Cuối năm Tân Mão, về lại Tây bắc thăm những người bạn, thăm lại cả những bản làng xưa.
Con đường mòn lên Chiềng Ân, một bản làng heo hút cách thị trấn Mường La 40 km nay đã đổi khác. Nó được trải nhựa thủ công. Dù thủ công, thì đó cũng là điều xa xỉ đối với các bản làng người H’Mong vùng Tây Bắc. Những bản làng được trải nhựa trên các cung đường dẫn vào bản chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một số bản có đường nhựa dẫn vào làng là vì đó là quê hương của những vị quan đầu tỉnh như Long Hẹ, Thuận Châu, Sơn La – quê hương của Thào Xuân Sùng, bí thư tỉnh ủy Sơn La.
Con đường mòn lên Chiềng Ân, một bản làng heo hút cách thị trấn Mường La 40 km nay đã đổi khác. Nó được trải nhựa thủ công. Dù thủ công, thì đó cũng là điều xa xỉ đối với các bản làng người H’Mong vùng Tây Bắc. Những bản làng được trải nhựa trên các cung đường dẫn vào bản chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một số bản có đường nhựa dẫn vào làng là vì đó là quê hương của những vị quan đầu tỉnh như Long Hẹ, Thuận Châu, Sơn La – quê hương của Thào Xuân Sùng, bí thư tỉnh ủy Sơn La.
Chiềng Ân không có cái may mắn được làm quê hương của các quan chức đầu tỉnh, đơn giản bởi đó là một bản làng mà phần lớn những người dân nơi đây đã tự mình tìm đến đạo Chúa với tâm niệm theo đạo để nhờ Chúa mà bỏ được tục thờ ma. Người dân nơi đây tin Chúa, nên họ cũng tin rằng, con đường đươc trải nhựa là nhờ ơn Chúa và nhờ những chuyến viếng thăm của Giáo hội tại nơi đây.
Ngoại trừ con đường vừa mới được trải nhựa, Chiềng Ân vẫn vậy. Vẫn cái nghèo bám lấy người dân. Cái đói quanh năm quay quắt. Những đứa trẻ còi cọc bên các bể nước công cộng đã cạn nước tự khi nào như tố cáo một kế hoạch, một chính sách thất bại của nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhiều gia đình không còn cái ăn, phải vào rừng đào củ hay lấy dễ cây rừng làm lương thực tạm sống qua ngày chờ đợi vụ ngô thu hoạch.
Sống trên đỉnh của các ngọn núi, như bất cứ bản làng H’Mong nào, người dân Chiềng Ân quanh năm chỉ biết sống nhờ vào một vụ ngô duy nhất thường thu hoạch vào tháng mười. Cái vòng luẩn quẩn nghèo – đói của người dân các bản làng H’Mong Tây Bắc diễn ra quanh năm. Tình trạng “bán ngô non” xảy ra hầu hết nơi các gia đình người H’Mong. Mỗi năm khi vụ mùa đến, niềm vui được mùa không khỏa hết nỗi buồn lan khắp bản làng khi chứng kiến những người dưới xuôi lên thu hoạch công sức cả năm nai lưng canh tác. Điệp khúc vay, mượn, ăn trước, trả sau cứ bám lấy từng gia đình như một thứ nghiệp chướng. Cái nghèo, cái khó cứ thế bám lấy chẳng chịu rời họ nửa bước.
Đời sống kinh tế đã vậy, đời sống tinh thần, việc chăm sóc y tế, giáo dục cũng chẳng được ai lo. Nhiều người chết vì những căn bệnh hết sức đơn giản như đau ruột thừa cấp, tiêu chảy… Nhiều tháng trời, trạm y tế xã hầu như không có thuốc, đơn giản bởi tiêu chuẩn y tế của các bản vùng cao thường chỉ về tới huyện đã bị các nhân viên y tế xà xẻo tới viên thuốc cuối cùng. Phần lớn các giáo viên tại các trường bản là những người được cắt cử tới bản theo qui hoạch giáo viên vùng cao, chứ hiếm có những giáo viên tự nguyện lên vùng cao dạy con chữ cho trẻ em nghèo. Chính vì thế, với họ, tinh thần trách nhiệm hầu như không có. Họ chỉ muốn sao cho hết thời hạn ba năm để có thể về xuôi tiếp tục nghề dạy học. Các em nhỏ vùng cao tới trường hay không họ chẳng mấy quan tâm. Nhiều giáo viên coi thời gian dạy học tại bản như giai đoạn đọa đầy. Mỗi cuối tuần từng đoàn giáo viên xuống núi với lỉnh kỉnh đồ đạc và những phẩm vật mua được với giá rẻ như cho của những người dân bản làng.
Hôm chúng tôi tới thăm, cả bản đang chuẩn bị cỗ cưới cho một đôi trai gái trẻ. Cô dâu 15, chú rể 16 tuổi. Với các bản làng vùng cao Tây Bắc, nạn tảo hôn vẫn phổ biến. Chúng tôi hỏi thăm ông bố cô dâu tên con rể, ông bảo không biết: “Chúng đi chơi, làm quen, rồi bắt con gái mình. Hôm nay, nó mang con lợn và con gái mình về xin cưới”. Vậy là xong! Đó là tập tục của người H’Mong. Sau một năm nữa, người con rể sẽ được bố vợ đổi tên theo phong tục sở tại.
Người phụ nữ H’Mong thật khổ. Mười lăm tuổi bị bắt làm vợ, làm mẹ và phải gánh trọn trọng trách kinh tế gia đình. Họ suốt ngày phải ở trên nương, trên rẫy, quán xuyến việc ruộng đồng. Các bé gái ngay từ 10 tuổi đã phải ngày hai buổi lên rừng hái lá, đào măng. Những chiếc gùi trên vai nặng trĩu che khuất những tấm thân gầy còm, lạc vào giữa những nương ngô xanh ngắt.
Cuộc sống vùng cao Tây Bắc là thế. Họ bị tước đoạt tất cả, từ vật chất tới tinh thần. Những người may mắn gặp được đức tin, thì lại gặp thêm trăm ngàn sự thương khó. Với họ, cái đói cái sợ không sợ bằng công an, chính quyền. Họ bị tuyên truyền theo “tà đạo” khiến nhiều người phải bỏ bản mà đi. Trong những chuyến đi vì đức tin như vậy, nhiều người đã phải bỏ xác lại nơi chốn rừng xanh hay tận bên nước bạn Lào xa xôi.
Cuộc sống người dân H’Mong Tây Bắc là vậy. Trước đã vậy, bây giờ vẫn vậy. Vậy mà, ngay tại cửa ngõ vào thành phố Sơn La và khắp dọc con đường vào thành phố, người ta giăng mắc trên các cột đèn những tấm pano mang dòng chữ: “Đảng cho em nụ cười”. Không biết người ta có biết ngượng không khi cố tình giăng lên dòng chữ đó mặc dù họ biết rất rõ, đó là những lời dối trá, mị dân?
Thật tội nghiệp cho những người dân vùng cao Tây Bắc luôn bị kỳ thị, tước đoạt, bị lợi dụng cả nụ cười để tuyên truyền cho một chế độ luôn tự hào là ưu việt.
Đất nước này rồi sẽ ra sao khi cả một hệ thống chính trị cùng toa rập, ủng hộ sự dối trá một cách có hệ thống, đánh lừa dư luận bằng những tấm pano quảng cáo kiểu như: “Đảng cho em nụ cười”?
Có lẽ, sự thiếu quan tâm, tình người xuống cấp trong xã hội Việt Nam hiện nay một phần cũng là do những kiểu tuyên truyền không trung thực, thiếu lương tri, chỉ nhắm làm đẹp cho chế độ mà không nghĩ tới sinh mạng và sự thăng tiến đời sống con người?
Nụ cười nào cho đất nước, cho dân tộc khi sự dối trá tiếp tục lên ngôi?
11/02/2012
Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong Cssr.
Nguồn: Blog Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét