Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Lai rai

 ( Đọc bài viết nầy với lời than vắn thở dài của tác giả... ngẩm nghĩ cũng thật tội nghiệp! Âu cũng tại cái "thằng cơ chế" mà ra! )

Tô Vĩnh Hà

Một trong những thói xấu nhất của người Việt là... lai rai! Trong suy nghĩ của tôi, thói quen lai rai là căn bệnh trầm kha và cũng là một trong những đầu mối gây nên biết bao điều trì trệ, ỡm ờ, chậm chạp, lãng phí, vô trách nhiệm - vô cảm, thiển cận và dốt nát... 
 
 
Cái lai rai dễ thấy nhất là người Việt đã, đang và sẽ “ăn tết” chưa biết đến bao giờ mới kết thúc! Có lẽ, dưới khắp gầm trời này chẳng có dân tộc nào lại “vui xuân”(!) cả nửa tháng chạp, băng qua tháng giêng rồi còn chưa biết chừng sẽ tiếp diễn cái cảnh Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng hai cờ bạc lai rai rượu chè.
 
Ngẫm lại mà xem, không năm nào không có “chỉ đạo” rằng phải chấm dứt hương vị tết ngay để bắt tay vào với công việc, rằng bơn bớt lễ hội thôi để còn lo làm ăn kiếm sống, rằng địa phương Y, thôn làng Z đang diễn ra cảnh nhà nhà đánh bạc, người người ngất ngưởng vào ra... Nghe bằng một tai rồi chặc lưỡi như GS Hoàng Ngọc Hiến là đất nước mình nó thế, những ngẫm kỹ, suy lâu thì bất chợt phải rùng mình thì ra cái gọi là thói quen ấy quả là tai họa. Đầu năm lên lớp, lớp học của sinh viên năm thứ ba có 74 người, đến 13. Hỏi thì nói rằng vé xe từ Ninh Bình vào Huế đắt gấp 3 lần nên các bạn ý chờ cho giá hạ xuống mới vào được(!) Nói như thế có nghĩa là bó tay tuyệt đối bởi cái thảm trạng giá vé cao ngất ngưởng và xe nhồi, chỗ nhét là cái bệnh lý lai rai muôn tết mà ai cũng biết. Rồi, chúng ta nói với nhau phải bắt tay vào việc thôi nhưng trong cái tuần đầu tiên sau tết này (trong tết?) sẽ lai rai gặp gỡ, đàn đúm dài dài. Tiếp đó là tết Nguyên Tiêu (các nhà thơ sẽ tăng cường, tích cực hỗ trợ và doping cho lai rai) ở Huế và nhiều nơi khác, lễ hội chùa Hương,đền Trần... và v.v. Tất cả những lễ hội đền chùa khác diễn ra liên tục và đông đúc trong tháng giêng, thực chất cũng chỉ để duy trì - nếu không muốn nói là tôn vinh cho cái lẽ lai rai!
 
Đôi khi ta chợt hỏi với ta rằng tại sao cả một năm trời lao động vất vả, tết đến, có bao nhiêu tiền dành dụm được lại đua nhau lãng phí bằng hết, đến nỗi thịt chán, cá ôi mà chẳng ai tiếc, chẳng ai buồn? Sau đấy là những ngày giáp hạt đói quay, chạy quanh chạy quất để sống lắt lay vì gạo hết, tiền không mà vẫn cho rằng cái đất nước mình nó thế. Những nụ cười tươi, những lời chúc sáo rỗng cứ thi nhau lai rai; thậm chí, tấm băng roll “chúc mừng năm mới” sẽ còn lâu mới cất bởi cái nghĩa “mới” chẳng có thời hạn, bao giờ! Bạn không tin ư, thử ngẫm xem đất nước đổi mới từ năm 1986 vậy mà đi đến đâu tôi cũng gặp và thấy rõ câu khẩu hiệu to tổ chảng, kết bằng hoa tươi hẳn hoi: Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới. Xem ra, người Việt sẽ còn sống với cái mới lai rai đến khi nào không còn sống nữa mới thôi.
 
Từ chuyện tết, lai rai ra chuyện đời mới thấy gần đủ nỗi khủng khiếp: Đơn kiện bởi dân oan cứ lai rai xếp hàng theo kiểu người Nga vẫn nói, hãy đợi đấy (Nu, pagađzi). Chuyện điều tra tham nhũng xảy ra từ thời chưa có Đại hội 10 (PMU 18) sẽ còn lai rai đến thứ mười mấy thì chỉ có trời mới biết. Chuyện nền giáo dục bí bét, hỗn loạn và đầy tệ nạn, xuống cấp lai rai trên báo hàng chục năm rồi, đâu vẫn hoàn đấy. Chuyện cả một bầy sâu như ông Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nói cho đến nay vẫn chưa hề thấy có con sâu nào được trục vớt ra khỏi nồi canh đắng nghét mà cả dân tộc cứ phải oằn lưng, chống gối, mỏi tay vừa hô khẩu hiệu vừa lai rai húp xì xụp, xì xượi... 
 
Nếu cho tôi một điều ước (chỉ một thôi) nhân dịp tết hết xuân sắp về thì tôi chỉ cầu mong rằng các quan chức Việt thời nay thôi đừng lai rai với vô số những lời hứa hão huyền tỷ như năm 2020 cái nọ sẽ thế này, cái kia năm 2020 sẽ chắc chắn là ra ri... Cái cách dùng hư từ có tên gọi năm 2020, thực chất, chỉ là cái cách quan chức đùa giỡn, lai rai niềm tin với dân chúng. Tại sao không dám hứa ngay những điều sẽ làm - nhất định làm trong năm nay mà cái gì cũng chờ đến khi hết... nhiệm kỳ... mới... có?
 
Đầu năm, xin lai rai thêm một lời chúc: Chúc cho cả nước thôi đừng tiếp tục ăn tết nữa, chúc các quan thôi đừng lai rai vơ vét tiền của của dân nữa; chúc cho sự nghèo đói thiếu thốn của hàng triệu người thôi đừng lật đật vì lai rai nữa; và, chúc cho mỗi chúng ta không còn phải lai rai với những tiếng... thở dài! Xem ra, Tất cả lời chúc ở trên/ Đến năm Quý Tỵ (vẫn) có quyền lai rai!
 
1.2.2012. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét