Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Ngư trường Hoàng Sa có còn không?

Huỳnh Việt Lang

“Hỡi ơi, đất Việt trời Nam trải bao phen lao khổ. Nghĩ đến kẻ điêu linh từ thuở nọ (...) Xả thân vì Tổ quốc, son sắt một lòng, ngang dọc chí nam nhi. Phong ba dồn dập, tuyết sương chẳng quản, mưa nắng chẳng sờn. Hoàng Sa lãnh hải, biển cả mênh mông, tháng năm vô định...”(1)

Theo Hiệp hội chế biến - xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), từ đầu năm đến tháng 6/2011 đã có 147 doanh nghiệp (DN) ngưng chế biến, xuất khẩu hải sản để chuyển sang sản xuất các mặt hàng khác. Nguyên nhân do các DN này không thể tìm đủ nguyên liệu để sản xuất và các chi phí đầu vào tăng cao. Bên cạnh hiện tượng lượng cá mà ngư dân đánh bắt được chưa đến tay DN trong nước đã bị thương lái Trung Quốc (TQ) tranh giành, đón mua ngay trên biển hoặc tại các cảng cá; còn một lý do đơn giản hơn: sản lượng cá đánh bắt giảm xuống vì phía TQ cấm biển(2). 


Dân đánh cá VN trên biển. Nguồn ảnh: baodatviet.vn


Diện tích vùng biển Việt Nam lớn gấp 3 lần đất liền. Hiện tại, trên giấy tờ đội tàu đánh cá Việt Nam có khoảng 130.000 chiếc, trong đó có khoảng 64.000 chiếc có công suất trên 20 mã lực (CV) và khoảng 52.000 chiếc trên 90 CV. Lượng tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ có khoảng 23.000 tàu. Với số lượng tàu không nhỏ như vậy, nhưng Việt Nam đang đứng trước thực trạng là hàng loạt đoàn tàu đánh cá nhà nước bị phá sản. Không thể đổ lỗi cho biên chế đơn vị quá công kềnh ban bệ, bởi ngay những doanh nghiệp tư nhân cũng lâm vào tình trạng sụp đổ tương tự. Một trong những nguyên nhân công bố được cho là quan trọng nhất: ngư trường gặp nhiều khó khăn. Nhưng không có dòng thông tin chính thức nào nói rõ về mức độ khó khăn ấy… Các đội tàu của Xí nghiệp Liên hợp Thủy sản Hạ Long, Tổng Công ty Hải sản Biển Đông… đã biến mất trên ngư trường Việt Nam. Hoặc như đội tàu xã Đức Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) có gần 300 chiếc là tàu đánh bắt xa bờ, được Hội Nghề cá Việt Nam đánh giá là đội tàu mạnh nhất miền Bắc. Mỗi năm đội tàu này từng thu hút hàng ngàn lao động đi bạn từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa; vậy mà nay cũng là xã có hơn 90% hộ dân phải cầm cố sổ nhà đất (sổ đỏ) vào ngân hàng (3). Họ ngại ra biển, mặc dù không phải biển ít cá. Họ sợ những va chạm, rượt đuổi…

Số phận những hải âu gãy cánh

Đường đến Hoàng Sa xa ngàn trùng, nguy hiểm nhấp nhô theo từng con sóng. Nhớ năm xưa chẳng phải vô tình, các thủy binh trước khi lên đường trực chiến Hoàng Sa đều được tế sống. Trước tình trạng hàng loạt ngư trường truyền thống miền Trung và miền Bắc bị TQ tấn công, ngư dân ta vẫn tiếp tục ra khơi. Việc này dẫn đến tình trạng bị TQ bắt giữ. Từ năm 1989 – 2009, riêng tỉnh Quảng Ngãi tính trên giấy có đến 242 tàu với 2.399 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; 3 ngư dân bị bắn chết và 1 bị thương. Còn số lượng trong thực tế lớn hơn rất nhiều. Từ năm 2007, nhiều ngư dân Việt Nam bị TQ giam giữ hàng năm trời, tịch thu toàn bộ tàu không thấy công bố cụ thể. Chẳng hạn như cuộc tiếp đón ông Mai Phụng Lưu cùng 8 người khác được TQ thả vô điều kiện hồi tháng 10/2010 được báo chí trong nước đưa tin rầm rộ - nhưng không hề thấy nhắc đến số phận 89 ngư dân và 21 con tàu khác (tính riêng tỉnh Quảng Ngãi) còn đang bị giam giữ. Ngoài việc quảng cáo về “lòng nhân đạo” của TQ, chẳng hiểu hệ thống báo chí nhà nước có suy nghĩ gì về số phận những đồng bào thiếu may mắn khác của chúng ta. Có bao nhiêu người được TQ thả sau tháng 10/2010 và số phận những người này hiện nay như thế nào… Tất cả đều cố ý tỏ ra thiếu minh bạch.

Không riêng gì tàu cảnh sát biển, tàu ngư chính kể cả tàu thăm dò địa chấn của TQ cũng tự ban cho mình cái quyền đàn áp ngư dân Việt. Bằng tay chân, báng súng và dùi cui điện, TQ đã đánh văng ngư dân ta xuống biển. Sau đó chúng trấn lột hàng tấn cá và mực khô trên các tàu này. Ngư dân ta có người bị TQ bắt đến 4 lần như ông Mai Phụng Lưu, ông Tiêu Viết Là. Để được thả ra, ngư dân phải đóng tiền chuộc từ 50.000 - 70.000 nhân dân tệ/tàu, tương đương từ 150 - 210 triệu đồng. Ngay sau lần bị bắt thứ 2, gia đình ông Lưu đã sa chân vào nợ nần. 3 lần trước để được thả về, mỗi lần gia đình ông phải bỏ ra 70.000 nhân dân tệ. Cộng dồn các lần nợ trước, ông Lưu đành bị chủ nợ xiết tàu sau khi TQ thả về lần thứ 4. Ngoài chuyện đem được cái thân trở về, ông Lưu còn mang theo di chứng những trận đòn đẫm máu của TQ. Để từ đó mỗi lúc mưa nắng trở trời, lưng ông Lưu cũng trở thế dăm phen để vượt qua những cơn đau nhức thấu xương của mình. Đằng sau cuộc tiếp đón ồn ào tháng 10/2010, một đồng tiền hỗ trợ tàu ông Lưu bị nạn cũng không có, với lý do tăng công suất tàu mà không đăng ký.

Từ năm 2009 còn có nhiều con tàu bị TQ đâm chìm, với số người bị nạn lên đến hàng trăm người. Chiếc tàu là toàn bộ tài sản của ngư dân, nên ngay sau khi bị tàu TQ đâm phải, chủ chiếc tàu đó trở thành người trắng tay. Số tiền hỗ trợ của chính quyền đương thời thì người được nhận, người không; song ngay cả những người được nhận tiền cũng không thể mua sắm lại chiếc tàu cho mình, vì nó quá ít ỏi. Tuy nhiên, không phải con tàu nào bị TQ đâm chìm cũng may mắn được cứu sống. Số phận con tàu QNg 66192 cùng 6 thủy thủ mất tích đến nay vẫn còn là một bí ẩn, người ta nhìn thấy lần cuối cùng con tàu xấu số này tại đảo Bom Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sau 4 tháng tìm kiếm vô vọng, gia đình họ đành nặn hình nhân bằng đất sét, lập mộ gió mà tưởng niệm cha anh mình. Đến nay Việt Nam vẫn chưa có con số thống kê chính thức về số lượng tàu và người bị TQ tấn công bỏ mạng trên biển. Có thể đối với ai đó, sự thật về nguyên nhân gãy cánh cũng không làm sống lại những hải âu xứ Việt; nhưng những đứa trẻ mồ côi và phụ nữ bạc đầu ngóng chồng miền Trung rất muốn biết tại sao cha/chồng họ đã gặp sự cố gì trên biển Đông mà không thấy trở về.

Hiện nay lực lượng cảnh sát biển Việt Nam chỉ đáp ứng được từ 30 - 40% yêu cầu trong tình trạng thời tiết bình thường, còn khi có bão thì mức đáp ứng còn thấp hơn nữa. Cả nước chỉ có 2 tàu kiểm ngư thuộc Chi cục Vịnh Bắc bộ. Hiện tượng ngư dân bỏ nghề không thể cho ngư dân không có lòng với biển mà phải thấy rằng chế độ độc tài đã không có lòng với dân. Ngư dân ta không hèn nhưng vì đơn độc nên không đủ tự tin để bám biển.

Mãi đến tháng 8/2011 vừa rồi, ông Mai Phụng Lưu lại ra khơi bằng chiếc tàu mua bằng vốn vay ngân hàng. Trong 13 ngày lênh đênh trên biển, ông Lưu lại liên tục bị tàu Trung Quốc xua đuổi. Đến ngày 13/8/2011, một tàu quân sự Trung Quốc tống vào mũi tàu ông Lưu rồi bỏ đi, rất may tàu ông Lưu không bị hư hại nhiều. Liệu trong tương lai, sói biển Mai Phụng Lưu sẽ tránh tàu TQ được bao nhiêu lần nữa, một khi phần lớn sống sót là nhờ vào may mắn. Loay hoay lại sắp vào vụ mùa chính câu cá ngừ hàng năm (bắt đầu từ tháng 10 – tháng 3 âm lịch), có bao nhiêu con tàu sẽ tiếp tục ra khơi trên ngư trường Hoàng Sa… Tình hình này xuất hiện vòng lẩn quẩn: ngư trường bế tắc nên ngư dân phá sản, ngư dân càng phá sản ngư trường càng tiêu vong.

Miệng nhà quan có gang có thép

Để lẩn tránh trách nhiệm, các cơ quan chức năng có xu hướng đổ lỗi riệt cho đồng bào mình bằng những cụm từ rất chi “luật pháp” như: “không tuân thủ theo Luật biên giới biển, xâm phạm lãnh hải nên bị nước ngoài bắt”, “không nắm được hải phận từng nước để tự điều chỉnh hành vi đánh bắt của mình” hoặc tệ hơn “bị lừa đánh bắt hải sản với nước ngoài”… Đúng là miệng nhà quan có gang có thép; bởi thử hỏi ngay sau khi bị bắt là TQ tịch thu ngay máy định vị thì ngư dân ta làm sao biết đâu là biển ta hay biển người… Cay đắng cho đồng bào ta khi cô thân yếu thế trên biển, các trường hợp vi phạm do TQ trưng ra đều có biên bản đàng hoàng. Bởi một phần chẳng biết tiếng TQ lại đứng trước hoàn cảnh sẵn sàng bị bắn bỏ không thương tiếc, không ký biên bản mới là lạ. Theo TQ dân ta bị bắt vì xâm phạm lãnh hải trái phép, có ý lại nói ngư dân bị giam vì phải mưu sinh; song cũng có người cho rằng dân ta ở tù vì có một chính phủ quá tồi. Ngay trong việc cứu nạn trên biển xa bờ về lý thuyết thì trông cậy vào lực lượng hải quân, các trung tâm cứu nạn và biên phòng nhà nước. Nhưng thực tế, việc cứu nạn ở những vùng biển “nhạy cảm” này đang khoán trắng cho ngư dân.

Sức ép thất nghiệp làm ngày càng đè nặng lên người lao động trên biển. Hiện cả nước có khoảng 700.000 lao động đang làm việc trực tiếp trên các tàu cá và nghề cá đang tạo việc làm cho khoảng 2 triệu lao động. Bên cạnh lý do điều kiện lao động nặng nhọc, hoàn cảnh làm việc ngày càng trở nên quá nguy hiểm vì thiếu sự bảo vệ của quốc gia đã làm cho số lượng lao động trực tiếp trên biển ngày càng giảm đi. Ở những thành phố như Nha Trang, Đà Nẵng bắt đầu xử dụng nông dân để đi biển, càng làm cho nghề cá khó phát triển. Càng không thể đổ thừa cho xu hướng các đô thị phát triển đã kéo ngư dân lên bờ, bởi phải thấy những người đánh cá rời biển chỉ là kẻ vô nghề trước các dịch vụ trên bờ. Thái độ lãng tránh trách nhiệm biểu hiện khắp từ cấp cao nhất xuống cấp Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn… Chính sách hỗ trợ hiện đại hóa tàu cá thiếu thực tế hiện nay chẳng giúp ích được gì, trong 3 năm từ khi quyết định 289/2008 có hiệu lực, chỉ có 6 tàu cá được lắp máy mới. Đó là kết quả của trình tự làm luật ở Việt Nam hiện nay: từ lúc khởi điểm một chính sách đến khi người dân hưởng được lợi ích của chính sách đó mất 5 năm – khoảng thời đủ cho một chính sách trở nên lỗi thời. Hệ quả cuối cùng đổ trên đầu những người dân đen, cộng đồng ngư dân cũng không nằm ngoài thể chế tệ hại này.

Trước tình cảnh cô thân yếu thế hiện nay, biện pháp duy nhất để tránh bị TQ tấn công và bắt giữ, ngư dân ta chủ động tự cứu mình bằng cách né những quần đảo, vùng biển mà tàu lớn, tàu quân sự TQ hoạt động và chiếm giữ như: Trường Sa và Hoàng Sa. Suy nghĩ “tránh voi chẳng xấu mặt nào” đã trở thành phổ biến cách đau lòng, khi phát hiện có tàu TQ đến thì ngư dân ta chỉ có biện pháp thông báo cho nhau để trốn chạy. Một khi chính quyền tỏ ra bạc nhược với ngoại bang, tính xã hội dân sự phát triển mạnh trong cộng đồng ngư dân.

Kết luận

Tình trạng phá sản của nghề cá Việt Nam là một tất yếu xuất phát từ chính sách điều hành của chế độ độc tài. Cơ chế tắc trách này thể hiện từ tầm vĩ mô thiếu chiến lược biển, đến chuyện nhỏ như phân bổ kinh phí dự báo ngư trường: 250 triệu đồng cho tất cả 25 tỉnh, thành phố ven biển toàn quốc. Rồi cuối cùng nguồn kinh phí ít ỏi cách nực cười này đến nay cũng bị cắt nốt. Các quan chức hữu quan đã phủi tay vai trò tìm cá của nhà nước, đẩy trách nhiệm xuống đầu ngư dân khốn khó. Hiện nay, cách giải quyết cho tình trạng ngư dân không mặn mà với nghề không phải thuần túy kỹ thuật là nâng cao tay nghề và phương tiện đánh bắt mà là bảo đảm an ninh tại môi trường lao động. Tăng năng suất lao động sẽ trở thành công cốc một khi tàu Việt Nam bị tàu TQ đụng bể tung tóe trên biển, ngư dân không đủ tự tin tìm đến ngư trường.

Ngay cả biện pháp xây dựng tổ đội sản xuất trên biển cũng vậy, chỉ phản ánh tính khiếp nhược với ngoại bang nhưng tàn nhẫn với đồng bào của chế độ. Ngư dân tay không tấc sắt thì đối chọi như thế nào trước tàu to súng lớn của Trung Quốc. Phải chăng một trò đem con bỏ chợ mới của chế độ đang lộ nguyên hình. Dân gian hay nói, vì nghèo nên hèn; thực trạng Việt Nam đang nảy ra vế ngược: chế độ hèn nên dân nghèo. Đảo Hoàng Sa còn nhưng ngư trường Hoàng Sa đã mất. Bằng cách liên tục bắt người, dùng tàu lớn đâm chìm tàu ngư dân, TQ đã chiếm ngư trường Hoàng Sa. Vùng biển mà tàu TQ thường xâm nhập từ 16 đến 16,5 độ Vĩ Bắc, 109,20 đến 109,5 độ Kinh Đông, có khi xuống dưới 16 độ Vĩ Bắc, cách Cù Lao Chàm và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vài chục hải lý về phía Đông hoặc Đông Bắc. Bà con ta đi biển nên biết điều này.

"Cúi nghĩ: Cõi u minh khó lòng tưởng tượng, chất trong chất đục phong hóa từ đầu. Ngoảnh sang Đông, ngóng về Tây, hướng đi mơ màng dễ dàng lạc bến. Ôi sắc nước hương trời xa đôi nẻo (…) Tiếng sóng động đông dài, tưởng niệm dấu thần phương nao mờ mịt, ngóng hồn thiêng xa vời vợi mong được hàm ơn…"(4).



Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.

(1), (4) Trích từ Văn tế lính Hoàng Sa


(2) http://dddn.com.vn/20110622093857141cat117/che-bien-xuat-khau-thuy-san-thieu-nguyen-lieu-con-keo-dai.htm


(3) http://sgtt.vn/Thoi-su/151537/Ban-tau-tim-nghe-khac-thoi.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét