Ý tưởng của một nhà nước mạnh
Andreas Lorenz
Ba Cơ dịch
Điều đấy không phải là mới. Ý tưởng về một con đường đặc biệt của châu Á đã phổ biến ở Viễn Đông trước khi Trung Quốc bước lên sân khấu thế giới như là một cường quốc kinh tế. Khi cái được gọi là “những con hổ châu Á” – Singapore, Hongkong, Đài Loan và Hàn Quốc – đạt đến những tỷ lệ tăng trưởng cao, các chính trị gia đã đưa ra lời giải thích riêng của họ.
Đặc biệt là nguyên thủ tướng Malasia Mahathir Mohamad và đồng nhiệm của ông từ Singarpore, Lý Quang Diệu, đã giải thích thành công của đất nước của họ với “những giá trị Á châu”. Các chính trị gia thản nhiên đáp trả những người phê bình chỉ trích về đàn áp chính trị và những điều kiện làm việc khắt nghiệt trong các nhà máy và vùng kinh tế đặc biệt của họ, những nơi sản xuất rẻ tiền để xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ và đã trở thành gương mẫu cho nhà cải cách kinh tế Trung Quốc Đặng Tiểu Bình: làm việc cực nhọc và kỷ luật quan trọng hơn là có phần và thảo luận.
Mahathir, một bác sĩ đã qua đại học, tiếp đồng nghiệp tôi, Erich Follath, và tôi vào một buổi sáng trời mưa trong tháng 10 năm 1997, ngay giữa cuộc khùng hoảng tài chính châu Á. Ông ấy ngồi trong một gian phòng tối tăm ở sau một bàn làm việc to trong áo đồng phục của viên chức Malasia, một cái bảng tên màu đen trước ngực: Mahathir.
Ông có một vài cái máy tính xách tay kiểu mới nhất xung quanh mình. Ông ấy nói với một giọng nói nhẹ nhàng: “Các phương án phương Tây về dân chủ mà trong đó cá nhân chiếm ưu thế đang đe dọa thống lĩnh Malasia.” Và: “Phương Tây ép buộc chúng tôi theo những ý tưởng của nó. Ở chỗ các ông thì gia đình không còn có nghĩa là vợ và chồng và con cái của họ nữa. Đồng tính luyến ái được phép kết hôn, diễu hành trên đường phố. Người ta chạy truồng đó đây. Chúng tôi không muốn điều đó. Trước sau gì thì chúng tôi cũng tin vào gia đình, vào sức mạnh của nguồn gốc văn hóa chúng tôi.”[13]
Sau thời gian đảm nhiệm chức vụ, Lý Quang Diệu đã tạo cho mình một chức vụ có một không hai, lúc đầu là Senior Minister, rồi sau đó là Minister Mentor, người ta cũng có thể gọi là Giáo chủ Tóc bạc. Cũng như Mahathir, ông không phải là một nhà dân chủ. Trong những hồi ký của mình, ông say sưa với việc Tòa thánh Vatican bổ nhiệm các Hồng y của mình như thế nào. Và ông đã tổ chức People’s Action Party của mình theo gương mẫu đó.[14]
Ông làm việc trong một gian phòng khiêm nhường ở góc của một dinh thự chính phủ từ thời thuộc địa, được canh gác bởi những người lính Gurkha trong áo đồng phục màu xanh và nón có vành rộng màu xám, ngay giữa một công viên lớn ở Singapore. Tôi đã gặp ông ấy ở đó hai lần. Là Senior Minister, ông tiếp khách trong một chiếc áo len đan và thích giảng giải về mục tiêu lý tưởng của ông ấy cho một chính phủ châu Á: “Đối với một người Mỹ, có thể đó là được sự tự do không giới hạn để phát triển bản thân mình. Đối với tôi là một người châu Á, người dẫn một đất nước ra khỏi nghèo khổ, thì điều đấy có nghĩa là: tạo cho người dân có một căn hộ thoải mái, lo về một nền y tế tốt và công việc làm, cũng như lo cho con cái của họ được đào tạo và có một tương lai đàng hoàng.”[15]
Tất cả những phân tích này đều có một hạn chế nặng ký: chúng được đưa ra bởi những chính khách lãnh đạo thần dân của họ với một bàn tay cứng rắn. Các “giá trị châu Á” phục vụ họ như một lời biện bạch cho những cách xử sự độc tài. Cả hai người, Lý ở Singapore và Mahathir ở Malasia, đều tống khứ những người chỉ trích họ đi bằng cách để cho những người này – theo một “Luật Nội an” được giữ lại từ thời thực dân Anh – biến mất ở phía sau song sắt mà không cần đến phán xét của tòa án. Mahathir loại trừ Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính của ông ấy, Anwar Ibrahim, người dấn đến quyền lực, bằng cách ném người cha của sáu đứa con ấy vào tù với lời buộc tội lạm quyền và đồng tính luyến ái.
Lý người Singapore và đồng nghiệp của ông đã hại các địch thủ chính trị như luật sư và chính trị gia đối lập Joshua Benjamin Jeyaretnam với những lời buộc tội làm hại đến thanh danh và yêu cầu bồi thường khổng lồ. Một nhóm tinh hoa nhỏ điều khiển quốc đảo Singapore, lãnh đạo chính phủ hiện giờ là một người con trai của Lý, Hiển Long. Vợ của ông ấy một thời gian dài đã lãnh đạo công ty đầu tư nhà nước Temasek với hơn 100 tỉ euro.
Thế nhưng cuộc khủng hoảng tài chính thứ nhất đã ập đến vào năm 1997. Nó bắt đầu ở Thái Lan, nơi chính phủ phải bất lực đứng nhìn những kẻ đầu cơ tống khứ đi hàng triệu baht, sau khi họ đã đánh cược chống lại tiền tệ của Thái Lan. Các nhà đầu tư ngoại quốc rút bạc tỉ ra khỏi nước này. Ngân hàng Trung ương Thái Lan thả nổi tự do tỷ giá hối đoái, cái cho tới lúc đó được gắn vào dollar, đồng baht rơi xuống đến tận đáy.
Malaysia, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc bị rơi vào dòng xoáy. Ở Bangkok, tôi đã tận mắt nhìn thấy các nhân viên ngân hàng từng giàu sụ đã tắt đèn và máy điều hòa nhiệt độ và kéo cửa chớp ngân hàng của họ xuống vĩnh viễn như thế nào. Trong thủ đô Thái Lan, cần cẩu đứng yên, doanh nhân còn bán cả trang sức của họ, chiếc Porsche của họ và rượu vang Pháp đắt tiền của họ trên cái được gọi là “Chợ trời của những người giàu trước kia”. Ở Seol, người dân hiến kim cương để giúp nhà nước thoát khỏi khó khăn, ở Indonesia hàng triệu người bất thình lình không biết được là mình lấy bữa ăn kế tiếp ở đâu ra. Hàng nghìn trẻ em bỏ học vì các em phải đi tìm cái gì đấy để ăn.
IMF ban hành những chương trình tiết kiệm nghiêm ngặt. Trong lúc đó có một cảnh gây ấn tượng mà nhiều người châu Á cho tới ngày nay vẫn còn cảm nhận như là một sỉ nhục nặng nề: Sau một thời gian dài chống lại, Tổng thống Suharto ký kết hợp đồng vay tiền với IMF. Đứng bên cạnh ông, khoanh tay bình thản và hài lòng nhìn xuống, là sếp IMF thời đấy Michel Camdessus. Chẳng bao lâu sau đấy, Suharto bị lật đổ.
Cùng với cuộc khủng hoảng, bài hát ca ngợi các giá trị “châu Á” cũng câm lặng đi. “Cũng như tiền tệ, chúng đã bị giảm giá”, nhà khoa học người Singapore Simon Tay phán xét.[16]
Nhưng cho tới ngày hôm nay, chính trị gia và khoa học gia vẫn giải thích cách thức hoạt động quốc gia của họ với ảnh hưởng to lớn của những đặc tính châu Á. Han Sung Joo, trước đây là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Hàn Quốc, người đã nghiên cứu tỉ mỉ về các nền tảng của sự thành công, tin rằng những đặc tính như vậy trước sau vẫn ăn sâu không chỉ ở Trung Quốc, Malasia hay Singapore, mà cũng cả trong nhiều quốc gia châu Á khác. Han hiểu điều đấy như “một nhà nước gia trưởng, một chính phủ điều khiển, doanh nghiệp tư nhân” cũng như sự nhấn mạnh đến “trật tự xã hội, hài hòa và kỷ luật” – ngược với “minh bạch, có thể đoán trước được, khả năng cạnh tranh toàn cầu và trọng lượng của sáng kiến tư nhân”, những cái nói chung là được mang vào trong mối quan hệ với những giá trị phương Tây.
Chúng ta hãy nhìn Nhật Bản: đất nước này là một xã hội châu Á mà trong đó tìm kiếm một đồng thuận có ảnh hưởng đến cách cư xử mạnh hơn là đương đầu công khai và phê bình. Sau thảm họa thiên nhiên và nguyên tử 2011, theo cách nhìn của giới tinh hoa Nhật, thủ tướng Naoto Kan đã bước ra khỏi vai trò của mình khi ông lớn tiếng phê bình các giám đốc bất lực của tập đoàn năng lượng Tepco vì họ đã không kiểm soát được các lò phản ứng của họ ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima.[17]
Thành công kinh tế trước đây của Nhật Bản, Han nói, nằm trong hoài bão của giới tinh hoa nước này, muốn trở thành một đất nước giàu có và hùng mạnh về quân sự.
Ở Hàn Quốc, các ý tưởng truyền thống và đạo Khổng hợp thành một hệ thống giá trị, cái đặt trọng tâm lên đào tạo, kỷ luật lao động, định hướng đến kết quả và vai trò dẫn đầu của chính phủ. Thêm vào đó, vì xung đột với Triều Tiên, là một “văn hóa quân đội”, và sự pha trộn này đã dẫn đến một “sự lệ thuộc quá mức vào quan hệ cá nhân, đến một hệ thống của những doanh nghiệp gia đình, đến câu kết giữa chính phủ và kinh doanh, thiếu minh bạch … và quan liêu đầy dẫy”.
Sự vươn lên của châu Á có thật sự là nhờ vào một mô hình đặc biệt hay không, một mô hình mà cần phải tìm chiếc chìa khóa cho sự thành công của nó ở xa những cái được gọi là giá trị của phương Tây?
_____________
_____________
[13] “Wir umarmen den Teufel nicht” ["Chúng tôi không ôm lấy quỷ"], Der Spiegel 44/1977
[14] Lý Quang Diệu: The Singapore Story: Memoirs of Lee Kuan Yew”, Prentice Hall, Singapore, 1999
[15] “Ein schrecklicher Taifun” ["Một cơn bão đáng sợ"], Der Spiegel 15/1998
[16] Simon S. C. Tay: “Asia Alone”, John Wiley & Sons, Singapore 2010
[17] Xem Wieland Wagner: “Der Zornige” ["Người giận dữ"], Der Spiegel 14/2011
Nguồn: Ba Cơ Thư Quán
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét