Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

“ĐI CHỢ”

Việt Nhân  Dễ có hơn mười ngày tôi không vượt sông kể từ hôm nước lớn lần rồi, và kinh nghiệm cho tôi biết, nước dâng ngập bờ tre, thì chỉ khoảng tuần sau thì sẻ có măng, như vậy nếu sang được bờ bên kia lúc này tôi sẻ kiếm được khá, nếu gặp may có thể gấp đôi mọi lần. Ngay sát bờ sông số bụi tre không nhiều, tuy tin là “nhất ẩm nhất trác giai do tiền định”, nhưng cũng phải nhanh tay kẻo dân đi cấy có người ra tay trước - Thời xã nghĩa miếng ăn quí như vàng lá, dân còn đói thì lấy đâu ra cho tù.

Dịp may đã đến, hôm nay cuối tuần quản giáo giao cho đội trưởng đo chỉ tiêu trọn ngày, cuốc vồng lang mỗi người một trăm thước, và vì có chủ đích sẽ vượt sông “đi chợ”, cho ngày mai chủ nhật cải thiện. Tôi cố làm dứt ba phần tư chỉ tiêu trong nội buổi sáng, chiều đến chỉ khoảng hơn tiếng là tôi xong, gởi cuốc nhờ bạn cất tôi bươn chạy về hướng bờ sông tới chổ dấu liềm, bới lên dắt vào lưng, rồi phóng mình xuống dòng nước, thả trôi về bên kia bờ.

Giáp sát biên giới Lào, nên thoảng vùng này vẫn thường nhận những cơn gió lào nóng rát mặt thổi qua, nhưng hôm nay mây thật thấp, bước từ dưới nước lên nghe lành lạnh, trời đã trở gió. Đúng như tôi nghĩ, chỉ mới khoảng non nửa giờ, tôi đã có gần hai chục mục măng non khá ngon, thấy măng lú lên khỏi mặt đất thì ham thật, nhưng liệu bề không còn đủ thời gian đành thôi không dám xắn nữa, vả tham quá gặp nước lớn sẽ khó bơi về - Phải quay trở lại bờ sông thôi, lại còn phải lột vỏ măng.
Nhìn sang bờ bên kia sông phía nhà lô, anh em có người vẫn còn đang cuốc, hôm nay trời đột nhiên âm u cùng gió thổi mạnh, tôi về trại này được hơn năm nên biết những lúc như thế là trời sắp mưa. Thời tiết ở đây vẫn thường thế, hễ mà nước dâng cao thì thường kèm theo gió mạnh về chiều, và lần này trời lại đầy mây xám chắc chắn sẽ có mưa.


Trở lại bờ sông, bụi tre bên đường mòn khi nãy cách mép nước cả thước, nay nước lấp xấp phủ kín cả lối đi, con nước đang lên, một người dân tộc ngồi xổm bên bụi tre tự bao giờ, cái điếu cày cầm tay. Nhìn mặt sông trong cơn gió như tạo thêm sóng, tôi lột chiếc nón vải tự may xuống, moi từ trong nón ra gói thuốc lào nhỏ vê lấy một bi, rồi như thể mời thuốc, tôi cười và chìa gói thuốc về phía anh.

Anh gật gật đầu nhận gói thuốc, đồng thời trao tôi chiếc điếu - Ở vùng này chúng tôi vẫn thường gặp những anh em người dân tộc, họ ít nói giọng hơi nặng và khó nghe, bề ngoài là như thế nhưng thật ra họ thân thiện hơn ta nghĩ - Lấy từ túi áo ra một mẩu đóm dỡ cùng cái quẹt nhôm, đốt đóm cho tôi, và chờ tôi nhả khói xong anh hỏi -Anh là sĩ quan Ngụy?.

Trong cái vội, vừa lột măng vừa nhìn trời, tôi chỉ ừ hử trả lời anh - Thấy thế với con dao quắm anh phụ lột măng với tôi, xong vạt nhẹ vào thân cây tre tách lấy một sợi lạt, anh xâu những mục măng lại với nhau. Mây xám thật thấp, trời đang chuyển mưa, từng cơn gió mạnh thổi thốc tới, giờ là lúc phải vượt sông trở về bờ bên kia càng sớm càng tốt, nhìn trời tôi vội chào anh, và đưa cho anh chổ thuốc lào còn lại như thể cám ơn anh.

Lúc tôi tới được bờ bên này sông, cũng vừa lúc mưa bắt đầu lớn - Vài mục măng dại mươi con cua đồng, tuy không là cái gì lớn lao nhưng trong cảnh tù tội thì nó đôi phần giúp chúng tôi vượt qua cái đói triền miên. Thời gian này tôi ăn chung với anh Ba, tù chúng tôi thường kết bạn ăn chung, khi thì chỉ hai người tù nghèo với nhau, khá hơn thì năm ba người dư giả có thăm nuôi. Sự kết hợp này mang mỗi một ước mong là xóa bớt đi cái nỗi lẽ loi, ăn chung sinh hoạt chung, chia sẻ nhau tuy chỉ là con ốc ngọn rau, kiếm được ngoài bờ mương con suối, nhưng khiến ta vơi bớt đi những phiền muộn luôn đeo nặng đời tù.

Hơn ai hết tù chúng tôi nghiệm, cái cô đơn và nỗi buồn khiến tinh thần xuống rất nhanh, và ý chí suy sụp đưa đến cái chết của thể xác không mấy xa, vả mấy ai không cần bạn, trên đường đời càng gian nan khốn khó bao nhiêu, càng cần bạn đồng hành bấy nhiều. Anh Ba trước đây là một chi khu phó một quận của tỉnh Long An, tuy anh không gặp khó như tôi, nhưng anh cũng không phải tù giàu, anh thương tôi như em, và có ý mong chia sẻ cùng tôi, chuyện này thật khó nghĩ, tôi thì không có gì, còn anh thỉnh thoảng có quà, tuy không nhiều nhưng cũng gọi là có.

Từ khi ăn chung cùng anh, tôi ra sức cải thiện thêm đôi chút để gọi là có phần góp, hôm thì măng dại, bữa thì cua đồng, cũng có lúc rau dịu rau sam, nói chung là gặp gì tôi quơ nấy. Một lần tôi đem về hơn hai mươi con dế cơm, loại dế to bắng ngón tay, mà tôi có được do lũ choai choai xóm Giếng, trả công tôi đã hát nhạc vàng cho chúng nghe - Đào được một con dế biết bao là công sức, mà chi ra một lúc từng ấy, chứng tỏ chúng mê nhạc vàng đến là dường nào.

Chúng chuyền tay nhau cái nón vải của tôi, từng con dế đã bẻ chân, được chúng cẩn thận đặt vào lòng nón, hôm đó chúng còn hào sảng “bồi dưỡng” cho tôi thêm dăm con. Và cũng từ đó trong mắt chúng, tôi là một cái gì chúng mến chúng muốn gần, chúng mong được làm “bạn” với tôi, còn tôi cũng biết lũ trẻ thích tôi hát, nên thường hát “chùa” đãi chúng những bản tình ca miền Nam mỗi khi có dịp. Thật xúc động có lần bị ốm, vắng không đi làm ít hôm chúng vào tận nhà lô tìm, lần đó tên quản giáo hăm nhờ chủ tịch xã, kỷ luật chúng về tội quan hệ với tù.

Anh Ba lớn hơn tôi mươi tuổi, anh tỏ ra khá ái ngại khi thấy tôi bươn trải để kiếm thêm cái ăn, nhất là bơi vượt sông Hiếu để bắt cua đồng, những hôm nước lớn chảy mạnh, khiến tôi phải đi ngược lên phía trên thật xa, rồi theo dòng nước bơi chéo về bờ bên đây, cua hay măng tôi cột quanh bụng như ngày nào lính mình mang dây TAB cùng đạn dược khi hành quân. Anh thường nói kiếm cái ăn quanh bên này thôi, đừng vượt sông nguy hiểm lắm, chuyện nguy hiểm tôi biết, bơi qua sông tôi cũng có muốn đâu, nhưng chỉ còn có cái cải thiện ở bờ sông bên kia, bên này anh em trong đội “đi chợ” hằng ngày nên mọi thứ cạn kiệt, chỉ còn lại mỗi cỏ mà thôi.

Ngoài ra do anh em cũng ngại vượt sông, nên tôi chỉ cần qua được bên ấy là có cái ăn, chuyện ngại vượt sông của mọi người, nó cũng có lý do của nó, theo qui định của đội, chúng tôi chỉ được phép đi tìm cái cải thiện, khi đã hoàn tất chỉ tiêu lao động được giao mà thôi, mà lúc đó thì sức đã cạn, thời gian còn lại quá ít, không đủ thì giờ để mà vượt sông. Riêng tôi có lần vì quá vội, cái khăn bao cát cùng bịch cua cột không chặt, ra giửa dòng nước xoáy mạnh cuốn mất, đúng là mất cả chì lẫn chài, mất cua về tay không thì không tiếc, mà chỉ tiếc vì mất cái khăn.

Anh em tù chúng tôi trong nhà tù cộng sản, có hai vật gắn liền với việc sinh hoạt, đó là cái lon guigoz và cái khăn bao cát, chúng tôi quí chúng lắm, lon guigoz thì đựng nước uống cùng nấu nướng cải thiện linh tinh. Còn khăn bao cát, tức là bao cát ngày xưa lính ta đắp công sự chiến đấu, nay tù mình lấy làm khăn, cái tốt của nó ở chổ sáng sớm quấn cổ rất ấm, trưa về làm khăn tắm rửa vừa bền mà lại vừa mau khô. Thoạt đầu những năm 78 -79 những chiếc khăn bao cát này cùng cái lon guigoz chúng đến với tù theo những gói bưu kiện 3kg thân nhân gởi theo bưu điện mà tù được nhận mỗi năm đôi lần – Anh nào không quà cáp thăm nuôi thì cũng có thể tậu cho mình dễ dàng qua đổi chác linh tinh, với vài ba xuất ăn trại là có thể có mà dùng.

Hàng tuần vào ngày chủ nhât, theo qui định trại, cho phép anh em tù nào có đồ ăn thăm nuôi, được phép nấu nướng thức ăn nhà để cải thiện thêm. Bải nấu là khoảng sân trống sát bở tường ngăn hai khu. Xã hội nào cũng có sự cách biệt, và trong tập thể anh em tù miền nam, cũng có kẻ nghèo người giàu, nghèo giàu đây nghĩa là gia đình thăm nuôi nhiều hay ít, có hay không. Vào thời diểm năm 79-80 tuy trại CT-3 này, là vẫn còn khá xa xôi cho chuyện đi thăm nuôi từ miền nam, nhưng dầu sao nó vẫn gần hơn Lào Cai Yên Báy nhiều, nên cũng có một số gia đình anh em còn khá giả, tiếp tế đôi ba tháng một lần cho người thân. Và cũng bắt đầu từ đây, có vài trường hợp anh em cá biệt, không còn phải đụng đến khẩu phần ăn do trại nữa, mà kín đáo nhường xuất ăn của mình cho một anh bạn tù nghèo nào đó.

Trở lại chuyên nấu nướng linh tinh ngày chủ nhật trong trại, anh Ba lợi dụng sự cho phép này, với những mục măng hay cua còng tôi mang về, anh nấu cho hai đứa thêm miếng ăn trong tuần, những gì anh nấu tôi ăn rất ngon. Thấy tôi luôn khen không biết vì ngon thật hay vì quá đói, mà sau này trong những gói quà, anh luôn xin nhà chủ yếu là gửi mắm ruốc xào cùng gia vị, không ngoài mục đích để hai anh em cải thiện thêm những thứ linh tinh kiếm được.

Trong giây phút này bổng nhớ đến anh vô cùng, đời tù lưu lạc hết trại này qua trại khác, anh em hợp rồi tan, không biết anh bây giờ ở đâu còn hay mất - Trong tôi hình ảnh của anh luôn là hình ảnh đẹp, một người đàn anh đáng kính, không phải tôi mến anh vì tình thương anh dành cho tôi, mà vì con người thật của anh, tư cách của anh. Tôi không phủ nhận sự thật, là trong hàng ngũ của mình, có ít anh em yếu đuối đã làm những chuyện tác tệ, hoặc tư cách không được sáng lắm, đã làm tập thể không vui. Nhưng phải nói hầu hết anh em vào tù tay đã phải bốc phân bẫn, nhưng quyết không để danh dự và tư cách bị lấm dơ.

Cả một thế hệ, số phận anh em chúng tôi luôn mang cái kết buồn, ngày nào còn khoác áo lính, đã buồn không ít khi chia tay hay đau lòng lúc có đứa nằm xuống. Thuở đó đời lính rày đây mai đó, lại thêm luôn quay cuồng trong lửa đan, thì chuyện chết chóc chia tay là bắt buộc – Đến khi phải kiếp thân tù cũng chẳng khác gì, gặp lúc biên chế hay dời trại cũng thế, anh em lại mỗi đứa lưu lạc một phương.

Việt Nhân (HNPĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét