Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013
Trồng cây ngược
Vũ Thị Phương Anh
Trồng cây ngược là thế nào nhỉ, làm sao mà trồng được? Đương nhiên là thế, trên đời này làm gì có ai trồng cây ngược bao giờ!
Thế tại sao lại viết cái tựa của entry này như thế? À, từ từ rồi tôi sẽ giải thích.
Số là lúc này nước ta đang trong thời gian lấy ý kiến góp ý sửa đổi HP, nên báo chí, truyền thông, mạng lề trái lề phải có nhiều dư luận ồn ào quá.
Ban đầu khi nghe chủ trương này tôi cũng quan tâm lắm, lúc ấy còn trước Tết. Có ít thời gian nghỉ Tết, tôi cũng vào trang của Quốc hội, nơi có đăng 2 bản HP cũ và (dự thảo) mới, đọc kỹ, so từng chữ rồi nhận xét sự khác biệt. Nói chung, có nhiều thay đổi nho nhỏ về câu chữ, dường như có vẻ nhấn mạnh (về mặt ngôn ngữ) hơn về “dân chủ”, trao thêm quyền (trên câu chữ) kiểm soát, giám sát cho người dân vv. Vài ví dụ dưới đây:
Điều 1: Thêm từ “dân chủ”
Bản cũ:
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời.
Bản mới:
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, dân chủ, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
Điều 3: Bỏ bớt một số từ rườm rà, đổi vị trí của “dân chủ” ra trước “công bằng”, bỏ đoạn “nghiêm trị …”.
Bản cũ:
Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân.
Bản mới:
Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Điều 4: Nhiều thay đổi nhỏ, đặc biệt có thêm ý: Đảng (đồng thời) là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc VN, gắn bó mật thiết và phục vụ dân, được dân giám sát và chịu trách nhiệm trước dân về những quyết định của mình; đảng viên (trước đây chỉ nêu tổ chức đảng) hoạt động trong khuôn khổ HP và pháp luật.
Bản cũ:
Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Bản mới:
Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thực ra, tôi cũng chỉ mới so sánh được đến đây (tức so đến Điều 4, điều mà nhiều người quan tâm nhất từ cả 2 phía, phía Đảng và phía dân), rồi ngưng lại. Lý do: ông xã tôi (một người có bằng đại học Luật từ thời bắt đầu mở cửa vào thập niên 1990 của thế kỷ trước, khi vẫn chưa có ĐH Luật mà chỉ có ĐH Pháp lý, và khi ấy trường ĐH Tổng hợp được phép mở Khoa Luật, có đào tạo hệ mở rộng; ông xã tôi còn học chung một khóa với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hiện nay nữa cơ đấy, nhưng chắc chắn là Chủ tịch nước sẽ chẳng bao giờ nhớ cả) – ông ấy bảo rằng em đừng đọc và so sánh làm gì, chỉ mất thì giờ. Vì nếu muốn góp ý hoặc nhận xét gì đấy thì trước hết phải hiểu mục đích của việc góp ý là gì đã. Mà trên hết, thực ra VN sửa đổi Hiến pháp để làm gì thế?
Giáo dân ký vào bản Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp 1992
Ông ấy hỏi làm tôi cũng thắc mắc. Ừ nhỉ, thực ra chúng ta sửa đổi HP để làm gì thế? Hình như tôi nghe thấy lời giải thích ở đâu đó rằng HP của chúng ta cũng đã lâu rồi, nay cần sửa đổi để phù hợp với tình hình mới. Nhưng tình hình mới ấy có những đặc điểm gì khiến ta cần sửa đổi? Có phải là hiện nay chúng ta đã hội nhập sâu rộng, chơi với nhiều nước và tham gia nhiều công ước quốc tế, nên giờ đây muốn thay đổi theo hướng mở rộng quyền tự do, dân chủ, quyền con người, và thay đổi cách tổ chức bộ máy nhà nước và quan hệ giữa nhà nước với nhân dân để bảo đảm tốt hơn những quyền tự do, dân chủ và quyền con người, như những sửa đổi nho nhỏ về câu chữ từ đoạn mở đầu đến hết Điều 4 mà tôi đã đọc được hay không?
Tôi nghĩ thế (tưởng thế), và nhiều người khác cũng nghĩ thế (tưởng thế).
Thế là người ta ùn ùn góp ý; người ta bảo rằng nếu cứ thế này, thế này thì chưa dân chủ; nếu cứ thế kia, thế kia thì làm sao có tự do; nếu tiếp tục thế nọ, thế nọ thì quyền con người (ví dụ quyền sở hữu ruộng đất) chưa được bảo đảm vv. Ừ thì người dân mà, bao giờ họ chẳng muốn quyền lợi của họ (nhìn từ chính góc nhìn của họ) được đảm bảo cao nhất. Thực ra trước nay những quyền ấy của người dân chưa cao thì họ vẫn sống ấy mà, có làm sao đâu (chỉ có dân thì nghèo nghèo một tí, nước thì lạc hậu và chậm tiến một tí, nhà cầm quyền thì có tham nhũng một tí … thôi mà, có gì đâu mà rộn). Nhưng nay đang xây dựng dự thảo HP mới, lại đang lấy ý kiến góp ý của mọi người, thì mọi người cứ phải góp ý theo đúng những gì họ muốn chứ sao! Tất nhiên muốn là một việc, còn có được hay không thì lại là chuyện khác.
Ấy vậy mà gần đây tôi thấy có một số động thái là lạ của báo chí, truyền thông chính thức. Liên tục có những bài viết, những phóng sự truyền hình, phỏng vấn cá nhân vv tới tấp đưa ra để bảo vệ những quan điểm đã được đưa ra trong dự thảo HP, và có vẻ răn dạy, đe nẹt, chụp mũ vv những quan điểm khác biệt với bản dự thảo chính thức. Lạ quá đi mất.
Nhưng rồi nghĩ lại, tôi thấy thực ra điều này cũng chẳng có gì lạ, vì nó vẫn giống cung cách từ xưa đến giờ tại VN mà thôi, cả trong quan hệ cá nhân, trong gia đình, trong cơ quan, và cả trên chính trường nữa: Bảo là góp ý, nhưng chỉ được đồng ý với những gì đã đưa ra thôi nhé. Còn nói khác đi, hoặc thậm chí lại còn nói ngược lại nữa chứ, hừ hừ, thật là thiếu tế nhị, là không biết xã giao, là ứng xử kém, thậm chí còn là vô đạo đức nữa ấy chứ!
Nhưng mà nếu như thế, thì đưa ra góp ý để làm gì nhỉ? Tôi cứ tưởng lấy ý kiến góp ý, có nghĩa là sợ rằng một mình mình suy nghĩ và quyết định sẽ không thấu đáo, nên phải đưa ra cho mọi người khác mình để xem thử xem còn cần thay đổi gì nữa hay chăng. Chứ nếu đã tự tin là đúng rồi, hoặc đúng sai thì cũng không quan trọng gì, thì đâu cần hỏi ai làm gì nữa?
Vì đã có quyền lực tuyệt đối trong tay thì dường như người ta chỉ cần sự tuân phục (nói theo ngôn ngữ của một người đồng nghiệp của tôi mà là Đảng viên là “tính chấp hành” ấy). Giống hệt như ông nội của tôi, một người tôi rất yêu, nhưng đồng thời tôi cũng rất sợ ông vì ông rất nghiêm và đòi hỏi sự vâng lời tuyệt đối của con cháu.
Một lần nọ, ông đã có lần mắng con cháu khi không nghe lời ông về một chuyện gì đấy, và người bị mắng bèn phân trần, “lý luận” đúng – sai với ông. Ông nghe xong, chỉ phán:
- Người trên bảo trồng cây ngược cũng phải trồng!
Nghe chửa? Sợ chưa? Và từ đấy mọi người im lặng hết, chỉ làm đúng những điều ông đòi hỏi mà thôi, còn đúng sai thì cũng mặc.
Vâng, tôi nghĩ đến cụm từ “trồng cây ngược” là như thế đấy các bạn ạ.
Vũ Thị Phương Anh
07-03-2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét