Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Về đạo Khổng và tham nhũng, dân chủ và trịch thượng (1)

Bí quyết thành công của châu Á

Andreas Lorenz

Ba Cơ dịch 

Quảng trường Thiên An Môn có một sức thu hút đặc biệt đối với tôi – cũng như đối với hàng triệu khách du lịch Trung Quốc mà cái diện tích rộng lớn đó trong trung tâm của Bắc Kinh đã thuộc vào trong chương trình nhất định phải tham quan: nó là trái tim tượng trưng của Trung Quốc. Thế nhưng đạn đã bay rít trên đầu tôi ở đấy vào chiều tối ngày 3 tháng 6 năm 1989. Cùng với hàng chục người biểu tình, tôi tìm nơi ẩn nấp ở phía sau của một trong số những con sư tử đá trước lực lượng quân đội đang bắn gục phong trào dân chủ của Trung Quốc.  Một hàng giậu cháy bừng bừng ngay bên cạnh chúng tôi. Tài xế xích lô chở những người bị thương đang la hét vào các bệnh viện ở gần đấy.

Tôi còn nhớ là vào cuối những năm 80, Đảng đã đặt một bức ảnh của người thành lập nền cộng hòa, Tôn Dật Tiên, trên quảng trường vào những ngày lễ, bên cạnh ảnh của Mao Trạch Đông, Karl Marx, Friedrich Engels – và còn cả của Josef Stalin nữa. Ngày nay, Tôn Dật Tiên vẫn còn xuất hiện. Mao Trạch Đông vẫn còn được tiếp tục treo trên cổng vào Cấm Thành. Các ngài khác hiện đã ở lại trong hầm. Năm 2011 một nhân vật quan trọng nữa được thêm vào: Trước Viện bảo tàng Quốc gia là tượng của triết gia Trung Quốc Khổng Tử, người đã sống từ 551 đến 479 TCN.

Tháng 4 năm 2011, công nhân mang nó vào trong sân của Viện bảo tàng, nơi nó không còn đập ngay vào mắt nữa. Thế nào đi nữa: Khổng Tử vẫn còn ở gần Mao. Nhưng không phải là chính người này đã khởi động một chiến dịch “phê bình Khổng Tử” trong những năm 70 và đã lên án ông ấy như là một nhà tư tưởng phong kiến để xua đuổi vĩnh viễn các tác phẩm của ông ấy ra khỏi đầu của người dân hay sao? Những việc này làm sao mà hợp với nhau được?

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lôi Khổng Tử ra khỏi sự chìm đắm, như hình ảnh tượng trưng cho một triết học nhà nước của quốc gia mà họ dựa vào đấy để củng cố cho tính hợp pháp của sự thống trị của họ. Nhà nước là hài hòa và ổn định, Khổng Tử nói, khi giới tinh hoa của nó ứng xử hợp với luân thường đạo lý và có đạo đức, là gương mẫu và chú ý đến những nguyên tắc ứng xử nhất định. “Phẩm hạnh của người cai trị là phẩm hạnh của ngọn gió, phẩm hạnh của người dân là phẩm hạnh của ngọn cỏ, khi gió thổi thì ngọn cỏ uốn cong mình”, Khổng Tử cho là như vậy.

Ngày nay, khi các nhà cai trị ở Bắc Kinh giải thích thành công của Trung Quốc, họ dẫn ra chính sự pha trộn đặc biệt này từ đạo Khổng, Marx, thị trường và Mao. Lần vươn lên của đất nước, họ lý luận như vậy, không chỉ dựa trên thành công về kinh tế mà còn trên một thực tế cộng đồng được họ gọi là “Chủ nghĩa Xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”.

Trong những cuộc trao đổi của tôi với các quan chức và người dân bình thường của Trung Quốc về hệ thống chính trị của đất nước họ, hầu như lúc nào rồi cũng đi đến một điểm mà họ thở dài: “Ôi, Trung Quốc rộng lớn lắm.” Rồi tiếp theo sau đó thường là một liệt kê của tất cả các vấn đề làm cho Trung Quốc khác với những nước khác: có quá nhiều người sống trong một không gian chật chội, nhiều người trong số đó ít học. Vì thế mà điều quan trọng là mang lại cho tất cả mọi người một mái nhà che mưa nắng và bát cơm hàng ngày, hơn là cho phép có một hệ thống dân chủ. Những cải tổ dân chủ, họ đều nói giống nhau, là nguy hiểm: chúng có thể gây ra hỗn loạn, một làn sóng khổng lồ của những người tị nạn có thể rồi sẽ tràn qua các quốc gia láng giềng và gây nguy hại đến thịnh vượng.

Kết luận: chiếc chìa khóa dẫn đến thịnh vượng và sự thăng tiến hòa bình của Trung Quốc, đến hài hòa và ổn định, vì thế không phải là tam quyền phân lập, tự do báo chí hay một nền tư pháp độc lập, mà là sự thống trị của ĐCS.

Sự thăng tiến về kinh tế của Trung Quốc bắt đầu từ cuối những năm 70, khi ĐCS từ giã mô hình của những hợp tác xã nhân dân, kinh tế kế hoạch tuyệt đối, của cuộc đấu tranh giai cấp liên tục và, chậm chạp nhưng liên tục, lại cho phép có kinh doanh tư nhân. Qua đó, hàng triệu người nông dân đã có thể dùng chính bàn tay của mình để tự giải phóng họ ra khỏi sự nghèo khổ, các nhà máy quốc doanh đã từng hư nát được tư nhân hóa một phần và bắt đầu hoạt động có lãi. Trong những năm 80 và 90, nhiều tỉnh đã thành lập những vùng kinh tế đặc biệt mà trong đó doanh nghiệp nước ngoài được phép sản xuất hàng hóa của họ một cách rẻ tiền và được hưởng ưu đãi về thuế, không có sự kiểm tra của công đoàn và thường là với đối tác Trung Quốc. Chỉ riêng trong năm 2010, doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư tròn 106 tỉ dollar, nhiều hơn năm trước đó 17%.[1]

Uốn mình như ngọn tre trước gió không chỉ là nhân dân mà cả ĐCS nữa.  Đảng đã quẳng đi những phần quan trọng trong ý thức hệ của họ và chẳng bao lâu sau đó xuất hiện một cách hoàn toàn khác với những gì mà người Âu và người Mỹ đã quen thuộc từ giới cán bộ ù lì của khối Đông Âu cũ: cởi mở với thế giới và hiện đại, trong bộ com lê Armani hay bộ quần áo Chanel. Thế hệ mới của giới quan chức ĐCS đã học tại những trường đại học danh tiếng của Mỹ, Anh hay Đức và đi họp đảng bằng xe Audi hay Mercedes. Chủ nghĩa Cộng sản, những người lãnh đạo của họ nói, không phải đã bị bỏ đi. Đến một lúc nào đó nó sẽ được thực hiện, chỉ là không phải bây giờ.

Tuy vậy, ở phía sau sắc mạo của sự cởi mở với thế giới, các nguyên tắc Lê nin xưa cũ vẫn còn có hiệu lực: không được phép tiết lộ chuyện nội bộ của Đảng ra ngoài và ĐCS kiểm soát nhân lực của Công ty cổ phần Trung Quốc.

Câu chuyện thành công của Trung Quốc làm cho thế giới bối rối. Nó đặt dấu hỏi lên niềm tin của người Mỹ và người Âu, những người kết nối tiến bộ kinh tế với những hình thức chính phủ dân chủ. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 để cho lời biện bạch dựa trên “văn hóa Khổng Tử” của những chính phủ độc tài có khả năng tiếp tục được phô diễn. Lực thu hút của một hệ thống mà trong đó giới tinh hoa dựa trên đạo đức truyền thống để lo lắng cho người dân giống như một người cha nghiêm khắc dường như không hề bị gián đoạn. Nước Mỹ thì ngược lại, đất nước đang vất vả với những cải cách, ví dụ như cải cách hệ thống y tế, và sống bằng vay mượn, đã đánh mất chức năng dẫn đầu của mình. 
_____________
[1] China eily, 18/01/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét