Bài và ảnh: Trường Hoàng
Bắt nữ nhân viên đứng đến ngất xỉu; tùy tiện chuyển nhân viên kế toán là người khuyết tật xuống trông giữ ô tô, xe máy, bảo vệ tài sản của đơn vị...
Chị Thu Dung ngất xỉu vì bị bắt đứng trước cửa văn phòng đại diện ISS liên tục nhiều ngày |
“Tôi làm việc quá sức nên cuối ngày có điện thoại cho ông trưởng văn phòng đại diện (VPĐD) xin nghỉ việc ngày hôm sau để đi khám bệnh. Tôi trở lại làm việc với đầy đủ hồ sơ khám bệnh nhưng ông trưởng VPĐD không chấp nhận với lý do nghỉ mà không báo trước một ngày hoặc nhắn tin, điện thoại trước 2 giờ. Sau đó, trưởng VPĐD ký thông báo cho tôi nghỉ việc sau 45 ngày”. Đây là bức xúc của chị Nguyễn Phạm Thu Dung, nhân viên VPĐD Integrated Sourcing Solution Asia GMBH - ISS (Công viên Phần mềm Quang Trung-TPHCM), trong đơn kêu cứu gửi Báo Người Lao Động.
Đủ kiểu hành hạ
Tháng 6-2008, chị Dung vào làm việc cho ISS nhưng đến tháng 1-2009 mới được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ). Ngày 22-8-2011, chị Dung tăng ca đến 22 giờ, sau đó về nhà thì bị bệnh nên gọi điện cho ông Kim Jin Won, trưởng VPĐD, xin phép nghỉ làm vào ngày hôm sau, 23-8, để đi khám bệnh. Đến ngày 24-8, khi vào làm việc, chị Dung xuất trình toàn bộ hồ sơ khám chữa bệnh nhưng ông Kim Jin Won không đồng ý. Ngày 25-8, ông Kim Jin Won ký thông báo chấm dứt HĐLĐ với chị Dung kể từ ngày 9-10 mà không hề có lý do.
Trong thời gian chờ chấm dứt HĐLĐ, ông Kim Jin Won không cho chị Dung làm việc mà buộc chị Dung phải ngồi một chỗ trong kho chứa hàng mẫu. Hết ngồi một chỗ, ông lại bắt chị phải đứng ngoài cửa văn phòng suốt ngày. Bị suy sụp tinh thần, ngày 8-9, chị Dung đã ngất xỉu khi đứng trước cửa văn phòng và được nhân viên bảo vệ tòa nhà đưa đi cấp cứu. Khi sự việc xảy ra, VPĐD cũng như cá nhân ông Kim Jin Won không giúp đỡ đưa chị đi cấp cứu, cũng không thăm hỏi khi chị Dung điều trị tại bệnh viện.
Ngày 4-10, trao đổi với chúng tôi, ông Kim Jin Won thừa nhận việc cho chị Dung nghỉ việc là sai và đề nghị giúp ông gặp chị Dung tại LĐLĐ quận 12 để thỏa thuận. Thế nhưng, ngày 11-10, khi gặp chị Dung, ông Kim Jin Won phủ nhận tất cả và cho rằng mình không sai phạm gì!
Không có tình người
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Kim Tuyết, nhân viên Ngân hàng Thương mại CP Công Thương Việt Nam Chi nhánh 6 (quận 6-TPHCM). Năm 1985, chị Tuyết được tuyển dụng với công việc kế toán. Đến năm 1996, chị được Chi nhánh 6 ký HĐLĐ không xác định thời hạn cũng với công việc kế toán và làm việc tại phòng kế toán. Ngày 10-9-2010, Chi nhánh 6 đột ngột bảo chị ký vào HĐLĐ mới với công việc kiểm ngân, làm việc ở phòng tiền tệ kho quỹ. Tiếp đó, ngày 27-9-2010, Chi nhánh 6 buộc chị ký vào phụ lục HĐLĐ làm nhân viên tạp vụ với công việc là trông giữ ô tô của Chi nhánh 6, xe máy của cán bộ- nhân viên và bảo vệ tài sản của cơ quan tại nhà để xe…
Do bị điều chuyển làm công việc trái nghề với mức lương rất thấp, chị Tuyết đã kiến nghị chi nhánh và ngân hàng cấp trên xem xét. Ngày 19-9-2011, chị Tuyết nhận được bảng phân công do Trưởng Phòng Tổ chức Hành chính Phan Tùng Sơn ký với nội dung: “Thôi nhiệm vụ kiểm tra, trông giữ ô tô của chi nhánh, xe máy của CB-CNV; thôi nhiệm vụ trông giữ và bảo vệ tài sản của cơ quan tại nhà để xe; hằng ngày có mặt tại nhà để xe cơ quan đúng giờ làm việc theo quy định, chấp hành đồng phục cơ quan, vắng mặt phải được phép của trưởng phòng…”.
Từ khi có thông báo này, ngày nào chị Tuyết cũng phải đến bãi giữ xe ngồi từ sáng đến chiều. Chị Tuyết bức xúc: “Tôi là người khuyết tật (yếu chân trái do sốt bại liệt từ nhỏ) nên đã cố gắng hết sức để có việc làm, tự nuôi thân. Thế nhưng, chi nhánh đã đối xử quá tệ, cố tình đẩy tôi vào đường cùng”. Làm việc với chúng tôi ngày 10-10, bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc và ông Phan Tùng Sơn thừa nhận việc điều chuyển chị Tuyết không hề có sự thỏa thuận và hứa “sẽ xem xét” lại.
Luật sư Nguyễn Thị Anh Đào, Trưởng Văn phòng Luật sư Công đoàn:
Vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động
Cho lao động nữ nghỉ việc với lý do nghỉ đi khám bệnh không thông báo là không đúng, điều chuyển lao động nữ khuyết tật làm việc khác trái nghề, với mức lương thấp mà không có sự thỏa thuận là vi phạm pháp luật lao động nghiêm trọng. Trong các trường hợp trên, người lao động có quyền yêu cầu cơ quan lao động quận, huyện giải quyết hoặc làm thủ tục kiện ra tòa.
Nguồn: Người Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét