”.
Bùi Thanh Huyền, tốt nghiệp khoa kế toán, đại học Công nghiệp Hà Nội, cũng đang là công nhân tại Nissei với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Nhưng đây không phải là trường hợp hy hữu.
Một khảo sát mới đây của viện Nghiên cứu thanh niên về tình hình việc làm của thanh niên tại một số tỉnh thành trong cả nước đã phản ánh tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm của thanh niên đang là vấn đề đáng lo ngại.
Cụ thể, có đến 69% số thanh niên trong diện khảo sát phải chịu sự tác động trực tiếp về việc làm, trong đó 43,4% ít việc làm hơn trước, 16,7% thất nghiệp và 8,7% phải làm những việc khác so với công việc trước đây.
Việc làm đang trở nên khan hiếm. Cũng theo khảo sát trên, đã có trên 71,7% lao động bị cắt giảm thời gian lao động, hơn 18% công nhân thất nghiệp và chỉ có khoảng 29% thanh niên duy trì được việc làm như trước trong các khu chế xuất, khu công nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM.
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Định, phó ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp Tp.HCM cũng cho biết đã có khoảng 4.000 lao động mất việc trong năm nay ở cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Để tiết giảm chi phí, các doanh nghiệp hầu như không có kế hoạch tuyển thêm.
"Năm nay, do điều kiện kinh doanh khó khăn, nên cho dù đã gần Tết mà nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ cũng rất ít ỏi. Công nhân không có cơ hội làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập. Không ít công nhân đã phải khăn gói về quê hoặc đi tìm việc làm tự do ngoài thị trường", ông Định nói.
Thực tế trên có lẽ cũng là minh chứng cụ thể nhất cho kết quả điều tra lao động việc làm 2012 của Tổng cục Thống kê vừa công bố hôm 18/12, với gần 1 triệu người thất nghiệp.
Cơ quan này nhận định, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay thì tỷ lệ thất nghiệp nói trên vẫn là không cao. Tuy nhiên, nó đã phản ánh nền kinh tế không tạo đủ việc làm cho cả lao động mới gia nhập thị trường và bộ phận thất nghiệp cũ. Nhiều người lao động hầu như không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những công việc trong nền kinh tế phi chính thức, với mức thu nhập thấp và không bền vững.
Lao động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực nhà nước có xu hướng giảm vì thiếu việc làm và ngược lại, khu vực ngoài nhà nước, những người tự tạo việc làm, hộ kinh doanh cá thể lại tăng lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét