Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Đa đảng ở Việt Nam là loạn?

Lê Công Chính


                    


Lâu nay có ý kiến cho rằng đa đảng có thể phù hợp với một số nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam (VN) thì chắc chắn sẽ loạn. Lý do họ đưa ra luận điệu chủ yếu có mấy điểm sau đây:

– Dân trí của VN kém, tính cách người VN đoàn kết khi có chiến tranh nhưng chia rẽ, đố kỵ, đấu đá, tàn sát nhau trong thời bình.

– Đa đảng thì Trung Quốc (TQ) sẽ xâm lược VN ngay lập tức.

– Đa đảng sẽ bị Mỹ lôi kéo, bị lệ thuộc vào Mỹ.



Trong bài viết này sẽ lần lượt bác bỏ từng lý do trên để chứng minh rằng dân chủ, đa đảng là xu thế không thể đảo ngược.

Đầu tiên đối với quan điểm cho rằng dân trí Việt Nam kém, tính cách người Việt ưa tranh giành đấu đá nên khi đa đảng sẽ tạo điều kiện cho các đảng tranh giành quyền lực, lợi dụng người dân để tàn sát lẫn nhau. Tuy nhiên chúng ta phải nhớ dân chủ là một quá trình chứ không phải là một việc làm trong chốc lát. Có thể thấy ở các quốc gia có truyền thống Khổng giáo thì việc thực hiện tiến trình dân chủ là một quá trình lâu dài có thể khái quát qua 3 giai đoạn :

– Đánh đổ sự thống trị của thực dân, đế quốc để giành độc lập tự chủ.

– Thiết lập chính quyền, xây dựng các thiết chế thực thi dân chủ, hướng dẫn nhân dân làm quen với chính trị dân chủ để ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Thời kì này thường phải áp dụng nguyên tắc độc đảng, tức là chỉ có một đảng chính trị lãnh đạo quốc gia đủ mạnh từng bước tiền đến dân chủ.

– Thời kì ba: thực thi dân chủ, đa nguyên đa đảng, bầu cử phổ thông đầu phiếu để thành lập nghị viện, ban hành hiến pháp.

Trường hợp này chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng tại các nước Đài Loan, Nam Triều Tiên là những ví dụ điển hình.

Đặc điểm trên xuất phát từ đặc thù của các quốc gia truyền thống Khổng giáo là người dân quen với sự thống trị chuyên chế, chưa quen với cơ chế dân chủ, chưa ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước một xã hội tự do dân chủ, tức họ mới chỉ là “thần dân” mà chưa phải “công dân”. Cả Đài Loan và Hàn Quốc đều phải trải qua một giai đoạn độc đảng để trước khi tiến đến dân chủ. Mặc dù trên thực tế giới lãnh đạo ở 2 quốc gia này đều vốn chưa có ý thức thực hiện dân chủ cho dân chúng nhưng với sự tiến bộ của kinh tế là sự hiểu biết người dân được nâng cao, họ đã biết đến dân chủ, ý thức được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân. Vì vậy họ đã đứng lên đấu tranh và đã đổ máu để giành được quyền lợi thiêng liêng mà họ xứng đáng được hưởng, đó là quyền được làm chủ thực sự chính vận mệnh của mình, được hưởng các quyền tự do dân chủ thực sự.

Trái lại, ở Việt Nam, đảng Cộng Sản (ĐCS) đã thống trị hơn nửa thế kỷ, họ là những người cộng sản đã không đem đến dân chủ cho người dân Việt Nam, cố bám lấy cơ chế độc tài toàn trị, duy trì bộ máy xập xệ thiếu năng lực, thống trị toàn diện quốc gia về mọi mặt cũng như họ không muốn dân chúng thực sự ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, không muốn dân chúng hiểu dân chủ thực sự là gì. Vậy thì có thể hy vọng họ sẽ thay đổi và đem đến dân chủ cho Việt Nam hay không?

Thế thì trách nhiệm đó chắc chắn sẽ thuộc về chính những người đang đấu tranh cho dân chủ, chúng ta phải tuyên truyền, làm cho người dân hiểu được họ xứng đáng được hưởng bầu không khí tự do dân chủ thực sự, khi ý thức được quyền lợi và bổn phận của một công dân thì dân chúng mới dám đấu tranh để giành lấy tự do dân chủ, mà có tự do dân chủ mới có thể phát triển quốc gia giàu mạnh và phú cường.

Còn về việc cho rằng tính cách người Việt ưa đấu đá, chia rẽ, tranh giành, vụ lợi, tiêu biểu như mấy vụ hôi của, hôi bia, tranh giành nhau vì mấy miếng su shi, vì lợi mà sẵn sàng bán thực phẩm độc hại, thiếu vệ sinh. Thực ra đó cũng là vấn đề dân trí còn kém và đạo đức xã hội đi xuống. Chúng ta nên nhớ rằng nền chính trị tốt hay xấu thì cũng sẽ tạo dựng một xã hội lành mạnh hay đồi bại. Hãy xem dân ta qua nhận xét của người ngoại quốc cách đây mấy trăm năm: “người Đàng Trong lịch thiệp và dễ thương trong sự tiếp xúc với người Âu Tây, dẫu rằng họ tự đánh giá cao về mình. Họ cho rằng nổi giận là hạ thấp mình. Trong khi tất cả các nước khác ở phương Đông coi người Âu Tây như kẻ phàm tục, ghê tởm họ…Còn ở Đàng Trong hoàn toàn ngược lại, họ đến chen vai thích cánh với ta, hỏi ta cả ngàn chuyện, mời ta về nhà dùng cơm, nói tóm lại họ vận dùng đủ mọi thứ bặt thiệp, nghi thức, thân mật.” (Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa-Yoshiharu Tsuboi). Vậy sự xuống cấp của đạo đức xã hội đó là hậu quả của một nền giáo dục lạc đường, một nền chính trị độc tài thối nát mà trong đó bọn chóp bu cầm quyền cộng sản Việt Nam tha hoá, đồi bại, ăn cướp trắng trợn mà còn giở giọng đạo lý. Thượng bất chính, hạ tắc loạn, nền cai trị tồi tệ thì sẽ sản sinh ra một xã hội tồi tệ đúng như người xưa có câu:”Kẻ cầm quyền thích bạo lực thì dân cũng thích bạo lực. Kẻ cầm quyền ham làm việc nhân thì dân cũng ham làm việc nghĩa”. Đó chẳng phải là minh chứng hùng hồn để chứng minh rằng cần phải thay đổi thể chế, chế độ thì mới có được một bầu không khí xã hội trong lành hay sao?

Lý do thứ hai mà những người cho rằng đa đảng là loạn, họ nghĩ vứt bỏ sự thống trị của ĐCS sẽ làm Trung Quốc xâm lược Việt Nam ngay lập tức, họ nghĩ với sự tồn tại của nền thống trị CS sẽ làm cho Trung Quốc vì “tình hữu nghị anh em” mà rủ lòng thương không xâm lược Việt Nam. Nhưng ôi, cuộc đời đâu dễ dàng như thế!!! Trong sự giao thiệp giữa các quốc gia với nhau thì lợi ích luôn là tiêu chí hàng đầu. Trung Cộng đã nuôi ý định thôn tính Việt Nam từ ngay sau khi chúng chiếm được đại lục Trung Hoa, từ việc xâm chiếm một phần Hoàng Sa năm 1955, toàn bộ Hoàng Sa năm 1974, chiếm một phần Trường Sa năm 1988, gây chiến tranh biên giới năm 1979 rồi vừa qua là ngang nhiên đặt trái phép giàn khoán HD-981 trên vùng biển Việt Nam và hiện chúng đã xây xong đường bay trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), xây dựng đảo nhân tạo ở bãi Gạc Ma (Trường Sa) thì ý đồ chiến lược của chúng đã quá rõ ràng như ban ngày, chúng muốn độc chiếm biển Đông, buộc Việt Nam hoặc làm chư hầu hoặc sáp nhập hẳn vào chúng. Thử hỏi khi CSVN to mồm tuyên bố: “Đường bay trên đảo Phú Lâm của Trung Quốc là vô giá trị” thì Trung Cộng có vì niệm tình “anh em” mà phá đi cái đường bay đó không hay chính những lời nói của đảng CSVN mới là vô giá trị, và sự vô giá trị của những lời nói CSVN đã lặp đi lập lại thành nhàm chán. CSVN đã bất lực trong sự bảo vệ chủ quyền quốc gia, đó là một thực tế hiển hiện không thể chối cãi được. Vậy thì càng cần phải thay thế CS để đổi mới sinh khí cho đất nước mới mong bảo vệ được chủ quyền quốc gia, nếu không chúng ta sẽ rơi vào thảm cảnh mà nhạc sĩ trẻ Việt Khang hát trong bài Anh Là Ai:”dân tộc tôi sắp phải đắm chìm, một ngàn năm hay triền miên tăm tối…”

Lại nữa, đến lý do thứ ba mà người ta bảo không thể đa đảng là đa đảng sẽ lệ thuộc vào Mỹ, rồi sẽ như Hàn, Nhật, Philippin để cho Mỹ đóng quân, xây dựng căn cứ quân sự, rồi cứ việc gì cũng nhờ Mỹ giúp, cũng kêu Mỹ. Đừng quên rằng một nước nhược tiểu như Việt Nam thời điểm này (tôi nhấn mạnh là “thời điểm này” vì chúng ta vốn không hề nhược tiểu) thì không có cơ hội đứng trung lập, trung lập đồng nghĩa với tự sát. Hãy lấy kinh nghiệm của chính chúng ta khi tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm cố giữ cho Việt Nam trung lập nhưng rồi ông cũng không ngăn được việc đó mà trút đại họa vào thân, hay như Sihanuk của Cambodia cũng vận dụng chính sách trung lập được khoảng gần 20 năm rồi cũng bị đổ bể. Bởi vì trong ván bài của các nước lớn, các nước nhỏ chỉ là quân cờ, anh không thể tự đứng một mình trung lập được, anh phải đứng về bên này hoặc bên kia, nếu không các cường quốc sẽ buộc anh phải làm vậy. Vậy thì muốn bảo về chủ quyền quốc gia phải có đồng minh và phải xây dựng được mối quan hệ đồng minh vững chắc. Trong hoàn cảnh hiện giờ, để đối trọng với Trung Quốc xâm lược chỉ có Mỹ và phương Tây làm được. Muốn bảo vệ quốc gia phải liên minh với Mỹ và phương Tây. Nhưng muốn không bị lệ thuộc thì còn tuỳ thuộc vào khả năng và cách ứng xử của chính chúng ta. Như chính tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từng cay đắng nhận ra rằng dựa vào bạn là tốt nhưng lệ thuộc vào bạn là thảm hoạ. Chúng ta phải có một sách lược tổng thể và toàn diện với những nguyên tắc căn bản trong việc xây dựng quan hệ đồng minh, đó là bảo đảm sự độc lập của chúng ta trong mọi vấn đề nội bộ cũng như bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đương nhiên chúng ta sẽ giúp Hoa Kỳ bảo đảm ảnh hưởng và thế lực của họ ở châu Á-Thái Bình Dương, ưu đãi họ trong nhiều vấn đề, cùng hợp tác và cùng có lợi với họ trên Biển Đông. Nhưng ngược lại chúng ta sẽ nhận được nhiều bảo đảm và ưu đãi từ phía Mỹ, chỉ cần chúng ta chứng minh với họ là chúng ta có đủ tư cách và tư thế để làm đồng minh của họ và xứng đáng nhận được những gì mà chúng ta đòi hỏi ở họ. Đó là cách mà người Nhật, người Hàn đã làm và đã thành công để không chỉ bảo vệ quốc gia mà còn phát triển mạnh mẽ đất nước thành những cường quốc hiện nay.

1 nhận xét: