Sinh Lão Tà
Photo: Thuận Thắng
"Trích: - Họ đã ở đâu khi ông gửi thư bày tỏ sự phản đối chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội ở khu di tích 18 Hoàng Diệu?"
- Họ đã ở đâu khi ông viết bài báo nói về thực trạng và kiến nghị 6 vấn đề “cơ bản và cấp bách” nhằm triển khai có kết quả công cuộc đổi mới nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện nay?
- Họ đã ở đâu trong cái kiến nghị không mở rộng thủ đô?
Vậy là cuộc lên đồng vĩ đại nhất nhì lịch sử đã chấm dứt.
Tôi phát ngán khi lên diễn đàn dành cho các nhà báo trẻ và đọc những thứ họ viết ra vào thời điểm ấy. Ừ thì trẻ. Trẻ, nhưng họ là nhà báo.
Thay cho nỗi tiếc thương bởi sự ra đi của một con người lớn, một số thành phần cuồng tín trong đó đã biến tang lễ thành một cuộc đấu tố. Họ nhân danh họ là nhà báo, họ là nhân dân để biến mình thành những anh hùng bảo vệ sự tôn nghiêm, biến mình thành kẻ chỉ điểm, biến mình thành quan tòa, biến mình thành nhà quản lý.
Tôi đã sống đủ lâu, đã chứng kiến đủ nhiều để rồi đặt ra câu hỏi: Họ đã ở đâu những lúc mà người đã khuất cần đến họ?
- Họ đã ở đâu khi người đã khuất gửi hết tâm tư vào những trang thư đề nghị dừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên?
- Họ đã ở đâu khi ông gửi thư bày tỏ sự phản đối chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội ở khu di tích 18 Hoàng Diệu?
- Họ đã ở đâu khi ông viết bài báo nói về thực trạng và kiến nghị 6 vấn đề “cơ bản và cấp bách” nhằm triển khai có kết quả công cuộc đổi mới nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện nay?
- Họ đã ở đâu trong cái kiến nghị không mở rộng thủ đô?
- Họ đã ở đâu vậy, suốt bao nhiêu năm qua, người đã khuất phải nằm vật vờ, sống nhờ vào cái bóng quá khứ của mình?
Tôi chẳng nhìn thấy họ ở đâu trong những lúc ấy. Rất ít sự ủng hộ, phần đông chỉ là im lặng, không có bao nhiêu những bình luận mang tính cá nhân trên mạng xã hội.
Và rồi lễ đưa tang họ đột ngột xuất hiện.
Họ đã tự cho mình cái quyền gì để đem cái đạo đức của mình ra làm quy chuẩn đánh giá xã hội, đấu tố cá nhân? Và chắc chắn là những người trong số họ, đã căn cứ vào sách vở nào để khiến cho đất trời phải đổi sắc mây, cây bằng lăng phải thay màu lá, con rùa Hoàn Kiếm phải ngóc đầu dậy gật gù bái biệt?
Họ đã đại diện cho cái gì để tạo ra những cuộc đấu tố vĩ đại trong những ngày tang lễ? Đấu tố một anh phát thanh viên lỡ mồm; đấu tố một anh phóng viên ảnh hăng hái quá mức; đấu tố một chú cộng tác viên chụp ảnh tự sướng trong lúc chờ đoàn xe tang đi qua…? Chắc gì họ đã buồn chưa, sao bắt người khác phải đau khổ rấm rứt?
Tôi bàng hoàng thực sự khi nghe thấy lời xin lỗi của lãnh đạo một đài truyền hình. Dư luận khủng khiếp đến mức tạo ra một sức ép chính trị chỉ bởi nửa câu lỡ lời. Mà đáng lẽ, một lời xin lỗi của anh phát thanh viên đối với khán giả là xong; đằng này, lãnh đạo phải nghiêm trang đứng lên tạ tội như thể ông đã không dạy dỗ chu đáo, để nhân viên của mình rút súng bắn chết mấy chục triệu người.
Cơn điên của xã hội hay dư chấn của trận lên đồng còn khiến cho rất nhiều người trong xã hội biến thành chó săn, thành chỉ điểm; tìm ra cho được cái thằng đã dám chụp ảnh tự sướng trước mặt nhiều người. Cứ cho rằng nó thiếu lịch sự; thì thử hỏi hành vi của nó có thể khép vào tội gì? Nó có trần truồng chạy ra giữa đám tang hay buông lời chửi bới người đã khuất không? Hay nó chỉ chụp ảnh nó, rồi quay ra làm công việc mà nó được giao? Nó làm thế thì gây thương vong, tổn thất đến ai, hay là trong tang lễ có quy định cấm chụp ảnh tự sướng?
Khoảng thời gian ấy, bạn chỉ cần mở miệng lỡ lời thôi là hàng trăm danh hiệu “phản động”, “súc vật”, “chó má”, “vô cảm”, “ngu dốt”… sẽ được trao cho bạn. Nhưng tin tôi đi, chừng một tháng nữa thôi, khi thông tin về đám tang ấy không còn là một thứ thời trang, những người tham gia vào việc tạo ra những danh hiệu ấy sẽ quên hẳn rằng họ đã từng tự cho mình là một nhà phán xét đạo đức trong một cái đám tang như thế.
Cũng chính là họ, họ đã im lặng khi những dòng người xuống đường biểu tình đòi Trung Quốc tôn trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam. Họ đã im lặng. Nhưng rồi khi dân Tàu xuống đường phản đối Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) thì họ viết bài ngợi ca rằng dân xứ Khựa yêu nước lắm.
Dẫu biết có những kiểm duyệt đang siết ngòi bút của họ lại; nhưng cũng đừng mong tìm thấy một ý kiến cá nhân của họ về các vấn đề ấy trên các diễn đàn, trên các trang cá nhân.
Tin tôi đi, chừng một tháng nữa thôi, những con người ấy sẽ biến mất trong chính những bài báo mà họ viết. Những bài báo chỉ nương quan điểm theo số đông, chẳng chính kiến, không lập luận, thiếu thống kê, không một cơ sở pháp lý; nhưng lại rất an toàn trước dư luận và nhà quản lý. Họ chỉ hăng hái, to mồm mở các cuộc đấu tố những lúc có thể kiếm nhuận bút. Khi rủng rỉnh túi tiền thì họ lại tiếp tục biến mất như chưa từng xuất hiện.
Thà rằng họ im lặng.
Chừng một tháng nữa thôi, sẽ chẳng còn ai nhớ tới họ nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét