Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN

Võ Hưng Thanh

                            

Nhân dân là khái niệm nói chung hay tập hợp mọi con người cụ thể đang có mặt trên một lãnh thổ đất nước nào đó. Nhưng nhân dân không bao giờ là một khối hổn loạn mà phải tuân thủ theo một chính quyền nhất định. Nhiệm vụ hay công năng của chính quyền là bộ máy nhân sự giữ gìn trật tự trị an xã hội
trong mọi phương diện, đặc biệt trong sinh hoạt xã hội, hoạt động hành chánh và kinh tế tài chánh bao quát nói chung. Ý nghĩa của xã hội như vậy hoàn toàn là ý nghĩa dân sự. Có nghĩa chỉ khi guồng máy chính quyền trở nên guồng máy độc tài hoặc là guồng máy chiến tranh, khi đó xã hội dân sự mới bị biến dạng thành hệ thống tổ chức chuyên phục vụ mục đích độc tài hay chiến tranh.


Cũng trong ý nghĩa xã hội dân sự như thế, thời cổ đại trong lòng chế độ quân vương, phong kiến, tuy dưới các triều đại vua chúa, xã hội dân sự phần nhiều vẫn luôn được tôn trọng. Đó là ý nghĩa của câu nói trứ danh của nhà tư tưởng chính trị Mạnh tử “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Có nghĩa dân phải được chú trọng trước nhất, thứ đến sơn hà xã tắc, cuối cùng mới đến quân vương là nhà vua.

Đây là quan điểm mang ý nghĩa thật sự dân chủ hiểu theo nội hàm của nó, mang ý nghĩa nhân văn thực tiển, vì con người còn quý hơn cả vật thể (non nước), còn chính quyền (quyền lực nhà vua) chỉ là thứ yếu.

Ý nghĩa xã hội dân sự như vậy vẫn là ý nghĩa nhân văn tự nhiên trong đời sống nhân loại khách quan, thực tế, không phân biệt ở đâu hay bất cứ thời nào, ý nghĩa thế nào.

Thế nhưng từ khi có những xã hội độc tài phát xít hay cộng sản, ý nghĩa xã hội dân sự hầu như bị triệt tiêu, biến dạng, xuống cấp thậm chí trở thành hạ cấp. Bởi nhà độc tài như Hitler, Moussolini tổ chức xã hội thành hệ thống chặt chẽ, kiểm soát chặt chẽ mọi người dân, làm thành công cụ cho chế độ phát xít, phục vụ mục tiêu xã hội phát xít theo lý thuyết chủng tộc, tinh thần quốc gia cực đoan, ích kỷ, phân biệt chủng tộc.

Trong xã hội cộng sản cũng thế. Mác đưa ra học thuyết đấu tranh giai cấp, đưa ra ý niệm giai cấp vô sản, đưa ra ý nghĩa mục tiêu xây dựng xã hội cộng sản trong tương lai, do đó xã hội dân sự bình thường cũng không còn, mà xã hội được tổ chức chặt chẽ thành mọi thứ đoàn thể khác nhau tựu trung là lập thành hệ thống kiểm tra duy nhất, do một đảng duy nhất nắm quyền, được mệnh danh là đảng của giai cấp vô sản, giai cấp công nhân, tức là đảng Cộng sản. Sự thủ tiêu xã hội dân sự về mặt lý thuyết cũng như về mặt thực tế xã hội dưới các chế độ phát xít và cộng sản là như thế. Nó tạo nên một nền kinh tế, hành chánh chỉ huy, mọi cá nhân trong xã hội đều phải răm rắp tuân theo sự chỉ huy của một đầu não hay một nhóm người duy nhất. Mọi sự bầu phiếu dân chủ tự do thật sự đều hoàn toàn không có.

Do đó chỉ có nghĩa xã hội kinh tế thị trường khách quan, tự nhiên, truyền thống, với quan điểm xã hội dân chủ, tự do đúng nghĩa đúng đắn thật sự, khi đó xã hội dân sự mới mang tính cách thường xuyên, mà không phải loại xã hội “cách mạng” kiểu vô sản hay là kiểu độc tài phát xít.

Ngày nay với sự đi lên nhiều mặt của nhân loại, học thuyết Mác đã cho thấy có quá nhiều mặt bất cập, phản khoa học, phản tự nhiên, ảo tưởng, do đó thực tế hầu như nhân loại đã không còn quan tâm đến nữa. Ngay cả những nước cộng sản trước đây cũng hoàn toàn không còn, và chỉ còn sót lại một số nước ít ỏi chỉ còn giữ lại cái vỏ cộng sản ngoài hình thức và trong cơ cấu hành chánh hay quyền hành, nhưng nền kinh tế cũng chuyển qua kinh tế thị trường từ lâu và đang từng bước tiến vào hội nhập quốc tế trong mọi mặt.

Thế nhưng xã hội dân sự ở những nước như thế hãy còn nghèo nàn, ọp ẹp, không đúng khách quan tự nhiên của nó, vì xã hội vẫn còn tổ chức theo kiểu máy móc chặt chẽ, toàn diện, gọi là chế độ toàn trị, chỉ do một chính đảng lãnh đạo hay cầm quyền duy nhất, các nguyên tắc tự do dân chủ và đầu phiếu phổ thông thực chất chỉ là hình thức và không mấy được đặt nặng.

Nên tóm lại ý nghĩa xã hội dân sự khách quan trong thực chất có hay không, đúng nghĩa hay không chỉ là do mối quan hệ đúng đắn giữa chính quyền và nhân dân hay toàn dân đối với guồng máy quản lý xã hội.

Xã hội dân sự chỉ có nghĩa thực chất khi phù hợp với quyền bầu phiếu xây dựng chính quyền chính đáng của người dân. Xã hội dân sự sẽ hoàn toàn không có khi người dân không có quyền bầu phiếu lập ra chính quyền của họ thật sự mà chính quyền đã do đâu có sẳn và úp lên đầu họ. Xã hội dân sự nói khác đi là xã hội chính trị tự do dân chủ khách quan thật sự. Xã hội phi dân sự là xã hội bị lãnh đạo theo một ý thức hệ nào đó mà không phải do chính nhân dân tự lựa chọn hay chấp nhận. Đó được gọi là xã hội cách mạng, xã hội ý thức hệ, kiểu phát xít hay kiểu lý thuyết cách mạng vô sản không tưởng cũng hoàn toàn có cùng ý nghĩa y như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét