Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Câu chuyện của đề thi tốt nghiệp môn văn năm 2013`

Vũ Quan
                
           Nghệ An: Cứu 4 em nhỏ, một nam sinh bị chết

Cái quý nhất là đời sống. Cơ hội được làm người cũng giống như con rùa mù bơi qua biển vũ trụ mong` bám được khúc gỗ trôi (Lời đức Phật).

Thông tin về tấm gương của em Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7, trường trung học phổ thông Đô Lương 1 http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cuu-4-em-nho-mot-nam-sinh-chet-duoi-20130503103313274.htm ) xả thân cứu được 5 em học sinh đã làm cho bao nhiêu người xúc động. Hành động dũng cảm của em như một ngọn lửa thổi lên niềm tin vào lòng tốt ở trển đời. Hy sinh vì người khác – đức Phật gọi đó là tấm lòng Bồ Tát.


Câu chuyện của em, như một cổ tích thời hiện đại. Chắc hẳn, khi hành động như vậy, em cũng không thể hình dung được kết thúc như vậy.

Và rồi, cộng đồng mạng lại xôn xao khi tấm gương của em đã được bộ GD đưa vào nội dung chính thức của đề thi tốt nghiệp môn văn 2013, phần nghị luận.

Đến đây, tôi không khỏi ái ngại cho một tư duy giáo dục – dẫn dắt cho cả một tương lai của đất nước. Đức Phật nói “Cái quý nhất là đời sống. Cơ hội được làm người cũng giống như con rùa mù bơi qua biển vũ trụ mong bám được khúc gỗ trôi”. Việc của em Nam xả thân cứu người là một điều quá cao cả, nhưng chắc hẳn em và mọi người không ai mong có một cái kết cục như thế.

Khi đưa hành động của em vào đề văn kia, chắc hẳn có rất nhiều ý kiến khác nhau. Và khi Bộ đề nghị không chấm điểm khi phần bài văn ấy mang nội dung tiêu cực. Thế nào là “tiêu cực”- là phản đối hành động của bạn Nam là thiếu suy nghĩ hay bồng bột hoặc không đồng tình với hành động xả thân của bạn??? Tôi đoán vậy. Và tất nhiên, những bài văn ca ngợi tấm gương của bạn Nam là tích cực – sẽ được tính điểm.

Tôi không biết, phía người ra đề Văn nghĩ gì, nhưng tôi thử đặt mình vào hoàn cảnh của Nam và gia đình em. Con cái là tình yêu của bố mẹ, là sự tiếp nối của một đời người. Dù báo chí ca ngợi, dù Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen, dù được đề nghị trở thành tấm gương cho bạn trẻ học tập (như thông tin trên báo chí) thì nỗi đau mất con cũng không thể nào khỏa lấp được. Khi những ồn ào của dư luận đã lắng xuống, khi thời gian trôi qua,và khi nhìn vào sự trưởng thành của các bạn cùng trang lứa với Nam, chắc hẳn nỗi đau ấy không thể liền sẹo.

Và nếu không có biến cố kia, có thể Nam cũng đang cùng với các bạn hăm hở cho một kì thi, với đầy âu lo, háo hức. Và trong thẳm sâu suy nghĩ (nếu em còn sống) hẳn cũng có một ước mơ, một dự định cho một tương lai đang chờ phía trước. Tuổi trẻ, ngưỡng cửa vào đời chắc hẳn được những người trẻ như em đang xây nên những hoài bão, những ước mơ.

Việc làm của em, là một tấm gương hy sinh quá lớn. Nhưng khi đưa vào đề Văn như vậy, tôi nghĩ rằng người ra đề đã ép tư duy cho một thế hệ trẻ. Tôi không ủng hộ việc một người phải hy sinh vì người khác. Giá như, có cách nào toàn vẹn – vừa cứu được mình, vừa cứu được người – đó mới là điều chúng ta cần phải suy ngẫm.

Đừng ép cả một thế hệ trẻ phải nghĩ rằng hy sinh vì người khác mới là đúng, mới là hành động đáng khen. Lối tư duy cực đoan đó sẽ dẫn con người ta đến những hành động mù quáng. Chúng ta đã có quá nhiều tấm gương hy sinh vì người khác rồi. Đừng lấy những điều đó làm kim chỉ nam cho giáo dục nữa.

Chắc hẳn, ngày bé ai cũng được học những tấm gương hy sinh như bạn Nguyễn Bá Ngọc ở Thanh Hóa, anh Kim Đồng, rồi anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Rồi gần đây (năm 1998), có tấm gương em Bùi Thu Nội ở Tiên Lãng Hải Phòng xả thân cứu 4 em nhỏ khỏi chết đuối,…. bao nhiêu tấm gương kiểu như thế. Tại sao, chúng ta không ý thức được rằng, sự sống là quý nhất và giữ được sự sống là điều khó khăn nhất. Liệu chúng ta có cách nào để bảo toàn được sự sống – tôn trọng sự sống và yêu thương chính bản thân mình.

Người biết yêu thương, tôn trọng sự sống của mình – thì sẽ yêu thương tôn trọng sự sống của mọi người xung quanh, và sẽ có cách hành xử thông minh để được mọi người yêu thương và tôn trọng, để được mọi việc vẹn toàn. Việc chúng ta lấy cái chết ra làm tấm gương – nhìn sâu vào đó thì cũng giống như hành động “tử vì đạo”- liệu có nên không?

Trong suốt một thời gian dài, phải nói là rất dài – nền giáo dục, văn học của chúng ta lấy việc hy sinh vì người khác là một điều đáng ca ngợi, đáng tự hào. Chúng ta chỉ nhìn thấy mặt lấp lánh của thông tin, mà không thấy đằng sau đó – sự sống cần được tôn trọng như thế nào.

Có thể, vì chúng ta đã trải qua chiến tranh quá dài, quá đau thương mất mát. Nên dường như, việc sống và chết là một điều gì đó rất “thường”.... Nhưng khi thời gian đã qua, khi thời gian đã đủ dài để chúng ta nhìn vào sự việc đúng như nó có, thì liệu có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau mất đi một người thân yêu của mình không?

Việc của em Nam đã qua, hãy coi như đó là một ngôi sao lấp lánh trên bầu trời kia – mà chúng ta chỉ có thể nhìn ngắm được mà không thể với tới. Hãy để em được yên nghỉ bình an, đừng bắt em trở thành tấm gương – để cho ai đó noi theo và học tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét