Lê Quang Trung. Đồng Xa, HN
Trình độ dân trí càng thấp thì càng cần phải đa đảng. Đó là điều không thể chối cãi.
Chính các đảng chưa cầm quyền (các đảng đối lập) sẽ là những tổ chức giúp cho người dân nâng cao trình độ dân trí, phản biện các sai lầm hoặc tùy tiện của đảng hiện đang cầm quyền. Vì chính họ chứ không ai khác là những người có trình độ chính trị ngang ngửa với đảng cầm quyền, mới có khả năng giúp dân kiểm soát đảng cầm quyền. Như ra tòa mà không có luật sư biện hộ, thì bị can dù có trình độ tiến sĩ nhưng không phải ngành luật cũng bó tay, tòa xử sao cũng được.
Độc đảng, dù bỏ chế độ CSCN, dù cương quyết theo nền dân chủ cũng không thể làm được, vì điều tất yếu nó sẽ trở thành chế độ độc tài. Nền dân chủ lúc này chỉ là 'treo đầu dê bán thịt chó'. Bởi lẽ, chức năng làm chủ đất nước (dân chủ) của dân không thể làm được khi không có sự kiểm soát của dân (nhờ vào các đảng chưa cầm quyền) đối với hoạt động của đảng đang cầm quyền. Không có đảng nào khác để dân có thể lựa chọn thay thế đảng đang cầm quyền nếu cần. Đi bỏ phiếu mà chỉ có một đảng duy nhất thì bỏ phiếu chẳng có tác dụng gì. Khác gì đi mua hàng mà hàng chỉ do một hãng sản xuất duy nhất theo chất lượng của hãng, không có hãng thứ hai, khách hàng có quyền lựa chọn hàng có chất lượng đúng nhu cầu mong muốn của mình không? Chức năng có quyền tham gia lãnh đạo và lựa chọn người thay mình lãnh đạo đắt nước không còn, dân làm chủ được sao? Cần chú ý một điều là Đảng viên của cùng một đảng sẽ làm theo chủ trương của đảng đó, bất kể hắn là ai cũng không có gì khác biệt. Khác biệt chỉ khi họ ở hai đảng khác nhau, có chủ trương khác nhau mà thôi. Vì vậy, xin đừng ngụy biện là dân VN vẫn đi bỏ phiếu, vẫn có dân chủ đó thôi.
Đa đảng tại sao rối loạn khi 'dân làm chủ'? Làm chủ mà có nhiều người tranh nhau xin phục vụ sẽ bị rối loạn chăng? Xin nhớ cho rằng, sự khủng hoảng chính trị của các nước dân chủ chỉ là sự rối loạn tạm thời, và điều đó 'làm lợi' cho nhân dân, làm phát triển thêm cho đất nước sau đó. Tựa như sau đợt tuyển dụng ồn ào do nhiều người tranh nhau 'xin việc', công ty mới có thể chọn được người có khả năng tốt nhất đảm trách công việc mình cần, nhu cầu sự phát triển của công ty càng thêm chắc chắn.
Chỉ có 'đảng làm chủ' (chứ không phải dân làm chủ) thì đa đảng mới là sự rối loạn thật sự. Đó là loạn 12 sứ quân nước ta đã trãi qua 'thời phong kiến'. Chính điều này làm đảng CSVN lo sợ. Lo rằng, khi điều đó xảy ra, có khả năng đảng không còn được làm Đinh Tiên Hoàng nữa. Vì vậy, đảng CSVN dứt khoát không bao giờ chấp nhận đa đảng nhằm bảo vệ vị trí ‘đảng chủ’ của mình. Để chắc ăn hơn nữa, đảng CSVN còn cố đưa điều 4 vào Hiến pháp 2013.
Qua những phân tích trên, xin đừng lý luận lung tung để cố gán hai chữ dân chủ cho VN nữa nhé, nghe ngô nghê lắm.
Tóm lại, có đa đảng mới có dân chủ. Độc đảng thì chắc chắn là 'đảng chủ' dù muốn hay không. Mà đảng chủ thì có cải cách thế nào cũng chỉ có thể chuyển biến từ phong kiến sang Tân Phong Kiến mà thôi chứ không bao giờ có thể thành dân chủ. Nó vẫn mang đầy đủ bản chất độc tài toàn trị của thời phong kiến. Do vậy, người ta nói, CNCS thực chất là nền Tân Phong Kiến trá hình là điều không sai.
rất đúng
Trả lờiXóa