Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Con lai của cuộc chiến Việt Nam: Lớn lên và kém may mắn - Phần I

Patrick Winn
 
Diễn Đàn Công Nhân dịch

Vo Van Dang không phải là người Việt Nam.

Điều đó ít nhất là trong luận điểm của anh. Mặc dù anh chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam, không nói được tiếng Anh và sống tại một ngôi nhà ở khu ổ chuột thuộc tp.HCM, nơi mà 20 người dùng chung một nhà vệ sinh ngoài trời. Dang luôn khẳng định anh là người Mỹ.

Dang nói: “Tôi không thuộc về nơi này”. Người thanh niên sinh năm 1971 sau một cuộc tình ngắn ngủi giữa một cô gái điếm ở câu lạc bộ đêm và một người Mỹ da đen. “Tôi thuộc về Mỹ”

Chỉ có anh có thể chứng minh điều đó.

Dang là một trong số hàng chục ngàn trẻ em ở Việt Nam có cha là lính Mỹ phục vụ trong quân đội trong cuộc chiến 1965-1973. Hầu hết họ được sinh ra mà không biết mặt cha và người mẹ luôn có nguy cơ hứng chịu cơn thịnh nộ của Việt Cộng vì công việc quản gia, bán hàng, làm gái trong quán bar xung quanh căn cứ Mỹ.
Bức ảnh không đề ngày tháng của mẹ Vo Van Dang. Bà đã có hai đứa con với lính Mỹ trong cuộc chiến VN và sau đó phải học tập cải tạo ở trại tập trung lao động cộng sản.

 Có một lần hy vọng to lớn đã đến với những người như Dang khi chính phủ Mỹ cấp visa con lai Mỹ (một loại visa không rõ ràng) cho những con lai Việt Nam. Nhưng sự hỗ trợ này cuối cùng đã thất bại vì chính sách rối rắm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đối với vấn đề con lai trong chiến tranh.
Theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cung cấp cho GlobalPost, số lượng visa con lai (AmerAsian) được cấp giảm trung bình xuống còn 240 hồ sơ / năm vào thập niên trước. Năm ngoái, con số này đã giảm còn 23 hồ sơ được thông qua.

“Cuộc sống tôi khổ sở”, Dang đã trải qua một quãng đời thơ ấu trong trại tập trung lao động cộng sản. Dang nói tiếp: “Cuộc sống sẽ vẫn tiếp tục khó khăn nếu tôi đi. Nhưng tôi có một gia đình Mỹ và chúng tôi thuộc về Mỹ.”

Visa con lai (AmerAsian) được thành lập năm 1987 khi Quốc Hội xoa dịu sự phản đối của người dân trước việc những đứa trẻ mang khuôn mặt Mỹ bị bỏ rơi tại các khu ổ chuột ở Việt Nam. Không ai biết chính xác có bao nhiều đứa coi lai được sinh ra tại Việt Nam, tuy nhiên Mỹ đã xem xét hồ sơ và cho tái định cư gần 30,000 đứa trẻ của quân đội Mỹ cùng với tạo công ăn việc làm gần 80,000 họ hàng người Việt.

Tuy vậy, ước tính hơn 1000 con lai vẫn còn ở lại Việt Nam mà hầu hết sống trong những khu nhà chật chội. Họ thường nghèo hơn những người Việt Nam có thu nhập trung bình, sự nghèo đói của họ thường bắt nguồn từ sự phân biệt. Khuôn mặt họ mang những đốm tàn nhang, đôi mắt màu nâu nhạt thừa hưởng từ những người đàn ông của quốc gia hùng cường nhất thế giới. Tuy nhiên, họ không hề có đặc quyền.
Vo Van Dang
Việc giảm cấp thị thực con lai không phải vì thiếu người nộp đơn. Các tổ chức từ thiện giúp đỡ những đứa con lai đã trưởng thành của lính Mỹ cho biết có hàng trăm hồ sơ tồn đọng. Tuy nhiên, các viên chức lãnh sự Mỹ cứng rắn với những trường hợp gian lận, những người có ½ dòng máu Mỹ, hoàn toàn mù chữ được xem như là tấm vé đi Mỹ cho cả gia đình. 

Những đứa con của kẻ thù 

Đã có nhiều thay đổi kể từ khi lực lượng quân đội Hồ Chí Minh chiếm lấy Sài Gòn năm 1975 và đổi tên nó thành tên của vị anh hùng cách mạng cộng sản của họ. Sau khi rời bỏ chủ nghĩa Mác thuần túy trong thập niên 1980, những nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngày nay đi theo đường lối chủ nghĩa tư bản mang phong cách Trung Quốc. Thành phố Hồ Chí Minh trở thành nơi sôi động của một quốc gia xài iPhones và ăn KFC.
Trong khi thế giới đã đi quá xa khỏi cuộc chiến đó, thì tình trạng con lai vẫn còn là tàn dư cay đắng. Sự khổ sở thời thơ ấu đối với những đứa trẻ ½ Mỹ vẫn còn in sâu. Hầu hết những đứa con lai đều nhớ những ngày chúng từng bị ăn gậy của những đứa trẻ hoặc bị chế nhạo bới những người lớn hàng xóm, những người gọi chúng là “con của kẻ thù”

Nguyen Thi Phan, sinh năm 1968, là kết quả giữa một nhân viên an ninh căn cứ Mỹ và người phụ nữ giặt quần áo cho ông nói rằng những đứa trẻ đồng lứa luôn nói: “Mẹ mày là một con điếm. Cha mày là một thằng da đen. Tại sao mày chưa cút khỏi Việt Nam đi?”. Những đứa trẻ có cha là lính Mỹ da đen càng bị phân biệt đối xử hơn gấp đôi.
Nguyen Thi Phan, một người con lai Mỹ cùng 2 đứa con trong khu ổ chuột. Cô nói người ta không muốn nhận cô làm việc vì trông cô bẩn.
 “Thậm chí hiện nay, có người nhìn tôi và nói trông tôi bẩn. Tôi khó có công việc vì họ không muốn một người trông dơ bẩn lau nhà hoặc rửa chén” Phan nói tiếp: “Họ nói tôi không tốt cho việc làm ăn”.

Như rất nhiều con lai khác, Phan khẳng định cô không phải là người Việt. Thực tế, trong cuộc phỏng vấn của Global Post với 6 người con lai với những cựu lính Mỹ, họ đều cho rằng họ là người Mỹ hoặc con lai. 

Phan nói: “Trong suốt cuộc đời của mình, mọi người đều nói tôi không phải là người Việt Nam. Vậy cũng tốt, tôi không phải người Việt”. 

Mối tình bất hạnh 

Đối với người Việt, những đứa con lai được cho là kết quả của một cuộc mua bán giữa những lính Mỹ say xỉn và những phụ nữ dễ dãi và phản bội.

Nhưng theo những người mẹ của những đứa con lai, rất nhiều đứa trẻ sinh ra từ những cuộc tình thật sự. Cha của Cao Thi My Kieu đã say đắm mẹ cô, một cô gái quán bar. Ông thuê cho mẹ cô một căn hộ và hứa sẽ không để mẹ cô phải bán thân nữa.
Kiều nói khi cô ngồi dưới sàn căn phòng tồi tàn được thuê với giá 40 USD một tháng. Chồng cô cũng là một đứa con lai, họ có ba đứa con cùng sinh sống trong một căn phòng nhỏ .

Kieu nói rằng trong thời gian chiến tranh, mẹ cô là một phụ nữ xinh đẹp. Kieu sinh năm 1967 ở ngoài một căn cứ không quân trước đây của Mỹ tại ven biển Nha Trang. Kiều nói tiếp: “Cha rất tốt. Ông nuôi luôn cả 3 đứa con riêng của mẹ. Người Mỹ đối xử rất lạ trong những chuyện như vậy. Họ nuôi dưỡng những đứa trẻ của người khác.”

Theo Robert McKelvey bác sĩ tâm thần nghiên cứu về những đứa trẻ mồ côi con lai, từng cựu chiến binh Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, những chuyện như vậy là bình thường trong chiến tranh, rất nhiều người yêu nhau và chung sống như vợ chồng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Những mối tình đó đã gánh chịu bất hạnh. Năm 1973, hầu như tất cả binh lính Mỹ đều được hồi gia.

Năm 1975, miền Nam Việt Nam thất thủ và Việt Cộng bước ra từ trong bóng tối.

Những người Việt đã từng chiến đấu, thông đồng hoặc ngủ với kẻ thù đều bị lao động cải tạo hoặc chết. Những đứa trẻ như Dang cùng với mẹ đã được đưa vào trại lao động tập trung của cộng sản nơi họ sống với một ít rau ở vùng đất cằn cỗi và bắt chuột để ăn.

Trong cuộc phỏng vấn của GlobalPost, một người con lai khác đã cho biết người mẹ đang mang thai cô đã bỏ trốn vào rừng để thoát khỏi sự trừng phạt đó, và cô đã được sinh ra trong rừng.

Lưu giữ những bức ảnh hay thư tình của người chồng Mỹ đồng nghĩa với nguy cơ tự sát. Kieu nói: “Mẹ có tất cả thông tin chi tiết về cha như địa chỉ ở Mỹ, thư từ, tất cả. Bà đã muốn chôn nó trong một cái lỗ trước khi Việt Cộng xuất hiện. Dì tôi đã nói rằng “chị điên à? Nếu họ tìm thấy, chị sẽ chết.”

Vì thế như tất cả những phụ nữ có con với lính Mỹ, mẹ của cô đã đốt tất cả những lá thư. Những chứng cứ cô cần sau này để di cư sang Mỹ đã biến thành tro cuốn theo gió.

“Cha tôi tên James. James Alexander” Kiều nói khi cô ngồi dưới sàn căn phòng tồi tàn được thuê với giá 40 USD một tháng. Chồng cô cũng là một đứa con lai, họ có ba đứa con cùng sinh sống trong một căn phòng nhỏ.

“Mẹ nói với tôi, “Khi con sang Mỹ, hãy tìm một người đàn ông có cái bớt trên gương mặt” Kiều nói và khóc. Kiều dừng câu chuyện và lấy từ trong tủ ra một bức thư từ chối của lãnh sự quán Mỹ, với hàng chữ màu mực xanh đã mờ được ghi rằng: “Bạn đã không chứng minh được bạn là con của công dân Hoa Kỳ.”

Mặc dù không đọc được những chữ bằng tiếng Anh nhưng cô biết rất rõ nghĩa của chúng. “Tôi rất thất vọng với cuộc sống của mình. Tất cả những gì tôi làm là để cố gắng tạo cuộc sống dễ dàng cho con tôi.”

Gia đình Vo Van Dang tại khu ổ chuột


Dễ dàng trở thành nạn nhân 

Cuối thập niên 1980, những người Việt Nam cơ hội đã nhận ra giá trị của câu chuyện thương tâm và khuôn mặt lai Mỹ.

Năm 1987, Quốc Hội Hoa Kỳ đã có đạo luật “Homecoming Act” tài trợ gần 500,000 USD cho những đứa con lai ở trung tâm thành phố HCM, nhiều trong số đó là người vô gia cư. Các viên chức lãnh sự đã bay từ Mỹ sang Thái Lan, bắt đầu cung cấp thị thực Mỹ cho hàng chục ngàn người. Những khuôn mặt mang dòng máu hỗn hợp có thể được bảo lãnh tái định cư ở Mỹ.

Kết quả không thể tránh khỏi, nhiều người con lai dễ dàng đã trở thành nạn nhân cho bọn buôn người. Rất nhiều con lai được trả tiền hoặc cưỡng chế để đăng kí sang Mỹ với những thân nhân giả. Những thân nhân giả này chính là những người giàu có ở Việt Nam muốn có cuộc sống mới ở Mỹ. Đổi lại, những cò mồi hứa hẹn sẽ lo lót bên trong lãnh sự quán để đảm bảo hồ sơ được phê duyệt.

Đến giữa thập niên 1990, các viên chức lãnh sự đã quá mệt mỏi vì những trò lừa đảo này. Họ bắt đầu tiến hành điều tra những người nộp đơn một cách chặt chẽ, và đòi hỏi chứng cứ khó khăn hơn.

“Bọn buôn người bắt tôi kê khai người chồng giả nhưng chúng cho phép tôi đưa con ruột vào danh sách bảo lãnh.” Phan Anh Nhung, 39 tuổi, là con gái của cựu lính Mỹ và một gái mại dâm. Nhung nói tiếp: “ Các viên chức lãnh sự đã phát hiện. Họ hỏi con gái tôi: ‘Ai là cha con?’ Con tôi vô tình nói tên người cha thật thay vì người cha giả.”
Phan Anh Nhung 39 tuổi, là con gái của cựu lính Mỹ và một gái mại dâm.

Một người con lai khác, hiện giờ là người bán mì trên đường phố, đã thú nhận rằng một tổ chức buôn người đã ra giá 1,000 USD để kê khai 12 thân nhân giả. Cô nói: “Sự việc không thành vì những người hàng xóm đã tố chúng tôi.” 


(Xem tiếp phần II: Hy vọng tiêu tan )

1 nhận xét: