Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Chế độ lấy ghế che mặt

Biếm họa PHO (danlambao)
Ngô Nhân Dụng
Nhìn cảnh một anh công an chìm nâng chiếc ghế lên che mặt khi Kỹ sư Đỗ Nam Hải đưa máy lên chụp hình khiến người coi phải động lòng trắc ẩn. Nó chứng tỏ người công an này biết xấu hổ. Anh bạn trẻ này không muốn phơi bộ mặt cho mọi người biết mình là công an. Không muốn đi đâu cũng có người nhận ra mà hỏi: Anh chính là anh công an vẫn “canh cửa” nhà ông Đỗ Nam Hải phải không, sao tôi thấy giống quá? Anh cũng không muốn đám con anh bị bạn bè trong trường dò hỏi: Bố mày làm công an hả? Hay vợ anh đi chợ bị người ta chỉ chỏ: Vợ công an đấy!
 

Hà Sĩ Phu có lần phân tích tình trạng nước ta bây giờ đầy tham nhũng, trấn lột, thấy một nguyên nhân là trong xã hội nhiều người không còn biết xấu hổ nữa. Cho nên khi một anh công an còn biết xấu hổ, chúng ta phải mừng. Và thương cảm. Phản ứng nhanh chóng cho thấy anh công an này biết xấu hổ thật! Các cụ nói: “Xấu hổ lấy rổ mà che, lấy nong mà đè, lấy đấu mà đong” (Trong Ca Dao Nhi Đồng, do Doãn Quốc Sĩ sưu tầm). Ngồi trên lề đường giữa thành phố không kiếm ra cái rổ, anh công an của Đỗ Nam Hải lấy ngay cái ghế mình ngồi đưa lên che mặt. Ghế là đồ dùng để ngồi lên, đem ghế che mặt là vạn bất đắc dĩ, cũng không khác gì lấy cái đũng quần mà che lên mặt. Mạnh Tử coi tính biết xấu hổ là một dấu hiệu của tính Thiện bẩm sinh trong mỗi người. Biết xấu hổ là một trong bốn đầu mối (Tứ Đoan) của các đức tính Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Mạnh Tử viết: “Tu ố chi tâm, Nghĩa chi đoan dã.”

Khi Kỹ sư Đỗ Nam Hải điện thoại cho Trung tá Nguyễn Văn Tâm, truởng phòng công an 35 thành phố trình bầy mình bị một công an canh cửa tấn công, thì bị ông này hỏi: “Anh có chắc thằng đó là công an không?” Ông hỏi một câu con nít nghe cũng phải bật cười! Rõ ràng là ông trung tá này không thèm lấy cái gì che mặt hết. Buột miệng hỏi như vậy mà không tự thấy ngượng miệng. Nhưng cũng chẳng nên phê phán ông Nguyễn Văn Tâm. Ông ta phản ứng đúng với vai trò một trung tá công an. Khi thấy dân tố cáo bất cứ cái gì, phải chối ngay, phải lấp liếm, bịa đặt, bưng bít, bằng bất cứ cách nào, không bao giờ nhận lỗi. Nó cũng giống như phản ứng của ông Đỗ Trung Thoại, phó chủ tịch thành phố Hải Phòng khi bị nhà báo hỏi về vụ đem công an, bộ đội kéo theo côn đồ đến phà sập nhà ông Đoàn Văn Vươn. Ông Thoại cũng nói xưng xưng: Nhân dân “bức xúc” đến phá đấy!

Những phản ứng nhanh chóng này cũng không phải vì các ông Tâm, ông Thoại sáng trí, nhanh miệng. Nó là do hệ thống đã đào luyện cho họ, tạo thành một phản xạ do điều kiện, như những con chó của Pavlov nghe tiếng chuông là chảy nước bọt. Hệ thống bảo phải bất chấp mọi thủ đoạn gian dối, vu cáo, ngụy tạo, che đậy, gian trá, không cần biết phải trái, chỉ cần bảo vệ quyền lợi của Đảng. Gian dối không phải một tính xấu của một vài cá nhân mà là một thứ “Lỗi hệ thống.” Nó nằm trong cốt tủy các chế độ cộng sản, từ xưa đến nay vẫn vậy. Lại nhắc lời nhà văn Solzhenitsyn nói về chế độ độc tài cộng sản ở Nga: Một hệ thống đàn áp luôn luôn phải đi kèm với một hệ thống dối trá để bưng bít, che đậy những cái ác. 

Phản ứng xạ nhấc ngay cái ghế che lên mặt cũng là do thói quen che đậy, bưng bít mà các cán bộ học được trong hệ thống đó. Ông Đỗ Trung Thoại đưa “Nhân dân” ra làm cái ghế che mặt ngay lập tức. Bởi vì ông đã được đào tạo như thế từ trong lò của hệ thống. Không riêng gì anh công an gác cửa nhà Kỹ sư Đỗ Nam Hải, mà tất cả các cán bộ đảng viên cộng sản chân chính đều phải thấm nhuần Chủ nghĩa Lấy ghế Che mặt.

Như trong vụ cướp đất của gia đình Đoàn Văn Vươn chẳng hạn. Một bản kiến nghị do Luật sư Phạm Vũ Hải đã vạch ra là anh em ông Đoàn Văn Vươn là nạn nhân của một trình tự vi phạm pháp luật “có hệ thống.” Hơn nữa, còn sự “toa rập” của cả hệ thống tòa án từ huyện lên tỉnh. Đây là một vụ ăn cướp có hệ thống, do hệ thống sinh đẻ ra. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã cố làm dịu nỗi phẫn uất nổi lên khắp nước Việt Nam bằng lời thú nhận là nhà nước sai lầm từ đầu đến cuối. Cho phép ông Đoàn Văn Vươn dùng một phần đất đã sai luật. Ra lệnh lấy lại đất lại còn sai hơn. Đem lính tráng, côn đồ, súng ống đến cướp đất, phá nhà càng sai hơn nữa. 

Nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng cũng biết đem ngay một cái ghế đưa lên che mặt. Cái ghế này là việc đổ tội cho đám quan chức cấp dưới ở Hải Phòng. Gọi là cái ghế không ngoa. Ông Dũng ngồi trên cái ghế thủ tướng là vì ông đang làm đại biểu quốc hội. Ông được bầu vào quốc hội là nhờ đám quan chức Hải Phòng, Tiên Lãng “cơ cấu” cho các lá phiếu. Ông dùng họ như một phương tiện để leo lên ngồi ghế thủ tướng. Chính đám này là những cái chân trong cái ghế thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng. Trước cuộc tấn công của dư luận cả nước vì vụ Đoàn Văn Vươn, Nguyễn Tấn Dũng đã đưa cái ghế đó lên che mặt.

Nhưng cái ghế đó lủng. Nó thủng lỗ chỗ, những lỗ thủng rất to. Nó không che đậy được cái mặt của mạng lưới lạm dụng quyền hành chia chác quyền lợi riêng tư giữa đám tham quan, từ xã, từ huyện lên thành phố, lên đến trung ương! Cái ghế lủng đó càng bất lực không che đậy được cả chủ trương không cho phép nông dân làm chủ ruộng đất của họ. Nó không che đậy được một hệ thống gian trá tham tàn đang lợi dụng mồ hôi nước mắt của dân Việt Nam để làm giầu. 

Cuộc họp báo “trấn an” của Nguyễn Tấn Dũng không che đậy được cái mặt thật của chế độ, mà còn kéo dài thêm tình trạng bất an. Bởi vì nó “đánh bùn sang ao,” như nhiều người mô tả. Nó không giải quyết những oan ức của các nạn nhân là gia đình Đoàn Văn Vươn. Nó không xác định những kẻ gây ra tội lỗi phải chịu trách nhiệm gì. Bọn họ chỉ cần kiểm điểm trong nội bộ với nhau! Những lệnh thu hồi đất bị thu hồi vì sai luật, nhưng những mảnh đất do gia đình Đoàn Văn Vươn khai khẩn vẫn có thể bị mất bất cứ lúc nào. Gia đình đó vẫn không được coi là chủ đất. Chỉ có nhà nước làm chủ. Họ chỉ cần sửa lại mấy quyết định cũ, làm sao cho nó đúng luật hơn là gia đình Đoàn Văn Vươn lại có thể mất hết. Cũng như hàng triệu nông dân Việt Nam khác. Không những thế, Đoàn Văn Vươn còn có thể đi tù nữa! Tất cả chứng tỏ vụ án lịch sử Đoàn Văn Vươn sẽ còn kéo dài chưa biết bao giờ xong. Cái ghế mà ông Nguyễn Tấn Dũng đưa lên che mặt không chỉ bị lủng không thôi. Nó đang rách nát cả rồi.

Chính miệng ông thủ tướng còn vu oan giá họa cho gia đình Đoàn Văn Vươn tội “giết người.” Không có ai bị giết làm sao có tội giết người? Súng hoa cải bắn ra vì phẫn uất trước những hành động phi pháp, làm sao súng đó giết được người? Sáu trăm nhà trí thức lên tiếng yêu cầu phải xóa bỏ tội danh “giết người” của ông Đoàn Văn Vươn. Mấy trăm nông dân nạn nhân bị cường hào cướ đất đã kéo đến thăm nơi gia đình Đoàn Văn Vươn ở, họ đến từ những tỉnh Hà Đông, Hưng Yên. Bao giờ thì những nạn nhân cướp đất này kéo nhau về Hà Nội, đem theo hình ảnh ông Đoàn Văn Vươn đi biểu tình? Bao giờ nông dân Việt Nam đứng lên đòi phải xóa bỏ chế độ cướp đất của nông dân mà đảng Cộng sản đã bắt đầu từ khi thi hành chính sách tập thể hóa nông nghiệp của Stalin và Cải cách Ruộng đất của Mao Trạch Đông? Không cái ghế nào đưa lên che được bộ mặt đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét