Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

ĐỊA CHỦ CÓ ÁC KHÔNG ?


Võ Hưng Thanh 

                           


Cái gốc khách quan của con người là bản năng tự nhiên, hay nói cụ thể là bản năng sinh vật, tức bản năng sinh học. Chính nhờ giáo dục, văn hóa, văn minh mà con người tách dần bản năng tự nhiên để thành con người có nhân cách, có hiểu biết, có ý thức, có lý trí, có tình cảm cao quý, trong sáng. Chính giáo dục và sự phát triển di truyền thuận lý, đi lên, hướng thượng, qua nhiều thế hệ, biến con người càng ngày càng tốt hơn. Ngược lại khi giáo dục yếu kém, di truyền hướng nghịch, con người càng đi gần lại với tính ác, tính xấu, tính hoang dã nhiều hơn. Đó là ý nghĩa và vai trò của giáo dục cũng như mặt phát triển lịch sử đi lên hay đi xuống đối với cá nhân và xã hội. Cho nên ác hay không là tùy bản chất tự nhiên, điều kiện xã hội, môi trường của cá nhân, không nhất thiết là yếu tố giai cấp.

Bà Nguyễn Thị Năm, tuy thuộc thành phần có của, địa chủ, nhưng lại là người có tâm và có tình là như thế. Có tâm cứu giúp người khác trong hoạn nạn, ngặt nghèo, có tình với xã hội, với đất nươc. Bà bỏ ra cả trăm lượng vàng mà không tiếc của là như thế. Thế nhưng học thuyết đấu tranh giai cấp của Các Mác là học thuyết cuồng tín dựa trên niềm tin triết học vu vơ về biện chứng của lịch sử của Hegel đề ra. Đó là điều mà Mác gọi cách nhảm nhí là “quy luật khoa học khách quan”. Bởi vậy Mác không hề lưu tâm tới đạo đức truyền thống của loài người mà ông cho là đạo đức tư sản. Đối với Mác chỉ có đạo đức duy nhất là “đạo đức cách mạng”, tức đi đúng “quy luật” có tính “khách quan” để nhằm “giải phóng” xã hội. Mao Trạch Đông là một trong những đầu óc theo kiểu quan niệm thời cơ và khốc liệt này, nên chính cái ác của Mao đối với giai cấp giàu có hay tư sản của Trung Quốc chính là như thế. Điều này từ cơ bản đã được truyền thụ qua VN theo quan điểm của chủ nghĩa Mao ít, nên mọi hệ lụy của nó như đấu tranh giai cấp, triết hạ tư sản, kể từ 1954 đến cả sau 1975 như là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Đó chính là cái yếu trong sự hiểu biết, trong sự nhận thức của nhiều người VN trước áp lực của quan điểm giai cấp đấu tranh theo cách Stalin nít và theo cách Mao ít lúc đó.

Bà Nguyễn Thị Năm cũng như rất nhiều người tốt bụng và lương thiện đã phải chịu ngược đãi và chết oan tức trong giai đoạn nghiệt ngã và dã man đó chính là như vậy. Bởi người ta được dạy một cách sai lầm và máy móc là cứ giai cấp địa chủ thì đều ác, bất chấp thực chất từng cá nhân con người cụ thể như thế nào. Nên cái ác ở đây từ địa chủ nó thực tế đã được chuyển qua cho một số người vô sản hay nhân danh giai cấp vô sản. Đành ra để tích lũy tài sản, cũng có một số kẻ giàu có hay địa chủ có dùng những thủ đoạn gian dối, chèn ép nông dân hay người nghèo. Nhưng đó là cái ác của từng người cụ thể mà bị sự gian ác của những người khác lại quy chụp cho như đó là tội ác của giai cấp.

 Điều khôi hài ở đây là giả sử có sự thay đổi vị trí, tay vô sản hay nông dân có bản chất gian ác kia, ngay từ đâu được hoàn cảnh đặt vào vị trí của tay địa chủ nọ, cũng chưa biết ai đã ác ôn, tàn ác hơn ai. Tính khôi hài của những con người liên quan và những hoàn cảnh cuộc đời liên quan chính là như thế. Mọi sự thương tiếc bà Nguyễn Thị Năm cũng giống như bao nhiêu người khác cùng cảnh ngộ éo le về thời cuộc xã hội như bà, quả thật ngày nay đều hết sức cay đắng mà cũng chẳng thể vớt vát gì cho họ được nữa. Mọi nguyên nhân đáng tiếc của nó thì như trên ai cũng đã thấy rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét