Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Tâm sự cùng các anh bạn già – Chống Độc Tài hay chống gì đây?

Hoàng Ngọc Diệp

                

Trước giờ, toàn viết những lời tâm sự cho các bạn trẻ, từ những tư duy nhỏ bé riêng biệt như lòng lương thiện, sự tử tế, tri thức… cho đến những nhận thức lớn hơn chẳng hạn như các cách phân biệt về cá thể và hệ thống, những sự mục rữa trong xã hội xuất phát từ đâu… nhưng chẳng bao giờ tâm sự với các anh bạn già!

Với một số sự kiện có vẻ rất lớn vừa và đang xảy ra xuất phát từ vài anh bạn già, còn già hơn tôi nhiều, rồi những hưởng ứng, những phản biện xung quanh các sự kiện này, trong đó có tôi cũng tham gia phản biện như để cảnh tỉnh, nhưng có vẻ chẳng tới đâu, vì vậy, tôi thiết nghĩ, lâu lâu mình cũng nên viết một bài tâm sự với các anh bạn già liên quan đến các sự kiện này.

Vừa hy vọng như là một lời tâm sự để họ thức dậy, vừa cũng mong là một lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ vậy… vì cuối cùng mình đâu làm những chuyện “rỗi hơi” này cho những người già, nhất là những người già như cỡ tôi trở lên để làm chi… 

Bài tâm sự này rất ngắn gọn, tôi chia làm 3 phần nhỏ chính: Chống hay thay đổi? Chống hay thay đổi những gì và bằng những cách nào? Và cho ai vậy?


Chống hay Thay Đổi?

Trong một xã hội đầy rác, từ rác tinh thần đến rác vật chất, đầy oan khiên, từ oan khiên vì tư duy độc lập bị chụp mũ là “phản động” đến oan khiên vì bị chiếm cướp tài sản bởi lợi ích riêng của những tầng lớp quyền thế… trong một xã hội mà giáo dục, y tế, khoa học, v.v… đều mất mọi định hướng, thì nhất định cần phải Thay Đổi, cho dù sự thay đổi này là từ trong gốc rễ và nội bộ của hệ thống cầm quyền hay từ sự phản kháng của nhân dân, nhưng bắt buộc thay đổi… chuyện này là rõ.

Khi sự Thay Đổi trở thành cần thiết để xã hội sống còn và phát triển, mà khi đó nếu hệ thống cầm quyền không chịu thay đổi, cho dù cố tình tuyên truyền một cách giả dối là đang “cố gắng” thay đổi cho tốt hơn, thì sự phản kháng từ bên trong hệ thống và nhất là từ người dân – như những thành phần trực tiếp gánh chịu hậu quả của một hệ thống cầm quyền thối nát – trở thành Chống đối… chuyện này cũng là rõ.

Sự chống đối để thay đổi này có thể chia thành những thái độ và quan điểm chống đối khác nhau dựa trên những “động lực” và quan điểm về “thay đổi” và “chống đối” khác nhau. Tôi tạm chia thành 3 phần chính như sau:


1. Nếu “động lực” là sự trả thù cho thỏa lòng thù hận, thì việc chống đối chỉ dừng ở chỗ phá tan sức mạnh của hệ thống quyền lực. Với trường hợp này thì “chống” là chính mà “thay đổi” là chuyện tính sau.

2. Nếu “động lực” là chán ngán sự tệ hại của hệ thống quyền lực, thì chống đối sẽ dừng ở chỗ tìm cách dừng cái gốc rễ tệ hại của hệ thống này và những gì tiếp theo sẽ tính sau. Với trường hợp này “chống” và “thay đổi” cái mà họ cho là gốc rễ cần phải thay là chính, còn chuyện “thay đổi” lâu dài cho xã hội là chuyện tính sau.

3. Nhưng nếu “động lực” là để tái xây dựng một xã hội cho tốt đẹp thì sự chống đối sẽ lại là một sự thay đổi có định hướng, có phương pháp, có lộ trình lâu dài và hợp lý. Với trường hợp này “chống” là phải có những chỉ là phụ, mà kiềm chế những tang thương có thể xảy ra cho xã hội là chính và áp dụng một lộ trình tái xây dựng xã hội là chính nhất.

Đến đây, thì chúng ta có thể bắt đầu thấy rõ hơn rằng tuy cũng là “chống” nhưng mỗi loại “chống”có khác nhau tự trong bản chất, và “thay đổi” lại trở thành một phạm trù quan trọng hơn.


Chống hay Thay Đổi những gì đây và bằng những cách nào?

Trước tiên, như phần trên, mọi nhu cầu thay đổi xã hội dẫn tới chống đối hệ thống quyền lực là vì sự hư hỏng và tệ hại của hệ thống quyền lực đó.

Cho đến nay, ai cũng biết rằng “độc tài” là môi trường cho sự tự tung tự tác của một hệ thống quyền lực duy nhất và ai cũng thấy ngay được rằng thay đổi môi trường “độc tài” thành môi trường đa nguyên là việc vô cùng hệ trọng… chuyện này đã rất rõ.

Nhưng từ đâu sinh ra loại môi trường “độc tài” này? Tất nhiên là vì một đảng phái phải đi tiêu diệt các đảng phái khác để thành sức mạnh duy nhất, và tất nhiên đảng phái này tự đặt mình vào vị thế tối thượng của dân tộc để sửa đổi hay thành lập hiến pháp cũng như mọi cơ chế của hệ thống cầm quyền để họ thành một sức mạnh bất biến, và tất nhiên, họ phải tạo ra một hệ thống nhân sự của đảng phái họ nắm mọi quyền lực từ trên xuống (mà mình thường gọi là “cơ cấu nhân sự”) nhằm đảm bảo không có bất kỳ cơ hội nào cho những người bất đồng hính kiến có thể vùng lên cả.

Làm sao họ thực hiện được như vậy? Nếu ở mức dễ thấy thì họ sử dụng sức mạnh vũ trang để đàn áp, ở mức khó thấy hơn chút thì họ đưa ra những lập luận kiểu “tổ quốc giao phó”, “từ dân, vì dân, cho dân”… và tất nhiên, quyền lợi của những thành viên của đảng sẽ vô cùng khác biệt so với người dân vừa để tạo sự trung thành, vừa để bù đắp cho sự “hy sinh” vào đảng của họ. Mọi hoạt động, mọi hình thức họ sử dụng đều là những phương pháp thiếu lương thiện, thiếu trung thực và tất nhiên phản công bình của xã hội loài người, từ đó mọi tệ nạn của xã hội phải thành hình và xuất hiện.

Vậy thì “chống” độc tài là chống điều gì? Không lẽ chống một môi trường của một nhóm người tự tung tự tác? Vì không ai đi chống một “môi trường” cả. Điều này dẫn tới việc nhận ra là chống cái đảng tạo ra cái môi trường này, đúng không?

Vậy thì chống cái đảng này là chống thứ gì và chống như thế nào? Thì rõ ràng là chống lại sự đàn áp tàn ác của họ, chống sự láo khoét bất lương của họ, và từ đó vạch rõ cách thức và hỗ trợ nhân dân cắt bỏ cho được những “môi trường” như là thành trì quyền lực để cái đảng này không còn sức mạnh nữa… điều này khá rõ.

Thế thì, liệu chống bằng những cách thức mềm dẻo và nhẹ nhàng như “đối trọng” và cùng hợp tác sẽ dẫn tới đâu và giá phải trả của việc “bỏ quên” những trò mèo bất lương của hệ thống độc quyền là gì?

Và nguy hơn nữa, khi áp dụng những phương pháp tuyên truyền chính trị bất lương mà chính hệ thống quyền lực này đã từng sử dụng để lường đảo nhân dân thì sẽ dẫn tới những hậu quả gì?

Liệu mang một danh xưng dựa trên một chủ thuyết mơ hồ để chống lại một hệ thống quyền lực cũng đang mang một danh xưng và chủ thuyết mơ hồ khác thì hậu quả sẽ mang đến xã hội mình là gì trong tương lai?

Và nhất là liệu đây có phải là “chống” để “thay đổi” như mong ước hay chỉ là “uyển chuyển hợp tác” để hy vọng có “thay đổi” gì đó theo kiểu “được chút nào hay chút đó”, mà lỡ như kết quả biến dạng như là một loại dân chủ trá hình thì ai chịu trách nhiệm đây? Hay lại tiếp tục trò mèo “rút kinh nghiệm” của bọn bất lương?

Nên nhớ, ngày xưa vì dựa theo một chủ thuyết mơ hồ để hô hào chiến đấu lấy lại dân chủ-độc lập-tự do cho xã hội đã là một bài học đau thương khủng khiếp của đất nước rồi, mà chính các anh đã là những người phạm phải, thế thì không lẽ mình cứ tự cho phép mình lập lại những phương thức mơ hồ, những chủ thuyết mơ hồ, “chống đối” mơ hồ và “thay đổi” mơ hồ nữa hay sao?

Nhưng thôi, đây là những câu hỏi mà ai cũng biết trước là sẽ có rất nhiều nhóm đưa ra nhữngl uận điểm phản đối cũng như ủng hộ mà sẽ không bao giờ chấm dứt được… vì tôi biết các anh tự tin lắm!

Thế thì mình phải nhìn tới một phạn trù khác để tìm thử cách giải quyết nhé… đó là, những việc mình làm là để cho ai?


Chống hay thay đổi cho ai vậy?

Với cái tuổi gần đất xa trời như các anh, hay ngay cả tuổi của tôi cũng đã già, thì rõ ràng mình có làm gì cho xã hội bây giờ cũng chỉ là để giúp cho các thế hệ trẻ hơn, thế hệ tuổi 40s, 30s, 20s, và những thế hệ trẻ hơn, và ngay cả những thế hệ chưa sinh ra… đây là chuyện rõ!

Chứ không lẽ mình giá rồi mà còn thích làm những cái chuyện cho xã hội để mình thỏa mãn nữa hay sao đây? Nếu già mà còn suy nghĩ ích kỷ như vậy thì có gì để mà tâm sự nữa, đúng không?
và…

Nếu anh em mình thành thật và can đảm xác nhận là mình đã có những quyết định quá sai lầm (nhất là đối với những anh em đã là những đảng viên CSVN kỳ cựu, có những vị trí cao cấp, những chức vụ quan trọng, nếu không sai lầm thì có gì mà để phải “chống” với “thay đổi”),

Nếu anh em mình can đảm hơn nữa để xác nhận với các lớp trẻ là mình có tội (nếu đã tham gia vào cái hệ thống cầm quyền, nhất là những người làm ở các cấp lãnh đạo nhiều năm, góp phần cho sự tàn ác, tham nhũng, đàn áp người dân mà tự cho rằng mình trong sáng thì loại này không đáng để tôi tâm sự nữa rồi vì họ chẳng còn chút lương thiện, tử tế trong lòng của họ rồi),

Thì có lẽ tốt nhất là mình nên tôn trọng các lớp trẻ, đừng tiếp tục nghĩ một cách sai lầm là mình “dìu dắt” các lớp trẻ nữa, vì mình đã chứng tỏ “dìu dắt” xã hội một cách quá sai trật trong bao nhiêu năm qua rồi!

Và nếu thật sự vì tương lai của các lớp trẻ, nếu mình tôn trọng họ, thì có lẽ tốt nhất là trao mọi quyền quyết định lại cho họ, nhất là những quyết định quan trọng đến tương lai của chính họ.

Mình chỉ nên trao đổi với họ về những hiểu biết, những nhận định, những lời khuyên, và nhất là những kinh nghiệm đắng cay, những kinh nghiệm bị lừa đảo, ngay cả những kinh nghiệm đi lừa đảo nhân dân, để cho họ sáng trí ra mà tránh vấp ngã như mình đã từng vấp ngã, tránh phạm tội như mình phạm tội.

Thú thật, nếu các anh không tin vào các thế hệ trẻ mà các anh cứ tự tiếp tục vẽ đường theo những kinh nghiệm, giới hạn và lối mòn tư duy của thế hệ già như mình thì làm sao mà đất nước mình có cơ hội thay đổi được đây?

Mong các anh suy nghĩ cho kỹ!

Nên nhớ, nếu các anh làm như tôi khuyên thì tôi tin rằng các thế hệ trẻ họ sẽ nhớ ơn các anh và sẽ bỏ qua những tội lỗi của các anh đã tác hại đến cả đất nước trong bao nhiêu năm qua.
Thật đó.

Lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ qua bài tâm sự này:

Như tinh thần của những tâm sự trên, chính các bạn sẽ phải tự tìm cho xã hội một con đường, chính các bạn sẽ phải thực hiện con đường các bạn chọn, và đó là cách duy nhất để tự quyết cho tương lai của mình và các thế hệ tiếp theo.

Những người già chúng tôi sẽ chỉ khuyên nhủ, khuyến khích, can ngăn, và trao đổi với các bạn dựa trên những kiến thức, những kinh nghiệm mà chúng tôi đã trải qua mà thôi.

Hãy đừng tin chúng tôi một cách mù quáng, vì cho tới giờ đại đa số chúng tôi đã sai, nhất là những người từng giữ những vị thế, những chức vụ đã có thể làm cho xã hội tốt đẹp mà trong thực tế ngược lại đã biến xã hội này thành một bãi rác khổng lồ để các bạn sẽ phải tự dọn dẹp.

Và nên nhớ, như để có những trái chín thật ngon ngọt bổ dưỡng, mình không thể gieo bằng hạt giống không phải là thứ tốt nhất, trồng trên đất bị ô nhiễm, chăm bón bằng phân bón trộn lẫn độc dược… tương tự, để xây dựng từ một xã hội như hiện nay trở thành một xã hội tốt đẹp, lương thiện, tử tế, công bằng, trí tuệ, thì không thể nào bắt đầu bằng cách hợp tác với sự bất lương, hợp tác với sự bất công, hợp tác với sự u mê và lạc hậu được.

Vậy nhé.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét