Trần Trung Đạo
Một người nữa vừa ra đi, ông Lê Hiếu Đằng. Trong tinh thần Phật Giáo những lời cầu nguyện “Siêu thăng Tịnh Độ” hay “Vãng sanh Cực Lạc” chẳng qua để an ủi người sống chứ không mảy may hiệu lực nào đối với người đã qua đời. Mỗi người trong cuộc đời này đang tự tìm nơi chôn cất mình và tự đào mộ cho chính mình. Chết về đâu và mộ như thế nào là do duyên nghiệp và tu tập của mỗi người quyết định, chẳng lời cầu nguyện nào làm thay đổi được.
Ông qua đời sau khi ông chính thức ra khỏi Đảng được hơn 40 ngày sau hơn 40 năm là đảng viên đảng CSVN. Lý do như ông viết “Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân”. Lời tuyên bố của ông Lê Hiếu Đằng mới được ông Hồ Ngọc Nhuận giải thích thêm “Sau này Đảng mà ảnh đã vô đã phản bội lại lý tưởng của ảnh, của chính Đảng đó và lợi ích của dân tộc thì từ mấy chục năm nay ảnh thấy chuyện gì phản lại dân tộc, nhân dân thì ảnh luôn phản đối.”
Cả ông Lê Hiếu Đằng lẫn ông Hồ Ngọc Nhuận đều trách oan cho Đảng. Đảng CS chưa bao giờ nói họ là đảng được lập ra để “đấu tranh giải phóng dân tộc” hay đấu tranh vì “lợi ích của dân tộc” cả.
Điều lệ đảng 1935: “"Đảng Cộng sản Đông Dương, đội tiền phong duy nhất của vô sản giai cấp, tranh đấu để thu phục đa số quần chúng vô sản, lãnh đạo nông dân lao động và tất thảy quần chúng lao động khác, chỉ huy họ làm cách mạng phản đế và điền địa (mưu cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập, dân cày được ruộng đất, các dân tộc thiểu số được giải phóng), lập chính quyền Xôviết công nông binh, đặng dự bị điều kiện tranh đấu thực hiện vô sản chuyên chính, kiến thiết xã hội chủ nghĩa là thời kỳ đầu của cộng sản chủ nghĩa theo chương trình của Quốc tế Cộng sản".
Gần 60 năm sau, cương lĩnh đảng 1991, lần nữa khẳng định “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa và cuối cùng là thực hiện lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.”
Nói chung, đảng CSVN từ khi thành lập vào năm 1930 cho đến nay, tuy khác nhau về chiến lược của mỗi thời kỳ và hoạt động dưới nhiều tên gọi (Đảng Cộng sản Đông Dương, Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng ở miền Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam) nhưng hoàn toàn nhất quán về tư tưởng và mục đích cuối cùng là nhuộm đỏ Việt Nam. Tất cả các đảng CS trong phong trào CS thế giới trước đây cũng như năm nước Việt Nam, Trung Cộng, Bắc Hàn, Cu Ba, Lào còn lại có thể khác nhau ít nhiều về phương pháp thực hiện nhưng đều giống nhau trong mục đích theo đuổi.
Là một người đã từng dạy triết học Mác Lê ở trường Đảng như ông Lê Hiếu Đằng hay từng là Giám đốc chính trị của báo Tin Sáng như ông Hồ Ngọc Nhuận, cũng như tất cả các ông bà lớn lên, học hành ở miền Nam, đã tranh đấu chống chế độ VNCH dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN đều biết mục đích cuối cùng của đảng CS không phải là giải phóng dân tộc Việt Nam và đảng CSVN cũng chưa bao giờ đồng hành với dân tộc. Hôm nay, khi gần hết nhân loại sống trong tự do dân chủ, mảnh đất đau thương hình chữ S này vẫn còn là một nhà tù của đảng CSVN và số phận 90 triệu người Việt Nam khốn khổ này vẫn còn là nô lệ của đảng CS.
Nhưng ông Lê Hiếu Đằng cần đến 40 năm để từ bỏ đảng CS mặc dù ông đã trải qua bao nhiêu đêm thao thức, dằn vặt khi mỗi ngày phải chứng kiến cảnh “Dân chúng đói kém rên xiết. Các đợt cải tạo tư sản X1, X2 đã làm tan nát biết bao gia đình, làm dòng người vượt biên ngày càng nhiều và biết bao gia đình phải chết tức tưởi trên biển” như ông đã ghi lại trong Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…
Tại sao? Bởi vì một nỗi sợ luôn ám ảnh lấy ông.
Sợ CS trả thù? Có nhưng không phải là nỗi sợ lớn nhất, nỗi sợ lớn nhất là sợ chính ông.
Ông Lê Hiếu Đằng không đủ sức mạnh để tự chặt lấy cánh tay lầm lỗi của mình. Ông không đủ can đảm để kết án mình về những hành động sai lầm trong quá khứ. Ông không đủ tự trọng để gạch bỏ đi 40 năm đảng viên CS trong số 70 năm của cuộc đời mình. Ông Lê Hiếu Đằng chỉ hết sợ khi ngộ ra một điều rằng mình không còn sống lâu hơn nữa. Bốn mươi năm hay bảy mươi năm rồi cũng không khác gì nhau khi những cấu tạo hữu cơ làm nên con người ông đang dần dần tan rã. Có và không. Sinh và diệt.
Thế mới biết, con người ai cũng chết nhưng không phải ai cũng sống như biết mình sẽ chết cho đến khi sắp hắt lên hơi thở cuối cùng.
Đêm nằm trong giường bịnh hẳn là đêm trăn trở nhất trong đời ông và cũng là lúc ông thừa nhận “Vấn đề là trước đây chúng ta chưa có đủ điều kiện, dữ liệu để nhận thức một số vấn đề sống còn của đất nước, nhưng hiện nay tình hình trong nước và trên thế giới đã thay đổi, vì vậy chúng ta phải nhận thức lại một số vấn đề trước đây. Nhận thức lại và dấn thân hành động cho cuộc chiến đấu mới.” và “Thật sự là Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc trên tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, văn hóa, tư tưởng…”.
Ông ra đi “thanh thản” như một số bài viết nhắc tới không phải vì ông trả hết nợ, nhẹ hết trách nhiệm nhưng bởi vì ông hết sợ và không còn là đảng viên đảng CSVN. Ông Lê Hiếu Đằng, những bài viết cuối đời của ông, hành động từ bỏ đảng của ông là một bài học, một nhắc nhở cho những đảng viên CS còn sống.
Tám năm trước đó, nhà văn Nguyễn Khải cũng thế. Đêm 27 tháng 5, 2006 cũng là đêm trăn trở nhất của nhà văn sau khi chấm hết tùy bút chính trị Đi tìm cái tôi đã mất bằng câu “Vì tiềm lực tinh thần của mọi cá nhân được vun xới, được phát triển trong tự do là nền tảng vững chắc nhất của mọi thiết chế chính trị. Vì còn nó ta có thể vững tin sẽ vượt qua mọi sóng gió bất thần của thời thế để mãi mãi tiến về phía trước“. Cuối cùng, nhà văn đã “vượt qua“. Khi mất tất cả cũng là khi nhà văn tìm lại được cái tôi chân thật và cao quý của con người mình.
Trong những bài viết trước đây, tôi nhiều lần trách cứ các anh chị về các hành động trong quá khứ, cụ thể như trong bài Những người đi tìm tổ quốc: “Trước 1975, các anh chị có quyền biểu tình, có quyền chống độc tài, chống tham nhũng, chống độc diễn nhưng khi bỏ đi sang hàng ngũ của những người ném lựu đạn vào quán ăn, pháo kích vào trường học, đặt mìn trên quốc lộ, các anh chị đã phản bội quyền sống trong hoà bình của nhân dân miền Nam. Giống như những đứa con lớn lên trong một gia đình nghèo, có bà mẹ bịnh tật, có người cha say rượu hay đánh đập con cái và còn một bầy em nhỏ dại. Thay vì khuyên răn người cha, săn sóc người mẹ, che chở cho đám em khờ, các anh chị lại bỏ đi, và chẳng những đã bỏ đi mà còn dắt kẻ gian về đốt phá nhà mình”.
Các anh chị yêu nước, nhưng tình yêu nước chỉ là tình cảm còn yêu đúng hay sai, lý tưởng hay nông nổi thì lại khác. Những điều đó thuộc vê lý trí và nhận thức. Tình yêu nước trong nhiều trường hợp là con dao hai lưỡi, được dùng để cứu non sông nhưng cũng dễ dàng tự đâm vào da thịt của chính mình. Các anh chị không thể tiếp tục tự bào chữa rằng theo CS chỉ vì lòng yêu nước và yêu nước thì không có tội. Thống chế Pháp Philippe Pétain, anh hùng dân tộc Pháp trong thế chiến thứ nhất, cũng từng biện hộ rằng việc hợp tác với Hitler của ông ta phát xuất từ lòng yêu nước đó sao. Sau thế chiến thứ hai, Philippe Pétain bị kết án tử hình, sau đó được giảm xuống chung thân và cuối cùng chết trong tù.
Trong những năm gần đây sinh hoạt của ông Lê Hiếu Đằng gắn liền với phong trào chống Trung Cộng bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Trường Sa nhưng chắc hẳn ông cũng biết đảng CSVN đối với Trung Cộng chỉ là một chư hầu. So sánh thái độ và phản ứng giữa Việt Nam và Philippines đối với sự ngang ngược của Trung Cộng trên biển Đông sẽ biết ngay. Hôm 16 tháng 1, 2014 vừa qua, Bộ trưởng Hải Quân Philippines Voltaire Gazmin tuyên bố cứng rắn nếu cần chính phủ Phi sẽ dùng hải quân để bảo vệ tàu đánh Phi.
Việt Nam thì sao?
Các phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN từ mấy chục năm vẫn niệm mỗi một câu thần chú “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Mà dù muốn nói khác đi, lãnh đạo CSVN cũng không thể nói gì khi cái vòng kim cô Trung Cộng vẫn còn dính trên đầu. Việt Nam gần như không chuẩn bị dù đang đối diện với hiểm họa diệt vong hậu quả của một cuộc chiến tranh phát sinh từ vùng Thái Bình Dương. Nếu chiến tranh là tai họa không tránh khỏi, Việt Nam vì lý do địa lý chiến lược, sẽ trở thành mục tiêu sớm nhất của Trung Cộng như số phận Áo, Tiệp trong nanh vuốt Hitler trước thế chiến thứ hai.
Cách đây vài hôm, Sam Rainsy một chính trị gia Miên nhưng rất hãnh diện mình thuộc gốc Hán, tuyên bố “Trung Quốc là tương lai" và y cũng đã từng kêu gọi quốc hội Cambode ủng hộ chính sách của Trung Cộng đối với Hoàng Trường Sa: “Để bày tỏ lòng biết ơn đối với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã ủng hộ Cambodia nhiều chục năm, Cambodia phải hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc qua chính sách Một Trung Hoa và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này”.
Chưa bao giờ Việt Nam, một dân tộc nhỏ lại phải đương đầu với nhiều khó khăn quá lớn, bên trong bị cai trị bởi một đảng độc tài hèn với giặc ác với dân và bên ngoài nhìn đâu cũng toàn là kẻ thù đang rình rập như thế. Những khó khăn đó đã đặt ra tất cả những ai còn quan tâm đến tiền đồ đất nước một chọn lưa dứt khoát trước khi không còn cơ hội. Và chọn lựa của hôm nay là chọn lựa dứt khoát con đường tự do dân chủ.
Không có con đường nào khác.
Sau thế chiến thứ hai chỉ có 30% nhân loại sống dưới chế độ dân chủ trong đó đa số là các quốc gia tư bản châu Âu, hiện nay trên 80% các quốc gia trên thế giới đang sống trong chế độ dân chủ tuy mức độ còn nhiều ít khác nhau. Dân chủ là một khải hoàn ca đang được thổi lên từ chiếc tù và của anh chăn cừu trên thảo nguyên Mông Cổ cho đến mũi khoan đang ghim vào lòng đất của người thợ mỏ Nam Phi. Như có lần tôi đã viết, chỉ có một Việt Nam văn minh dân chủ với một nền kinh tế cường thịnh, một hệ thống khoa học kỹ thuật hiện đại mới có thể ngăn chận không những Trung Cộng mà bất cứ một thế lực xâm lăng nào muốn thách thức đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Trước 1975, người dân ở miền Bắc sống trong căn nhà không cửa sổ và trước mặt nhà chỉ có một con đường là đường ra mặt trận. Họ không có đủ thông tin để thấy được sự khác nhau giữa đảng và dân tộc, không nhận thức được sự mâu thuẫn đối kháng giữa mục đích của đảng CS và khát vọng độc lập tự do đích thực của dân tộc Việt Nam.
Từ đầu thập niên 1990 và nhất là sau khi hệ thống CS châu Âu sụp đổ, Đảng CSVN đã phải tự diễn biến (đổi mới) liên tục để tồn tại, cánh cửa sổ được mở ra, ánh sáng văn minh qua đó được chiếu vào và dù không muốn đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để những ai quan tâm đến tương lai Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị bằng tiếng nói và bằng hành động cụ thể.
Không ai cho rằng con đường dân chủ hóa Việt Nam là con đường tráng nhựa mà sẽ có nhiều gai góc, ổ gà, hầm hố nhưng đó là con đường mà thế hệ Việt Nam hôm nay phải dấn bước lên đi. Không đi sẽ không bao giờ đến đích. Tổ tiên chúng ta đã vượt qua được những khó khăn trong thời đại họ và chúng ta hôm nay sẽ vượt qua được những khó khăn trong thời đại chúng ta. Đây là thời điểm ngọn nến yêu nước chân chính phải được thắp sáng trong lòng mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước.
Chúng ta có thể mang trên lưng những vết thương đau nhức khác nhau, những suy tư trăn trở riêng tư khác nhau nhưng chỉ có một đất nước để cùng lo gánh vác. Hãy sống vì tương lai của con cháu. Hãy xé thẻ đảng để đứng về phía đồng bào. Hãy chấm dứt những màn van xin và thỉnh nguyện. Hãy từ chối bổng lộc của đảng và can đảm nói lên tiếng nói của khát vọng từ trái tim mình. Hãy sống như sẽ chết sáng mai. Đừng đợi khi quá gần với cái chết mới nói như các ông Nguyễn Khải, Lê Hiếu Đằng. Đành rằng yêu nước chẳng bao giờ quá trễ nhưng sớm vẫn tốt hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét