Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

LUẬN ANH HÙNG

Vũ Hộp Lân, Phóng viên thường trú nhân dân

                                   

                                            


Tướng Võ Nguyên Giáp qua đời 04/10/2013 thọ 103 tuổi, tức trước đây một hôm, nên cũng cần phải viết chút điều gì đó để luận anh hùng liên quan đến tướng Giáp và cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bởi vì thật sự nếu không có ông Hồ Chí Minh cũng chưa chắc đã có tướng Võ Nguyên Giáp. Điều này bất kỳ ai cũng có thể nhận ra. Vì trong mọi trường hợp xuất hiện trước công chúng, cho dù ở đâu, câu trước tiên ông Giáp nói là luôn đề cập, ca ngợi và nhớ ơn Bác Hồ. Đó gần như câu câu nói mào đầu không bao giờ thiếu của ông Giáp.

Nhưng câu hỏi ngược lại, nếu không có ông Giáp, liệu ông Hồ có thành công hay không. Điều này quả thật có thể mơ hồ. Bởi anh hùng nào phần lớn vẫn thường được người đời đo đạc bởi sự thành công của họ. Không thành công thì anh hùng dễ nào ai biết đến, đó chỉ là lẽ tự nhiên. Nên anh hùng vừa có tố chất riêng của họ, vừa có phận mạng của họ. 

Không thể phủ nhận cả hai hay ít nhất một trong hai yếu tố này. Ông Hồ và ông Giáp như được định mệnh buộc chặt với nhau cũng thế.

Hay mở rộng ra hơn, nếu không có chủ nghĩa cộng sản, liệu có ông Hồ không, đó cũng là câu hỏi thực tế mà cũng đầy thú vị. Cho nên ông Hồ, ông Giáp đều mang ý nghĩa vị trí cá nhân, nhưng cũng không phủ nhận tính lãnh đạo tập thể như là nguyên tắc chung của thể chế CS là như thế. Đó là ý nghĩa tại sao khi uy tín của ông Hồ đã lên tột đỉnh rồi, ý nghĩa của lãnh đạo tập thể đã trở nên lấn lướt và vào gần cuối đời, vai trò vị thế cá nhân của ông có phần nào lu mờ đi cũng chính vì thế. Tính cách của ông Giáp cũng vậy, càng vào thời gian sau trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ý nghĩa của lãnh đạo tập thể đã chế ngự được ông, và ông cũng không còn hoàn toàn tung hoành đầy uy lực như buổi ban đầu cũng là vì thế. Chính ý nghĩa mới về anh hùng trong những thời kỳ sau này là như thế, đó cũng là điều mà đôi khi nó đã trở thành khẩu hiệu mà nhiều người vẫn biết như là chủ nghĩa “anh hùng cách mạng”. Đó là ý nghĩa tại sao khi ông Giáp lên vùn vụt thì ông Lê Duẩn chưa có, nhưng khi ông Giáp đã gần hoàn thành sự nghiệp rồi, sự xuất hiện của ông Duẩn gần như vai trò chỉ đạo của ông Giáp, cả ông Hồ về cuối đời cũng không ra ngoài tầm ảnh hưởng của ông Duẩn và những người thân thiết của ông ta.


Bởi lẽ, nếu không có chủ nghĩa CS, ý nghĩa của ông Hồ, ông Giáp cũng chỉ là ý nghĩa của những anh hùng dân tộc bình thường như bao anh hùng dân tộc từ cổ chí kim khác. Sẽ không có chuyện thánh hóa ông Hồ, ông Giáp hay chuyện xây lăng cho ông Hồ mà chính do ông Duẩn và Bộ chính trị thời ông Duẩn hoàn toàn quyết định. Ý nghĩa cốt lõi của bản thân người CS nơi ông Hồ và nơi ông Giáp chính là như thế. Nhưng chính việc ông Giáp nói điều gì trước công chúng cũng nại ông Hồ ra thực chất đã làm lu mờ hình ảnh của ông Giáp và làm mờ nhạt ý nghĩa của ông Giáp trước mắt nhiều người. Cũng tương tự như thế, thay vì việc xây lăng và thánh hóa ông Hồ tưởng rằng nhằm đưa ông Hồ lên, thực ra chỉ làm hạ mất ý nghĩa và tính chất ông Hồ trước mắt toàn thể những người nào không CS. Bởi những bậc đại anh hùng dân tộc vĩ đại ngàn đời như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, hoặc những chí sĩ cách mạng tên tuổi như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu v.v… đâu có cần gì được ướp xác, xây lăng hoặc tung hô ngút ngàn thì họ vẫn cứ mãi được thầm kính suy tôn vạn thời trong lòng dân tộc.

Cho nên ông Võ Nguyên Giáp được vinh phong đại tướng khi chỉ mới 37 tuổi chưa hề xông pha trận mạc gì nhiều mà chỉ bằng một sắc lệnh của Chủ tịch nước HCM lúc đó, quả thật đó chính là thời thế tạo anh hùng, và cũng là định mạng làm tướng của chính ông. Một vị tướng danh tiếng như thế mà lại thọ đến 103 tuổi, thật sự là trong đời xưa nay hiếm. Nhưng một vị tướng danh tiếng mà các tâm tình cũng như nhiều phản ứng trước thời cuộc trong cuộc đời mình chỉ thường xuyên nhu mì thì đó cũng là một đặc điểm vốn chỉ có riêng ở tướng Giáp trong lịch sử của dân tộc mình.

Đó cũng là ý nghĩa sự nổi tiếng của tướng Giáp thật sự không thể tách rời khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đồng thời cũng không tách rời được cuộc chiến tranh ý thức hệ trong phong trào Cộng sản quốc tế đã xảy ra trước đây tròn thế kỷ. Không thể bảo tướng Giáp là một anh hùng thuần túy dân tộc hay một anh hùng thuần túy cộng sản chính là như thế. Một giáo sư dạy sử với đầy phong cách “tiểu tư sản” lại trở thành một đại tướng chiến sĩ cộng sản nổi danh trên cả toàn thế giới, quả là một trường hợp có một không hai trong lịch sử. Nhưng hình ảnh một tướng Giáp nằm liệt trên giường bệnh song lại vẫn quân phục tướng, huân huy chương đeo đầy người, để tiếp các đoàn khách của chính quyền tới thăm thì thật là điều hết sức lạ lùng, mang đầy tính chất kịch bản, thì quả thật tội nghiệp cho tướng Giáp cũng như cho mọi người nào ngưỡng phục ông, bởi vì đó là một yếu tố hoàn toàn không cần thiết, hay có thể nói là có phần hài hước.
Nên dầu sao chăng nữa, khi được tin ông Võ Nguyên Giáp chết, với tính chất một người VN, đáng lẽ phải tự nghiêng mình mới phải, nhưng thật bụng tôi hoàn toàn không thể. Nhưng đâu hề gì, vì có khối người VN luôn sẳn sàng làm điều đó. Bởi khi nghiêng mình trước sự qua đời của tướng Giáp, tại sao cùng lúc người ta không nghiêng mình trước sự hi sinh từng có của hàng vạn quân lính dưới quyền ông cũng như cả bên kia chuyến tuyến trong già nửa thế kỷ đã qua trong quá khứ. Đó là lý do nếu phải nghiêng mình trước sự lìa đời của tướng Giáp, thì cùng lúc cũng có nghĩa phải nghiêng mình trước nhiều hàng vạn chiến sĩ vô danh không phân biệt của dân tộc VN từng ngã xuống trước ông trong cả non thế kỷ. Nhất tướng công thành vạn cốt khô, câu nói đó của người xưa không phải áp dụng riêng gì cho tướng Giáp. Cho nên hoặc nghiêng mình hoặc không nghiêng mình trong hai trường hợp vừa nói như trên chính là như thế của cá nhân người viết những dòng đơn giản này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét