Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Hàng Trung Quốc Nhập Lậu


Theo báo Sài Gòn, nguồn tin từ cơ quan Quản lý Thị trường  TPSG cho biết, tình hình buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm vô cùng phức tạp. Đặc biệt là hàng Trung Quốc  đưa vào TPSG tiêu thụ bằng đường bộ từ các tỉnh biên giới phía Bắc, miền Trung và Tây Nam; chưa kể gian lận trong "nhập  cảng chính ngạch" với nhiều thủ đoạn tinh vi. Báo Người Lao Động ghi nhận thực trạng này qua bản tin như sau. 

Gần đây, cơ quan chức năng quận 6 - TPSG bắt giữ nhiều vụ hàng lậu trên địa bàn. Trong đó, điển hình là vụ bắt quả tang một xe tải đang xuống hàng trên đường Lê Tấn Kế (quận 6), với 8 tấn nấm đông cô, 5 tấn táo khô Trung Quốc (TQ) không có hóa đơn; hay vụ phát hiện và thu giữ 523 thùng bánh kẹo TQ không có chứng từ, không có giấy kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm tại kho hàng số 21 Nguyễn Xuân Phụng (quận 6). Số bánh kẹo này mang nhãn hiệu Yappy, Talong Candy, Laohubang, Longtai Food, Hoopie...

Mới đây, Đội 3A Chi cục Quản lý thị trường ( QLTT)  TPSG kiểm tra, phát  giác tại kho hàng 114-116 đường số 2, quận 6, chứa trữ gần 16 tấn bột ngọt nhãn hiệu Friend; gần 5 tấn rong biển, đều là hàng TQ, không có chứng từ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều vụ kinh doanh mỹ phẩm giả với số lượng hàng chục ngàn sản phẩm giả các nhãn hiệu như Lacoste, Chanel; hoặc sữa tắm hiệu Fresh Care, Havy Care giả, xuất xứ Malaysia. Theo cơ quan QLTT, nhiều mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách, thực phẩm chế biến, thức uống, mỹ phẩm còn làm giả từ nước ngoài để đưa vào Việt Nam tiêu thụ.

Theo báo cáo từ Chi cục QLTT TPSG, tuần nào cũng kiểm tra, phát  giác hàng trăm vụ là hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ. Trong tuần vừa qua, cơ quan chức năng tịch thu 28,252 đơn vị sản phẩm, gần 1.7 tấn sản phẩm hàng hóa.

Trong  tam cá nguyệt III/2011, cơ quan QLTT  Thành phố Sài Gòn cũng đã tịch thu hàng cấm, hàng ngoại nhập lậu, hàng giả với 723,902 đơn vị sản phẩm hàng hóa, 47.5 tấn hàng hóa, 13,840 m vải. Trong đó, có 44,230 gói thuốc lá, 64,857 chai, lọ, hộp mỹ phẩm, 1.146 điện thoại di động, 20,229 phụ tùng  xe hơi, xe gắn máy, 172,950 đồ chơi trẻ em. Hầu hết số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý vẫn là buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu, nhiều nhất vẫn là hàng TQ.

Báo Người Lao Động cho biết, theo cơ quan quản lý thị trường hàng lậu từ Hoa Lục không chỉ len lỏi qua đường  mậu dịch biên giới mà còn trà trộn qua đường nhập cảng chính thức bằng cách khai gian thành mặt hàng có thuế suất thấp.  Một hình thức phổ biến cho hàng lậu là mua bán lòng vòng để được hợp thức hóa bằng hóa đơn trong nước. Với hóa đơn này, họ công khai đưa hàng lậu xâm nhập sâu vào thị trường phía Nam.

Nguồn: Việt báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét