Nghề nào thì cũng có mặt phải và mặt trái, niềm vui và nỗi buồn, vinh quang và ô nhục. Hôm nay là ngày rất thích hợp để nói về những cái hay cũng như cái dở của nghề báo, cũng như những người tốt đang lẫn đâu đó trong những người....chưa tốt của làng báo.
Post lại một phần bài viết từng được đăng trên tạp chí Nghề Báo của Hội Nhà báo TP.HCM, coi chơi.
Trong đoàn khảo sát tour Thái Lan mùa hè, ngoài các nhà quản lý doanh nghiệp lữ hành còn có một số nhà báo góp phần quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông. Đại diện cho một tờ báo lớn là một nhà báo nam, trung niên, có vẻ ngoài khá đạo mạo. Nhà báo này gây ấn tượng với những người làm du lịch bởi thường xuyên lên tiếng than phiền: "Tới bữa rồi sao chưa thấy cho ăn, ở nhà đến giờ này là được ăn rồi! Sao chẳng thấy bia đâu zậy? Tui có thói quen đến bữa là phải có chai bia bên cạnh mới chịu được…". Nhưng sốc nhất là đêm cuối tại Bangkok, khi những người đàn ông trong đoàn rủ nhau đến Patpong (khu đèn đỏ), nhà báo này cũng gia nhập cuộc vui nhưng không phải "đi thực tế viết bài", mà như lời tự sự, trần tình của anh với mọi người: "Tui chơi cho biết gái Thái là thế nào thôi. Mỗi lần đi công tác, tui đều tranh thủ hết. Giá ở đây cao, cả triệu đồng, hàng chuyên nghiệp nhưng chưa "đã" như lần tui chơi lụi ngoài Bình Định, chỉ có hai chục ngàn đồng. Mà mấy ông biết hông, hàng của tui chắc chỉ mười bảy, mười tám tuổi thôi, gặp con gái của mình ở nhà mà như zậy chắc tui tự tử quá…". Tệ hơn, nhà báo này đã "ăn bánh" rồi nhường phần "trả tiền" cho phía công ty du lịch có mặt trong đêm hôm ấy, và còn giải thích rằng: "Nó rủ mình đi nó phải chiêu đãi chớ!".
Sau loạt bài phóng sự - điều tra về tình hình kinh doanh du học và chiêu thức "công ty môi giới kê giá để hưởng chênh lệch học phí" được đăng trên một tờ báo lớn, chúng tôi đã nhận được một cú điện thoại của một nhà báo: "Em viết mấy bài du học ấy hả?", "Anh hỏi có chuyện gì không?", "Em ơi, viết vậy là kẹt ghê lắm. Giám đốc công ty du học đề cập trong bài là em của anh, chính xác là em kết nghĩa của thư ký tòa soạn báo anh đấy". "Anh à, bài viết được dựa trên những chứng cứ, tư liệu mà phóng viên thu thập được…", "Thôi, chuyện đó đã lỡ rồi, nhưng cậu giám đốc ấy đề nghị được gặp em. Để tránh hiểu lầm về sau, anh đã dàn xếp cuộc gặp tại nhà hàng X, thứ sáu tuần sau, em nhớ đến, đừng ngại nhé…", "Em không ngại, đã viết thì đâu có gì phải ngại, nhưng em không rảnh nên không đến được!".
"Nãy giờ thấy em hỏi han, ghi chép nhiệt tình quá, tôi có một câu muốn hỏi lại ngay, có gì không phải thì bỏ qua" - giám đốc một công ty tư vấn dự án xây dựng nói với tôi, vào cuối buổi phỏng vấn để viết bài cho chuyên mục "Lao động nữ & việc làm". "Anh cứ hỏi, em ghi chép nhiều là chỉ muốn có đủ tư liệu cho bài viết thôi, không có mục đích nào khác". "Chuyện là như thế này, trước lúc tiếp em, tôi còn tiếp một ông nhà báo của một báo khác. Ông này không hề phỏng vấn cái chi hết. Ông chỉ đưa ra một đề nghị là tôi… tự viết bài rồi đưa cho ổng, kèm theo chi phí gấp đôi chi phí quảng cáo thông thường để đưa bài lên trang nội dung của báo ổng. Do vậy, tôi muốn hỏi ngay là… bài đưa lên trang nội dung của báo em có giá bao nhiêu?".
Tổng biên tập của một tờ báo thuộc ngành C. thường khoe với những người thân cận rằng, ngồi vững 14 năm trên chiếc ghế quyền lực này đều nhờ vợ ông đều đặn hàng tháng ra tận một ngôi đền rất linh thiêng ngoài Bắc để “mua quan, bán chức” cho mình. Ấy vậy, nhưng không ít phóng viên thường bàn tán sau lưng sếp: “Trình độ kiểu gì mà thời buổi này lãnh đạo một tờ báo lớn nhưng internet dốt đặc, không biết cái nút power nằm chỗ nào. Nhưng sao ngồi dai vậy chứ!”. Mỗi lần ông đi du lịch trở về, tất nhiên miễn phí do các doanh nghiệp mời, báo nhà đều có cả loạt bài 4-5 kỳ rất hoành tráng ký tên ông kèm theo hình ảnh ông đứng ở xứ người rất bảnh bao, nhưng ít ai biết là các bài đó đều do phóng viên được ông dẫn đi cùng viết….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét