Nguyễn Đức Quốc.
Tôi là Nguyễn Đức Quốc , đang sinh sống và làm ăn tại thị trấn Lăng cô, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tôi là một công dân VN nhưng tôi thuộc giới lao động nông thôn , không am hiểu nhiều về tình hình thế giới cho lắm. Nhưng vừa qua có theo dõi truyền thông trong nước và các trang mạng xã hội, tôi được biết VN đã được bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 12-11-2013 với số phiếu cao 184/192.
Đây là vấn đề bất ngờ đối với tôi và với nhiều người. Là người dân ở trong nước, tôi luôn đặt vấn đề tại sao đến nay đã tròn 13 năm của thế kỷ 21, mà đất nước chúng tôi còn lạc hậu về nhiều mặt, nhất là về mặt Nhân quyền, dù Việt Nam từ lâu đã ký tham gia Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền và hai Công ước Quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, trong đó xác định 26 Nhân Quyền cơ bản, bất khả nhượng gồm 8 quyền về thân thể, 6 quyền về an cư, 8 quyển về lạc nghiệp, 4 quyền về tự do dân chủ.
Theo nhận định của tôi, khi một quốc gia muốn ứng cử làm thành thành viên của Hội đồng Nhân Quyền LHQ, tức là đại diện thế giới để nói lên và phán quyết về các vấn đề nhân quyền ở khắp hành tinh, thì trước hết LHQ phải điều tra xem xét rõ ràng Quốc gia đó đã thực hiện nhiều ít các điểm có ghi trong Tuyên ngôn và hai Công ước Quốc tế Nhân Quyền hay chưa? để rồi mới bầu chọn quốc gia đó HĐNQ LHQ chứ.
Nhưng trong suốt thời gian dài vừa qua, chắc quý vị cũng nhìn thấy tại VN đã thường xuyên xảy ra bao cuộc đàn áp các tôn giáo như ở Lâm Đồng, Thái Hà, Đồng Chiêm, Tam Tòa, Loan Lý, Cồn Dầu, An Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Gia Lai, Đà Nẵng ..v.v…, bao vụ sách nhiễu, hăm dọa, đánh đập, bắt giam những công dân yêu nước tham gia biểu tình chống Trung Quốc lấn chiếm biển đảo của Việt Nam, bao lần hành hung, bỏ tù, xử tòa những người đấu tranh cho tự do dân chủ, công lý nhân quyền với những bản án rất nặng nề, bao phen đàn áp thô bạo, thậm chí tống ngục những dân oan đòi lại ruộng đất nhà cửa ở các tỉnh như Bắc giang, Hà Tây, Hải Phòng, Long An, Bình Dương, Bình Phước v.v.. và gần đây nhất là những người H’Mông. Nhà cầm quyền dùng công an, dân phòng lẫn côn đồ và đánh đập người dân không thương tiếc, bắt giam cách tùy tiện và kết án nhiều côngdân bất chấp Hiến pháp & Pháp luật quốc gia và Công ước quốc tế.
Thế thì: Tại sao các thành viên của HHĐNQ LHQ đã bầu chọn VN vào HĐNQ ? Theo suy nghĩ của tôi có hai lý do :
Một là trong cuộc bầu chọn lần này, có bốn ghế cho khu vực Á châu mà chỉ có 4 ứng viên, gồm VN, Trung Quốc, Maldives và Ả rập Saudi. Thành ra trúng cử là chuyện đương nhiên, mặc dầu ngoài Maldives thì 3 nước còn lại, hồ sơ vi phạm nhân quyền của họ đều dày cộp.
Hai là sau những “thành tích tiêu cực” như vừa thấy ở trên, nay được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam một đàng sẽ bị cả thế giới theo dõi và kiểm soát về mặt thực thi với công dân các văn kiện về nhân quyền mà VN đã ký kết, đàng khác sẽ buộc phải nêu gương trước quốc tế, vì với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền, VN sẽ có dịp lên tiếng nhắc nhở hay phán quyết chuyện nhân quyền đối với một quốc gia nào đó vi phạm.
Nói thì nói vậy, chúng ta còn phải chờ trong nhiệm kỳ tới, nhà cầm quyền VN có tỏ ra xứng đáng với vai trò cao quý vừa được nhận không. Trước mắt, chúng ta hy vọng đồng thời cũng đòi buộc nhà cầm quyền VN phải thực thi ngay nhân quyền trong nước, đối với đồng bào.
Cụ thể là họ phải chấp nhận một bản Hiến pháp đề cao nhân quyền, tôn trọng nhân phẩm, thăng tiếng dân chủ, cổ vũ tự do. Thứ đến là phải thả mọi tù nhân lương tâm, nạn nhân rõ ràng nhất của sự vi phạm nhân quyền, Ba là trả lại quyền tư hữu đất đai cho người dân, vì đây là một trong những nhân quyền cơ bản. Bốn là trả lại sự độc lập trong tổ chức và tự do trong sinh hoạt cho mọi tôn giáo.
26 Nhân quyền cơ bản đã được Công pháp Quốc tế và Liên Hiệp Quốc thừa nhận & buộc mọi Nước thành viên phải cam kết tôn trọng.
I. Các Nhân quyền về thân thể :
1. Quyền sống (không bị thủ tiêu, tàn sát, khủng bố, đe dọa, quấy nhiễu vì chính kiến, chủng tộc, tôn giáo, thành phần giai cấp).
2. Quyền không bị nô lệ hay nô dịch (vì lý lịch, chủng tộc, tôn giáo, chính kiến).
3. Quyền không bị tra tấn hành hạ.
4. Quyền không bị giam giữ độc đoán (vì các tội vu vơ chỉ có trong các chế độ độc tài : gây rối trật tự, phá hoại chính sách đoàn kết, lợi dụng tôn giáo, lợi dụng dân chủ, xúc phạm lãnh tụ,...).
5. Quyền được xét xử công bằng (tư pháp phải độc lập với hành pháp, lập pháp, công an)
6. Quyền được Tòa án bảo vệ (được bồi hoàn danh dự và thiệt hại).
7. Quyền được Luật pháp bảo vệ (không có loại tội tuyên truyền chống chế độ, chống đối chính sách).
8. Quyền được bình đẳng trước pháp luật.
II. Các Nhân quyền về an cư :
9. Quyền tự do cư trú và đi lại, xuất ngoại và hồi hương (không bị quản chế hành chánh).
10. Quyền có đời sống riêng (bản thân, gia đình, nhà cửa, thư tín, điện thoại, điện thư).
11. Quyền kết hôn và lập gia đình.
12. Quyền có quốc tịch.
13. Quyền tỵ nạn vì lý do chính trị, tôn giáo, chủng tộc.
14. Quyền tư hữu về vật dụng cá nhân, gia đình, tập thể và vốn kinh doanh.
III. Các Nhân quyền về lạc nghiệp :
15. Quyền có việc làm, lương tương xứng và được nghỉ ngơi - giải trí.
16. Quyền thành lập và tham gia Nghiệp đoàn độc lập và quyền đình công.
17. Quyền có mức sống xứng hợp cho bản thân và gia đình.
18. Quyền có an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội khi thất nghiệp, già lão.
19. Quyền bảo vệ gia đình về hôn nhân, sản phụ, hài nhi, thiếu nhi.
20. Quyền được chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh miễn phí hoặc hợp lý, được bảo hiểm y tế.
21. Quyền được giáo dục miễn phí cấp tiểu học, rồi trung học ; học đại học đầy đủ thuận lợi.
22. Quyền về văn hóa (tự do hưởng thụ, sáng tác, được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ).
IV. Các Nhân quyền về Tự do Dân chủ :
23. Tự do tín ngưỡng - tôn giáo cách bình thường phổ quát như tại đại đa số các Nước trên thế giới.
24. Tự do tư tưởng, phát biểu, quan điểm, tự do thông tin ngôn luận, tự do báo chí.
25. Tự do hội họp, lập hội, lập đảng, biểu tình; toàn Dân được trưng cầu ý kiến về quốc sự.
26. Quyền tham gia công quyền, tự do ứng cử - bầu cử ; Quyền tham gia xây dựng, bảo vệ và quản lý Tổ quốc. Tức là Quyền Dân Tộc Tự Quyết.
(Tham khảo “Từ Hiến Chương 1977 cho Tiệp Khắc đến Tuyên Ngôn 2006 cho Việt Nam”
của Luật sư Nguyễn Hữu Thống – 15.4.2006)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét