Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Trọ học

 Minh Văn

                
                       Đảng Cộng sản đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động


“Nhà trọ thể thao”, ấy là biệt hiệu khu trọ hồi ấy của chúng tôi. Dãy nhà trọ được chia thành 5 phòng rộng đều nhau, tôi cùng một cậu sinh viên nữa rủ nhau thuê căn phòng ở đầu hồi. Phía trước là khoảng sân rộng tiếp giáp với con ngõ của khu phố. Đối với chúng tôi, cái sân này là một không gian tự do quý báu, nơi diễn ra những trận cầu nảy lửa vào mỗi buổi chiều. Vì nhà được xây theo kiểu cũ nên có cả bậc thềm rộng, khán giả lẫn trọng tài thường ngồi cả ở đây để mà giám sát và cổ vũ cho trận đấu.


Với cánh sinh viên xa nhà, trọ học đã trở thành cuộc sống thường nhật.  Các bạn thành phố được học gần nhà thì lại ước muốn có cuộc sống như chúng tôi. Trọ học là một cuộc sống thú vị, tuy phải nếm trãi nhiều khó khăn thiếu thốn vì phải sống xa gia đình. Khó khăn về chỗ ở và phương tiện sinh hoạt, thiếu thốn tình cảm của những người thân. Nhưng bù lại có sự gắn kết tình cảm của những con người đang sinh sống xa quê. Ở trọ cũng như hành quân đánh trận, tiện đâu ở đấy, khi cần lại dời đi ngay, nhiều khi còn quên mang theo cả những vật dụng thiết yếu nữa. Vì hoàn cảnh phải vậy, cũng là để thuận tiện hơn cho chuyện học và công việc mà thôi. Điều quan trọng là phải có sự thống nhất ý kiến của các thành viên cùng thuê trọ, vì mỗi người học ở một trường khác nhau. Yếu tố cuối cùng không thể thiếu, đó là giá cả hợp lý, phải làm sao để tất cả đều chấp nhận được.

Dãy nhà chúng tôi trọ mới được xây xong, nhưng chỉ thời gian ngắn các phòng đều đã có khách thuê. Tất cả đều là sinh viên nam, đó là lý do vì sao mà phong trào thể thao ở đây trở nên lớn mạnh. Các thành viên đều nhanh chóng phát hiện ra tiềm năng thể thao của cái sân ngay trước dãy nhà mình ở. Nó không đủ để có thể làm sân bóng đá mini, nhưng lại lý tưởng cho một sân đá cầu. Vì thế mà ngay từ những ngày đầu mới đến, sân đã trở thành nơi đá cầu tự phát. Ban đầu chỉ vài ba người, sau rồi cả dãy tham gia, cứ có thời gian rỗi là mọi người lại mang cầu ra chơi để giải trí và rèn luyện thể lực.Ở góc sân có một cây Nhót to, đến mùa thì trĩu những quả mọng và đỏ chót như thắp lửa. Đám vận động viên đá cầu, giữa giờ giải lao mà hái những quả chín để giải khát thì phải nói là tuyệt cú mèo. Người có sáng kiến thiết kế thành sân đá cầu chuyên nghiệp là tôi và anh Nghiệp. Chúng tôi kẻ sân vuông vức đúng như một sân đá cầu thực thụ, có cả lưới hẳn hoi. Giải đấu cũng được tổ chức theo luật đàng hoàng. Vì vậy mà phong trào đá cầu trở nên phát triển, ai cũng hăng hái tham gia. Mọi người dù đi học hay bận công việc gì cũng đều cố gắng trở về nhà trước 5h chiều, giờ mà giải thường khai mạc.

Cầu mà chúng tôi đá là thứ cầu lông gà mà người ta bán nhiều ngoài phố, quả cầu được làm bằng những miếng nhựa nhỏ bằng đồng xu nhiều tầng. Loại cầu này đá rất nẩy, vì vậy mà khó kiểm soát. Nhiều người không quen đá loại này, vì vậy mà không ít lần xảy ra tranh cãi. Cuối cùng cả dãy thống nhất dùng chung một loại cầu tự chế, anh Nghiệp lại là người đảm nhiệm công việc này, vì anh là người khéo tay nhất trong bọn. Theo đó, quả cầu lông gà mua về được tháo ra, những chiếc lông được thay bằng sợi dây nilon đủ màu. Sau khi tết xong thì tẻ nhỏ thành những tua đủ màu sắc trông rất đẹp. Ưu điểm của quả cầu nilon là độ nảy vừa phải, dễ kiểm soát, vì vậy mà lối chơi kỹ thuật được thi triển.

o0o
Ở đây nhiều người vừa học vừa làm thêm một công việc gì đó, tôi và anh Nghiệp cũng vậy. Anh hơn tôi 3 tuổi – quê ở Hải Phòng - vì mến tính tình của nhau, lại cùng hâm mộ bóng đá nên hai anh em chúng tôi thân nhau lắm. Tính anh trầm lặng và sâu sắc, nhưng khi nói chuyện về chủ đề bóng đá yêu thích thì lại trở nên sôi nổi khác thường. Anh ở một mình ở phòng cuối dãy, vì phòng này chủ nhà ngăn ra một nửa để làm nhà kho, nửa còn lại chật hơn các phòng khác nên chỉ đủ cho một người ở. Anh Nghiệp nhận làm gia công cho một cơ sở sản xuất ốc vít gì đó, thường mang về nhà để làm. Những lúc rỗi anh lại mang ra trước thềm ngồi mài dũa, tôi thì ngồi trò chuyện cùng anh, thường là chuyện bóng đá. Thời gian này tôi nhận dạy kèm cho mấy em học sinh, vì vậy mà cũng ít khi có mặt ở nhà. Tuy vất vả nhưng vui, vì vừa học vừa làm thì con người cũng trở nên năng động hơn. Cuộc sống giản đơn và thân thương đó khiến chúng tôi tự hào, vì mình tự kiếm thêm việc làm để rèn luyện bản thân. Không như con cái mấy quan chức ở các tỉnh về học, đám này sẵn tiền cha mẹ nên vung tay quá trán. Nhiều cậu đánh lô đề mất cả những chiếc xe máy đắt tiền mà gia đình mua cho (hồi đó sinh viên hiếm có xe máy chứ không như bây giờ). Bố mẹ họ cho tiền chuộc lại, chuộc rồi lại cắm quán lấy tiền đánh bạc tiếp. Thực là tiền của bóc lột được thì không tiếc bao giờ, chỉ có người dân lao động là oằn lưng vì nghèo khổ thôi.

Hôm nay là thứ 7, dù nghỉ học nhưng tôi cũng đi dạy kèm cho một học sinh sắp thi tốt nghiệp cấp 3.
Buổi chiều thì về đến nhà, vừa dừng xe đã nghe anh Nghiệp hỏi:

- Tối nay có giải ngoại hạng Anh đó, chú nhận đội nào?

Tôi hỏi lại anh:


- Trận nào vậy anh?

Vừa chăm chú dũa mấy cái đinh vít anh vừa trả lời:

- Manchester Utd gặp Arsenal, trận cầu hay nhất vòng đấu đấy.

Quả là một trận thư hùng giữa hai đội mạnh nhất giải ngoại hạng. Cả tôi và anh đều hâm mộ Arsenal, nhưng hai người thì cũng phải có một người nhận đội khác thôi. Thấy tôi phân vân, anh liền nói:

- Anh nhường cho chú nhận trước đấy. Ai thua chịu tiền bia và đồ nhậu nhé.

Tôi và anh thường vậy, hay cùng nhau ngồi xem bóng đá và uống chút gì đó. Cuối buổi thì cũng phải có người trả tiền, vì vậy mà nghĩ ra trò đánh cược để cho vui và hồi hộp. Đôi khi vấn đề được giải quyết bằng trận cầu song đấu. Hai người chăng lưới và đấu với nhau 3 hiệp, người nào thua thì chịu tiền quán. Rất công bằng và thú vị, lại còn được rèn luyện thể thao nữa chứ. Hồi ấy Arsenal là một đội bóng mạnh, với những cầu thủ thực sự có chất lượng. Đặc biệt đội có cặp tiền đạo lừng danh Dennes BergKamp và Anelka. Đôi chân của họ như có phép thuật, thôi miên tất cả khán giả có mặt tại sân Highbury. Cùng với những cầu thủ trụ cột khác trong đội hình như S. Campbell và Vieira thì Arsenal lúc bấy giờ được coi là đội bóng có hàng thủ mạnh nhất giải ngoại hạng. Tôi còn đặc biệt ấn tượng với sân vận động Highbury bởi cái màn hình khổng lồ đặt ở góc sân, thường phát lại những khoảnh khắc ghi bàn tuyệt hảo.

Vì được lựa chọn nên tôi lấy Arsenal, đội bóng mà mình yêu thích. Thoáng chút tiếc nuối, nhưng anh Nghiệp cũng phải hài lòng với lựa chọn còn lại. Địa điểm mà tôi và anh thường ngồi để xem bóng đá là quán nhỏ của anh Hưng béo ngay bên kia ngõ, đối diện với dãy nhà trọ của chúng tôi. Ngôi hàng ấm cúng với chiếc Ti-Vi lớn được đặt ở góc phòng, kê thêm vài bộ bàn ghế nữa là đã chật chỗ. Mỗi đêm cuối tuần có bóng đá, ngôi hàng nhỏ lại vang lên những tiếng reo hò cổ vũ náo nhiệt. Khách hàng vừa nhâm nhi ly bia, vừa bàn luận sôi nổi về trận đấu, kể cũng thú vị.

Hôm nay sân cầu lại náo nhiệt bởi có sự góp mặt của nhiều hảo thủ. Mấy cậu sinh viên ở trọ gần đây cũng đến tham gia, họ là bạn bè của các cầu thủ nhà. Cậu Tú học trường đại học Kinh tế được đánh giá là có kỹ thuật điêu luyện nhất. Trước mỗi buổi đấu, thể nào cậu ta cũng biểu diễn chừng ít phút cho mọi người cùng xem, nếu như không có tiếng còi thúc dục của trọng tài thì quả cầu dường như không bao giờ rơi xuống đất. Tuy nhiên kỹ thuật siêu việt và hiệu quả trong thi đấu lại là hai vấn đề khác nhau. Dù kỹ thuật tâng cầu tốt như vậy, nhưng thi đấu thì Tú lại ít khi có danh hiệu vô địch. Có lẽ căng thẳng nhất vẫn là trận cầu giữa Tú và anh Nghiệp, đúng là kỳ phùng địch thủ. Một người có kỹ thuật tốt và người kia thì thi đấu hiệu quả. Mỗi khi hai cầu thủ này gặp nhau, tiếng hò reo dường như vang lên không ngớt bởi những pha cầu đẹp mắt. Cũng vì tính căng thẳng của trận đấu, mà nhiều khi Tú và anh Nghiệp gân cổ cãi nhau về điểm rơi của cầu. Nguyên nhân là đường biên kẻ hơi mờ, vì vậy mà khó xác định là cầu rơi ở trong sân hay ra ngoài biên. Vị trọng tài biên lập tức sửa sai bằng cách kẻ lại đường biên cho rõ hơn. Giải pháp khả dĩ lúc này là trọng tài chính cho hai bên đá lại pha cầu vừa tranh cãi. Bấy giờ nhiều cầu thủ bên ngoài sân đang tranh thủ hái những quả nhót chín để giải khát mà chờ đến lượt mình thi đấu. Những trận cầu cứ tiếp nối nhau cho đến khi trời tối mịt thì mọi người mới chịu ai về nhà nấy để nghỉ ngơi.

o0o
Buổi sáng thì con ngõ phía trước nhà trọ chúng tôi thường đông đúc bởi những gánh quà sáng. Mọi người trong ngõ tập trung vừa ăn quà sáng, vừa trò chuyện để bắt đầu một ngày mới, ai bận việc hơn thì có thể mua về nhà. Ban ngày thì con ngõ lúc nào cũng đông người qua lại, lắm khi lại ùn tắc vì xe cộ. Tối đến thì con ngõ lại vắng hoe, những lúc ấy ngồi trước hiên nhà với khoảng sân rộng trước mặt, chúng tôi ai cũng có cảm giác nhớ nhà. Bóng cây Nhót đổ dài loang lổ dưới ánh đèn điện càng làm cho khu trọ thêm vắng vẻ và cô liêu.

Sáng nay đi học về, vừa về đến đầu ngõ thì tôi tình cờ chứng kiến một vụ đụng xe. Người đông khiến chiếc xích lô không nhúc nhích được, cuống quýt thế nào mà anh đạp xích lô vướng vào chiếc xe ô tô 7 chỗ mang biển số xanh của nhà nước. Vụ đụng độ khiến cho chiếc xe ô tô láng cóng bị sây sớt một mảng sơn. Tay tài xế vội mở cửa xe nhảy xuống chửi:

                   
                               " - Đ. Mẹ, mày đi kiểu gì hả? Mắt mũi để đâu?"


- Đ. Mẹ, mày đi kiểu gì hả? Mắt mũi để đâu?

Anh đạp xích lô vừa mệt vừa sợ toát cả mồ hôi, miệng ấp úng:

- Em xin lỗi anh, tại vì đường đông quá nên!...

Lúc này vị ngồi trong xe, có vẻ cán bộ nhà nước cũng bước ra khỏi xe. Sau khi đưa cặp mắt khinh bỉ nhìn anh xích lô, anh ta hất hàm hỏi:

- Bây giờ mày tính đền bù thế nào?...

Tay tài xế liền hùa vào:

- Mày phải chồng đủ một triệu thì chúng tao mới để cho đi, không thì kệ mày muốn làm gì đó thì cứ làm...

Nghe nói vậy, anh xích lô cuống hết cả lên. Với vẻ mặt thiểu não, anh van nài:

- Em xin hai anh, em đạp xích lô nuôi vợ con. Cả ngày không kiếm nổi một trăm ngàn, bây giờ lấy đâu một triệu để đền. Hai anh tha cho em!...

Nghe nói vậy tay cán bộ kia liền nổi khùng, anh ta xông vào giáng thẳng cú đấm vào mặt anh xích lô, rồi lại tiếp tục tát anh túi bụi. Gã lái xe cũng xông vào tiếp sức, hắn đạp liên tiếp vào người nạn nhân. Anh xích lô ngã xuống, hai tay chắp lại vái lia lịa.

Mọi người xúm vào nói hộ:

- Anh ta bị đánh nhiều rồi, tha cho anh ta đi!..

Thấy đánh người đã thoải mái chân tay, lúc này hai kẻ hành hung mới hậm hực bước lên ô tô rồi đóng cửa cái rầm, xe từ từ lăn bánh. Anh xích lô được mấy người tốt bụng dìu vào ngồi ở quán nước ven đường rồi xức dầu cho. Tiếng mọi người xuýt xoa:

- Tội quá, thâm tím hết mình mẩy rồi đây này!...

- Gớm, cán bộ kiểu gì mà đánh dân ác thế. Người ta nghèo thì tiền đâu mà bắt đền?

- Người đông thì va chạm một chút có sao đâu, mà chắc gì anh xích lô đã có lỗi...

Mỗi người một câu, anh đạp xích lô lúc này miệng méo xệch vì đau đớn, tuy nhiên lòng tốt của những người qua đường cũng khiến anh được an ủi phần nào.

Một ngày trôi qua với nhiều sự kiện, chiều nay tôi lại đi dạy kèm, đến tối mịt mới về đến nhà trọ. Sau khi cơm nước, tôi ngồi vào bàn học một lúc để ngày mai còn đến trường. Giường bên kia, cậu bạn cùng phòng cũng đang bật đèn mãi mê xem sách, mỗi người theo đuổi một thế giới suy nghĩ riêng. Bên ngoài trời đang mưa, những giọt mưa rơi xuống mái hiên nghe lách tách trong đêm. Đầu óc vẫn vơ nên học được một lúc thì tôi gấp sách lại. Câu chuyện chứng kiến lúc sáng khiến tôi trăn trở về tình người thời nay. Bây giờ dường như người ta sống ích kỷ và vụ lợi, giữa con người với nhau ít có được những tình cảm tốt đẹp như hồi xưa. Thế mà nhà nước thì lúc nào cũng nói về một xã hội tiến bộ và phồn vinh. Thực là không thể hiểu thế nào nữa? Quả là thời nay lắm điều nghịch lý và lộn xộn quá. Đảng Cộng sản đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ấy thế mà người nhà nước chả thấy thương dân gì cả, họ đánh đập và coi người dân lao động như kẻ thù. Một ngày nhiều mệt nhọc với bao mối bận tâm, mãi suy nghĩ mà tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Cậu bạn cùng phòng thấy tôi ngủ quên thì đánh thức để mắc màn đi nghỉ. Tôi giật mình choàng dậy, đêm đã khuya, ngoài hiên tiếng mưa vẫn rơi tí tách như dòng đời chậm rãi với bao nổi ưu tư.                                                                                        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét