Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Tạm bợ đời thợ: Muôn gánh trĩu vai

( Tạm Bợ Đời Thợ: Câu chuyện công nhân thời Xã Nghĩa phần cuối )

SGTT.VN - Những miếng ăn tồi tàn, nơi ngủ chật chội, dơ bẩn cứ dài triền miên với những thân phận làm thợ. Bởi, trên đôi vai, trên tấm lưng mỗi người đều mang những gánh nặng, cả về thể xác lẫn tinh thần, không từ một ai. Có thể, những đầu tàu ấy không nghĩ đến hàng loạt mỹ từ “bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ”, đơn giản, họ chỉ sống và gồng mình theo những gì kiếp làm người đã mách bảo. 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bữa trưa của Tráng, cơm trộn cải chua xào với vài miếng mỡ băm nhuyễn: những bữa ăn thường thấy của đời thợ.

Dè phần máu mủ

Cứ vài ngày, Tráng lại kính cẩn lau bức tranh đức Phật, lớn bằng khổ giấy A3 dán trên tường. “Em đi thỉnh ở chùa về đấy”, Tráng khoe. Bốn năm trước, người mẹ của Tráng đột nhiên đổ bệnh nặng, bệnh thần kinh. Chạy chữa khắp nơi, nhưng không hết, vài năm nay, cả nhà đưa bà về Mỹ Tho, gửi vào một cơ sở để chữa bệnh. Hai người chị gái lấy chồng ở quê cũng nghèo kiết xác, cục nợ bệnh tật đè nặng tấm lưng cha con Tráng. Người cha đã 60 tuổi, bỏ mảnh vườn, cho con rể làm đám ruộng, xuống Sài Gòn đứng canh bàn bida mướn. Căn nhà ở quê bây giờ lạnh hơi người, chỉ còn đứa út thui thủi ra vào trông nom. Hàng tháng, lãnh được bao nhiêu tiền, sau khi trả miếng ăn, nơi ở, Tráng lại chuyển toàn bộ cho người cha.

“Cộng với lương của ba, ổng vừa gửi cho mẹ, cho út và trả nợ”, Tráng kể. Đã 25 tuổi, ít nhất bảy năm tự kiếm tiền, nhưng chàng thanh niên này không hề để dành một đồng riêng nào cho mình, ngay như chiếc xe máy cà tàng, tài sản duy nhất, người cha cũng mua cho. Mỗi đêm trước khi ngủ, đều đặn và lặng lẽ, Tráng lại đứng nghiêm, cúi đầu dưới bức tranh. “Em nhớ mẹ”, Tráng quay sang tôi rưng rưng. Dù chỉ là những lời câm lặng, nhưng kẻ thành tâm kia đang cầu khẩn điều tốt đẹp nhất đến với người mẹ, và chắc chắn chẳng hề có một câu ước nào cho mình.


Mỗi khi nhắc đến người chồng xấu số, bà Thành lại kín đáo dụi mắt, giọng kể bây giờ chùng xuống, rời rạc chỉ đủ cho người bên cạnh nghe, khác hẳn với khi bà kể về những đứa con. Nhiều năm trước, không vượt nổi cơn bạo bệnh, người chồng nhắm mắt xuôi tay, bỏ lại người thiếu phụ chưa đầy 40 tuổi và bốn đứa con dại. Cái gia đình đương nồng ấm bỗng xẻ thành bốn phần. Đứa con đầu bỏ học, về Vũng Tàu làm thợ, bà gửi lại đứa út cho ngoại, xuống đây làm công nhân. Hàng tháng, tiền để dành của hai mẹ con gửi xuống Sài Gòn cho hai đứa giữa đang học đại học và cao đẳng. “Chỉ ít năm nữa, tụi nó đi làm là chị khoẻ, không làm công nhân nữa”, bà Thành khoe với mọi người. Trong cái xưởng chật hẹp này, cũng tận cùng bể khổ như bà Ba, bà Trang… tổ ấm chia lìa, chắt chiu cho con cái, nhưng bà Thành còn chỗ để bấu víu, nương tựa, cho dù chỉ là trong trí tưởng. Đó là những đứa con được đi học, “chúng học giỏi và ngoan lắm” trong ánh mắt của bà. Và có lẽ, chính cái viễn cảnh xán lạn khi chúng ra trường, có việc làm và thành đạt ở trong những câu chuyện bà kể, vừa thật vừa ảo, làm mẩu cá khô trong bao bữa ăn cầm hơi của bà bớt mặn chát, miếng cơm khô dễ chui xuống bụng.



 

Chiếc xe Trung Quốc cà tàng, tài sản hiếm hoi và quý nhất của công nhân.

Tháng ngày đơn độc
Tết vừa rồi, sau khi chuyện cái thai trong bụng loang ra đến ngoài quê, Hoa Định không dám vác mặt về. “Thế lại đỡ, em để dành tiền sinh con”, cô nói vui. Phận đi làm xa, mỗi lần về thăm nhà, coi như cả năm trời làm không công. Thành thử, phải hai năm, Hoa Định mới dám về Bắc một lần. Cô nhớ mùa tết năm 2010, chỉ riêng hai cái vé xe ra vô, đã mất 4 triệu đồng, quà bánh thăm hỏi, tiền góp nuôi cha mẹ, cho đứa em, đứa cháu… tổng cộng gần 20 triệu đồng, thế là đi tong một năm tích cóp. Nhưng, chuyện đã qua không buồn bằng chuyện ngày mai, khi đứa bé trong bụng chào đời. Không chồng, không ngoại bên cạnh vì người mẹ đẻ đã tuyên bố từ con sau lúc giọt máu lớn lên trong bụng, chắc chắn đứa trẻ mới bốn tháng tuổi khát sữa ấy sẽ phải vạ vật đâu đó khi mẹ nó tăng ca đến 8 giờ 30 tối. Một viễn cảnh nữa, mẹ làm được bao nhiêu, tiền trông trẻ, tiền sữa, tiền bệnh… sẽ nuốt hết. Nhìn người bạn đồng lứa, Diễm An, Hoa Định so bì: “Chị ấy có phước, gửi con cho ngoại nuôi”.

Chục năm trước, Diễm An cũng bụng mang, dạ chửa như Hoa Định bây giờ, người mẹ cô đã mở rộng vòng tay đón cháu, bà làm mẹ thay con. Cả khi cô nằm giữa lằn ranh sinh – tử hồi năm ngoái, bà cũng lặn lội lên đây đút cơm, thay tã cho con nửa năm trời. Cho dù cái trách nhiệm đỡ đần cha mẹ, nuôi con vẫn nặng trên đôi vai Diễm An như bao người khác, nhưng ở phía quê xa xăm, cô vẫn còn niềm an ủi. Diễm An kể, lâu lâu không thấy con về, người mẹ lại đón xe đò, vượt ngoài 300km lên thăm, nấu từng miếng cơm, giặt từng bộ đồ, chăm bẵm đứa con gần 40 tuổi như đứa trẻ.

Trong gần 200 thân phận ở hai xưởng gỗ, bói mãi mà chẳng thấy mấy niềm vui, từ những cô cậu chừng mười tám đôi mươi, vẫn chòng ghẹo nhau suốt buổi, đến người bảo vệ hay người lái xe đã bạc đầu. Những đồng tiền dành dụm không để vào đồ vật quanh mình mà cứ bị hút đi đâu đâu: nơi có gia đình, máu mủ, những bậc sinh thành, đứa em, đứa con đang thiếu hụt đủ thứ, kể cả tình thương.

Hội nhập bằng đầu trần chân đất
Trong xấp hồ sơ xin việc ngày trước, thỉnh thoảng lại thấy nơi góc chữ ký của người xin việc như ông Danh, bà Quyền… được thay bằng dấu lăn tay, họ mù chữ. Trong số ấy có Huỳnh Văn Phèn, cái tên khiến người nghe liên tưởng ngay đến một thanh niên nông dân chính hiệu. Chàng trai trẻ mới 23 tuổi này bước lên thành thị, gia nhập đời công nhân chưa đầy một năm, sau khi mảnh ruộng của cha mẹ ở một tỉnh cuối cùng miền Tây bị thu hồi để xây khu công nghiệp. Trên mặt nụ cười thân thiện, dưới chân móng còn xỉn màu, giọng nói hơi cà lăm, Phèn là người hiếm hoi chưa có bồ, có lẽ vì vóc dáng. Khổ nhất mỗi lần lãnh lương, vì công ty trả qua thẻ ATM nên Phèn phải đi nhờ người rút tiền hộ, dù cứ đến mỗi kỳ lương, người quản lý lại cầm tay hướng dẫn.

Một tối không tăng ca, ông Danh đội mưa cầm gần 2 triệu đồng đi mua điện thoại di động, những hai chiếc của Trung Quốc: một cho mình, một cho vợ – bà Quyền. Sáng sớm hôm sau, ông mang lên xưởng nhờ người dạy cách sử dụng. Mất ba buổi sáng và hai buổi trưa, ông Danh vẫn chưa thuộc cách bấm mở – tắt bàn phím. Quả thật, hy vọng biết bấm số gọi – nghe của ông khó vạn lần, khó như cái buổi liên hoan ở công ty sau đó: ông cầm micro lên rồi lại lắc đầu bước xuống vì “tiếng nhạc trong karaoke không giống bài vọng cổ Lòng mẹ thường ca”. Ông không đọc được chữ hiện lên.

Mới ngoài 40 tuổi, ông đã ngồi sui hai lần nên phòng trọ 10m2 bây giờ chỉ còn ba người, hai vợ chồng và đứa con gái mười tuổi, không tính cái thai trong bụng bà Quyền. Hai cô con gái lớn đẹp như hoa, gả chồng khi chưa đầy 20 tuổi cũng trọ sát vách, tất cả làm công nhân. Bốn tháng trước, khi lên chức “ông ngoại”, ông xin nghỉ hai ngày về Bạc Liêu đón mẹ vợ ngoài 70 tuổi lên đây trông cháu. So với bao gia đình, vợ – chồng, mẹ – con phải ly tán, ông là người hạnh phúc khi bốn thế hệ quây quần khu trọ, chưa kể đám cháu ruột, em ruột. Coi như yên lòng khi vào mỗi tối cuối tuần, bữa cơm dọn ra có đủ con cháu và chai rượu đế để hai vợ chồng đối ẩm. Chỉ tiếc một điều, cô con gái mười tuổi không còn đi học nữa vì “không ai đưa đón”.

* * *
Hôm chia tay đời thợ, bước ra quốc lộ, kẻ đi bỗng choáng ngợp khi nhìn xe cộ xuôi ngược, màu sắc ồn ào, như rơi một thế giới khác, trái ngược với những gì vẫn lặng lẽ, âm thầm trong đời thợ, dù đường chỉ cách xưởng chưa đầy cây số. Vẫn biết làm kiếp người phải trả giá cho những được mất, lo toan, nhưng cái tạm bợ, lầm than kia thật chẳng đành lòng.
bài và ảnh: Vĩnh Hoà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét