Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Về đạo Khổng và tham nhũng, dân chủ và trịch thượng (5)

Những nền dân chủ không có nhà dân chủ
 
Andreas Lorenz
Ba Cơ dch


Các nhà tư tưởng hiện đại của châu Á như Han hoài nghi việc đấy. Vì các giá trị “châu Á” mang một hạn chế to lớn cùng với nó: chúng đặt quan hệ cá nhân, chính phủ gia trưởng và khiển trách đạo đức lên trên minh bạch, trách nhiệm đối với công cộng, sáng kiến cá nhân và quy định theo luật pháp và tạo nhiều chỗ hơn nữa cho kinh tế móc ngoặc, quan liêu và tham nhũng – theo Han “một hiện tượng phổ biến trong tất cả các nước châu Á ngoại trừ một ít trường hợp ngoại lệ”.

Thêm vào đó, những truyền thống như thế hoàn toàn không bắt buộc phải đứng cản đường dân chủ. “Trong những thập niên vừa qua chúng ta đã nhìn thấy nhiều nước châu Á đã biến đổi trở thành những nền dân chủ chính trị, bao gồm Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines. Ấn Độ đã là một nền dân chủ kể từ khi độc lập sau Đệ nhị thế chiến. Tất cả đều có những lần bầu cử có ý nghĩa và quy củ, tạo nên các chính phủ được bầu. Họ hưởng quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận và các tổ chức chính trị … Những nước khác như Thái Lan, Mông Cổ và Malaysia đang kiên định bước đi theo hướng dân chủ tuy thỉnh thoảng còn bị giật lùi.”[18]

Ở đây thì Han rất lạc quan. Vì phần lớn các quốc gia châu Á cho tới nay là “những nền dân chủ không có nhà dân chủ”, theo như nhà chính trị học người Indonesia Fadjroel Rachman, thường bị thống trị bởi những gia đình giàu có, chính trị gia tham nhũng và giới quân đội, trong trường hợp tồi tệ nhất là bởi cả ba nhóm.

Hàng năm tổ chức New York Freedom House đo tình trạng tự do chính trị, kết quả cho châu Á năm 2010 không được tốt. Trong số 29 nước được khảo sát ở châu Á và Thái Bình Dương có 16 nước “tự do”, 15 “tự do một phần” và 8 “không tự do”.[19]

Triều Tiên là một trường hợp như thế – một hệ thống độc tài đóng kín. Láng giềng Trung Quốc to lớn của nó ngược lại không thỏa mãn các tiêu chuẩn thông thường của một chế độ độc tài như chúng ta đã biết từ Liên bang Xô viết hay Romania. Bắc King cho phép phần lớn công dân có những quyền tự do cá nhân và kinh tế, như tự do làm giàu, tự do ra nước ngoài, tự do lựa chọn nghề nghiệp. Và tuy vậy, ĐCS kiểm tra chặt chẽ báo chí và tư pháp.

Nếu như người ta đưa bầu cử quốc hội ra làm thước đo duy nhất cho một nền dân chủ, thì ngay cả Myanmar, Campuchia hay Singapore cũng dân chủ. Sự thật là những nước này ngược lại: cả ba quốc gia bị thống trị bởi hoặc một phe cánh quân đội, chính khách độc tài hay một nhóm tinh hoa nhỏ, những người tuy để cho bầu cử nhưng đe dọa, bỏ tù, giết chết hay đẩy những địch thủ của họ đến tình trạng phá sản và không cho người nào nắm lấy quyền lực mà không có sự ưng thuận và thiện cảm của họ.

Ấn Độ được xem là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Thật sự là giới truyền thông liên tục vạch trần các chính khách tham nhũng, nền tư pháp hoạt động độc lập, trên 700 triệu người có quyền bầu cử trong 28 tiểu bang thường xuyên được phép bỏ phiếu. Bang Uttar Pradesh ở Bắc Ấn còn được lãnh đạo bởi một nữ thủ hiến từ đẳng cấp Dalit thấp nhất, “tiện dân”. Bà có tên là Mayawati và đã tự cao cho dựng lên nhiều tượng riêng của mình.
Ở đó và cũng ở những nơi khác, đảng “tiện dân” của bà giành được sự yêu mến của người dân và ảnh hưởng. Đảng Cộng sản Ấn Độ (Mác-xít) chiếm ưu thế trong bang Tây Bengal.

Và tuy vậy: tham nhũng và bảo hộ [patronage] đầy dẫy. Chính trị ở Ấn Độ trong nhiều phần lớn đã suy thoái trở thành một hoạt động gia đình. Indira Gandhi đã là nữ thủ tướng 15 năm và đã nhanh chóng bãi bỏ nền dân chủ từ 1975 đến 1977, lãnh đạo bằng chỉ thị và cho bắt giam giới đối lập. Sau khi bà bị giết chết, người con trai Rajiv, một phi công không có kinh nghiệm về chính trị, trở thành người đứng đầu chính phủ.

Từ khi ông bị một kẻ ám sát người Tamil giết chết năm 1991, người vợ góa Sonia của ông, một phụ nữ gốc Ý, nắm quyền trong Đảng Quốc Đại. Dường như không làm được điều gì mà không có bà ấy. Áp phích với ảnh của bà và người chồng đã qua đời được treo trên đường phố Mumbai trong tháng 4 năm 2001: “Chúng tôi cảm ơn”, chúng tuyên bố, rằng Sonia Gandhi đã bổ nhiệm chính trị gia B. K. Hariprasad vào chức vụ CWC & Gen Secretary AICC, một chức vụ cao trong đảng. Gia đình này hẳn sẽ tiếp tục đóng một vai trò trong tương lai của Ấn Độ: Rahul con trai của Sonia cũng là một chính khách.

Nhiều nghị sĩ và bộ trưởng trên bình diện liên bang và tỉnh hiện giờ cũng là những người “kế thừa”: con trai, con gái, con dâu và con rể đạt những chức vụ quan trọng, trên con đường đi đến đó, nhiều tiền bạc đã được rót ra, nhiều quà cáp đã được mang tặng.[20]

Một xã hội dân sự sống động đặt dấu ấn lên đời sống chính trị và xã hội của Philippines. Sau chế độ độc tài kéo dài 21 năm của Ferdinand Marcos, từ năm 1986 báo chí được tự do và mang tính phê bình, các cuộc bầu cử là dân chủ, nếu như các đảng phái không lại cố gắng lén mang phiếu bầu cho ứng cử viên của mình vào thùng phiếu và đồng thời đánh cắp phiếu của địch thủ với mánh khóe được gọi là “dagdag-bawas”. Tuy vậy, các cấu trúc phong kiến vẫn không đổi từ nhiều năm nay: từ trước tới nay, thống trị Philippines vẫn là những gia đình có nhiều ảnh hưởng, có quân đội riêng và – khi cần thiết với bạo lực – lo sao cho quyền lực của họ không bị xâm phạm. Năm nào cũng có nhà báo, những người đụng đến các đề tài gây khó chịu, bị kẻ lạ bắn chết.

Trong thời gian tranh cử tổng thống năm 1998, tôi đã đến thăm đồn điền rộng 100 ha “Balbina” của nhà đại công nghiệp giàu sụ Eduardo Cojuangco, người ủng hộ diễn viên Joseph Estrada tranh cử. Người hầu gái trong áo váy hoa dùng những cây quạt sặc sỡ đuổi ruồi ra khỏi bàn tiệc búp phê nhiều giờ liền, trên sân hiên cạnh bể bơi có người hầu mời kem. Cạnh đó, Cojuangco đã cho người dựng một sân chọi gà cho công nhân của ông ấy. Trong vườn có một nhà cầu nguyện mà Cojuangco đã xây cho Gretchen vợ của ông nhân dịp kỷ niệm ngày cưới.

Bà ấy gốc Đức – “Ông cố của tôi ở Dresden” – và chào mừng khách một cách lão luyện trong lúc Estrada còn chưa đến. Thượng nghị sĩ, nghị sĩ và những người muốn trở thành như thế uống nước cam lạnh trong phòng khách. Cuối cùng, Estrada được bầu nhờ vào sự giúp đỡ của giới đại địa chủ – và sau đó đã vào tù vì tham nhũng.

Cho đến nay, chính trị gia Philippines không thành công – hay không muốn – xóa bỏ nạn nghèo đói cùng cực. Hàng triệu người, một phần được đào tạo tay nghề tốt, phải để cho người khác bóc lột mình ở nước ngoài như là người giúp việc trong gia đình, trước hết là ở Hongkong, vì thị trường lao động trong nước không cho họ có được một cơ hội. Hiện giới chính khách đang thảo luận liệu chuyển đổi từ tổng thống chế sang hệ thống quốc hội có mang lại cải tiến hay không.

Người Thái đi bầu thường xuyên, nhưng bầu cử mang dấu ấn của mua phiếu và lừa đảo. Họ gọi đêm trước ngày bầu cử là “đêm của những con chó tru”. Do chó sủa vang vì có nhiều người lạ trà trộn vào làng để dùng tiền mà thuyết phục người dân đặt cái dấu chéo vào đúng chỗ.

Ngự ở trên tất cả là nhà vua đau bệnh Bhumibol, người thể theo Hiến pháp không có nhiều quyền hành nhưng lại có ảnh hưởng lớn và được người dân tôn sùng. Nhằm không để cho hình ảnh và kinh doanh của hoàng gia bị soi xét quá tỉ mỉ, người ta cấm lăng mạ nhà vua, một đạo luật mà theo đó tất cả mọi nhận xét mang tính chỉ trích về gia đình cao cả đấy đều có thể bị phạt. Trong quá khứ, giới quân đội đã thường đảo chính, từ 1932 là 18 lần. Với lần đảo chính cho tới nay là cuối cùng của họ, quân đội đã hạ bệ một thủ tướng tinh ranh nhưng được bầu lên một cách dân chủ là Thaksin Shinawatra. Thaksin, nguyên là cảnh sát, người trở nên giàu có trong kinh doanh viễn thông, đã dùng bạc tỉ của mình để mua một đảng và đã lôi kéo đặc biệt là những người đi bầu trong vùng nông thôn về phía mình bằng những chương trình được lòng dân như chăm sóc y tế rẻ tiền hơn.

Năm 2010, Bangkok bị đe dọa sẽ chìm vào trong hỗn loạn, khi những người thuộc phe Thaksin, được gọi lả “Áo Đỏ”, đã làm tê liệt Bangkok nhiều ngày. Quân lính nổ súng vào những người đi biểu tình, nhà cháy, 91 người chết. Trước đấy, những người “Áo Vàng”, địch thủ của Thaksin, đã chiếm cảng hàng không mới. Thế nhưng vào tù cho tới nay chỉ là những người thuộc phe của nhà tỉ phú – việc tạo bất an lớn trong giới công cộng mang nhiều tính phê bình của Thái Lan.[21] Trong tháng 7 năm 2011, Thaksin, người trong thời gian vừa rồi bị kết án tham nhũng, từ nơi lưu vong đã thành công trong việc mang quyền lực đến cho Yingluck em gái của ông ấy – một phụ nữ kinh doanh hoàn toàn không có kinh nghiệm trong chính trị thế nhưng lại thắng lớn trong những lần bầu cử.

Nhật Bản, đất nước trước thảm họa động đất và sóng thần trong tháng 3 năm 2011 là nước châu Á mạnh thứ nhì về kinh tế, là một nền dân chủ đại nghị, dựa vào mô hình Anglo-Saxon. Thế nhưng nhiều thập niên liền chỉ có Đảng Dân chủ Tự do là đứng đầu mà chính trị được tiến hành trong những hậu phòng của nó và trong đó thủ tướng được thương lượng theo nguyên tắc người bảo hộ [patronage]. Hậu quả là chính trị và kinh tế quan hệ chặt chẽ, quan liêu mạnh. Nhân viên các bộ có ảnh hưởng đến những quyết định của chính phủ nhiều hơn là trong những nước khác.[22]

Indonesia, với gần 238 triệu dân là đất nước Islam lớn nhất thế giới, năm 1998 đã vứt bỏ chế độ độc tài của nhóm Suharto và “Trật tự Mới” của ông ấy, cái giao cho giới quân đội một vai trò mạnh. Trong lần bầu cử Quốc Hội năm 2009 có 38 đảng ra tranh cử, tuy vậy, cuộc tranh cử giằng co về chính sách chính trị thì ít mà nhiều hơn là về nhân sự. Quân đội, dưới thời Suharto đã cùng quản lý đất nước, mất ảnh hưởng, thế nhưng giới tinh hoa cũ trước sau vẫn còn ngồi ở những vị trí quan trọng và ngăn cản không cho những vi phạm quyền con người từ thời Suharto được mang ra xét xử.

Vẫn còn chưa được chuộc lỗi là lần bắt cóc và giết chết những người đối lập, trong số họ có nhiều sinh viên, vào cuối những năm 90 bởi đơn vị đặc nhiệm “Kopassus” của quân đội. Đơn vị này được lãnh đạo bởi một người con rể của Suharto, Prabowo Subianto.

“Người nhà Suharo sống không tệ đâu”, Franz Magnis-Suseno nói với tôi, một linh mục Dòng Tên có gốc Đức với tóc bạc trắng và tính thích áo in hoa. Nhà triết học 74 tuổi và chuyên gia cho đạo đức học Java giảng dạy tại trường Driyarkara của Dòng Tên về triết học ở Jakarta. Ông ấy là một người khách mời nổi tiếng trong các seminar và talk-show, cố gắng thuyết phục người dân Indonesia và qua đó củng cố nền dân chủ. Ông ấy lên án tổng thống đã nói dối. Chỉ khi thành công trong việc ngăn chặn tham nhũng, Magnis-Suseno nói, thì Indonesia mới có cơ hội trở nên dân chủ thật sự.

Đó là một con đường khó khăn, như người ta thấy và một cái nhìn vào trong tạp chí chính trị nổi tiếng “Tempo”, trong bản tiếng Anh của số ra tháng 2 năm 2011, cho thấy rõ. Trong đấy là về thuế quan của Jakarta, bộ phận đã cho phép buôn lậu điện thoại Blackberry và rượu mạnh. Tiếp theo sau đấy một trang là biểu đồ với hơn 147 tỉnh trưởng và quận trưởng, những người hoặc đã bị tòa phán xử hoặc bị tố cáo vì tội hối lộ hay tham ô tiền công. Và cuối cùng, “Tempo” tường thuật về “Ủy ban triệt tiêu tham nhũng”, ủy ban mà đã bắt 24 nghị sĩ quốc hội. Ủy ban này tố cáo họ đã nhận tiền của một chính trị gia, người muốn trở thành phó giám đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia với sự giúp đỡ của họ.

Theo cách nhìn của phương Tây có hai nước châu Á là câu chuyện thành công về dân chủ: Hàn Quốc và Đài Loan. Ở đấy, những người từng là đối lập được bầu vào vị trí lãnh đạo nhà nước, những người mà trong thời độc tài hoặc đã ngồi trong tù hoặc là nằm trong danh sách chết của tay sai chính phủ: ở Hàn Quốc là Kim Dae Jung và Đài Loan là Chen Shui-bian.

Mặc dù vậy, Chen hiện lại ngồi tù – lần này không phải là vì phê bình mà là vì tham nhũng. Cả vợ và con trai cũng bị án. Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông đã bị đưa ra tòa – tuy đấy là một vụ gây tranh cãi nhưng hầu như không một ai ở Đài Loan lại tin rằng những lời buộc tội là hoàn toàn vô căn cứ.

Đồng thuận Washington, Đồng thuận Bắc Kinh, đạo Khổng và tham nhũng. Châu Á vươn lên đến tầm to lớn mới giữa những cực đó. Nhưng động cơ quan trọng nhất cho sự tăng trưởng là Trung Quốc. Muốn hiểu được lần phục hưng của châu Á, người ta phải tiến đến gần con rồng Trung Quốc.

______________





______________


[18] Han Sung Joo: “Keynote-Speech, Lauch of the Center for the Study of Governance”, Workshop, Jakarta, 2008


[20] Xem Patrick French: “India – A Portrait”, Penguin Books, London 2011

[21] Cung cấp một cái nhìn tốt vào hậu trường của chính trị Thái Lan là quyển sách bị cấm ở Thái của Paul M. Handley: “The King never smiles”, Yale University Press, New Haven and London, 2006

[22] Xem Francis Fukuyama, người trong “The End of History and The Last Man” đã mô tả nền chính trị thỏa thuận của Nhận Bản; Wolfgang Merkel trong “Demokratie in Asien” ["Dân chủ ở châu Á"] đã cố gắng xem xét các hình thức chính phủ của từng nước một theo những giá trị dân chủ của họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét