Một cách nhìn phiến diện
Với một nhãn quan hời hợt và phiến diện, người ta có thể cho rằng tín ngưỡng và tự do là hai phạm trù mâu thuẫn. Khi mang một niềm tin tôn giáo thì người ta phải hạn chế sự tự do suy nghĩ của mình để phù hợp với những tín điều của tôn giáo mà mình tin theo. Một số nhà khoa học có tín ngưỡng, khi bàn về Thượng Đế, đời sống sau khi chết v.v... thường cho rằng họ phải để sang một bên trí tuệ của họ, phải hạn chế nó, để dành chỗ cho niềm tin. Một đứa trẻ khi được giáo dục trong một niềm tin tôn giáo, thì được điều kiện hóa để không nghi ngờ, không cãi lại những gì được truyền dạy, hạn chế sự tự do tò mò tìm hiểu về những gì không thuộc niềm tin ấy. Một người trưởng thành có tín ngưỡng thường chỉ lập lại những tin điều mà họ kế thừa từ gia đình và cộng đồng tôn giáo hay dân tộc của họ, thay vì phát biểu những gì họ tự do suy nghĩ ra. Trong điều kiện ấy, đòi hỏi « tự do tín ngưỡng » có một vẻ gì không ổn !
Tin và Nghi
Tuy nhiên, đi sâu vào vấn đề hơn một chút, chúng ta có thể nhận xét rằng : sự tự do của tôi chỉ thực sự hiện hữu khi tôi được tự do tin vào một tín ngưỡng, dù cho đó là một niềm tin mù quáng. Lý do vì tin hay không tin là một sự chọn lựa, đòi hỏi tự do. Khi chọn « tin » vào một giáo điều, thì tôi phải đẩy lùi sự nghi ngờ vào tiềm thức, rồi vận dụng năng lượng tâm thần, cộng với sức mạnh của tập quán, giáo dục ... mà kìm chặt sự nghi ngờ trong đó, không cho nó phát tiết ra ngoài. Niềm tin càng lớn, thì nỗi nghi ngờ cũng càng quan trọng, và năng lượng được dùng để kềm chế nó lại càng cao. « Quản lý » cặp mâu thuẫn nghi ngờ với niềm tin như thế, chính là một hoạt động tâm thần đặt căn bản trên tự do.
Sở dĩ « tin » và « nghi » ràng buộc mật thiết với nhau như vừa nói, là vì chúng ta chỉ « tin » những gì chúng ta có thể nghi ngờ. Tôi không « tin » vào tách trà trước mặt tôi, hay cái ghế tôi đang ngồi trên đó, hay một cộng một bằng hai. Niềm tin chỉ áp dụng cho những gì không kiểm chứng được, những gì có thể được biện minh bằng những lý luận tương đương với những lý luận dùng để phủ định nó. Tức là trong căn bản, tôi tin vào những gì tôi có thể nghi ngờ, như Thiên Chúa, Phật tính, đời sống sau khi chết, luân hồi, hồn, vía v.v...
Biết và Hiểu
Tin và nghi còn ràng buộc mật thiết với nhau vì một lý do khác. Chúng ta BIẾT sự vật qua những hiện tượng mà chúng ta cảm nhận được. Tuy nhiên, những điều ấy không cho phép chúng ta HIỂU sự vật. Để hiểu, chúng ta cần diễn dịch các hiện tượng cảm nhận được, qua lăng kính của một số giả thuyết được hệ thống hóa, để chúng trở thành một câu chuyện mạch lạc. Thí dụ tôi bước vào nhà một người bạn và thấy một hòn đá đen đặt trên bàn làm việc của anh ta. Hiện tượng thấy một hòn đá không cho phép tôi hiểu vì sao nó có mặt ở đó. Tôi có thể xây dựng những giả thuyết, những câu chuyện giúp tôi trả lời câu hỏi ấy. Tôi có thể hình dung giả thuyết một ngày ngày nọ, anh ta dạo chơi trên một bãi biển với người yêu. Hòn đá đen ấy là đặc điểm của bãi biển này và anh ta đã giữ nó làm kỷ niệm, để nó trên bàn làm việc để luôn ghi nhớ. Có thể đâu đó, tôi đã nhìn thấy hình ảnh của bãi biển « đá đen » này ? Giả thuyết được đặt ra cần được kiểm chứng, hay bị phủ định. Trong một số trường hợp nó không được kiểm chứng, cũng không bị phủ định. Tôi phải chọn một trong hai thái độ : chấp nhận hay phủ nhận. Thiên Chúa, Phật tính, đời sống sau khi chết, luân hồi ... nằm trong các trường hợp này. Chấp nhận hay phủ nhận đều mở ra cho tôi một chân trời suy tư phong phú. Chọn lựa ấy chính là sự tự do của tôi, là nền tảng của nhân tính trong tôi.
Sự phủ định làm tăng giá trị của Niềm Tin
Chọn lựa sự phủ nhận cũng lại là dồn nén vào trong tiềm thức giả thuyết ngược lại, tức sự chấp nhận. Khi phủ nhận sự hiện hữu của một « nguyên nhân đầu tiên » (primum movens) gọi là Thiên Chúa, thì tôi buộc phải không ngừng xây dựng quan điểm « vô thần » của tôi trên giả thuyết « Thiên Chúa », dù là để phủ nhận nó. Tôi sẽ phải tự nhủ rằng : với mô hình này sẽ tôi không cần đến giả thuyết Thiên Chúa nữa, với cách nhìn kia Thiên Chúa bị loại bỏ v.v... Tức là Thiên Chúa sẽ hiện hữu một cách rất mạnh mẽ trong tư tưởng của tôi. Một khi tuyên dương « Thiên Chúa đã chết », Nietzsche buộc phải luôn luôn thay thế khái niệm Thiên Chúa bằng một khái niệm khác, đồng thời biện minh rằng cái « khái niệm khác » ấy không phải là Thiên Chúa !
Thêm vào đó, sự công bố Thiên Chúa đã chết, tức không hiện hữu, càng đem lại ý nghĩa cho niềm tin vào Thiên Chúa. Như đã nói ở trên, bạn chỉ « tin » khi điều bạn tin có thể không hiện hữu. Sự không hiện hữu ấy càng được tuyên dương mạnh mẽ thì niềm tin của bạn lại càng có ý nghĩa ! Nó sẽ càng là một sự chọn lựa dũng cảm, vận dụng toàn thể sự tự do của con người bạn, chứ không chỉ là một tập quán. Augustin nói : "tôi TIN vì điều ấy vô lý" (je crois parce que c'est absurde), chính là ý ấy.
Phi Hữu phi Vô
Trong nhiều trường hợp chúng ta cũng có thể chọn một cách nhìn lý thú là không chấp nhận cũng không phủ định. Một mặt, với ý thức rằng chấp nhận hay phủ định đều dựa trên những lập luận dễ dàng bị bác bỏ, tôi không chọn thái độ nào cả. Mặt khác, tôi ý thức sự hiện hữu của các thành tố cấu thành một niềm tin, những hệ lụy nội tại của chúng, những nguồn cội tâm lý, những lý do thực dụng đã khiến con người ở một thời điểm, trong một số hoàn cảnh, môi trường thiên nhiên, xã hội, lịch sử v.v... đã khởi sinh ra chúng, cho nên tôi không cảm thấy cần thiết phải biện minh hay phủ định chúng. Tôi chỉ « hiểu » và cảm thông với những người đã hình dung và truyền thừa những giả thuyết đã trở thành tín ngưỡng ấy. Sự gắn bó cũng như bài bác chúng, đối với tôi, trở thành vô nghĩa. Ngược lại, những tín ngưỡng kia, vì đã được hình thành từ những lý do thực dụng, hoàn toàn có thể được chọn lựa và sử dụng cho những mục tiêu thực tế, đem lại lợi ích cho người khác, mỗi khi có thể. Thí dụ khi giúp một người sắp qua đời, thái độ thích hợp không phải là thuyết giảng cho họ nghe những tin tưởng của mình về sự chết, về đời sống sau khi chết, về luân hồi, thên đường, hỏa ngục, cõi tịnh độ, hay « chết là hết ». Ngược lại, thái độ thích hợp là lắng nghe, để tùy theo niềm tin của người hấp hối mà nương theo đó đem lại bình an cho tâm hồn họ. Niềm tin của riêng mình, vào lúc ấy, hoàn toàn vô ích. Điều quan trong là dòng tư tưởng và cảm xúc của người sắp lìa đời. Làm sao cho nó nhẹ nhàng trôi chảy vào một mặt hồ an tĩnh, bình yên ...
Thập Diện Quan Âm
Thái độ như trên có phải là trốn chạy vấn đề hay không ? Theo tôi, đó là một sự tinh tẩy tâm hồn. Những « niềm tin » chỉ đem lại tranh cãi, phiền phức, vẫn đục tâm thức. Để cho tâm hồn thoải mái, không gì bằng chọn xây dựng những suy tư và cảm xúc của mình trên những gì gần với thực tại nhất. Mà không gì gắn liền với thực tại bằng những điều tôi cảm thấy ngay bây giờ và tại đây. Không thực tại nào vững chắc bằng hiện tại. Tôi cảm nhận nó, có thể kiểm chứng và điều chỉnh nó ngay lập tức. Quá khứ là những hiện tượng được truyền đến hiện tại qua lăng kính của trí nhớ, được gò nắn bởi những thảo trình tâm lý phức tạp. « Thực tại » của quá khứ là một « thực tại tâm lý ». Giá trị của nó là những gì tâm tôi hiện đang nghĩ và cảm thấy về nó vào lúc này, trong giây phút hiện tại. Tương lai thì là một dự phóng, được xây dựng trên quá khứ và hiện tại, và cũng được gò nắn bởi những thảo trình tâm lý. Giá trị của nó cũng chỉ là những gì tôi cảm thấy về nó trong hiện tại. Tức là những « niềm tin » được truyền đến từ quá khứ, và quy định một dự phóng về tương lai, kể cả tương lai sau khi chết, đều chỉ đáng được bàn đến dưới khía cạnh « tôi nghĩ gì về chúng » vào lúc này. Và dù cho « tôi nghĩ gì về chúng » đi nữa, thì chúng cũng đều đem lại cho tôi những tư lự, nghi vấn, lo lắng, mà tôi không thể có phương cách nào để gạt bỏ đi một cách chắc chắn (vì bản chất của « niềm tin » là không thể phủ nhận hay chứng minh, là gắn liền với nghi ngờ). Như thế, tôi bỏ lỡ mất rất nhiều món quà mà cuộc sống gửi đến cho tôi ngay trong lúc này (trong tiếng Anh "present" cũng có nghĩa là "món quà"). Tôi đã từ chối một hiện tại với nhiều thực tính, để mang vào trong tâm những phiền não trừu tượng khó loại trừ ...
Như thế, tập trung vào hiện tại, lúc này và bây giờ, giảm bớt những ảnh hưởng của quá khứ và những ước vọng cho tương lai, cho phép mỗi người chúng ta cảm nhận cuộc sống một cách rõ ràng hơn, sống một cách đầy đủ hơn, trong mỗi giây phút. Tâm hồn sẽ cởi mở, thoải mái hơn, sẵn sàng đón nhận những quan điểm đối nghịch, mà không cần tin theo cũng như phủ định. Trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, một tâm hồn như thế có khả năng sử dụng bất cứ niềm tin hay tín ngưỡng nào, nếu thấy cần thiết cho sự phúc lợi của người khác.
Họ như những vị thần với nhiều cái đầu để tùy nghi suy tư lý luận theo nhiều cách, và nhiều cánh tay để sẵn sàng trợ giúp tha nhân. Họ cũng chính là những tâm hồn thực sự TỰ DO !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét