Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Khi hệ thống toàn trị tự-cho-mình là giặc

Nguyễn Hoàng Văn


Kỷ lục ngàn năm đã bị phá và không phải đợi đến năm này, khi một nhóm cầm-tri-thức[*] hải ngoại ký “thư ngỏ” gởi lên nhà cầm quyền trong nước như một hình thức sớ dâng.[1] Kỷ lục bị phá từ lâu bởi hệ thống toàn trị hiện tại đã qua mặt bất cứ triều đại nào trong lịch sử với những “sớ can” tiếp nối nhau, như sóng, chẳng tài nào nhớ xuể.

Kỷ lục còn được mở ra theo sự dấn thân của giới võ biền. Người xưa có dâng sớ can vua thì, chủ yếu, chỉ là giới quan văn với nhau, từ một Chu Văn An nổi tiếng cho đến những nhân vật chìm hơn như Nguyễn Cảnh Chân, Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc, Nguyễn Chiêu Phủ v.v... Bây giờ thì cả những võ quan. Cả Võ Nguyên Giáp, huyền thoại sống đang được gấp rút vỗ béo để bồi vào cái hình hài tàn tạ hom hem của “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” trước sức chèn ép của chủ nghĩa Đại Hán. Khi huyền thoại này cũng chen vai vào đội ngũ can vua thì kỷ lục đã được mở ra trên khía cạnh chủng loại và phẩm lượng.[2] 

Nhưng kỷ lục còn được mở khi những sóng “sớ” ấy tiếp nối nhau vỗ vào cái bờ không lặng ngắt, im lìm, không một tiếng vọng. Hậu thế có thể dễ dàng trách cứ vua Tự Đức vì cái lỗi đã thủ cựu, đã không chịu canh tân để rồi mất nước nhưng, dẫu sao, so với hệ thống toàn trị, ông vua hay chữ nhất trong lịch sử này cũng đã ưu tư, đã mang những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ ra bàn bạc với triều thần.[3] Hậu thế có thể dễ dàng trách vua Lê Thái Tông chuyện tửu sắc để dẫn đến bi kịch Lệ Chi Viên, bi kịch giữa cá nhân ông cùng bà Nguyễn Thị Lộ rồi một bi kịch còn thê thảm hơn cho của tam tộc nhà Nguyễn Trãi. Thế nhưng, trên khía cạnh này, ít ra vua cũng là người biết chấp nhận lời can, cả những lời xóc óc, chói tai.[4] Còn hệ thống toàn trị hiện tại thì, không kể gì mấy tờ sớ hạng xoàng, cả bầu tâm huyết bộc lộ như hấp hối của “huyền thoại sống” cũng bị vứt vào sọt rác: lời của đại tướng “khai quốc công thần”, xem ra, cũng chẳng khá gì hơn gì lời những trí thức bẽm mép trói gà không chặt, cũng “không đáng một cục phân”.[5] 

Và kỷ lục còn được mở ở tính “lão suy” khi, chủ yếu, đội ngũ can vua chỉ quanh quẩn giữa những quan chức hồi hưu, những “lão thành cách mạng” gần đất xa trời. Người xưa có bỏ về hưu như Chu Văn An, là về như một cách trả miếng khi canh bạc giữa “quyền lực tri thức” và “quyền lực chính trị” bị nhà cầm quyền chà đạp, vứt gọn những lời tâm huyết của mình vào sọt rác. Khi lên tiếng can gián những người như thế đã gan góc đem tương lai chính trị, thậm chí cả sinh mạng của mình ra để đặt cược, hoặc là được tất, nhưng là được cho tất cả, cho thế cuộc, cho lợi ích chung, không cho riêng mình; hoặc là mất tất, và chỉ mất những gì thuộc về mình. Hẳn nhiên, trên phương diện cá nhân, những quan chức hồi hưu, những lão thành cách mạng dũng cảm lên tiếng hiện tại vẫn là những nhân cách cao trọng, những con người khả kính thế nhưng, như một hiện tượng xã hội, sự thay đổi trong tư thế đặt cược ở ván bài tri thức – quyền lực này lại thể hiện một sự thoái hoá của lịch sử.[6] 

Lịch sử đã thoái hoá khi con người “khôn ngoan” hơn, “chính trị” hơn, ẩn nhẫn đợi đến lúc chẳng còn gì để mất hay, có mất, chỉ mất rất ít. Và khi hành động như thế họ đã chứng tỏ sự thành công của quyền lực toàn trị bởi, không chỉ kiểm soát cái bao tử của từng con người, hệ thống còn kiểm soát việc ấn định những giá trị “bình thường” để biến những hành động “phi thường” như Chu Văn An ngày xưa trở thành “bất bình thường” mà hệ quả là sự hình thành của những thế hệ “tầm thường”.[7] Hệ thống đã thành công rực rỡ khi nhào nặn những lớp lang cán bộ - công chức “tầm thường”, dễ sai khiến và được việc nhưng, như một cơ chế tự vận hành, với tuyệt đại đa số thành viên như thế, hệ thống đã tụt sâu trong sự thoái hoá bởi đã hoàn toàn đánh mất khả năng tự điều chỉnh.

Kể ra, trong lịch sử tồn tại của mình hệ thống cũng đã liên miên “tự điều chỉnh”. Điều chỉnh bằng thủ tục “phê bình và tự phê bình”, chẳng hạn. Điều chỉnh bằng những cuộc thanh trừng khốc liệt gọi là “đấu tranh nội bộ” chẳng hạn. Nhưng thực chất “phê và tự phê”, hay “đấu tranh nội bộ”, chỉ là một thứ chính trị phe phái ở đó một tội phạm tày trời có thể trở nên “trong sạch” và một tâm huyết, một dự án ích nước lợi dân có thể trở thành một âm mưu hay tội ác tày trời. Như thế, càng “tự điều chỉnh” kiểu này bao nhiêu, hệ thống càng tích tụ thương tật và cặn thải bấy nhiêu, tích tụ và dồn nén để thỉnh thoảng bục ra như một nội dung dai dẳng và đau đớn trên vô sớ bài sớ. Một cơ thể lành lặn và mạnh khoẻ mà cố nín nhịn, cố xoá bỏ và nhấn chìm những đau đớn nảy sinh từ nhu cầu loại bỏ chất thải, dù chỉ trong một khoảng khắc ngắn thôi, sẽ phải đối mặt những suy thoái nào đó trong nhận thức.[8] Khi hệ thống dai dẳng cái chủ trương nín nhịn, dai dẳng cái chủ trương trên che đậy thương tật và nhấn chìm cơn đau, từ thập niên này sang thập niên khác, hậu quả sẽ như thế nào?

Tưởng tượng đó như một cơ thể sống thì cơ thể đó đã thực sự “hết thuốc chữa”. Nếu liệt kháng (AIDS) là căn bệnh “hết thuốc” đáng sợ nhất thì, dẫu gì, những cơ thể đánh mất sức đề kháng ấy vẫn có thể tiếp tục đường sống khi duy trì được khả năng trao đổi chất với môi trường bên ngoài. Còn hệ thống thì cũng cố đề kháng để tồn tại. Nhưng càng cố bao nhiêu, nó càng tê liệt hoá khả năng trao đổi chất bấy nhiêu.

Sinh học hay phi sinh học, một “cơ thể” chỉ được xem là “sống” khi duy trì được khả năng trao đổi ấy. Khi chúng ta hô hấp, ấy là chúng ta “trao đổi chất” với khí quyển bên ngoài. Khi chúng ta tiêu hoá và bài tiết, ấy là chúng ta trao đổi những dưỡng chất và tạp chất với môi trường sống bên ngoài. Ngày nào còn duy trì được cơ chế trao đổi ấy, ngày đó sự sống vẫn còn tiếp tục. Và khi khẳng định rằng tương lai dân tộc phải là “xã hội chủ nghĩa” thì, trên phương diện tư tưởng, hệ thống toàn trị đang cố níu kéo sự tồn tại của nó bằng cách “trao đổi chất” với những môi trường đã... chết.[9] Trao đổi với thế giới Marx – Lenin, đã chết. Trao đổi với quá khứ “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” đang chết, đang ngoắc ngoải hấp hối trước sự bành trướng của chủ nghĩa... bành trướng.

Hệ thống, như thế, đang bắt cóc, đang ép buộc tương lai phải trở thành... lịch sử. Nhưng lịch sử chỉ là những gì đã và đang thực sự xảy ra. Và “xã hội chủ nghĩa”, sau những thất bại đau đớn của nhân loại, đã thực sự là quá khứ, là lịch sử. Nó đã là lịch sử sau tám thập niên quằn quại của nhân loại trong thế kỷ 20. Nó, trong những hình thức thô sơ hơn, đã là lịch sử sau những thí nghiệm cay đắng với “Tân pháp” của Vương An Thạch vào thế kỷ mười một, với “Biến pháp” của Vương Mãn vào thế kỷ thứ nhất tại Trung Quốc. Và khi trơ trẽn sử dụng mấy kết hợp từ như “một thời ấu trĩ”, “một thời bao cấp” hay “sai lầm của lịch sử” để phủi tay quá khứ ngu muội của mình thì hệ thống toàn trị đã, trên thực tế, xếp cái “chủ nghĩa” sai lầm ấy vào quá khứ, vào lịch sử. Vừa phủi tay dìm vào quá khứ, xem đó là “sai lầm của lịch sử”; vừa dùng quyền lực công an trị để ấn nó vào tương lai, buộc phải chấp nhận như một dự án “viễn mơ” cho dân tộc, hệ thống hành động có khác nào một con bệnh thần kinh? Nếu những người điên cầm hơi qua ngày bằng cách bươi móc những mẩu bánh thừa từ thùng rác thì, trên phương diện tư tưởng, hệ thống toàn trị chính là kẻ “móc bọc” của lịch sử, đang cố sống bám vào những thứ đang phân hủy trong hố chôn lịch sử.

Chính sự ngột ngạt và bưng bít từ tình trạng chui rúc hố chôn này đã dẫn đến tình trạng “thực dân hoá” và “chảy máu”.

“Thực dân” là bản chất của hệ thống toàn trị.[10] Hình bất thướng trượng phu, lễ bất hạ thứ dân, chính tư thế “trượng phu” độc tài kiêm ăn cướp là đặc điểm của những kẻ thực dân khi áp dụng một thứ luật pháp bề trên cho mình: hình luật chỉ để áp dụng cho dân đen, không thể áp dụng cho kẻ ngồi trên. Dĩ độc trị độc, để sống còn, để ngoi lên trong một hệ thống như thế thì, nếu không thể đập vỡ nó đi, phải xoay xở thành một thứ “thực dân” để có thể hưởng thụ một thứ pháp luật không phải Việt Nam trên đất Việt Nam, giành giật những cơ hội không cho người Việt ngay trên nước Việt. Cho đến nay vẫn chưa có ai thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện nhưng, qua những hiện tượng xã hội đang ồ ạt xảy ra thì, cơ hồ, giấc mơ lớn nhất của đại đa số người Việt hiện tại là thôi... làm người Việt, ít ra là thôi trên phương diện pháp lý. Người khốn khó, muốn tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, đã đành. Kẻ thành công nhất và mãn nguyện nhất cũng tìm mọi cách để, sau khi mang tiền bạc ra ngoài, thủ đắc một visa nước ngoài, sẽ quay lại sống và làm ăn một thứ “đồng bào” bề trên. Hậu quả là tình trạng chảy máu. Chảy máu chất xám. Chảy máu vốn liếng, tiền bạc. Và, thậm chí, chảy máu cả gái đẹp, như một xã hội hoang mang, không tin tưởng vào ngày mai của mình. Nghĩa là một xã hội đang khủng hoảng.

Khủng hoảng như một cơ thể lâm bệnh và hệ thống toàn trị đang ngoắc ngoải bởi căn bệnh không tên với đủ loại triệu chứng có tên. Điếc, thì đang điếc đặc trước những lời kêu gào, những lời cảnh tỉnh hay báo động, như những sớ can chẳng hạn. Đui, thì cũng đang đui, đang loạn thị hay đang “tách rời thực tại” như một con bệnh tâm thần phân liệt khi chỉ thấy “tương lai” trong cái “chủ nghĩa xã hội” chẳng hạn. Và mất trí nhớ thì cũng đang mất để những thực tế nóng hổi cũng trở thành xa xăm, những sai lầm rời rợi của 10 năm, 20 năm trước cũng biến thành “sai lầm của lịch sử”, cứ như là sai lầm của 18 đời vua Hùng hay của An Dương Vương. Điếc, đui, mất trí nhớ v.v.. , nếu cơ thể đã khật khùng nghễnh ngãng đến thế thì phải có gì đó không ổn với nội tạng bên trong. Và nếu “bản chất” của hệ thống là “giai cấp” thì, phải chăng, căn bệnh ấy đã phát sinh ngay trong cái “tính giai cấp” này?

Hệ thống, như một “nhà nước chuyên chính vô sản”, là “vũ khí” mà “giai cấp thống trị” sử dụng để “bảo vệ quyền lợi của mình”.[11] Và hệ thống, như một đảng chính trị, lại là “đội tiền phong của giai cấp công nhân”.[12] Giáo điều đã nói thế. Hiến pháp đã xác định như thế. Thế nhưng, nói theo nhà văn Phạm Thị Hoài, cuộc cách mạng giai cấp mà hệ thống thực hiện là một cuộc cách mạng kỳ lạ, lộn tùng phèo tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã; cuộc cách mạng với tầng lớp có học lãnh đạo bên trên, với đám nông dân đui mù hy sinh ở dưới để đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp hoàn toàn xa lạ là... công nhân.[13] Mà công nhân thì, theo ông Trần Văn Giàu trong bộ sử Giai cấp công nhân Việt Nam – Sự hình thành và sự phát triển của nó từ giai cấp cho “Tự mình” đến giai cấp “Cho mình”, dày đến 1,800 trang, lại là thứ giai cấp không ở yên một chỗ, thứ giai cấp đã thăng tiến từ nấc “tự mình” đến nấc “cho mình”.[14] 

Nhưng đó là một bộ sử thất bại, đã cũ đến nửa thế kỷ và còn lại chăng chỉ là mấy chữ “tự cho mình”. Hệ thống toàn trị nhân danh quyền lợi giai cấp ấy chính là một hệ thống “tự-cho-mình”: tự cho mình tất cả, tự cho mình cái quyền ngồi xổm lên đầu dân tộc, như một thứ thực dân ngồi trên đầu nhân dân thuộc địa. Bộ sử cố tái hiện lại sự hình thành và phát triển của “giai cấp tiền phong” từ lúc hình thành cho đến lúc nắm chính quyền vào năm 1945 và, trong lời đóng lại khi hoàn tất vào năm 1958, tác giả ước ao rằng sẽ có điều kiện để hoàn bị hơn với những tài liệu mà lúc đó chỉ có ở Paris hay Sài Gòn. Thế nhưng thực tế “thống trị” lại cho thấy một bức tranh khác hẳn nên dù có thể sống, dù có đủ điều kiện đòi hỏi, sử gia công huân của giai cấp vẫn bế tắc, không thể nào bổ sung thêm như đã ước, dù chỉ một trang, một khổ. Sau gần nửa thế kỷ, từ 1958 đến 2003, khi tái bản bộ sử, lời ước 45 năm tuổi vẫn được giữ y nguyên và, do đó, bộ “giai cấp sử” vẫn đứng yên một chỗ sau nửa thế kỷ, đứng yên với tình trạng thiếu tài liệu của thời kỳ bị chia cắt, cô lập và, quan trọng hơn, đứng yên với thời kỳ còn bị chi phối bởi cái tư duy đang bị phủi tay là “một thời ấu trĩ”.

Thất bại của bộ “giai cấp sử” ấy buộc chúng ta phải hướng đến một góc nhìn khác và ở đây, có lẽ, phải là góc nhìn của... phòng the.

Nếu “giai cấp” được nhà xã hội học Đức Max Weber xác định qua những yếu tố như nghề nghiệp, địa vị, quyền lực chính trị; được Karl Marx phẩm định qua những khái niệm như “quan hệ sản xuất”, quyền sở hữu đối với các “tư liệu sản xuất” thì nhà tâm lý - xã hội học Mỹ G. William Domhoff – trong Who Rules America? Power, Politics, & Social Change – lại vận dụng đến ràng buộc hôn nhân.[15] 

“Giai cấp”, theo Domhoff, là một thành phần, một nhóm xã hội mà những thành viên có thể thoải mái kết hôn với nhau.

Giai tầng đặc quyền nào cũng nơm nớp bảo vệ cái status quo hiện hữu của mình. Mà để làm như thế thì phải bảo vệ cho bằng được cấu trúc nội bộ của mình qua tính chọn lọc trong công việc truyền giống, kế thừa. Cùng một thành phần xã hội sẽ cùng san sẻ những lợi lộc như nhau, những tiêu chí giá tri như nhau, những mối đe doạ và nỗi sợ như nhau và, như thế, theo bản năng sinh tồn, những cái “như nhau” này sẽ gắn kết các thành viên lại trong quan hệ truyền giống . Đó, thực chất, là một hành động mang tính tự vệ và do đó những hành động xé lẻ với giai tầng cạnh tranh hay thấp hơn sẽ bị lên án như một hành động dị giáo và biện pháp tự vệ này sẽ trở thành ... phong tục. Phong tục “môn đăng hộ đối” tại Việt Nam là gì nếu không phải là trò tự vệ của tầng lớp xã hội bên trên? Phong tục tổ chức vũ hội hằng năm của giai tầng quý tộc Âu châu là gì nếu không phải là một hình thức tự vệ khi tạo những cơ hội mối mai tốt nhất cho công việc truyền giống ngay trong giai tầng của mình?

Việc truyền giống cũng ngụ ý nhu cầu sinh lý và, để bảo vệ quyền lợi của mình, ngay từ đầu hệ thống toàn trị đã lém lỉnh khai thác yếu tố này như một vũ khí mà hệ quả đầu tiên là chính sách đa thê “theo yêu cầu của chiến tranh”.[16] Những kẻ thề thốt “sống chiến đấu học tập lao động theo gương chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” đã không đủ bản lĩnh để sống theo “tấm gương” của vị chủ tịch mà, theo sách vở tuyên truyền, cả đời không biết thế nào là... nhu cầu sinh lý. Cả một “học trò xuất sắc” là Bí thư xứ ủy Nam bộ Lê Duẩn lúc ấy, cũng vậy.[17] Như ông vua một vùng, “học trò” này không chỉ tự thưởng cho mình trên khía cạnh chuyện sinh lý mà còn quan tâm đến nhu cầu của từng thuộc cấp, như chuyện ông ta trói chân Nguyễn Bính chẳng hạn. Khi chính quyền thân Pháp sử dụng các phương tiện tâm lý chiến kêu gọi nhà thơ về thành, ông bí thư lo sợ cho viễn cảnh mất đi một công cụ tuyên truyền nên lo lắng vận dụng đến sợi dây trói sinh lý - hôn nhân.[18] Nguồn “cung” là Hội Phụ nữ và, cứ theo hàng loạt hồi ký của các tướng lĩnh cộng sản, hay tài liệu viết về các tướng ấy, từ Tô Ký đến Nguyễn Thế Lâm, Trần Qúy Hai v.v.. tướng nào cũng như tướng nào, cũng được “tổ chức” quan tâm và, qua đó, được “xây dựng” cho một “đồng chí - bạn đời” thích hợp.[19] Như vậy, bên cạnh các nhiệm vụ khác, cái hội này còn đảm nhiệm một vai trò ít biết, ít được thừa nhận nhưng cực kỳ quan trọng là “bảo vệ quyền lợi giai cấp” bằng chuyện sinh lý và truyền giống.

Hôn nhân là chuyện riêng tư và chưa có chế độ chính trị nào trong lịch sử can thiệp sâu rộng vào những việc riêng như thế cả. Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí (Tố Hữu) và hệ thống, thông qua các “cơ quan / đoàn thể’ của mình, sẽ bảo đảm tính “đồng chí” trong quan hệ hôn nhân giữa các thành viên. Để ý đến nhau chăng? Hãy “đăng ký” với “đoàn thể/ cơ quan” và, đến lượt, “đoàn thể/ cơ quan” sẽ vận dụng sức mạnh chính trị để “xây dựng”, một cách cực kỳ nghiêm túc. Xé lẻ để truyền giống với thành phần “phi đồng chí” mà, nói theo ngôn ngữ của hệ thống, là “không đúng đối tượng” chăng? Cũng sẽ là “cơ quan / đoàn thể”. Cũng những nỗ lực đặt ra, cũng cực kỳ nghiêm túc nhưng không phải xây dựng mà hủy hoại: Phi giai cấp bất thành phu phụ, hoặc bảo đảm tính “đồng chí” trong hôn nhân; hoặc sẽ trắc trở, sẽ rắc rối khi bị đào thải như một phản đồ, một thành phần dị giáo.

Nhưng rắc rối không chỉ diễn ra trong mối quan hệ “đồng chí - phi đồng chí” khập khiểng mà còn từ bên trong, giữa đồng chí với đồng chí, như quan niệm hôn nhân của huyền thoại sống Võ Nguyên Giáp chẳng hạn. Quả là một điều tế nhị khi phải viện dẫn những chuyện riêng tư, nhất là khi chuyện riêng ấy lại liên quan đến một người đã khuất nhưng, dẫu sao, đây chính là điều mà người trong cuộc đã giải bày trên mặt báo. Sinh thời, trong một cuộc phỏng vấn, bà Võ Hồng Anh, con gái đầu lòng của Võ Nguyên Giáp, kể lại ngày đưa bạn trai cùng du học tại Nga về ra mắt bố. Và ông bố bộ trưởng lúc ấy đã tỏ vẻ “không đồng ý” bởi chàng trai mà con gái ông gởi gắm tương lai không thuộc về một gia đình “tham gia cách mạng ngay từ đầu”.[20] 

Như thế thì, trong tư tưởng ông Giáp lúc đó, như một trong những đại biểu xuất sắc nhất của “đội tiền phong giai cấp”, cái thành phần tinh tuyển của giai cấp tưởng là thuần nhất kia cũng tiềm tàng sự phân hoá “giai cấp” khác, ít ra là “giai cấp tham gia cách mạng từ đầu” và “giai cấp tham gia cách mạng về sau”. Mà đây không phải là trường hợp duy nhất. Ngày 8.9.2011, ngay ngày một “đại biểu xuất sắc” của “đội ngũ tiền phong” khác là Võ Chí Công qua đời, bà Đoàn Võ Kim Ánh, con gái nuôi của ông, đã tỉ tê tâm sự trên mặt báo về mâu thuẫn giữa cha nuôi và mẹ nuôi trong việc “đời người” của cô. Mẹ nuôi thì nhắm đến “con cái những gia đình cách mạng có uy tín” bởi có thế con gái nuôi của bà mới có một “tương lai vững chắc”. Cha nuôi thì nhắm anh lính tín cẩn đã được ông chọn làm người chăm sóc sức khoẻ riêng, kẻ vừa xuất thân trong trong một gia đình “rất cách mạng”, lại vừa có “thần thái” của người sẽ làm việc lớn. Mẹ mâu thuẫn, chiến tranh lạnh với cha chỉ vì sợ con gái sẽ khổ và như thế thì, ở đây, lại có một sự phân hoá giai cấp khác: “giai cấp rất cách mạng” và “giai cấp cách mạng có uy tín”.[21] 

Cũng là “đội ngũ tiền phong của giai cấp” với nhau, cũng kề vai nhau chiến đấu cho một xã hội phi giai cấp thế nhưng lại cực kỳ phân chia ... giai cấp. “Tham gia cách mạng sớm” và “tham gia cách mạng muộn”. “Cách mạng có uy tín” kèm theo “tương lai vững chắc” và “rất cách mạng” nhưng tương lai mơ hồ. Mức độ thành đạt trong “sự nghiệp cách mạng” đã trở thành một thứ “môn đăng hộ đối” kiểu phong kiến nên những tín lý về một thế giới đại đồng chỉ là một ảo tưởng xa vời. Nói theo George Orwell trong Animal Farm thì “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật thì bình đẳng hơn” và những ẩn dụ của Orwell đã tỏ ra khá đắc địa trong câu chuyện hôn nhân của tầng lớp “tiền phong hơn” này. Trong Animal Farm, bầy heo làm cách mạng xã hội chủ nghĩa chống lại loài người bóc lột đã ngay ngáy ấn định quy chế “bạn – thù” trong hai điều đầu tiên của bảy điều răn. “Bất kỳ cái gì đi bằng hai chân đều là kẻ thù”, “Bất kỳ cái gì đi bằng bốn chân, hay có cánh, đều là bạn bè” trước khi đi đến cái lý tưởng đại đồng giai cấp ở điều thứ bảy: “Mọi con vật đều bình đẳng”.[22] Thế nhưng điều răn là điều răn, bao giờ cũng có những thành phần “bình đẳng hơn” để mở ra những đặc quyền “hơn” như một sự phân hoá giai cấp. Tương lai nhân dân sẽ vững chắc và huy hoàng trong ngày mai xã hội chủ nghĩa nhưng tương lai của những gia đình cách mạng có uy tín hơn sẽ vững chắc hơn và huy hoàng hơn.

Đây chỉ là một thí dụ rất nhỏ về một ý thức hệ hay hệ thống cai trị huênh hoang là có thể giải quyết mọi mâu thuẫn nhưng tạo ra một xã hội đầy mâu thuẫn. Một “giai cấp đại đồng” mà không đạt được thì nói gì là những ý tưởng về một “thế giới đại đồng” trong “tương lai cộng sản chủ nghĩa”? Chuyện trong hai gia đình họ Võ trên xảy ra vào thập niên 60 và 70, là thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa cộng sản quốc tế theo sự hùng mạnh của Liên Sô và khối Đông Âu. Trong thời hoàng kim mà lý tưởng đã xa vời đến thế, nói gì là hôm nay khi, nói theo ngôn ngữ chính thức của hệ thống toàn trị, là lúc “phong trào cộng sản” đang bị “thoái trào”?

“Phong trào” đang bị thoái trào và, cơ hồ, tính chọn lọc trong việc truyền giống của những thành phần “tiền phong nhất” cũng bị thoái hoá theo. Như quan hệ hôn nhân gây bàn tán trong gia đình nhà toàn trị Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn. Nhân vật này được xem là nhiều quyền lực nhất nên, theo ngôn ngữ chính thống, phải là một “ngưòi tiền phong nhất”. Thế nhưng, trong hôn nhân, ông ta đã điềm nhiên xé lẻ để từ từ vị trí của giai cấp “bốn chân” bắt tay truyền giống với giai cấp “hai chân”, một cách cực kỳ phi nguyên tắc.[23] Phi nguyên tắc trên khía cạnh thành phần nhưng nguyên tắc mấu chốt là “bảo vệ quyền lợi” vẫn không hề thay đổi. Khi những thành phần “tiền phong nhất” đang say sưa “tích luỹ tư bản” thì quyền lợi phải là những trương mục ở nước ngoài, là những hợp đồng tài chính đa quốc gia chứ không nhất thiết phải là những “tiêu chuẩn” gắn liền với mức độ “cách mạng sớm” hay “cách mạng có uy tín”. Như thế, khi phong trào cộng sản đã bị “thoái trào” thì giai tầng “lãnh đạo” của phong trào ấy cũng đã lùi lại với cái thời mà Karl Marx từng miệt thị là “trong từng lỗ chân lông” của họ, lỗ nào cũng “thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của người lao động”.[24] 

Marx gọi đó là sự “tích luỹ nguyên thuỷ”, primitive accumulation. Adam Smith thì gọi đó là sự “tích luỹ tiền khởi”, previous accumulation;nhưng gọi sao cũng vậy, cũng là giai đoạn tích vốn để mô thức kinh tế phong kiến chuyển mình sang tư bản. Khi thành phần cộng sản “tiền phong nhất” say sưa trong giai đoạn tích luỹ “nguyên thủy” hay “tiền khởi”, phải chăng họ đã thể hiên vai trò của những lãnh chúa phong kiến đang tập tành làm tài phiệt đỏ?

“Phong kiến”, theo cách dùng phổ cập của chúng ta, chỉ đơn thuần là dính dáng đến... vua. Sông Hương nước chảy lờ đờ / Dưới sông có đĩ trên bờ có vua: không cần biết thế nào, chỉ cần có một ông vua cai trị trên bờ thì đó là “phong kiến” và, đâu tám mươi năm trước, cách sử dụng này đã bị Phan Khôi bắt bẻ dữ dội bởi hình thái chính trị “phân phong” chưa bao giờ hình thành trên đất Việt.[25] Tuy nhiên nếu bây giờ sống lại ắt hẳn con người của lý tính ấy sẽ phải tặc lưỡi thừa nhận rằng lịch sử đã bước giật lùi, rằng chế độ phong kiến đang hình thành, rằng dưới sông không chỉ có đĩ và trên bờ không chỉ có vua: hệ thống toàn trị hiện tại đang hội đủ toàn bộ những yếu tố cần thiết như phong tước, kiến địa, tập ấm v.v.. để có thể gọi là “chế độ phong kiến”.

Trước hết là những dấu hiệu bên ngoài, những cảm quan thẩm mỹ như một “cách phát biểu”. Nếu mỗi thời đại có một “cách phát biểu” riêng qua các hình thức kiến trúc, y phục, trang trí thì, với cái gu thẩm mỹ dày đặc hình rồng hiện tại, chế độ chính trị tại Việt Nam cũng đang “phát biểu” một cách rườm rà và loè loẹt y như những vua chúa phong kiến.

Chỉ cần google hình ảnh của những nhà toàn trị đương chức hay hồi hưu lúc họp báo, trả lời phỏng vấn hay bất cứ lúc nào, sẽ thấy rằng rồng đã ngự trị trong thị hiếu thẩm mỹ của họ như thế nào. Từ Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Lê Đức Anh, Nguyễn Tấn Dũng cho đến Đỗ Mười và thậm chí Nguyễn Trường Tô, vị lãnh chuá Bắc Giang từng bị lên báo ầm ĩ một dạo vì chuyện dâm ô với học trò. Người nào cũng như người nào, cũng thấp thoáng sau lưng những thân rồng bay lượn trên khung ghế, thứ mà, xét trên tiêu chí công năng hay thẩm mỹ đương đại, không bao giờ xứng đáng là một chọn lựa tối ưu. Những chi tiết chạm khắc kiểu “lưỡng long chầu nguyệt” phụ hoạ thêm cái đầu dơi không chỉ là hang ổ của bụi bặm trong một xứ sở bị ô nhiễm trầm trọng, chúng không thể nào tạo nên cảm giác sảng khoái để nâng cao hiệu suất thư giản hay làm việc. Nhưng “cái ghế”, như một danh từ, không đơn thuần là sự biểu đạt cho một dụng cụ dùng để “ngồi”. “Ghế” còn biểu đạt cho một vị trí quyền lực và hình tượng cái ghế đường bệ như cái ngai này đã thể hiện một thứ mỹ học về quyền lực sặc mùi phong kiến. Thứ “mỹ học” này đã trở thành một cái mốt và, hệ quả là, từ giới lãnh đạo bên trên đến hạng thường dân khá giả bên dưới, đâu đâu cũng đua đòi nhau những cái ghế uốn lượn hình rồng. Xưa Tố Hữu “dựa Trường Sơn kéo pháo lên đồi”. Nay họ dựa vào cái lưng ghế chạm rồng để thao thao “dội pháo” về đường lối, chính sách; và dội với những từ ngữ sặc mùi phong kiến, nào là “nội lực”, nào là “nguyên khí”, “hiền tài” hay “hữu hảo”, như một thứ ngôn ngữ thời thượng.

Nếu “phong kiến” ngụ ý “phong tước - kiến địa” thì hệ thống toàn trị hiện tại cũng đang cai trị với biện pháp “tước hiệu trị” và “đất đai trị”. Nếu vua phong tước rồi ban đất cho giới qúy tộc này theo từng đẳng cấp để tự trị trong lãnh địa riêng của mình thì hệ thống toàn trị cũng thực hiện chính sách tương tự. Xã hội phong kiến có Công, Hầu, Bá, Tử, Nam với các đất phong rộng hẹp và tính đắc địa hay hiểm yếu khác nhau. Xã hội toàn trị thì có các “ủy viên” với đẳng cấp “tiêu chuẩn” khác nhau, chẳng hạn uỷ viên đi xe công vụ trên 1 tỷ đồng, ủy viên đi xe dưới 1 tỷ đồng v.v...[26] Xã hội phong kiếu có các vương hầu lập thân bằng chính thành tích của mình hay đơn thuần chỉ là tập ấm. Xã hội toàn trị cũng có “ủy viên” vươn lên bằng công trạng của mình, có ủy viên chỉ đơn giản được “cơ cấu” như là hình thức tập ấm của những lớp lang “tham gia cách mạng sớm” hay “cách mạng có uy tín”. Một chế độ cai trị như thế thì có khác gì chế độ phong kiến?[27] 

Nhưng phong kiến còn là thời mà ý niệm “quốc gia” chưa hình thành và đất nước bị xem là tài sản riêng của các bậc quân vương. Thích cắt, bán hay cho thì thoải mái cắt, bán và cho, miễn là không động chạm đến đặc quyền của họ. Và đó là những gì đang xảy ra, từ nhôm ở Tây Nguyên đến rừng ở Việt Bắc, Trường Sơn và như thế đất đai cha ông để lại đâu còn là tài sản chung của trên 80 triệu người? Nó đã là tài sản riêng, trong những vùng “đất phong” riêng và có như vậy thì những việc tày trời như cắt những vùng rừng mang tính chiến lược để bán cho đối thủ chiến lược của mình trong theo những hợp đồng 50 năm hay 70 năm mới có thể diễn ra dễ dàng như thể cắt một cái bánh. Công sản quốc gia đã trở thành tài sản riêng trong túi của những kẻ ngồi dựa ngửa trên cái ghế có lưng dựa chạm rồng thao thao bất tuyệt về cái gọi là “con đuờng tất yếu” của dân tộc trong những từ ngữ sặc mùi phong kiến.

Phong kiến là thời mà quyền lợi giới quý tộc gắn chặt với quyền sở hữu đất đai và, do đó, cái cách mà họ giải toả những áp lực chính trị – xã hội cũng... sặc mùi đất qua “thú điền viên”, như một hình thức thời thượng. Nếu, trên phương diện mỹ học của quyền lực, giai tầng cầm quyền Việt Nam đã trở lại với thời kỳ phong kiến qua hình ảnh những cái lưng ghế hình rồng thì cảm quan này còn thể hiện qua cả cách giải toả áp lực tương tự với thú chơi gọi là “trang trại”, cái thú vui xa xỉ mà chỉ những qúy tộc kiểu mới của chế độ mới có đủ điều kiện đóng vai tay chơi. Đã có tay chơi thì phải có hạng tôi tớ phục vụ tay chơi. Nếu những vua chúa phong kiến thản nhiên bắt bề tôi hy sinh cả đời để phục vụ những nhu cầu nhỏ nhặt nhất của mình thì những “vua chúa” của hệ thống toàn trị cũng vậy, cũng không thua gì, ngay trong thời kỳ chiến tranh. Không ai có thể tưởng tượng một người tham gia cách mạng, bỏ gia đình, bỏ quê hương, tập kết từ Trung ra Bắc để làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, thế nhưng công việc “cách mạng” họ tham gia chỉ là săm soi từng cọng rau chỉ vì những qúy tộc của giai tầng cai trị không thích ăn thứ rau đã bị phun thuốc trừ sâu.[28] 

Trong bài báo viết năm 1934 Phan Khôi lập luận rằng chế độ phong kiến đã cáo chung tại Trung Hoa khi Tần Thủy Hoàng tóm thu thiên hạ về một mối và áp dụng chế độ quận huyện. Thế nhưng, trên thực tế, mô thức phong kiến vẫn tiếp tục tồn tại sau đó khi Lưu Bang lên ngôi lập ra nhà Hán. Rút kinh nghiệm của nhà Chu, vì phân phong triệt để nên chư hầu khinh dễ và mất hết đế nghiệp. Và rút kinh nghiệm của nhà Tần, vì quận huyện triệt để nên trên không đủ sức quản lý, họ Lưu đã cai trị nước Trung Hoa với hình thức nửa nạc, nửa mỡ. Đất thường thì xem là quận huyện. Những vùng đất hiểm yếu, mang tính chiến lược thì giao cho những người tâm phúc, như một hình thức phân phong. Và đó chính là hình thức hành chánh của hệ thống toàn trị hiện tại ở Việt Nam, với những tỉnh – thành phố “bình thường là tỉnh-thành phố”, những “đất hiểm yếu” trong cái tên “thành phố trực thuộc trung ương”, cũng là nửa nạc, nửa mỡ. Lưu Bang “nửa nạc, nửa mỡ” thế vì sợ “giặc”. “Giặc” có thể là từ bên ngoài nhưng, luôn luôn, với các vua chúa phong kiến, cái quan trọng là “giặc” hay “phản nghịch” ở bên trong khi nông dân ùn ùn nổi dậy bởi quyền lợi chính đáng gắn liền với đất của họ bị tước đoạt. Quyền lực của hệ thống toàn trị hiện tại cũng bị ám ảnh với mối nguy tương tự, mối nguy từ những mâu thuẫn không thể giải quyết nổi từ đất đai, dẫn đến vô số vụ khiếu kiện chính đáng, vụ biểu tình phản đối hoàn toàn chính đáng nhưng cách giải quyết duy nhất là lựu đạn cay, là còng số tám, là những bản án “phản động”, y như là cách đối xử với “giặc”.

Hầu như cuộc nổi dậy nào trong xã hội phong kiến cũng khởi đầu với màu sắc thần quyền bởi, nếu vua đã xưng là “con trời” thì, để tạo sức thu hút nhằm gầy dựng binh lực, những kẻ bẻ nạn chống trời phải tạo ra một thứ huyền thoại nào đó về mình, và về lực lượng của mình.[29] Hậu quả là, song song với nỗ lực thu tóm quyền bính, ông vua nào cũng lo lắng việc thu tóm thần linh để từng vị thần, từng vị thành hoàng, ai cũng có sắc phong của triều đình như một cách thể chế hoá thần linh. Chính sách quản trị thần linh này đang được lập lại với chính sách quản lý tôn giáo của hệ thống toàn trị hiện tại và, có vậy, mới có sự xung đột trong giới tu sĩ, những người cho mình là nhà tu hành chân chính, những kẻ được ca ngợi là “gắn liền với dân tộc” nhưng bị xem rẻ là “tu sĩ quốc doanh”.

Quản lý chặt thần linh, hệ thống toàn trị còn quản lý chặt việc phân phối và kiểm nhận tri thức. Nếu chế độ phong kiến kiểm soát công việc này qua các kỳ thi và nghi thức ban cấp danh hiệu thì hệ thống toàn trị cũng áp dụng một chiến lược tương tự. Ngày xưa nếu chỉ có vua Lê đích thân ban cho Nguyễn Trãi danh hiêu “Hàn Lâm viện Học sĩ”, chỉ có vua Mạc đích thân ban cho Nguyễn Bĩnh Khiêm danh hiệu “Tả Thị lang Đông các Học sĩ” thì hiện tại hệ thống toàn trị cũng làm trò độc quyền tương tự với cái gọi là “Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước”.[30] Đây là một tổ chức độc nhất vô nhị, không một quốc gia hiện đại nào trên thế giới có được. Không có được nhưng rất dễ hiểu được bởi đó chính là sự tiếp nối của truyền thống tôi đòi hoá kẻ sĩ của các triều đình ngày xưa. Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ, lời vui vui tưởng là vô hại này chính là kết tinh cô động nhất và cao nhất của khuynh hướng phản trí thức trong xã hội truyền thống khi bắt kẻ sĩ phải phụ thuộc vào miếng ăn của mình và đã hả hê cười cợt trước cảnh chạy rông vì túng quẫn thiếu ăn của họ. 

Kẻ sĩ, như thế, thường chỉ là những ông quan văn ngoan ngoãn và đó chính là điều mà hệ thống toàn trị mong muốn. Làm quan thì phải quỳ, phải lạy cũng như bây giờ, dẫn “văn minh” hơn thì cũng phải “xin” để được “cho”, y như là kiếp ăn mày.

Chính cái quy chế xin cho này đã góp phần tôi đòi hoá hoá trí thức, không cho họ làm những trí thức độc lập mà phải những “quan văn”.[31] Xưa quan cong đầu gối xuống dâng sớ. Nay quan dằn ngòi bút đè nén những phẫn uất lại trong lời dẫn “kính gởi” để mở ra những ý tứ lẽ cân nhắc trước sau, cơ hồ chỉ mở miệng sau khi đã uốn lưỡi bảy mươi lần. Thế nhưng cũng có những cái rất khác. Ngày xưa, khi dâng sớ, những kẻ sĩ như Chu Văn An chỉ nhắm đến việc thay đổi ý kiến của cá nhân ông vua và, cùng lắm, họ phải vượt qua chướng ngại từ sự “sàm tấu” của một số ít ỏi cận thần hay hoạn quan mà ông vua đó tin dùng. Việc đó đã khó. Với hệ thống toàn trị thì càng không chỉ là ý chí của dăm ba nhà lãnh đạo. Cái mà họ phải vượt qua là quyền lợi cộng sinh của cả một hệ thống mà, hiện tại, cứ theo lời dẫn của Marx, lỗ chân lông nào cũng “thấm đầy máu, mồ hôi và nước mắt” của người dân.

Nhưng không chỉ là bóc lột lợi nhuận, bóc lột “giá trị thặng dư” như những ông chủ tự bản, hệ thống toàn trị đã thể hiện mình là “giặc” với những thủ đoạn đê tiện, vừa lặt vặt nhỏ mọn, vừa tởm lợm khi dính đầy “máu và bùn dơ”.

Năm ngoái, song song với nỗ lực tranh giành quyền lực nội bộ, nhà toàn trị dễ dãi trong quan hệ truyền giống “hai chân và bốn chân” nêu trên đã cho tay chân rình rập và mang hai cái “condom đã qua sử dụng” để dở trò đánh lén một trí thức như Cù Huy Hà Vũ, chỉ vì bị nhân vật trí thức này thách đấu bằng một loạt đơn kiện trước toà, hoàn toàn hợp pháp trong khuôn khổ của hệ thống. Và không chỉ có thế, không chỉ cá nhân nhà lãnh đạo và một nhân vật trí thức. Tháng 10 năm 2009, để có cớ bắt nhà văn nữ Trần Khải Thanh Thủy, hệ thống chính trị đã sắp xếp để cho côn đồ dàn dựng cảnh ẩu đả trước cửa nhà rồi trưng ra bức ảnh người đàn ông máu me dầm dề như là bằng chứng buộc tội. Ngay sau đó, các bằng cớ bộc lộ trên Internet đã chứng minh rằng đó chỉ là ảnh ghép dựa trên một bức ảnh đã được chụp hơn bốn năm về trước thế nhưng, cả khi đã bị vạch trần, hệ thống toàn trị ấy vẫn bình thản tiếp tục các thủ tục pháp lý với một án tù thật nặng. Và trước đó nữa, chế độ ấy đã hèn hạ nấp kín một chỗ để đạo diễn cho đám đông dốt nát, mê tín và cuồng tín tại địa phương đấu tố nhà tranh đấu Hoàng Minh Chính, thậm chí còn đạo diễn cái màn vứt cứt vào ông. Mà không chỉ là những trò lưu manh trên phương diện “công an trị”. Chỉ có những kẻ thật sự đuối lý mới hạ mình để cù nhầy, cãi chày cãi cối theo kiểu cù lần và phá thối. Trên phương diện lý luận, hệ thống đã không đủ khả năng để bảo vệ chọn lựa hiện tại của mình một cách đường đường, chính chính. Tất cả những gì làm được chỉ là phá thối, là cù lần, là cãi chày cãi chối, là cù nhầy bằng một đội ngũ âm binh kỹ thuật lẫn âm binh chửi bới và nói leo mang tính Chí Phèo, như hiện tượng Nhô trên blog của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc chẳng hạn.[32] 

Nhưng để tồn tại vững vàng và lâu dài thì một chế độ mệnh danh “độc lập – tự do – hạnh phúc” phải tồn tại bằng những lý do “vĩ đại” bao hàm trong ý nghĩa “độc lập - tự do - hạnh phúc” cho người dân của mình chứ không phải bằng cái trò đá cá lăn dưa. Một hệ thống quyền lực “vĩ đại” mà phải vật vã giữ gìn chỗ đứng bằng những trò lưu manh vặt thì có nghĩa là nó đã rệu rã từ nền móng và sự kết thúc chỉ là vấn đề thời gian.

Làm sao có thể tin cậy một chế độ chính trị đang níu kéo sự tồn tại của mình bằng cái bô chứa cứt, bằng cái condom sắp vứt, bằng mấy tên lưu manh dàn cảnh hay những lập luận cù nhầy, cãi chày cãi cối? Nếu hệ thống chính trị đã sa đoạ đến thế thì tại sao phải lựa lời “kính thưa”, “kính gởi”? Cả một đại tướng khai quốc công thần cũng chẳng là gì. Mà cả vị đại tướng công thần cũng chỉ thỉnh cầu cho một cái hội trường cụ thể, một cái mỏ nhôm cụ thể, nói gì là những yêu sách thật lớn, có thể lay chuyển đặc quyền của cả hệ thống? “Thánh đế” có thể “hồi tâm”. Đạo tặc có thể hồi tâm, có thể “buông dao thành Phật”. Nhưng một hệ thống cai trị đạo tặc, ràng buộc nhau với những quan hệ tương liên về quyền lợi , đã chai mặt áp dụng bất cử thủ đoạn nào để bảo vệ những quyền lợi đó của mình thì khó mà thay đổi, khó mà lùi bước để tương nhượng trước lẽ phải hay đạo nghĩa.
Khi hệ thống đã hiện nguyên hình là “giặc” thì chọn lựa tối ưu phải là cách nói thích đáng với “giặc”. Thích đáng như là “Thất Trảm Sớ” ở đó Chu Văn An đòi chém đầu bảy nịnh thần. Thích đáng như là “Thư Thất Điều” mà ở đó một trí thức như Phan Chu Trinh vạch ra bảy tội của Khải Định. Hay thích đáng như khi Nguyễn Trãi khi viết thư đánh vào ý chí của tên tướng xâm lược đến từ phương Bắc: bốn lần, bốn lá thư, là bốn lần mở đầu: “Bảo cho phường giặc dữ Phương Chính rõ”.

Đã là “giặc” thì không cần kể là trong hay ngoài, huống hồ đó là thứ “giặc” rất mơ hồ với cái ranh giới “bên trong” hay “bên ngoài”, ranh giới giữa phương Bắc hay phương Nam. Đã nói với thứ “giặc dữ” ấy thì cần nói thẳng như là Nguyễn Trãi từng nói với Phương Chính: “Bảo cho phường giặc dữ rõ: Đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm cành”; “Bảo cho phường giặc dữ rõ: Ta nghe bậc danh tướng, quà nhân nghĩa mà dễ quyền mưu”; “ Bảo phường giặc dữ: Phàm đồ việc lớn, lấy nhân nghĩa làm gốc; nên công lớn, lấy nhân nghĩa làm đầu. Chỉ có nhân nghĩa vẹn toàn thì công việc mới trôi chảy được...” Không nói thẳng vào mặt giặc như thế thì ít ra cũng phải thẳng thắn với một nhân cách trí thức như nhà văn Pháp Émile Zola trong vụ án Alfred Dreyfus, khi lên tiếng kết tội chính phủ Félix Faure bài Do Thái bằng bài báo đanh thép như một lời buộc tội: J'accuse.

J'accuse hay Tôi buộc tội. Không phải những lời như thế không từng vang lên, chẳng hạn như lời buộc tội trong những đơn kiện của Cù Huy Hà Vũ trong hình thức hợp pháp của hệ thống toàn trị. Trước mắt, hành động đó sẽ không trực tiếp mang lại một thay đổi trước mắt nào nhưng chắc chắn là, về lâu về dài, nói theo nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt, sẽ “làm cho con đường của chúng ta ngắn thêm một đoạn”, cái con đường giành lại quyền lên tiếng nói khi kẻ cầm quyền tự-cho-mình đang thực sự làm giặc.[33] 

12.11.2011
_____________

Chú thích: 

[*]Về khái niệm “cầm tri thức” thay vì “trí thức”, tôi đã trình bày trong tiểu luận “Cầm quyền và cầm tri thức”, đã phổ biến trên talawas và Tiền Vệ. 

[1]Lá thư này mang tên “Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam về hiểm hoạ ngoại bang và sức mạnh dân tộc” ký ngày 21.8.2011, đã phổ biến rộng rãi trên mạng Internet. Xem:

[2]Theo dõi hoạt động của ngành báo chi và tuyên huấn Việt Nam trong vài năm trở lại đây sẽ thấy rộ lên phong trào ca tụng Võ Nguyên Giáp một cách khá bất thường.

[3]Xem: Truơng Bá Cần (2002) Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo. Nhà xuất bản TPHCM. Tr. 529, 533-536.

[4]Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển XI, Kỷ nhà Lê, chương Thái Tông Văn Hoàng Đế, Duệ Tông Hoàng Đế và Thuận Tông Hoàng Đế. Bản tiếng Việt (NXB KHXH – 1998) của Hoàng Văn Lâu, Hà Văn Tấn hiệu đính. Tập III, trang 325- 326, thuật việc ba ngôn quan là Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc và Nguyễn Chiêu Phủ dâng sớ vạch ra “năm điều không nên” khiến Lê Thái Tông tức giận tuy nhiên sau đó vẫn không trả thù.

[5]Tướng Võ Nguyên Giáp đã hai lần ký tên vào kiến nghị để “can gián” việc phá bỏ Hội trường Ba Đình và khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Mới đây, sau khi gởi “Thư ngỏ của một công dân yêu nước” (5.9.2011) ông Lê Hiếu Đằng tâm sự trên đài RFA, trong cuộc phỏng vấn của phái viên Thanh Trúc: “Thật lòng mà nói tôi cũng không mong có sự trả lời sòng phẳng và công khai về vấn đề này. Bởi vì kinh nghiệm của người dân trong một đất nước mà ngay cả bản thân đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư gởi cho các vị lãnh đạo trong vấn đề bô xít Tây Nguyên, vấn đề phá bỏ hội trường Ba Đình, mà vẫn không được trả lời. Như vậy đối với tôi, một người tuy có quá trình đầu tranh nhưng so với đại tướng Giáp là một trời một vực, thì tôi cũng không hy vọng gì.”

[6]Việc chỉ những người về hưu mới lên tiếng ai cũng rõ nhưng còn giới đương chức thì sao? Trong hồi ký của mình, Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tả lại thời kỳ làm đại biểu quốc hội, trong có đoạn: 

“Dần dà tôi nhận ra rằng những người hay phát biểu trong các kỳ họp thường là những đại biểu không nắm chức vụ gì quan trọng trong bộ máy nhà nước và bộ máy đảng. Đa số họ là giáo viên, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, các cựu chiến binh... Tôi nhớ những ngày đầu nhiệm kỳ có một nữ đại biểu còn trẻ, giám đốc Sở ở một tỉnh phía nNam phát biểu rất hăng hái. Những phát biểu của chị rất sốc, rất táo bạo làm tôi hết sức ngạc nhiên. Nhưng đến giữa nhiệm kỳ bỗng nhiên không thấy nữ đại biểu đó pát biểu gì nữa. Thì ra chị mới đề bạt làm Thứ trưởng một bộ trong chính phủ.” [Xem: Đặng Nhật Minh, (2005) Hồi ký điện ảnh, Nhà xuất bản Văn Nghệ. tr. 121]

[7]Thời gian báo chí Việt Nam diễn tả các vụ kiện tụng của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ như là những hành động “bất bình thường”, nhiều ý kiến ở các diễn đàn tự do trên Internet cũng diễn tả ông Cù Huy Hà Vũ như vậy. Thế nhưng, khi làm như vậy, họ đã ít nhiều thể hiện rằng mình chỉ là một sản phẩm của chế độ ngu dân. Thực chất, việc ấn định tiêu chí “bình thường / bất bình thường” (normal vs abnormal) còn là công cụ để cai trị của nhà cầm quyền. Các hồi ức về thời kỳ Nhân Văn – Giai Phẩm cũng cho thấy không khí tương tự: khi một người bị nêu là “có vấn đề”, họ sẽ bị hàng xóm, đồng nghiệp xầm xì và nhìn với ánh mắt nghi kỵ như là người bất bình thường. Hoặc trong thời kỳ “xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa” những người làm ăn chân chính bằng nghề buôn bán sẽ bị diễn tả là “bất bình thường” như “con phe”, những nông dân chỉ muốn tự tay mình làm ăn trên mảnh ruộng của mình cũng bị diễn tả tương tự như là một nông dân “chậm tiến”. Khái niệm “normal vs abnormal” là ý tưởng xuyên suốt trong các công trình của Foucault khi bàn về quan hệ giữa tri thức và quyền lực. Foucault cho rằng trong từng giai đoạn khác nhau nhân loại có những cách nhìn không thống nhất về các hiên tượng như chứng điên,bênh hoạn, tội phạm.v.v. Đặc biệt về hiên tượng điên khùng với tư cách là măt đối lâp của lý trí theo nhận thức thông thường ngày nay. Khảo sát lịch sử Foucault nhận thấy thật ra thời cổ đai người ta cho rằng người điên là những đầu bộ óc thâm thúy,đến thời trung cổ họ được xem là những thành viên bình thường trong xã hôi, đến thòi cận đai lai xem họ là loại người nguy hiểm gân như tội phạm, và hiện tại thì được cho là những con bệnh cần được nhập viện để chữa trị. Theo Foucault thì trên bình diện tâm lý, nếu điên khùng là cái gì phi lý tinh,thì chưa chắc nó đã đôi lập với lý tính mà là tấm gương phản chiếu hay sự kéo dài của lý tính, lấy thí dụ những nghệ sĩ ưu tú thường bị xem là những người “không bình thường”. Có thể tham khảo: 

Foucault M. (1988) “Technologies of the Self” in L.H. Martin, H. Gutmanm TR.H. Hutton (ed) Technologies of the Self: A Seminar With Michel Foucault. Amherst MA: Universty of Massachuset Press. tr. 146

Foucault M. (1977) Discipline and Punish: The Birth of the Prison, London: Penguine Books. Part Three:. Panopticism, tr. 195–228. Tại đây Foucault phân tích biện pháp mà một thị trấn đối phó vào thế kỷ 17, những biện pháp đã hình thành nên sự phân chia như mad/sane; dangerous/harmless; normal/abnormal (tr.199).

Foucault M. (2006, 7th edition) Madness and Civilization, London and New York: Routledge Classics. Xem chương 2: The Great Confinment, tr. 35–60.

[8]Đây là công trình khảo cứu được giải IgNobel 2011 với thí nghiệm được thực hiện trên tám thanh niên khoẻ mạnh, cứ 15 phút uống 250 ml nước và phải nín tiểu tiện, nín và uống cho đến khi không thể nín được nữa. Công bố trong bài “The Effect of Acute Increase in Urge to Void on Cognitive Function in Healthy Adults” của Matthew S. Lewis, Peter J. Snyder, Robert H. Pietrzak, David Darby, Robert A. Feldman, Paul T. Maruff, đăng trên tập san Neurology and Urodynamics, vol. 30, no. 1, January 2011, pp. 183-7. 

[9]Xem “Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trình Đại hội XI”, mục I. “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, có đoạn viết: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. [...] Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.” Hay “Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng”, ở mục 2. “Tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ theo con đường xã hội chủ nghĩa” có đoạn viết: “Chúng ta một lần nữa khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.”
 
[10]Tôi đã đề cập đến bản chất thực dân của hệ thống toàn trị trong bài “Thực dân, nô lệ, ăn mày”, đã đăng trên Tiền Vệ. 

[11]Thử đọc tài liệu “Nhà nước và cách mạng xã hội” của Khoa Mác-Lênin & Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại học Mỏ Địa chất: 

“Theo Ph. Ăngghen, về bản chất thì “Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác.” Không có nhà nước đứng trên các giai cấp hoặc nhà nước chung cho mọi giai cấp. Nhà nước chính là một bộ máy do giai cấp thống trị về kinh tế thiết lập ra nhằm hợp pháp hoá và củng cố sự áp bức của chúng đối với quần chúng lao động. Giai cấp thống trị sử dụng bộ máy nhà nước để đàn áp, cưỡng bức các giai cấp khác trong khuôn khổ lợi ích của giai cấp thống trị.” 

[12]Điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 1992: 

“Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

[13]Phạm Thị Hoài, “Về tư cách của trí thức Việt Nam”, Hợp Lưu, số 61.

[14]Bộ sử này viết từ khi giai cấp công nhân hình thành cho đến năm 1945, hoàn tất năm 1958, được in lại trong Trần Văn Giàu (2003), Tác phẩm được tẳng Giải thưởng Hồ chí Minh, quyển 1, Nhà xuất bản khoa học xã hội. Khi hoàn tất cuốn này vào năm 1958, Trần Văn Giàu ao ước trong “Lời nói sau cùng” là được “các bạn ở miền Nam và ở bên Pháp” góp sức đẻ “bổ sung, chỉnh lý” vì “chắc ở Sài Gòn, ở Paris, còn nhiều tài liệu rất cơ bản” mà ông ta đã không thể tìm được sau 6 năm tìm tòi ở Hà Nội. (tr. 1778) Từ năm 1975 cho đến lần xuất bản vào năm 2003 đã là 28 năm, thế nhưng “Lời nói sau cùng” này vẫn giữ nguyên. Tác giả đã “chán” việc “nghiên cứu” hay “bổ sung, chỉnh lý” cho bộ giai cấp sử này rồi chăng? 

[15]Domhoff, G. William (1983). Who Rules America: Power, Politics, & Social Change, Touchstone Books, tr. 28–37. 

[16]Trong kháng chiến Lê Đức Thọ từng ra nghị quyết cho phép những cán bộ công tác xa nhà trên 300 cây số được phép lấy thêm vợ. Xem: Nguyễn văn Trấn (1995) Viết cho mẹ & Quốc hội, California: Văn Nghệ, tr. 143. Tác giả từng là phó bí thư xứ ủy Nam kỳ trong thời kỳ tiền cách mạng. Điều này cũng được nhắc đến trong một cuốn sách khác xuất bản tại Việt Nam: Nguyễn Thế Lâm (2003), Ngược bắc xuôi nam, Nhà xuất bản Trẻ, tr 142. Tác giả là thiếu tướng, tư lệnh pháo binh, và là con rể của cụ Lê Đình Thám. 

[17]Lê Duẩn có hai vợ. Vợ cả là Lê Thị Sương, có bốn người con. Vợ hai là Nguyễn Thụy Nga, kết hôn năm 1948 tại miền Tây Nam Bộ, do Lê Đức Thọ làm mối, Phạm Hùng làm chủ hôn, khi Lê Duẩn vẫn còn là chồng chính thức với người vợ đầu. Sau 1975, bà là Phó Tổng biên tập phụ trách hành chánh trị sự của báo Sài Gòn Giải phóng, hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Có ba người con. Báo Tiền Phong đã đăng loạt bài 5 kỳ của Xuân Ba “Người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn”, còn lưu lại trên nhiều website. Có thể tham khảo theo các đường link tại http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Du%E1%BA%A9n
 

[19]Xem: Nguyễn Thế Lâm (2003), sđd, tr. 105 và tr142 –143; và Nhiều tác giả (2003) Tô Ký, vị tướng trung kiên nghĩa hiệp, Nhà xuất bản Trẻ.

[20]Lương Thị Bích Ngọc, “Trò chuyện với con gái tướng Giáp”, VietnamNet (4.9.2007). Bài phỏng vấn này còn lưu lại trên trang web Văn Nghệ Quân Đội.
 
[22]Animal Farm, của George Orwell, xuất bản lần đầu năm 1945
Bảy điều tâm niệm:
 
1. Bất kỳ cái gì đi bằng hai chân đều là kẻ thù
2. Bất kỳ cái gì đi bằng bốn chân, hay có cánh, đều là bạn bè.
3. Không con vật nào được mặc quần áo.
4. Không con vật nào được ngủ trên giường.
5. Không con vật nào được uống rượu.
6. Không con vật nào được giết bất kỳ con vật nào khác.
7. Tất cả các loài vật là bình đẳng.

[23]Con gái TT Nguyễn Tấn Dũng lấy chồng là một người Việt quốc tịch Mỹ, nghĩa là hoàn toàn không “môn đăng hộ đối” trên phương diện “tham gia cách mạng”. Đây lại là một câu chuyện khá vui, tiền hậu bất nhất.

Cuối năm 2006 nguyên Tổng thống Mỹ George Bush đến Việt Nam và đã ca ngợi quan hệ Việt- Mỹ qua việc con gái Nguyễn Tấn Dũng du học tại Mỹ và lấy chồng là công dân Mỹ. Đầu năm 2007 ông Dũng lên tiếng phủ nhận việc này: con gái ông không du học và không lấy Việt kiều Mỹ.

Đến cuối năm đó thì cô con gái tên Nguyễn Thị Thanh Phượng tổ chức hôn lễ với một công dân Mỹ tên Nguyễn Bảo Hoàng.

Theo một nguồn tin trong nước chưa được kiểm chứng thì Nguyễn Bảo Hoàng — hay rể của Nguyễn Tấn Dũng — là con trai của Nguyễn Bang, nguyên là một thứ trưởng của chính quyền VNCH trước 1975.

Và theo báo chí Việt Nam thì con gái thủ tướng cô này đã tốt nghiệp “thạc sĩ quản trị tài chính tại Thuỵ Sĩ”, nghĩa là có đi du học. Còn rể thủ tướng là đại diện của quỹ đầu tư IDG Ventures của Mỹ tại Việt Nam.

Đưa tin này, báo chí Việt Nam luôn nhấn mạnh hai điều: 1/ con rể thủ tướng là một nhân tài; 2/ “dù lớn lên ở Mỹ và từng mang quốc tịch Mỹ” hay “chưa nói sỏi tiếng mẹ đẻ”, anh con rể này rất muốn “mọi người gọi mình là người Việt Nam” và “hiện là công dân Việt Nam.”

Tuy nhiên có rất nhiều điều khó hiểu.

Thứ nhất, Luật song tịch của Việt Nam chỉ mới đuợc Quốc hội thông qua ngày 13.11.2008. Thế nhưng khi cử hành hôn lễ vào ngày 16.11.2008 thì ông Hoàng đã là “công dân Việt Nam”. Như vậy thì ông phải được cứu xét và công nhận quốc tịch vào ngày 14 hay ngày 15 tháng 11.

Thứ hai, theo thông tin trên báo chí Việt Nam thì lúc đó (2008) Nguyễn Bảo Hoàng 36 tuổi. Báo chí còn cho biết Hoàng “đã đến Mỹ lúc mới 22 tháng tuổi”, tức đã đến Mỹ từ năm 1972. Điều này ngụ ý là ông Hoàng đến Mỹ từ miền Nam, do đó khi sinh ra ông chỉ có thể mang quốc tịch Việt Nam Cộng Hoà, đến Mỹ mang quốc tịch Mỹ. Ông Hoàng không thể mang lưỡng tịch Mỹ và CHXCNVN như người rời Việt Nam sau 1975 bằng con đường “hợp pháp” hay “bất hợp pháp”.

Thứ ba, theo thể lệ Việt Nam thì sau khi lập pháp thông qua luật, bên hành pháp cần phải có thời gian để chu toàn các vấn đề mang tính kỹ thuật thí dụ phân công ai là người có phần hành cứu xét đơn xin hồi tịch hay nhập tịch, quy định các bước thủ tục.

Sau khi quốc hội thông qua nghị quyết nào đó thì Văn phòng chính phủ hay Hội đồng nhà nước thường ban hành những công văn “Hướng dẫn thi hành”.

Như vậy thì con rể của thủ tướng Việt Nam đã được nhập tịch với tốc độ vũ trụ, bỏ qua các giai đoạn nói trên.
 
[24]Câu “thời ký tích luỹ nguyên thủy tư bản chủ nghĩa thấm đẫm máu và bùn dơ của người lao động” được trích dẫn khá nhiều trong sách vở và giáo tại Việt Nam với nhiều “dị bản” khác nhau. Tôi thử tra và tìm thấy trong Bài nói chuyện của Lê Duẩn “Hăng hái tiến lên hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” trong “Hội nghị phổ biến Nghị quyết lần thứ tám của Trung ương Đảng vào ngày 18.5.1963. Sau được in lại trong Lê Duẩn (1976) Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, t.I, tr. 293–340. Bài này có đoạn nói: 
“Cho nên Mác đã nói là, lịch sử của tích luỹ tư bản chủ nghĩa là lịch sử viết bằng chữ máu và lửa, tư bản ra đời, tất cả lỗ chân lông của nó đều đầy máu và bùn. Còn ở nước ta, chúng ta chẳng những không đi con đường tư bản chủ nghĩa, con đường đầy đau khổ và chết chóc đối với nhân dân lao động, mà chúng ta cũng không thể áp dụng những phương pháp tích luỹ tư bản chủ nghĩa.”
Tôi đã tra và trên thực tế Karl Marx đã viết trong Capital: A Critique of Political Economy. Volume I: The Process of Capitalist Production [1867], chương XXX mang tên Reaction of the agricultural revolution on industry creation of the home market for industrial capital: “If money, according to Augier, ‘comes into the world wide a congenital blood-stain on one cheek,’ capital comes dripping from head to foot, from every pore, with blood and dirt.”

[25]Vế ý niệm “tiêu chuẩn”, xin đọc thêm: Nguyễn Hoàng Văn, “Chính trị tiêu chuẩn và tiêu chuẩn... chính trị”, Talawas, 09/04/2010.
[26]Phan Khôi. “Trên lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến”. Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 268 (29 Novembre 1934). Lại Nguyên Ân sưu tầm, hiệu đính, giới thiệu trên http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=9651&rb=0302
 
Hồng Quân, Nông Quốc Tuấn, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Xuân Anh, nhân sự, Trần Bình Minh, Đảng, đại hội
Trần Sỹ Thanh, Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk là cháu Nguyễn Sinh Hùng.
Đó là ông Nông Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, con trai Nông Đức Mạnh.
Nguyễn Thanh Nghị, con trai Nguyễn Tấn Dũng.
Nguyễn Xuân Anh, con trai Nguyễn Văn Chi.
Nguyễn Chí Vịnh, con trai Nguyễn Chí Thanh.
Phạm Bình Minh Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao là con trai Nguyễn Cơ Thạch.
Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y Tế là cháu ngoại của Hà Huy Tập.

[28]“Một thời cây các cụ, con các cụ”, Dương Đình Tường (06/02/2011), báo Nông Nghiệp Việt Nam. Nhưng bài báo nguyên thuỷ đã bị xoá, chỉ còn bản đăng lại trên trang Quảng Ngãi Nghĩa Thục: “Một thời cây các cụ, con các cụ”.
Bài báo kể chuyện ông Nguyễn Đình Phi năm nay đã 84 tuổi vốn là cán bộ ở Quảng Ngãi tập kết ra Bắc năm 1955., làm viên trong Nông trường chăn nuôi Thống Nhất.
Đây là heo nuôi cho “lãnh đạo” ăn:
“Giống lợn nuôi ở Tập đoàn vẫn là giống phổ biến trong dân nhưng cung cách chăm sóc đã khác hẳn với chế độ ăn cao cấp hơn, toàn bằng cám nhà máy xay chứ không phải thứ cám nghiền bằng cối đá, lắm trấu, nhiều sạn. ... Một loại men đặc biệt được Viện Thú y cung ứng về chưng cất, cấp cho các tổ chăn nuôi dùng ủ cám ngô, cám gạo. Dưới sự xúc tác của men trong vòng một ngày một đêm thức ăn sẽ thơm như rượu. Lợn ăn men đó chỉ có trơn lông, đỏ da, ngủ ngon, tiêu hoá kỹ. ... Trại đã có những ô chuồng kiên cố, ngày ngày được quét dọn 2-3 lần bằng máy bơm điện công suất lớn. Nền chuồng luôn khô ráo, mát mẻ. Thường trực chăm sóc sức khỏe cho lợn có đội quân 2-3 bác sĩ thú y thay nhau thăm khám.”
Sau đây là rau, theo hồi tưởng của ông Đào Đức Dược:
“Yêu cầu chung khi trồng trọt không được sử dụng phân tươi và tưới bằng nguồn nước sạch.... Thuốc trừ sâu phải dùng loại ít độc hại nhất, cách ly đầy đủ. Khác hẳn cái thời cả nước quen phun thuốc hôm nay, ngày mai hái ra chợ. “Dưa lê vốn nhiều sâu nhưng không phun thuốc hoá học mà trại có cách BVTV vô cùng độc đáo. Các công nhân của tôi đem bột nếp ra quấy thành hồ nước rồi đổ ra đĩa. Ra đến ruộng, mỗi người tay cầm một đĩa hồ, tay cầm que tre, nhúng que xuống hồ rồi lăn vào mặt lá. Bao sâu bọ bị dính tất vào que được gạt xuống, bắt giết sạch. Cách bắt sâu thủ công và tỷ mẩn này đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người ăn quả. Chuối tiêu, đu đủ, cà chua trại sản xuất không dùng hoá chất để dấm mà cứ để chín tự nhiên. Su hào Hà Giang, củ thu hoạch lúc non, chỉ to bằng cái chén tống, vỏ mỏng tang, chưa kịp có một sợi xơ. Khi thu hoạch, công nhân túm lấy ngọn, lấy dao cắt gốc mà tuyệt nhiên không được sờ tay vào vỏ kẻo... mất đi lớp phấn mịn”.
Ngày nay hàng hoá ê hề, không còn những nông trại chuyên phục vụ vua, tuy nhiên vẫn có những “tiêu chuẩn” rất đế vương khác. Thí dụ: “Thang máy phó thủ tướng” – Phó Thủ tướng chứ có phải vua đâu mà vào ngủ khách sạn cũng phải chặn một thang máy làm “chuyên khoang”, không dám đi chung với khách thường? Hay “Sự quan liêu của quan chức cao cấp”.
[29]Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần và người đất Việt, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin; và Hue-Tam Ho Tai (1983), Millenarianism and peasant politics in Vietnam, Harvard University press.
[30]“Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước Việt Nam” là cơ quan có nhiệm vụ đề cử, xem xét, và phong chức danh giáo sư tại Việt Nam. Chủ tịch hiện tại là Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng.
[31]Nhà văn Phạm Thị Hoà là người đưa ra khái niệm “tư cách quan văn”, khai triển từ phát hiện của nhà văn Nguyễn Kiến Giang về bản tính “phò chính thống” của giới có học Việt Nam. Xem bài “Về tư cách của trí thức Việt Nam”, chú thích số [13]
[32]Thí dụ các trò đánh phá các blog, đưa “đại biểu nhân dân” ra đấu tố những người biểu tình chống Trung Quốc trên truyền hình, sử dụng những “chuyên viên cù lần” để tranh luận trên các diễn đàn như “Nhô” trên blog của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc v.v...
[33]Bài thơ “Tôi biết ơn những người vấp ngã” của Nguyễn Tôn Hiệt 


Nguồn: Tiền Vệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét