Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

TIỀN LƯƠNG THẤP, ĐÌNH CÔNG TĂNG

Revolution fist.jpg
"Khi những người Công Nhân không có tổ chức Công đoàn độc lập của mình, thì những quyền và lợi ích chính đáng của họ không được bảo vệ. Không những vậy, họ thường xuyên bị giới chủ phân biệt đối xử và bạo hành, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn sức khỏe của người công nhân. Tổ chức Công Đoàn nhà nước thì không bảo vệ cho quyền lợi của công nhân, mà còn kết hợp với giới chủ trong việc giám sát và bóc lột họ. Đó là nguyên nhân chính xẩy ra những vụ bạo hành công nhân của giới quản lý lao động. Tình hình đã trở nên báo động đến nổi đã nổ ra hàng loạt những vụ đình công tự phát của công nhân để phản đối" - Huỳnh Công Đoàn

                               
                                    Công nhân đang kéo ra khỏi công ty để đình công.

Có đến 90% số vụ người lao động đình công liên quan tới lương. Rõ ràng bức xúc xoay quanh chế độ tiền lương vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đình công gia tăng.

Thiệt đơn thiệt kép vì lương thấp
           
Theo số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lương tối thiểu hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 60 -65% nhu cầu cuộc sống và thấp hơn mức lương trả trên thị trường khoảng 20%. Với mức lương này người lao động không thể bù đắp sức lao động giản đơn chứ chưa nói đến tích lũy để tái sản xuất sức lao động.

Còn theo kết quả điều tra mới đây tại 964 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn 11 tỉnh thành thì mức thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp FDI không cao hơn so với mặt bằng chung của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp khác, đa số người gặp khó khăn do tiền lương không đảm bảo, thời gian làm việc lại căng thẳng.
           
Nếu làm phép so sánh với các nước trong khu vực thì tiền lương tối thiểu ở Việt Nam thấp hơn khoảng 40%. Trong khi đó phần lớn doanh nghiệp tư nhân lại lấy mức lương tối thiểu mà Nhà nước để làm gốc tham chiếu trả lương cho người lao động mà không dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. Đây thực sự là một nghịch lý vì theo bà Phạm Lan Hương, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế của CIEM phân tích, trong khi tỷ lệ thất nghiệp còn cao thì nhiều doanh nghiệp lại không thể tuyển đủ lao động phổ thông. Năm 2009, có tới hơn 100 nghìn việc làm còn trống, trong đó 80% là lao động phổ thông. Tuy nhiên, các trung tâm giới thiệu việc làm chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu trên.
           
Hệ quả của đồng lương thấp là tình trạng bùng phát đình công bất hợp pháp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tranh chấp trong lao động và nhất là các cuộc đình công bất hợp pháp hiện nay gây bất ổn lớn tới thị trường lao động, ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi thực hiện đầu tư ở Việt Nam, thậm chí dẫn tới cả tình trạnh thoái lui đầu tư ra khỏi Việt Nam.

Mặt khác, khi trả lương thấp cho người lao động doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt với các vụ kiện bán phá giá. Dồn dập 7 vụ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đối với hàng xuất khẩu Việt Nam tại 6 thị trường nước ngoài trong năm 2009 là ví dụ thực tế để cảnh tỉnh doanh nghiệp. Thay vì bị đánh thuế chống bán phá giá nặng nề thì nên chăng doanh nghiệp hãy tăng tương cho người lao động rồi bù sang giá thành để tránh bị “dòm ngó”.

Sửa luật để… chỉnh quan hệ lao động
          
 Tại hội thảo “Tương lai của quan hệ lao động và việc sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam vừa phối hợp tổ chức, vấn đề tiền lương được chỉ là nguyên nhân chính dẫn tới đình công bất hợp pháp gia tăng. Tuy nhiên còn một “tảng băng chìm” khác đó là quan hệ lao động đang bị xem nhẹ tại các doanh nghiệp.

Đại diện phía Tổ chức ILO, ông Kari Tapiola nhận định, đình công bất hợp pháp là dấu hiệu cho thấy tồn tại bất cập và yếu kém căn bản trong quan hệ lao động, phản ánh khung thiết chế chưa hoàn chỉnh, nhất là cơ chế giải quyết tranh chấp về quyền và khả năng tổ chức yếu, thiếu định hướng trong việc thực hiện chức năng đại diện và thương lượng tập thể.

Thừa nhận thực trạng này, ông Phùng Quang Huy, Trưởng ban Giới thiệu sử dụng lao động (VCCI) cho biết, hiện quan hệ giữa người lao động và chủ sử dụng lao động còn mang tính hình thức, chưa được tiến hành thương lượng, thỏa thuận trong thực tế. Cụ thể khi xảy ra tranh chấp giữa người lao động và giới chủ, tiếng nói của công đoàn cơ sở lại quá yếu để có thể bênh vực quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Do đó, đại diện VCCI đề xuất Bộ Luật Lao động cần gấp rút hoàn thiện các qui định về giải quyết tranh chấp lao động nhằm hài hòa hóa các quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Quan hệ lao động hiện nay cũng là một trong những điều kiện của quốc tế khi Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế thế giới, trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới việc thúc đẩy xuất khẩu. Vì vậy, việc sửa đổi Bộ luật Lao động cần tính đến việc hạn chế dần các khoảng cách với quốc tế, từng bước tương thích với các công ước và thông lệ quốc tế, vì lợi ích kinh tế chung của quốc gia.

Một khía cạnh mà Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn cũng cần lưu ý thêm đó là phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam. Hiện đã có sự cạnh tranh về thị trường lao động ở Việt Nam với các nước trong khu vực. Sự cạnh tranh này sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới khi nước ta hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét