Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Hồng Nhung: Dân chủ không khi nào là một sản phẩm xin cho có sẵn



            

Dân chủ thực tế là một tập hợp những tư tưởng và nguyên tắc về tự do và cũng bao gồm một tập hợp các thông lệ và các thủ tục đã được đúc kết lại từ quá trình lâu dài, thường không bằng phẳng, của lịch sử. Một cách ngắn gọn, dân chủ là sự thể chế hóa tự do. Trên cơ sở này chúng ta có thể định rõ được các nguyên tắc cơ bản đã được thử thách qua thời gian đối với một chính phủ lập hiến, vấn đề nhân quyền, vấn đề bình đẳng trước pháp luật mà bất cứ một xã hội nào được gọi là dân chủ theo đúng nghĩa của nó cũng cần phải có.


Các thể chế dân chủ được phân ra hai loại cơ bản: trực tiếp và đại diện. Trong nền dân chủ trực tiếp, mọi công dân, không cần thông qua trung gian là các đại diện được bầu hay chỉ định, có thể tham gia vào quá trình đưa ra các quyết định cho các vấn đề xã hội. Một hệ thống như thế rõ ràng chỉ có thể thực hiện được với một số tương đối ít người, ví dụ như trong một tổ chức cộng đồng hay một hội đồng bộ lạc nào đó hay một đơn vị cấp cơ sở của một liên đoàn lao động, khi mà các thành viên có thể gặp gỡ nhau trong một phòng họp để bàn bạc, thảo luận các vấn đề và đi tới quyết định bằng sự đồng thuận hoặc theo nguyên tắc biểu quyết theo đa số. Những người Aten cổ đại, những người lập ra thể chế dân chủ đầu tiên, đã thực hiện kiểu dân chủ trực tiếp với một hội đồng bao gồm số lượng thành viên từ 5.000 đến 6.000 người- có thể đây là số lượng tối đa để có thể tập hợp được ở một địa điểm và thực hiện sự dân chủ trực tiếp.

Xã hội hiện đại, với quy mô và tính phức tạp của nó, ít có cơ hội cho dân chủ trực tiếp.

Hình thức dân chủ phổ biến nhất là hình thức dân chủ đại diện trong đó công dân bầu ra các công chức là những người đưa ra các quyết định chính trị, xây dựng pháp luật và quản lý các chương trình vì lợi ích công cộng. Nhân danh nhân dân, các công chức đó phải cân nhắc kỹ càng các vấn đề công cộng phức tạp theo một quá trình có tính hệ thống và chu đáo, quá trình này đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và sức lực mà thường không thể thực hiện được đối với một số đông các công dân đơn lẻ.

Có nhiều cách rất khác nhau để bầu ra các vị công chức. Ví dụ, ở cấp quốc gia, các nhà lập pháp có thể được chọn lựa từ các khu vực bầu cử mà mỗi khu vực bầu cử bầu một đại diện ứng cử duy nhất. Theo một cách khác gọi là hệ thống đại diện theo tỷ lệ, mỗi đảng chính trị được đại diện trong cơ quan lập pháp theo tỷ lệ đạt được trong tổng bầu cử quốc gia. Bầu cử tại tỉnh hay địa phương cũng có thể theo cách bầu cử quốc gia hoặc bằng cách nhẹ nhàng hơn thông qua sự đồng thuận của các nhóm thay cho bầu cử. Dù được bầu theo cách nào thì các vị công chức trong nền dân chủ đại diện cũng phải hoạt động và làm việc nhân danh nhân dân và luôn phải chịu trách nhiệm cho các hành động của họ trước nhân dân.

Việc thực hiện DÂN CHỦ GIÁN TIẾP tạo ra một Chính phủ được thành lập bởi nhân dân trong đó quyền lực tối cao được trao cho nhân dân và được thực hiện bởi nhân dân hoặc bởi các đại diện được bầu ra từ một hệ thống bầu cử tự do.

Việc tạo ra một Chính phủ là chưa đủ để đảm bảo quyền làm chủ của người dân .Các nền dân chủ là các hệ thống trong đó mọi công dân được tự do đưa ra các quyết định chính trị theo nguyên tắc đa số. Nhưng nguyên tắc đa số cũng chưa phải là dân chủ: ví dụ, không ai có thể gọi một hệ thống là công bằng hoặc bình đẳng nếu hệ thống đó chấp nhận cho 51% dân số đàn áp 49% dân số còn lại với nhân danh đa số cả. Trong một xã hội dân chủ, nguyên tắc đa số phải được ràng buộc với sự đảm bảo cho các quyền con người của cá nhân, các quyền này, đến lượt nó, lại đóng vai trò bảo vệ quyền lợi cho các nhóm thiểu số dù đó là dân tộc ít người, nhóm tôn giáo hay chính trị hoặc chỉ đơn giản là những người thua cuộc trong tranh luận về một vấn đề lập pháp nào đó. Các quyền của thiểu số không phụ thuộc vào ý nguyện của bên đa số và cũng không thể bị loại bỏ bởi biểu quyết đa số. Các quyền lợi của thiểu số được bảo vệ bởi vì các luật và định chế dân chủ bảo vệ quyền lợi cho mọi công dân. Diane Ravitch, một học giả, tác giả và là cựu Trợ lý Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ đã viết trong một bản tham luận cho hội thảo giáo dục tại Ba Lan: “khi một thể chế dân chủ kiểu đại diện hoạt động đúng theo hiến pháp mà hiến pháp đó có quy định giới hạn cho quyền lực của chính phủ đồng thời đảm bảo các quyền cơ bản cho mọi công dân, thì chính phủ đó được gọi là nền dân chủ lập hiến. Trong một xã hội như thế, các nguyên tắc đa số và các quyền thiểu số được bảo vệ bởi luật và thông qua sự thể chế hóa các điều luật”.

Dân chủ không chỉ là một tập hợp các quy định của hiến pháp và các thủ tục để xác định cách thức hoạt động cho chính phủ. Trong một thể chế dân chủ, chính phủ chỉ là một thành phần cùng tồn tại trong một kết cấu xã hội bao gồm rất nhiều các định chế khác nhau, các đảng chính trị, các tổ chức và các hiệp hội. Tính chất đa dạng này được gọi là đa nguyên và thể chế dân chủ đó quy định sự tồn tại, tính pháp lý hay quyền lực của các tổ chức và các định chế khác trong một xã hội dân chủ không phụ thuộc vào chính phủ.
Trong một xã hội dân chủ luôn có hàng ngàn các tổ chức tư nhân hoạt động ở cấp địa phương hay quốc gia. Rất nhiều trong số các tổ chức đó đóng vai trò trung gian giữa các cá nhân và các định chế của chính phủ hay các tổ chức xã hội phức tạp khác mà họ cũng là một thành phần, hoặc thực hiện các vai trò, nhiệm vụ mà chính phủ không được giao và tạo cơ hội cho các cá nhân thực hiện quyền và trách nhiệm của mình với tư cách là công dân của một thể chế dân chủ.

Các nhóm này thể hiện quyền lợi của thành viên của họ theo rất nhiều cách: ủng hộ các ứng cử viên vào các vị trí trong các cơ quan công quyền, tranh luận các vấn đề và cố gắng tạo ảnh hưởng lên các quyết định chính trị. Chỉ thông qua các nhóm như thế, các cá nhân mới có được con đường để tham gia một cách có ý nghĩa vào cả chính phủ và các cộng đồng của chính họ. Có rất nhiều ví dụ cho các nhóm như thế: các tổ chức nhân đạo và nhà thờ, các nhóm môi trường và thân hữu, các hiệp hội kinh doanh và các liên đoàn lao động.

Trong một xã hội chuyên quyền, các tổ chức như thế bị kiểm soát, phải có giấy phép hoạt động và bị theo dõi hoặc phải báo cáo với chính phủ. Trong một thể chế dân chủ, quyền lực của chính phủ được xác định rõ ràng và bị giới hạn chặt chẽ bởi luật. Kết quả là các tổ chức tư nhân như thế được tự do, không bị chính phủ kiểm soát; mà ngược lại, rất nhiều các tổ chức đó vận động chính phủ và tìm cách nâng cao trách nhiệm của chính phủ đối với các hành động của chính phủ. Một số tổ chức khác quan tâm tới các vấn đề nghệ thuật, thực hiện đức tin tôn giáo, nghiên cứu học thuật hoặc các vấn đề khác có thể tiếp xúc ít hay hoàn toàn không tiếp xúc với chính phủ.

Trong một xã hội dân chủ có nhiều nhóm khác nhau, các công dân đều có thể khai thác mọi khả năng tự do và trách nhiệm đối với vấn đề tự quản lý mà không bị sức ép của bất kỳ bàn tay quyền lực nào của nhà nước. (Tham khảo DÂN CHỦ LÀ GÌ -Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 9/1998)

Như vậy ,tạo ra một Hiến pháp nhằm đảm bảo cho Dân chủ được hình thành và phát triển theo những nguyên lý trên là mục đích căn bản mà trí tuệ của Dân tộc Việt phải hướng tới .Dân chủ không khi nào là một sản phẩm xin cho có sẵn mà luôn là kết quả của một quá trình phát triển như cái cây cần chăm sóc để nó ngày một lớn lên vậy .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét